Thủ Tướng Chính Phủ Nguyễn Tấn Dũng Trả Lời Phỏng Vấn Cho Báo Chí Hồng Công
(Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, Thương báo và Đại Công báo)
Hồng Công, tháng 04 năm 2009
1. Xin Thủ tướng cho biết đánh giá về quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay, phương hướng hợp tác và triển vọng phát triển quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới? (câu hỏi của Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, Thương báo và Đại Công báo)
Trả lời:
Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng có quan hệ truyền thống hữu nghị lâu đời. Thời gian qua, quan hệ giữa hai Đảng, hai nước đã có những bước phát triển mới rất quan trọng, nhất là trong năm qua, kể từ khi Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào nhất trí nâng cấp quan hệ hai nước lên thành « quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện ». Hai nước đã hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc trên đất liền Việt Nam và Trung Quốc. Đây là sự kiện có ý nghĩa trọng đại trong lịch sử quan hệ Việt - Trung.
Các chuyến thăm và gặp gỡ diễn ra thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, trở thành nhân tố quyết định đảm bảo và thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ngày càng tốt đẹp hơn và đi vào thực chất. Hai bên đã thiết lập đường dây nóng giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước để trực tiếp trao đổi về những vấn đề hệ trọng trong quan hệ song phương và những vấn đề quốc tế mà hai nước cùng quan tâm.
Hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước tiếp tục được thúc đẩy. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong 5 năm liền. Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu, kim ngạch song phương giữa hai nước năm 2008 vẫn đạt trên 20 tỷ USD, tăng 27% so với năm 2007. Tính đến nay, đã có hơn 600 dự án đầu tư của Trung Quốc đang hoạt động tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 2 tỷ USD, đứng thứ 16/84 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam đang có bước tiến quan trọng với việc triển khai dự án khu kinh tế thương mại Trung Quốc tại Hải Phòng (khoảng 4 tỉ USD). Trung Quốc cũng là một thị trường lớn phát triển du lịch của Việt Nam, lượng khách từ Trung Quốc sang Việt Nam mỗi năm đạt từ 600.000 đến 800.000 lượt người và có thể tăng nhanh trong vài năm tới.
Giao lưu giữa các Bộ, ngành, địa phương, thanh niên và đoàn thể quần chúng của hai nước trên mọi lĩnh vực ngày càng mật thiết, tạo cơ sở vững chắc cho việc củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước.
Trong thời gian tới, hai bên sẽ tăng cường các chuyến thăm, gặp gỡ cấp cao dưới nhiều hình thức, phát huy hơn nữa cơ chế hợp tác giữa các Bộ, ngành, địa phương. Hai bên phấn đấu duy trì kim ngạch mậu dịch song phương năm nay tương đương với mức năm 2008, tiến tới đạt mục tiêu nâng kim ngạch lên 25 tỷ USD vào năm 2010, đi đôi với việc từng bước thu hẹp tiến tới cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước. Hai bên đã nhất trí lấy năm 2010 là « Năm hữu nghị Việt – Trung » nhân kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, nhiều hoạt động giao lưu kinh tế, văn hoá nghệ thuật sẽ được tổ chức ở cả hai nước nhân dịp này.
Phát triển quan hệ Việt-Trung là chủ trương nhất quán và ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Tôi tin tưởng rằng theo phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt, với quyết tâm và nỗ lực của cả hai bên, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ ngày càng phát triển, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp vào hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
2. Xin Thủ tướng cho biết đánh giá về thực trạng và triển vọng của quan hệ giữa Việt Nam và Hồng Công? (câu hỏi của báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng và Đại Công báo)
Trả lời:
Là một trong những trung tâm tài chính quan trọng của thế giới, Hồng Công luôn là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam về đầu tư, thương mại và du lịch. Sau khi Hồng Công trở về với Trung Quốc, đặc biệt là trong những năm gần đây, quan hệ giữa Việt Nam và Hồng Công phát triển nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực.
Quan hệ kinh tế thương mại phát triển mạnh, đặc biệt là sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Tính đến hết tháng 12 năm 2008, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai bên đạt hơn 3,5 tỷ USD, tăng gần 40% so với năm 2007. Về hợp tác đầu tư, tính đến cuối năm 2008, có 516 dự án đầu tư của Hồng Công tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 6,6 tỷ USD, đứng thứ 7 trong số 84 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, trong đó có những dự án trị giá hàng trăm triệu USD. Hai bên cũng đang tích cực hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm đối phó với khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu hiện nay.
Tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Hồng Công là rất lớn, không chỉ trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, tài chính, đầu tư, mà còn cả trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và du lịch. Hai bên cần nỗ lực hơn nữa để khai thác và phát huy hiệu quả những tiềm năng này. Trong chuyến thăm lần này, tôi và các nhà lãnh đạo, các doanh nghiệp của Hồng Công sẽ trao đổi về những phương hướng và biện pháp lớn để thúc đẩy hợp tác giữa hai bên. Tôi tin tưởng rằng quan hệ giữa Việt Nam và Hồng Công sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên và góp phần thúc đẩy quan hệ Việt – Trung ngày càng phát triển.
3. Xin Thủ tướng cho biết ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính tới Việt Nam, những khó khăn và giải pháp của Việt Nam? (câu hỏi của báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, Thương báo và Đại Công báo)
Trả lời:
Khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu đang diễn biến rất phức tạp, tác động tới tất cả các nước ở nhiều mức độ khác nhau. Là một nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam cũng đang chịu tác động của cuộc khủng hoảng, đặc biệt là đối với xuất khẩu, thu hút đầu tư, lao động việc làm, phát triển du lịch, đời sống nhân dân.
Để đối phó với khủng hoảng, ngăn chặn suy giảm kinh tế, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu; kích cầu đầu tư và tiêu dùng; thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ tích cực, linh hoạt, phù hợp; đảm bảo an sinh xã hội và đẩy mạnh chương trình giảm nghèo; đồng thời, chúng tôi cũng đang nỗ lực triển khai các biện pháp tạo tiền đề cho phát triển bền vững trong những năm sau trong đó tập trung vào đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu và cải cách thể chế kinh tế; khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật; đẩy nhanh xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là giao thông, năng lượng; giáo dục, y tế; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nâng cao năng lực quản lý nhà nước; chú trọng phát triển nguồn nhân lực; tăng cường bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nhờ những chính sách và biện pháp điều tiết vĩ mô phù hợp, năm 2008 Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng kinh tế là 6,2% và tình hình kinh tế-xã hội trong 03 tháng đầu năm 2009 tiếp tục chuyển biến theo chiều hướng tích cực: tăng trưởng kinh tế đạt 3,1%, kim ngạch xuất khẩu tăng 2,4%; cán cân thương mại và cán cân thanh toán cân bằng và có mức thặng dư; dự trữ ngoại hối vẫn được bảo đảm; lạm phát đã được kiểm soát, giá tiêu dùng tháng 3 năm 2009 chỉ tăng 1,32% so với tháng 12 năm 2008.
Số vốn đăng ký đầu tư trực tiếp của nước ngoài tuy có giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn đạt 6 tỷ USD. Thị trường chứng khoán đang hồi phục trở lại, riêng trong tháng 3 chỉ số Vn-index tăng 37%, khối lượng và giá trị giao dịch tăng mạnh, xu thế mua vào của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán đã tăng trở lại. Niềm tin của các nhà đầu tư đối với Việt Nam tiếp tục được khẳng định. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đánh giá Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn. Tôi tin tưởng rằng kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua khó khăn hiện nay và sẽ đạt tăng trưởng cao hơn trong các quý tiếp theo và dự kiến cả năm 2009 tăng trưởng 5-5,5%.
4. Xin Thủ tướng cho biết quan điểm của Việt Nam về vai trò của Trung Quốc trong việc đối phó với khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu và hợp tác của chính phủ Việt Nam và Trung Quốc để vượt qua tác động của khủng hoảng? (câu hỏi của Thương báo và Đại Công báo)
Trả lời:
Cuộc khủng khoảng tài chính kinh tế toàn cầu đang đặt ra cho các quốc gia nhiều khó khăn và thách thức.
Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của Trung Quốc trong việc đối phó với những ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu. Các giải pháp đồng bộ, linh hoạt của chính phủ Trung Quốc đã mang lại nhiều kết quả khả quan: tốc độ tăng trưởng GDP năm 2008 của Trung Quốc vẫn đứng hàng đầu thế giới (đạt khoảng 9%), hoạt động tín dụng không có xáo động lớn và đáng phấn khởi là gần đây kinh tế Trung Quốc đã xuất hiện một số dấu hiệu phục hồi. Tại các diễn đàn đa phương như Davos, G20, trong khuôn khổ hợp tác Trung-Nhật-Hàn, ASEAN+1, ASEAN+3..., Trung Quốc đã và đang phát huy vai trò ngày càng tích cực trong việc tăng cường phối hợp giữa các quốc gia để đối phó với khủng hoảng. Diễn đàn Bác Ngao lần này với chủ đề “Châu Á: nỗ lực vượt qua khủng hoảng” cũng là một trong những đóng góp tích cực của Chính phủ Trung Quốc.
Việt Nam hy vọng, là một nền kinh tế lớn và phát triển năng động vào bậc nhất thế giới, Trung Quốc sẽ trở thành một trong những quốc gia đầu tiên vượt qua khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu, để có thể góp phần tích cực hơn nữa trong việc hỗ trợ các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam, khắc phục những khó khăn hiện nay.
Trung Quốc và Việt Nam có rất nhiều điểm tương đồng, có nhiều tiềm năng để bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau. Trong bối cảnh tình hình thế giới đang gặp khủng hoảng hiện nay, hai bên đã thoả thuận sẽ tăng cường hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau, tăng cường trao đổi kinh nghiệm giữa chuyên gia kinh tế hai nước, đề xuất các kiến nghị về chính sách ứng phó với những biến động của tình hình kinh tế quốc tế. Tôi cho rằng, việc tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư và trao đổi kinh nghiệm ứng phó khủng hoảng sẽ giúp hai nước có thể cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thử thách để cùng tiếp tục phát triển.
5. Việt Nam sẽ hợp tác như thế nào với Trung Quốc để giải quyết thoả đáng các vấn đề tồn tại về biên giới lãnh thổ giữa hai bên mà không để ảnh hưởng đến chủ quyền của mình và hoà bình, ổn định ở khu vực? (câu hỏi của báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, Thương báo và Đại Công báo)
Trả lời:
Với việc hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc trên đất liền, Việt Nam và Trung Quốc đã giải quyết được hai vấn đề lớn về biên giới lãnh thổ do lịch sử để lại, đó là xác định biên giới trên đất liền và phân định Vịnh Bắc Bộ. Điều này cho thấy Việt Nam và Trung Quốc hoàn toàn có đủ khả năng để giải quyết những vấn đề tồn tại trong quan hệ hai nước trên tinh thần đồng chí anh em, hiệp thương hữu nghị, quan tâm đến lợi ích của nhau. Hai bên cần nỗ lực phấn đấu để sớm ký kết Nghị định thư phân giới cắm mốc và Hiệp định quy chế quản lý biên giới mới trong năm 2009 nhằm xây dựng đường biên giới giữa hai nước thành đường biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định lâu dài và cùng phát triển.
Về các vấn đề trên biển, hai bên đang triển khai có hiệu quả các Hiệp định đã ký năm 2000 là “Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ” và “Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ” và tiếp tục thúc đẩy một cách vững chắc đàm phán phân định khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ.
Hai bên đã thoả thuận thời gian tới sẽ đặt trọng tâm đàm phán vào vấn đề trên biển; duy trì hoà bình, ổn định trên biển; tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực có điều kiện và cùng nhau phấn đấu để cùng với các bên liên quan tìm ra giải pháp cơ bản, lâu dài, cùng chấp nhận được cho vấn đề trên biển.
Phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt - Trung là trách nhiệm và lợi ích của cả Việt Nam và Trung Quốc. Tôi cho rằng hai nước cần tuân thủ nghiêm túc nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, đứng trên tầm cao của lợi ích lớn của hai nước, của hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và quốc tế để xử lý các vấn đề do lịch sử để lại cũng như các vấn đề nảy sinh thông qua đối thoại, thương lượng hòa bình, trên cơ sở Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc năm 1982 và “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông”./.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |