Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ sáu, ngày 18 tháng 04 năm 2025 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN TẤN DŨNG TRẢ LỜI PHỎNG VẤN TÂN HOA XÃ (TRUNG QUỐC)


1. Thưa Thủ tướng, Chủ đề của Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu lần này là “Tầm nhìn và Hành động: Hướng tới một giải pháp cùng có lợi”, xin Thủ tướng cho biết ý kiến của mình về chủ đề này?
Trả lời:
Nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển trong 12 năm qua, tiến trình ASEM đã đóng vai trò quan trọng đưa mối giao lưu đã tồn tại hàng thế kỷ nay giữa Châu Á và Châu Âu lên tầm khuôn khổ quan hệ đối tác mới giữa hai châu lục, dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi. Vượt qua những khác biệt, hợp tác ASEM đã phát triển năng động và đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và các lĩnh vực hợp tác khác, phù hợp với lợi ích của nhân dân Á-Âu.
Hội nghị Cấp cao ASEM 7 diễn ra trong bối cảnh cục diện thế giới và khu vực đang chứng kiến nhiều chuyển biến nhanh chóng và phức tạp, vừa mở ra những cơ hội to lớn, vừa đặt ra không ít thách thức. Trong khi đó, hợp tác ASEM mới dừng ở đối thoại chính sách, chưa được nâng lên thành các kế hoạch hợp tác cụ thể. Việc kết nạp thêm 6 thành viên mới chứng tỏ sức hấp dẫn của ASEM và mở thêm tiềm năng hợp tác, đồng thời đòi hỏi cần phải có những phát triển mới phù hợp. Trong bối cảnh đó, các thành viên đều mong muốn và nhận thức ASEM cần tiếp tục có sự chuyển mình mạnh mẽ để đưa hợp tác bước sang giai đoạn phát triển mới năng động, hiệu quả hơn. Muốn vậy, hơn lúc nào hết, một tầm nhìn rộng mở với những kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực chính là chìa khóa để ASEM có thể khai thác đầy đủ hơn tiềm năng to lớn của hai châu lục, ứng phó hữu hiệu hơn với những thách thức toàn cầu. Có như vậy, hợp tác mới thực sự đem lại lợi ích cho tất cả các thành viên ASEM.
Do vậy, các thành viên ASEM hoàn toàn nhất trí với đề xuất của chủ nhà Trung Quốc về chủ đề bao trùm của Cấp cao Bắc Kinh là “Tầm nhìn và Hành động: Hướng tới một giải pháp cùng có lợi”. Để thực hiện mục tiêu này, một chương trình nghị sự súc tích đề cập nhiều chủ đề mang tính toàn cầu và khu vực mà hai châu lục cùng quan tâm hiện nay như chủ nghĩa đa phương và vai trò trung tâm của Liên Hợp Quốc, tình hình kinh tế thế giới và khu vực, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực… là rất thiết thực. Tuyên bố Bắc Kinh về Phát triển bền vững sẽ thể hiện cam kết chính trị của cả châu Á và châu Âu trong ứng phó với những vấn đề cấp thiết để bảo đảm phát triển kinh tế đi liền với công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, góp tiếng nói vào nỗ lực chung cho công cuộc phát triển bền vững. Đặc biệt, Cấp cao Bắc Kinh còn có nhiệm vụ đề ra định hướng phát triển của Tiến trình ASEM và một số vấn đề liên quan như chú trọng ưu tiên hợp tác, cải tiến cơ chế hoạt động sao cho phù hợp và có hiệu quả, nhất là sau khi mở rộng, góp phần nâng cao sức sống, tính hấp dẫn và khả năng đóng góp của ASEM cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở hai châu lục và trên toàn thế giới.
Với ý nghĩa như vậy và với sự chuẩn bị hết sức chu đáo của nước chủ nhà Trung Quốc, tôi tin tưởng rằng Hội nghị Cấp cao ASEM 7 sẽ có những đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác Á-Âu vì hòa bình và phát triển, vì thịnh vượng và đáp ứng lợi ích chung của nhân dân hai châu lục.
2. Xin Thủ tướng cho biết ý nghĩa của việc thúc đẩy hợp tác và đối thoại Á-Âu? Thủ tướng cho rằng nên tận dụng Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu như thế nào để không ngừng sâu sắc hoá hợp tác song phương, để cùng nhau ứng phó với những thách thức toàn cầu hoá đang ngày một gay gắt hơn?
Trả lời:
Thúc đẩy hợp tác và đối thoại Á-Âu vừa là nguyện vọng thiết tha của nhân dân hai châu lục, vừa phù hợp với xu thế khách quan và có ý nghĩa quan trọng, tác động tới cục diện chung của thế giới vì hai châu lục chiếm vị trí đặc biệt về dân số, sức mạnh kinh tế và chiều sâu văn hóa.

Thật vậy, với tiềm năng to lớn, hợp tác Á-Âu là động lực cho phát triển thịnh vượng và ổn định ở khu vực và trên thế giới. Là hai trong ba trung tâm chính trị-kinh tế của thế giới, chiếm tới 50% GDP thế giới và 60% dân số thế giới, hợp tác kinh tế cùng có lợi cũng như việc ứng dụng những thành quả của cách mạng khoa học công nghệ sẽ giúp các nước Á-Âu rút ngắn khoảng cách về không gian, thu hẹp khoảng cách phát triển, góp phần kiến tạo một mối quan hệ hợp tác toàn diện và bền vững giữa châu lục.

Là hai cái nôi của các nền văn minh lâu đời và huy hoàng, sự hợp tác giữa hai châu lục này sẽ giúp các nước Á-Âu vượt qua sự đa dạng, khác biệt về chính trị, xã hội, văn hóa để tạo nên sự thống nhất trong đa dạng, làm phong phú thêm nền văn minh thế giới.
Với những tác động tích cực trên, ASEM - cầu nối liên kết đặc biệt trong hợp tác, đối thoại Á-Âu, trở thành một bộ phận rất quan trọng trong mối quan hệ giữa ba khu vực lớn trên thế giới là Châu Á, Châu Âu và Châu Mỹ.

Bên cạnh đó, ASEM còn có thể phát huy vai trò có ý nghĩa trong thúc đẩy hợp tác song phương. Với số lượng thành viên đông đảo và đa dạng, các Hội nghị ASEM luôn là cơ hội quý báu để 45 thành viên Á-Âu có thể trực tiếp gặp gỡ và trao đổi nhiều vấn đề thiết thực. Không thể phủ nhận được nhiều kết quả hợp tác song phương giữa các thành viên ASEM đã đạt được ngay bên lề của các cuộc họp đa phương. Đó chính là giá trị bổ sung (value-added) của các diễn đàn đa phương cho quan hệ đối ngoại của từng quốc gia. Đồng thời, thông qua việc tham gia các Nhóm đi đầu, triển khai các sáng kiến trong hợp tác ASEM, các thành viên có cùng mối quan tâm không chỉ góp phần đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ ASEM, mà còn có điều kiện trao đổi kinh nghiệm và khả năng hợp tác sâu hơn trên góc độ song phương. Như vậy, nội dung hợp tác ASEM càng được mở rộng, càng bổ trợ tích cực cho các mối quan hệ song phương. Ngoài ra, với sự phát triển năng động của ASEM, vị thế của các thành viên ASEM trên trường quốc tế cũng được tăng cường, tạo thêm thế và lực cho thúc đẩy quan hệ song phương với các đối tác khác ngoài Á-Âu. 

Quan hệ song phương giữa các thành viên ASEM được củng cố và đối thoại liên khu vực châu Á-châu Âu được tăng cường sẽ góp phần gia tăng tiếng nói có trọng lượng của châu Á-châu Âu trong đối thoại và hợp tác giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, chống vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia.
3. Xin Thủ tướng cho biết Việt Nam phát huy vai trò gì trong việc thúc đẩy hợp tác Á-Âu?
Trả lời:
Xuất phát từ đường lối tích cực hội nhập quốc tế và khu vực, nhận thức rõ tiềm năng to lớn của hợp tác ASEM nhất là về kinh tế, đầu tư, thương mại, khoa học công nghệ và giáo dục, Việt Nam là một thành viên sáng lập và đã có nhiều đóng góp cho Tiến trình ASEM từ những ngày đầu tiên.
Bên cạnh việc hoàn thành tốt vai trò điều phối viên châu Á trong ASEM từ năm 2000 đến 2004, đóng góp lớn nhất của Việt Nam là tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEM 5 tại Hà Nội năm 2004, góp phần giải quyết tốt vấn đề mở rộng thành viên, đẩy mạnh hợp tác về kinh tế và văn hoá, mở ra hướng mới cho hợp tác ASEM.     
Hội nghị ASEM 5 thông qua “Tuyên bố Hà Nội về tăng cường hợp tác kinh tế ASEM chặt chẽ hơn” góp phần tạo đà cho hợp tác kinh tế ASEM. Đáng chú ý, Việt Nam là một trong những nước sử dụng hiệu quả nhất nguồn tài trợ của Quỹ Tín thác ASEM triển khai 21 dự án với giá trị gần 13,35 triệu đô la.
Vai trò tích cực của Việt Nam đặc biệt được thể hiện ở năm sáng kiến Việt Nam đưa ra và nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Đó là sáng kiến về “Kết hợp y dược học cổ truyền với y dược học hiện đại trong chăm sóc sức khoẻ cộng đồng”, “Bảo tồn và phát huy di sản văn hoá ASEM”, “Hợp tác Ứng dụng Công nghệ thông tin vào phát triển nhân lực và củng cố năng lực”, đặc biệt “Diễn đàn ASEM về chính sách an ninh năng lượng”, và “Diễn đàn Du lịch ASEM” vừa được tổ chức thành công tại Việt Nam vào năm 2008 vừa qua. Ngoài ra, Việt Nam còn tham gia đồng sáng kiến trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, khoa học- công nghệ, giao thông vận tải, y tế, văn hoá, giáo dục-đào tạo, môi trường…
Những kết quả trên thể hiện sinh động cam kết mạnh mẽ và đóng góp tích cực của Việt Nam trong tiến trình ASEM vì lợi ích chung của các thành viên. Tại Cấp cao Bắc Kinh sắp tới, Việt Nam sẽ tích cực phối hợp với chủ nhà Trung Quốc, góp thêm tiếng nói xây dựng và có trách nhiệm để ASEM 7 thành công, thực sự tạo đà cho quan hệ đối tác Á-Âu bước lên một tầm cao mới thiết thực và hiệu quả hơn.
4.  Quan hệ hữu nghị truyền thống Trung - Việt mấy năm gần đây không ngừng có được những tiến triển mới, có tác dụng tích cực trong việc duy trì hoà bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Xin Thủ tướng đánh giá về những phát triển gần đây trong quan hệ hai nước và tương lai của mối quan hệ này?
Trả lời:
Nhận lời mời của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, tôi rất vui mừng tiến hành chuyến thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa trong bối cảnh quan hệ Việt-Trung đang phát triển tốt đẹp. Là những người đồng chí, anh em, chúng tôi hết sức vui mừng trước những thành tựu to lớn mà nhân dân Trung Quốc đã và đang đạt được, nổi bật gần đây nhất là thành công của Olympic Bắc Kinh 2008 và sự kiện Trung Quốc phóng thành công Tàu vũ trụ Thần châu 7 đánh dấu việc nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc bước ra ngoài khoảng không vũ trụ.
Trong những năm gần đây, quan hệ chính trị giữa hai nước Việt-Trung ngày càng trở nên mật thiết thông qua việc tăng cường trao đổi các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa Hồ Cẩm Đào thăm chính thức Việt Nam tháng 11/2006. Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết thăm Trung Quốc tháng 5/2007; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (4/2007); Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tham dự Lễ Khai mạc Olympic Bắc Kinh (8/2008). Đặc biệt, nhân chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh tháng 5/2008 vừa qua, hai bên đã nhất trí phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, tạo động lực mới cho sự phát triển ổn định, lành mạnh của quan hệ hai nước, làm cho quan hệ Việt - Trung ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả theo phương châm 16 chữ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 tốt “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Một nét mới trong quan hệ hai nước là quan hệ giữa các địa phương, nhất là các tỉnh biên giới được đẩy mạnh. Các đồng chí lãnh đạo Quảng Tây, Vân Nam, Quảng Đông hàng năm thăm Việt Nam, gần đây nhất là chuyến thăm của Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Đông Uông Dương tháng 9/2008.
Quan hệ chính trị phát triển tốt đẹp đã đặt nền móng vững chắc cho hợp tác phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực khác, tạo nên tăng trưởng vượt bậc trong thương mại, đầu tư, du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trung Quốc hiện nay là bạn hàng thương mại hàng đầu của Việt Nam. Kim ngạch hai chiều năm 2007 đạt gần 16 tỷ USD, hoàn thành trước thời hạn ba năm mục tiêu 15 tỷ năm 2010; kim ngạch 7 tháng đầu năm 2008 đạt 12,67 tỷ (dự kiến cả năm 2008 đạt kim ngạch 21 tỷ). Hai nước tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong các dự án lớn, nhất là trong khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai kinh tế”. Việc giải quyết các vấn đề liên quan đến biên giới lãnh thổ giữa hai nước có nhiều tiến triển tích cực. Giao lưu giữa các Bộ, ngành, địa phương, thanh niên, đoàn thể quần chúng, văn hoá, thể thao, nghệ thuật ngày càng mật thiết. Giao lưu “Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt Nam - Trung Quốc” được tổ chức thường niên với nhiều nội dung phong phú, thiết thực, góp phần thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân và thanh niên hai nước.
Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân Việt Nam trước sau như một hết sức quý trọng mối quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện với Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc. Phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc là chủ trương nhất quán và ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Tôi tin tưởng rằng trên nền tảng vững chắc đã được lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, đáp ứng lợi ích và mong muốn của nhân dân hai nước, đóng góp vào hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Hy vọng rằng chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc của tôi và đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam lần này sẽ ghi một mốc mới trong quan hệ Việt-Trung, góp phần cụ thể hóa hơn nữa mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và Chính phủ, đưa quan hệ giữa hai nước chúng ta phát triển thực chất, mạnh mẽ và vững chắc hơn trong thời gian tới./.(17/10/2008)

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Các tin liên quan:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer

EMC Đã kết nối EMC