Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ bẩy, ngày 04 tháng 01 năm 2025 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm: Đảng và Nhà nước tiếp tục chăm lo quyền lợi chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài

Với tình cảm chân thành, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, sẵn sàng hỗ trợ cộng đồng vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển, mong muốn cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài tự nguyện tham gia vào khối đại đoàn kết toàn dân tộc để chung sức, đồng lòng xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Website Bộ Ngoại giao  xin trân trọng giới thiệu cùng Bạn đọc bài viết của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm cho Tạp chí Thông tin Đối ngoại số tháng 5/2007.

Sự phát triển và tiềm năng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài

Phó Thủ tướng,
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
Phạm Gia KhiêmHiện nay có khoảng 3,2 triệu người Việt Nam đang  sinh sống và làm việc ở trên 90 nước và vùng lãnh thổ có trình độ phát triển, văn hoá, chế độ chính trị xã hội khác nhau, trong đó 4/5 định cư tại các nước công nghiệp phát triển như Mỹ, Pháp, Úc, Canada, Anh, Nhật, Tây  Bắc Âu...

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài phát triển nhanh về số lượng và ngày càng đa dạng về thành phần. Bên cạnh những người đã xa Tổ quốc lâu năm,  hàng năm lại có thêm hàng chục ngàn người Việt Nam đi đoàn tụ gia đình, học tập, lao động, làm ăn, kinh doanh ở nước ngoài; số lượng người Việt Nam kết hôn với người nước ngoài hiện nay lên tới hơn 100.000 người. Bên cạnh những người từ trong nước ra đi, đã có thế hệ thứ hai, thứ ba các thanh thiếu niên gốc Việt sinh ra ở nước ngoài.

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đang tiếp tục ổn định, hội nhập tốt hơn vào xã hội sở tại. Trong cộng đồng có khoảng 300-400 ngàn người có trình độ đại học và sau đại học, nhiều người là chuyên gia hoạt động trên các lĩnh vực công nghệ cao. Trong những năm gần đây càng ngày càng có  nhiều người Việt Nam thành đạt trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, kinh tế, chính trị, văn hoá nghệ thuật... và giữ các vị trí nhất định trong xã hội và chính trường sở tại.

Dù sống xa đất nước, đa số đồng bào có tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, có ý thức giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hoá và luôn luôn hướng về Tổ quốc. Phấn khởi và tin tưởng vào thành công của công cuộc đổi mới của đất nước, các thế hệ kiều bào ta ngày càng mong muốn được gắn bó, đóng góp nhiều hơn với quê hương, đất nước.

Số người về Việt Nam ngày càng tăng từ 300.000 lượt người năm 2003 lên hơn nửa triệu lượt người trong năm 2006.  Tính đến hết năm 2006, có 2050 dự án đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài về nước với số vốn là 14.500 tỉ đồng. Lượng kiều hối bà con gửi về hàng năm năm sau cao hơn năm trước,  năm 2003 là 2,7 tỉ USD, tới năm 2006 đạt 4,8 tỉ USD. Hàng năm có hàng trăm lượt chuyên gia trí thức kiều bào về nước nghiên cứu, giảng dạy, hợp tác với các trường đại học, các viện nghiên cứu; nhiều hội, đoàn và các tổ chức nghề nghiệp của người Việt, đặc biệt là ở các nước phát triển được thành lập và hoạt động có hiệu quả, hướng về quê hương đất nước, thực hiện các hoạt động, các dự án hợp tác khoa học, công nghệ và các hoạt động mang tính nhân đạo  trợ giúp đồng bào trong nước.

Tuy nhiên, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Ở một số nước, địa vị pháp lý của người Việt Nam chưa vững vàng nên cộng đồng rất dễ bị tổn thương trước những hành động bài xích, phân biệt đối xử, kỳ thị chủng tộc. Sự khác biệt về văn hoá, ngôn ngữ ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của bà con. Ảnh hưởng của văn hoá bản địa và những yêu cầu của cuộc sống hàng ngày là những thách thức không nhỏ đối với việc giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống và tiếng Việt. Ở một số nước,  kiều bào còn phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng, chiến tranh, xung đột. Ngoài ra, một số nhỏ lực lượng cực đoan, phản động vẫn đi ngược lại lợi ích của bà con, cộng đồng và đất nước.

Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước tới đồng bào ta đang sống xa Tổ quốc

Đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới. Đảng và Nhà nước ta chủ trương phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tạo động lực mạnh mẽ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nghị quyết số 36 – NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành 26/3/2004 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài lần đầu tiên được công bố công khai đã thể hiện bước đổi mới tư duy quan trọng trong công tác này và sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước tới đồng bào ta đang sống xa Tổ quốc.

Nghị quyết khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời, một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Xuất phát từ quan điểm cơ bản đó, Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng công tác bảo hộ và chăm lo các quyền lợi chính đáng của  người  Việt Nam ở nước ngoài. Lợi ích của bà con thể hiện trên cả hai mặt là ổn định và phát triển cuộc sống, hội nhập vào đời sống xã hội sở tại; đồng thời, được tạo thuận lợi để duy trì mối liên hệ gắn bó với quê hương, đất nước, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, đóng góp vào sự phát triển của đất nước trong phạm vi khả năng của mình. Chúng ta phải hiểu được một cách thấu đáo những tâm tư, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của bà con để có thể đáp ứng, thể hiện đầy đủ tình cảm và trách nhiệm của Tổ quốc, Đất mẹ đối với những người con xa nhà. Đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị mà các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể ở Trung ương và địa phương  phải quán triệt và thống nhất hành động.

Trong thời gian qua, triển khai thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị và Chương trinh hành động của Chính phủ về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, nhiều chính sách, biện pháp đã và đang được các cấp, các ngành phối hợp xây dựng và triển khai trên thực tế, ở cả trong và ngoài nước. Do đó, quyền lợi chính đáng của kiều bào ngày càng được chăm lo tốt hơn. Cụ thể:

Thứ nhất, trong bối cảnh tình hình quốc tế, tình hình nhiều nước diễn biến phức tạp, việc bảo vệ những quyền lợi hợp pháp của người Việt Nam ở nước ngoài nhất là về địa vị pháp lí là hết sức quan trọng để cộng đồng có thể ổn định cuộc sống lâu dài. Trong triển khai chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giờ đây luôn chiếm vị trí quan trọng. Việc thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước sẽ hỗ trợ tích cực đối với cộng đồng người Việt Nam ở các nước, tạo thuận lợi cho cộng đồng ổn định cuộc sống, phát triển và phát huy vai trò với sở tại. Ngược lại, nếu cộng đồng người Việt Nam ở các nước phát triển tốt, hội nhập tốt có nhiều đóng góp vào xã hội sở tại sẽ góp phần tích cực thúc đẩy quan hệ của các nước với Việt Nam.

Chính vì vậy, khi đón tiếp nguyên thủ, lãnh đạo các nước có đông kiều bào ta sinh sống như Mỹ, Pháp, Nga, Úc, Canada, Lào, Thái Lan, Campuchia... tới thăm Việt Nam, cũng như trong các chuyến thăm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta tới các nước đó, chúng ta đều đề nghị Chính phủ các nước quan tâm, tạo thuận lợi để cộng đồng người Việt Nam ổn định cuộc sống và ngày càng phát triển. Lãnh đạo các nước trên đánh giá cao sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Nhiều thoả thuận, hiệp định hỗ trợ tư pháp được ký kết ở cấp Chính phủ  với các nước tạo cơ sở pháp lý cho bà con ổn định cuộc sống và hội nhập vào xã hội sở tại.

Thứ hai, hơn bao giờ hết công tác bảo hộ lãnh sự được đặt lên hàng đầu. Chúng ta đã và đang tiến hành những biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ những quyền lợi hợp pháp của người Việt Nam ở nước ngoài như tài sản, tính mạng của đồng bào trước các hành động ngược đãi, kỳ thị chủng tộc, bùng nổ xung đột, chiến tranh;  bảo vệ lợi ích của người lao động, của công dân Việt Nam khi xảy ra các tranh chấp kinh tế, khi quyền lợi của người lao động bị xâm phạm. Công tác cứu trợ nhân đạo cũng cần được quan tâm đúng mức đối với những trường hợp bị thiên tai hoặc các tai nạn khác. Đối với các cô dâu Việt Nam lấy chồng người nước ngoài, những người đi xuất khẩu lao động có nhiều bỡ ngỡ về văn hoá, ngôn ngữ, chúng ta đã phối hợp với các cơ quan có trách nhiệm của nước sở tại, với các tổ chức phi chính phủ để tư vấn, hướng dẫn giúp họ vượt qua những khó khăn ban đầu.

Để có nguồn tài chính thực hiện những nhiệm vụ nói trên, Chính phủ đã lập ra các Quĩ hỗ trợ cộng đồng, Quỹ bảo hộ công dân. Các Quĩ này đã hoạt động có hiệu quả, tạo thuận lợi cho các hoạt động hỗ trợ cộng đồng  và bảo hộ lãnh sự đối với người Việt Nam ở nước ngoài. 

Đồng thời, đối với những địa bàn có những khó khăn đặc biệt chúng ta có những biện pháp hỗ trợ đặc biệt, ví dụ như việc Chính phủ quyết định những khoản kinh phí riêng hỗ trợ cho cộng đồng người Việt  ở Campuchia, Lào; cử những đoàn công tác sang Nga hỗ trợ bà con trước những qui định mới của Chính phủ Nga đối với người nước ngoài.

Thứ ba, chúng ta cũng hết sức quan tâm đến việc chăm lo đáp ứng các nguyện vọng, lợi ích chính đáng của bà con kiều bào trong các mối quan hệ với trong nước.

Nhằm tạo điều kiện cho kiều bào về thăm gia đình, đất nước, tiến hành các hoạt động thương mại đầu tư, hợp tác khoa học,  giáo dục đào tạo..., chúng ta đã rà soát, bổ sung, sửa đổi, ban hành mới các văn bản pháp luật như đang xem xét miễn thị thực cho người Việt Nam ở nước ngoài, mở rộng đối tượng kiều bào được mua nhà gắn liền với quyền sử dụng đất ở Việt Nam; cho phép kiều bào mua cổ phần của các doanh nghiệp trong nước; đẩy mạnh sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc kết nối các doanh nhân, trí thức kiều bào với các tổ chức, doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, tiến hành đơn giản hoá các thủ tục hành chính như thủ tục hải quan, xuất nhập cảnh, cư trú đi lại, hợp pháp hoá các loại giấy tờ, thực hiện chính sách một giá...

Thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, chúng ta tạo điều kiện để kiều bào có thể thực hiện quyền lợi chính trị tham gia  đóng góp ý kiến vào những vấn đề lớn của đất nước như Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X, các chủ trương phát triển kinh tế xã hội của đất nước và nhất là những chính sách liên quan đến bà con; tham gia vào các hoạt động quan trọng ở trong nước như kỷ niệm 2/9, giỗ Tổ Hùng Vương... Các biện pháp hoà giải, hoà hợp dân tộc, giải quyết các vấn đề quá khứ để lại được thúc đẩy góp phần xoá bỏ định kiến, thu hẹp khác biệt, tăng cường đại đoàn kết dân tộc.

Đáp ứng nhu cầu thông tin văn hoá đa dạng, các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là các báo điện tử, các chương trình truyền hình và phát thanh ra nước ngoài đã truyền tải kịp thời thông tin mọi mặt về tình hình đất nước đến với bà con; nhiều đoàn văn nghệ được cử đến các nước để phục vụ bà con. Các sinh hoạt văn hoá, tâm linh như mở lớp, xây trường học, dạy tiếng Việt, lập các trung tâm văn hoá, câu lạc bộ, chùa chiền của cộng đồng được Chính phủ tích cực hỗ trợ, nhất là ở các địa bàn còn nhiều khó khăn như Lào, Campuchia. Các hoạt động giao lưu hội đoàn, văn hoá, thể thao hai chiều giữa cộng đồng với trong nước được khuyến khích và mở rộng; các hoạt động từ thiện nhân đạo của kiều bào được tạo thuận lợi tại Việt Nam.

Thế hệ trẻ người Việt Nam ở nước ngoài được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm vì đây là tương lai của cộng đồng, giữ gìn bản sắc văn hoá cho họ càng là mối quan tâm lớn. Các Trại hè được tổ chức, các lớp tiếng Việt được mở hàng năm, tạo thuận lợi cho thanh thiếu niên kiều bào có điều kiện tìm hiểu về cội nguồn, được giao lưu với trong nước và duy trì được tiếng Việt, phát huy vai trò cầu nối hữu nghị với các nước.

Trong bối cảnh đất nước đang tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tích cực chủ động hội nhập quốc tế, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng có vai trò quan trọng. Chúng ta sẽ thực hiện đúng quan điểm cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là  một  bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc; phải cố gắng hiểu và đáp ứng nguyện vọng chung của đông đảo bà con, không để bà con bị phân biệt đối xử, tạo  thuận lợi cho bà con gắn bó hơn nữa với cội nguồn, với đất nước. Quyền lợi chính đáng của bà con ở trong và ngoài nước cần tiếp tục được quan tâm chăm lo để bà con thấy ở Đảng và Nhà nước là một chỗ dựa vững chắc khi quyền lợi của mình bị xâm phạm; đồng thời, chúng ta cũng cần tiếp tục tạo cơ hội và điều kiện để bà con góp sức cùng xây dựng đất nước tuỳ theo khả năng của mình và bằng những hình thức phù hợp với hoàn cảnh cụ thể.

Với tình cảm chân thành, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, sẵn sàng hỗ trợ cộng đồng vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển, mong muốn cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài tự nguyện tham gia vào khối đại đoàn kết toàn dân tộc để chung sức, đồng lòng xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Phạm Gia Khiêm 

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer