Bài viết của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên cho tạp chí La Gazette Diplomatique (Bỉ)
Bài viết của Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên
đăng trên tạp chí La Gazette Diplomatique của Bỉ số tháng 3/2004
--------------*--------------
Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh tàn khốc để bảo vệ nền độc lập dân tộc trước sự xâm lược của các thế lực ngoại bang. Có trải qua chiến tranh mới thấy hết được những mất mát hy sinh và sự tàn phá ghê gớm mà nó gây ra. Chính vì vậy, nhân dân Việt Nam hiểu và yêu chuộng những giá trị của hoà bình và độc lập dân tộc hơn ai hết.
Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969), vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, Danh nhân Văn hoá thế giới là người đã đặt nền móng đầu tiên cho nền ngoại giao hiện đại của Việt Nam. Ngay từ khi giành được độc lập dân tộc năm 1945, Chính phủ Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã tuyên bố "sẵn sàng có quan hệ thân thiện với các nước tôn trọng nền độc lập của Việt Nam", "người Việt Nam gác sang một bên tất cả những khác biệt trong quan điểm chính trị, đoàn kết với nhân dân các nước tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của nhau, duy trì hoà bình ổn định giữa các nước trong khu vực và thế giới, thực hiện độc lập, tôn trọng công lý và luật pháp quốc tế". Tư tưởng ngoại giao kiệt xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kết hợp hài hoà giữa truyền thống và hiện đại, giữa văn hoá phương đông và phương Tây, thể hiện rõ nét tính nhân ái của con người Việt Nam. Có thể nói bản chất của nền ngoại giao Việt Nam là yêu chuộng hoà bình, hoà hiếu, hữu nghị và thuỷ chung.
Kể từ năm 1986 khi Việt Nam bắt đầu thực hiện đường lối Đổi mới, bức tranh kinh tế-chính trị-xã hội Việt Nam đã có nhiều thay đổi to lớn. Nền kinh tế trong nhiều năm liền đạt tốc độ tăng trưởng trung bình trên 7 % một năm. Rất nhiều chính khách Châu Âu đã không tránh khỏi bị bất ngờ khi đến thăm Việt Nam và tận mắt chứng kiến những đổi thay hàng ngày của đất nước chúng tôi. Việt Nam đang bước vào giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước với mục tiêu là đến năm 2010 tăng gấp đôi GDP so với năm 2000 và đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.
Chính sách đối ngoại của Việt Nam hiện nay là sự kế thừa và phát triển đường lối đối ngoại của các thời kỳ trước, đặc biệt là từ khi tiến hành công cuộc Đổi mới, thể hiện tính liên tục và nhất quán trong toàn bộ đường lối chính trị của Việt Nam. Việt Nam kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trọng cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển. Việt Nam chủ trương tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, không dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực, bình đẳng và cùng có lợi, giải quyết các bất đồng và tranh chấp bằng thương lượng hoà bình. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo một lộ trình phù hợp với trình độ và nhu cầu phát triển của đất nước. Mục tiêu chính sách đối ngoại của Việt Nam là phải tạo môi trường quốc tế thuận lợi và đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế của đất nước. Chính sách đó đã thể hiện rõ nét mối quan hệ biện chứng giữa hoà bình và phát triển, bởi vì chỉ có trong một môi trường hoà bình và ổn định thì mới có thể tập trung các nguồn lực phát triển kinh tế và ngược lại, phát triển sẽ tăng cường khả năng bảo vệ nền độc lập và tự chủ của Việt Nam.
Chính sách đối ngoại của Việt Nam được sự ủng hộ rộng rãi của các nước trong cộng đồng quốc tế và vì vậy đã đem lại những kết quả rất tích cực. Cho đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 168 nước trên thế giới, có quan hệ bình thường với tất cả các nước và trung tâm chính trị lớn của thế giới, có quan hệ thương mại với 165 nước và vùng lãnh thổ. Điều này rất có ý nghĩa khi cách đây chỉ 10 năm Chính quyền của Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận phi lý được áp dụng đối với Việt Nam trong hàng chục năm và đi đến bình thường hoá quan hệ giữa hai nước. Hiện nay, Việt Nam là thành viên tích cực của nhiều tổ chức, diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, Phòng trào không liên kết, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), Cộng đồng các quốc gia sử dụng tiếng Pháp (Francophonie). Việt Nam đang tiến gần đến việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO. Việt Nam đã để lại dấu ấn của mình trong đời sống chính trị quốc tế khi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Francophonie năm 1997, Hội nghị cấp cao ASEAN năm 1998, Hội thảo quốc tế về hợp tác và phát triển Việt Nam và Châu Phi năm 2003, sắp tới đây là Hội nghị cấp cao ASEM-5 năm 2004 và Hội nghị Thượng đỉnh APEC năm 2006.
Trong chính sách đối ngoại của mình, Việt Nam luôn dành vị trí rất quan trọng cho mối quan hệ hợp tác với Liên minh Châu Âu (EU), một trung tâm lớn về chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học công nghệ quan trọng, trong đó Vương quốc Bỉ là một nước thành viên tích cực. Đó là mối quan hệ rất đa dạng và phong phú, đan xen giữa nhiều cấp độ, trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Hai bên thường xuyên tiến hành các cuộc tiếp xúc, đối thoại ở các cấp, kể cả ở cấp cao. Uỷ ban châu Âu (EC) và các nước thành viên EU tích cực ủng hộ công cuộc đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, là đối tác thương mại lớn của Việt Nam, nhà tài trợ ODA lớn thứ ba (sau Nhật Bản và WB), nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất của Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài hết sức quan trọng đối với Việt Nam. Điều đáng nói là mặc dù các nước công nghiệp phát triển trên thế giới có xu hướng giảm viện trợ phát triển, nhưng hầu hết các nước EU đều xếp Việt Nam là nước ưu tiên tiếp nhận viện trợ và tăng viện trợ ODA cho Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực phát triển nông nghiệp và nông thôn, giảm nghèo, phát triển y tế, giáo dục và đào tạo, bảo vệ môi trường, cải cách hành chính.... Sự giúp đỡ của EC và của các nước thành viên EU phù hợp với những ưu tiên trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ Việt Nam. Các dự án được thực hiện rất có hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống của những người được thụ hưởng, đặc biệt là những người nghèo, người ở vùng xâu vùng xa. Sự tài trợ đó đã đóng góp một phần đáng kể vào việc giảm tỷ lệ người nghèo ở Việt Nam từ 58% dân số năm 1993 xuống còn 29% năm 2002.
Việt Nam mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với các nước EU. Tính bổ xung lẫn nhau giữa hai bên là rất cao, tạo ra những cơ hội to lớn mà hai bên có thể khai thác. Kể từ năm 1995 đến 2002, quan hệ thương mại của Việt Nam - EU đã tăng nhanh với tốc độ trung bình khoảng 15 - 20% năm. Hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU chủ yếu là nông sản, thuỷ sản, cà phê, giầy dép, may mặc, hàng tiểu thủ công nghiệp. Các sản phẩm nhập khẩu chủ yếu từ EU vẫn là máy mọc thiết bị, hoá chất, nguyên phụ liệu dệt may, sắt thép, thuốc men, phân bón. Việc xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang EU mang ý nghĩa quan trọng, bởi vì nó không chỉ đơn thuần mang giá trị về kinh tế, mà còn góp phần giúp Việt Nam thực hiện các chính sách xã hội giảm đói nghèo, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Vì vậy, Việt Nam mong muốn EU mở cửa hơn nữa cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng dệt may, giầy dép, nông - lâm - thuỷ sản.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã chọn EU là đối tác đầu tiên để tiến hành đàm phán song phương gia nhập WTO. Việt Nam mở cửa thị trường và dành cho các công ty của EU các điều kiện ưu đãi không kém gì so với các công ty của các nước khác, thậm chí có một vài lĩnh vực còn ưu đãi hơn. Tuy nhiên, do sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam còn thấp, nên Việt Nam mong muốn các nước EU có tính đến những điều kiện đặc thù của Việt Nam trong đàm phán về mở cửa thị trường.
Tính đến nay, các nước EU đã có 315 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 5,9 tỷ USD đầu tư trực tiếp tại 33 địa phương của Việt Nam. Rất nhiều công ty lớn của châu Âu trong những lĩnh vực chủ chốt đã có mặt và làm ăn hiệu quả tại Việt Nam, như Tập đoàn dầu khí BP, Shell Group, Total Elf Fina, Siemens, France Telecom, Alcatel, Comvik, Unilever, Electrolux, Akzo Nobel, Bayer AG... Chính phủ Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các công ty Châu Âu vào làm ăn hợp tác lâu dài tại Việt Nam.
Quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Vương quốc Bỉ đã được thiết lập từ 31 năm nay. Ngày 22/3/1973, hai nước đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Ngay từ tháng 10/1977, hai nước đã ký Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, công nghiệp và kỹ thuật cho đến nay vẫn còn hiệu lực. Hiệp định này là bước mở đầu quan trọng cho việc tăng cường và phát triển hơn nữa quan hệ giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực. Kể từ đó đến nay, hai nước đã ký nhiều Hiệp định quan trọng khác, như Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (1/1991), Hiệp định tránh đánh thuế trùng (2/1996), Hiệp định hợp tác khoa học kỹ thuật (9/2002)... Những Hiệp định này đã đặt cơ sở pháp lý vững chắc cho việc phát triển quan hệ hai nước trên cơ sở tin cậy, ổn định và lâu dài. Hiện nay, Bỉ có Đại sứ quán tại Hà Nội và Lãnh sự danh dự tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam có Đại Sứ quán tại Bruxelles và Lãnh sự danh dự tại Tỉnh Anvers.
Đến nay, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước đã được đẩy lên một tầm cao mới. Mối quan hệ đó được duy trì và mở rộng trên nhiều cấp, từ Trung ương đến các Tỉnh, các Vùng và Cộng đồng ngôn ngữ của Bỉ, trên nhiều lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, quốc phòng, hợp tác phát triển đến văn hoá, giáo dục đào tạo, khoa học kỹ thuật. Hai nước đã thường xuyên trao đổi các chuyến thăm ở các cấp, kể cả ở cấp cao. Về phía Việt Nam, nổi bật là các chuyến thăm Vương quốc Bỉ của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh tháng 2/1995, khi đó là Chủ tịch Quốc hội, của Chủ tịch nước Trần Đức Lương tháng 2/1996, khi đó là Phó Thủ tướng, của Thủ tướng Phan Văn Khải tháng 4/1998 và tháng 9/2002, cùng nhiều chuyến thăm ở cấp Phó Thủ tướng và Bộ trưởng khác. Về phía Bỉ, đáng chú ý nhất là hai chuyến thăm Việt Nam của Ngài Thái tử Bỉ Philippe cùng một Phái đoàn kinh tế rất lớn của Bỉ vào tháng 12/1994 và tháng 10/2003, ngoài ra còn có các chuyến thăm của Ngài Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Louis Michel tháng 7/2001, Ngài Bộ trưởng Quốc phòng André Flahaut tháng 1/2002, Ngài Bộ trưởng Hợp tác phát triển Marc Verwillghen 12/2003 cùng nhiều chuyến thăm ở cấp Bộ trưởng khác. Đối với các Vùng và Cộng đồng ngôn ngữ của Bỉ, Việt Nam đã đón Ngài Bộ trưởng-Chủ tịch Vùng Flamand Patrick Dewael (9/2001), Bộ trưởng-Chủ tịch Vùng Wallonie Van Cauwenberghe và Bộ trưởng-Chủ tịch Uỷ ban cộng đồng tiếng Pháp Vùng Bruxelles-Thủ đô Eric Tomas tháng (11/2002) đến thăm Việt Nam.
Việt Nam là một trong 18 nước trên thế giới và là nước Châu Á duy nhất được ưu tiên nhận viện trợ phát triển của Chính phủ Bỉ. Các dự án của Bỉ được thực hiện qua tất cả các kênh song phương, đa phương, NGOs, hợp tác giữa các trường đại học. Các lĩnh vực hợp tác chủ yếu là phát triển nông nghiệp và nông thôn, giáo dục đào tạo, y tế, môi trường, cải cách hành chính. Nhiều chương trình hợp tác đã được thực hiện có hiệu quả và trở thành ví dụ điển hình cho mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Vương quốc Bỉ như dự án cung cấp tín dụng nhỏ giúp phụ nữ ở nhiều xã nghèo của Việt Nam phát triển sản xuất hộ gia đình. Chính phủ và nhân dân Việt Nam đánh giá cao và chân thành cám ơn sự giúp đỡ và ủng hộ quý báu và có hiệu quả mà Chính phủ và nhân dân Bỉ dành cho công cuộc đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong những năm qua và trong thời gian tới.
Bỉ là một đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam trong khu vực EU. Kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước năm 2003 đạt gần 600 triệu Euro, tăng gấp 3 lần so với năm 1996. Hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Bỉ chủ yếu là thủy sản, giầy dép, dệt may, đồ da, đồ gốm, kim đá quý, thuỷ tinh, đồ nhựa và sản phẩm cao su. Hàng nhập khẩu từ Bỉ vào Việt Nam chủ yếu là máy móc thiết bị, đá quý, hoá chất, dược phẩm, sắt thép chất lượng cao.
Tuy nhiên, đầu tư của các công ty Bỉ vào Việt Nam còn chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Đến nay các công ty của Bỉ mới chỉ có 21 dự án với tổng số vốn 53 triệu USD đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp nặng, công nghiệp thực phẩm, nông lâm nghiệp, giao thông vận tải, bưu điện, dịch vụ, xây dựng, chế tác kim cương đá quý. Trong chuyến thăm chính thức Vương quốc Bỉ tháng 9/2002 của Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải, lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí cần tích cực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hai nước tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác. Việt Nam kêu gọi các nhà đầu tư Bỉ tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Về phần mình, Chính phủ Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Bỉ yên tâm đầu tư và mở rộng hoạt động kinh doanh lâu dài tại Việt Nam.
Hợp tác giữa Vương quốc Bỉ và Việt Nam trên các lĩnh vực khác như văn hoá, khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo, quốc phòng cũng đã đạt được những kết quả rất tích cực. Đặc biệt là vào tháng 9/2001, Tuần lễ Văn hoá Việt Nam đã được tổ chức thành công tại nhiều thành phố lớn của Bỉ, giúp công chúng Bỉ hiểu hơn về đất nước, con người, văn hoá và nghệ thuật của Việt Nam.
Vì khó có thể nêu hết được toàn bộ các hoạt động hợp tác giữa hai nước trong khuôn khổ bài báo này, cá nhân tôi chỉ muốn nói rằng tôi rất vui mừng và hài lòng nhận thấy mối quan hệ đó đang diễn ra hết sức tốt đẹp và khá toàn diện. Có được những thành công trong hợp tác ngày hôm nay là nhờ vào sự ủng hộ và quyết tâm của Chính phủ hai nước, của những người bạn của Việt Nam tại Bỉ và của những người bạn của Bỉ tại Việt Nam.
Mối quan hệ hữu nghị và hợp tác đã rút ngắn khoảng cách về địa lý và góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Ngày nay ở Việt Nam, người ta dễ dàng tìm thấy những thanh sô-cô-la thơm ngon được sản xuất từ Bỉ, những quyển truyện tranh Tintin hấp dẫn, thậm chí cả những bức tượng chú bé Manneken Pis ngộ nghĩnh - công dân nổi tiếng nhất của Thủ đô Bruxelles. Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng mối quan hệ giữa hai nước sẽ tiếp tục phát triển lên một tầm cao mới trong thế kỷ 21.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |
Các tin liên quan: |
|