Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Chủ nhật, ngày 06 tháng 04 năm 2025 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Chèo lái con thuyền Asean



Sau khi dự đưa tin Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Asean mở rộng (ADMM+) đầu tháng 10-2010, một đồng nghiệp ở hãng tin Reuters, người từng lăn lộn với nhiều sự kiện quốc tế ở VN và thế giới, đã thốt lên với tôi: “Sự kiện được tổ chức quá chuyên nghiệp.” ADMM+ cùng hai Hội nghị Cấp cao Asean lần thứ 16 (tháng 4-2010) và 17 (tháng 10-2010) và hàng loạt các sự kiện khác liên quan có lẽ là dấu ấn đậm nét nhất khi nhìn lại một năm hoạt động ngoại giao của Việt Nam.

* Khối lượng công việc khổng lồ
Ngay từ giữa năm 2009, nhiều công việc chuẩn bị cho các hoạt động Asean 2010 đã được khởi động. Nhiệm vụ mà Việt Nam sẽ gánh vác trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2010 rất nhiều và phức tạp. Đại sứ Indonesia tại VN, ông Pitono Purnomo, nói VN lượng công việc mà VN đã thực hiện trong năm Asean 2010 là “khổng lồ”.
Đây là năm đầu tiên mà nước Chủ tịch Asean thực hiện đầy đủ nhiệm vụ và trách nhiệm theo đúng Hiến chương Asean. Mọi hoạt động quan trọng nhất đều do VN làm chủ tịch và đăng cai tổ chức. Ước tính, chỉ riêng hai đợt hội nghị cấp cao 16 (tháng 4), 17 (tháng 10) cùng các cuộc họp liên quan và hơn 20 hội nghị cấp Bộ trưởng vào tháng 7 đã lên đến 150 sự kiện. Trong năm, khoảng 20 ngàn lượt người đã được huy động để phục vụ. Chỉ tính riêng đợt Hội nghị cấp cao lần thứ 17 đã có tới 548 xe ô tô các loại để phục vụ đại biểu và các thành phần tham gia.
Bản thân nước chủ nhà VN cũng có một lình trình hoạt động dày đặc. Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao 17, VN đã tiến hành 35 cuộc tiếp xúc riêng với các đối tác và thu xếp cho 38 cuộc tiếp xúc của các đoàn khác, chưa kể có 5 chuyến thăm chính thức nhà nước trong khoảng 5 ngày liên tiếp. Chưa bao giờ VN thu hút sự quan tâm của giới truyền thông quốc tế đến vậy. Trong hai đợt tháng 4 và tháng 7, khoảng 600-800 phóng viên trong và ngoài nước đã có mặt tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, nơi diễn ra các sự kiện Asean. Riêng Hội nghị cấp cao 17 và các sự kiện liên quan trong tháng 10 đã thu hút khoảng 1.400 phóng viên, trong đó hơn 1.000 người là phóng viên nước ngoài. Ông Phạm Quang Vinh, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn Quan chức Cao cấp Việt Nam tại ASEAN nhận xét, mọi việc đều tốt đẹp trong năm ASEAN, nhưng cũng vẫn còn nhớ như in một “sự cố” nhỏ phải xử lý trong quá trình tổ chức: chỉ trước ngày diễn ra một hội nghị vài ngày, Myanmar thông báo thay đổi quốc kỳ. Ngay lập tức, hàng loạt tài liệu in sẵn, cờ trang trí trong phòng họp, ngoài phòng họp trong Trung tâm Hội nghị quốc gia, và trang trí trên đường phố phải thay đổi đồng loạt cờ Myanmar. Đại sứ Úc tại VN, ngài Allaster Cox, đã nhận xét về khâu tổ chức của nước chủ nhà như sau: “Những lợi ích của việc có một địa điểm hội nghị tầm cỡ thế giới tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia đã được tận dụng suốt năm…Cũng xin chúc mừng các nhà tổ chức đã làm rất tốt việc đăng ký và phát thẻ, ban thư ký, đội ngũ cảnh sát dẹp đường và đội an ninh.”
* Ngoại giao khéo léo
Không chỉ tổ chức những phiên họp theo quy định, nước Chủ tịch Asean 2010 đã thúc đẩy một số sáng kiến thu hút được sự chú ý và ủng hộ của các thành viên Asean khác, cũng như của các nước đối tác đối thoại. Việc thiết lập ADMM+ là một nỗ lực rất lớn của Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Nguyễn Chí Vịnh đã thực hiện hàng loạt các cuộc thăm tham vấn ý kiến các nước liên quan, từ các nước Asean cho tới các nước thuộc phạm vi “Cộng” như Mỹ, Trung Quốc,… để đạt sự đồng thuận cho việc hình thành một cơ chế hợp tác quốc phòng mới giữa các nước ASEAN với các nước đối tác đối thoại. Ý tưởng về cuộc họp của những người đứng đầu ngành an ninh (MACOSA) cũng được hiện thực hóa vào tháng 9-2010 và đem lại những hiểu biết chung hiểu biết chung về mục tiêu của MACOSA trong khuôn khổ cơ chế của Hội đồng an ninh – chính trị Asean. Trung tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng đoàn Việt Nam đã nhìn nhận thành công lớn nhất của MACOSA là tăng cường lòng tin giữa cơ quan an ninh các nước trong khối ASEAN.

Ông Phạm Quang Vinh thì cho rằng một trong những điểm mấu chốt giúp VN thành công trong việc điều hành và chủ trì các hội nghị trong năm là khả năng lượng định cách ứng xử của các bên tham gia và khớp nối các quan điểm, lợi ích khác nhau. Ông Vinh còn nhớ rõ khi các Bộ trưởng của 27 bên tham gia gặp nhau trong khuôn khổ Diễn đàn Khu vực Asean (ARF) tháng 7-2010, tình hình bán đảo Triều Tiên đang trở nên phức tạp hơn trong bối cảnh vụ chìm tàu Cheonan xảy ra hồi tháng 3 và đàm phán sáu bên đã bị ngừng trệ. Với sự khéo léo trong vai trò Chủ tịch, VN đã cùng với các bên đưa ra được Tuyên bố chung gồm đủ mẫu số chung và công thức chung mà các bên đều hoan nghênh. Ông Vinh kể lại: “Đại sứ CHDCND Triều Tiên đã cảm ơn VN. Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc trước khi ra máy bay rời VN cũng cảm ơn. Từ một vấn đề rất căng, điều quan trọng là phải tạo ra được một không khí, diễn đàn xây dựng,  để các bên cần và đến, rồi thảo luận, cả bày tỏ quan ngại thẳng thắn, nhưng phải xây dựng; rồi đến phản ánh kết quả chung của thảo luận vào trong tuyên bố của Chủ tịch, sao cho nêu rõ được cái chung, nhưng cũng tính đến lợi ích chính đáng của các bên liên quan; do đó, từ chỗ còn nghi ngại, không mặn mà, đại diện hai nước đã tin hơn và đều tỏ ý hoan nghênh kết quả Diễn đàn –  Đó chính là lợi ích mang lại của các khuôn khổ đối thoại, và cũng thể hiện rõ vai trò điều phối và chủ trì thành công của nước Chủ tịch.”


“Tôi tin rằng nhiệm kỳ chủ tịch Asean của VN là một thành công lớn cho Việt Nam, cả về các kết quả chính sách lẫn phương diện hậu cần và tổ chức.” – Đại sứ Úc Allaster Cox nói khi được hỏi về cảm nhận chung về năm Asean 2010. Úc là một trong tám nước đối tác đối thoại của Asean và các lãnh đạo cấp cao của Úc đã sang VN nhiều lần trong năm qua để dự các phiên họp với lãnh đạo Asean. Đại sứ Cox đánh giá cao vai trò lãnh đạo mạnh mẽ của Việt Nam trong các sáng kiến liên kết nội vùng Asean/Đông Á để hình thành một thị trường Asean thống nhất. “Một thị trường lớn hơn và thống nhất của Asean là lợi ích cho Úc. Đó là lý do Úc đang đóng góp đáng kể vào phát triển cơ sở hạ tầng ở khu vực hạ sông Mekong, trong đó có Việt Nam và Campuchia.” – Đại sứ Cox nói với Tuổi Trẻ.

Không chỉ dừng lại ở đó, bạn bè quốc tế cũng ấn tượng trước thành công của Asean trong việc thúc đẩy sự cam kết cao hơn của Mỹ và Nga trong khu vực khi mở rộng Cấp cao Đông Á cho cả hai nước này. Đại sứ Cox nhận định về ý nghĩa chiến lược của sự kiện này như sau:  “Tiến trình mở rộng Cấp cao Đông Á nhằm bao gồm Nga và Mỹ tham dự ở cấp lãnh đạo cấp cao năm 2011 có tiềm năng đóng góp to lớn cho việc xây dựng hòa bình và ổn định ở Đông Á và Thái Bình Dương trong thế kỷ 21. Chúng tôi chúc mừng ngoại giao khéo léo của VN đã giành được kết quả này.” Các sáng kiến này của VN được nhiều chuyên gia về quan hệ quốc tế đánh giá là có tiềm năng tạo các ảnh hưởng khu vực và toàn cầu rộng lớn.

Nhìn lại một năm VN làm Chủ tịch Asean, tháng 1 là thể hiện sự khởi đầu tốt đẹp với sáng kiến các Bộ trưởng tới họp ở Đà Nẵng bằng đường bộ. Tháng 4 (Hội nghị cấp cao 16) đạt được sự nhất trí cao về định hướng, ưu tiên và quyết sách cần có trong năm. Cái kết tốt đẹp có được qua tháng 7 và tháng 10 khi Asean thể hiện được vai trò nổi trội như một hạt nhân trung tâm, chủ động điều phối và dẫn dắt hợp tác cũng như định hướng cho một cấu trúc đang định hình trong khu vực. Đặc biệt, với cấu trúc khu vực mới (gồm Asean, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, New Zealand, Nga và Mỹ), cách đây một năm không ai nghĩ sẽ có một Cấp cao Đông Á được mở rộng tới Nga và Mỹ như vậy. Nhất là Mỹ vẫn luôn là một ẩn số trong khi Nga đã thể hiện sự quan tâm tham gia vào cấu trúc hợp tác này từ năm 2005. Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Asean mở rộng cũng là một bước đột phá, thể hiện sự chủ động của kênh quốc phòng của VN nói riêng và Asean nói chung. Nhìn lại một năm bận rộn của tất cả mọi người, của cá nhân cũng như toàn bộ bộ máy phục vụ các sự kiện Asean trong năm 2010, ông Phạm Quang Vinh tự hào nói: “Vị thế của Việt Nam qua nhiệm kỳ Chủ tịch Asean đã được nâng cao rõ rệt. Điều đó không phải do ta nói mà do chính bạn bè quốc tế nói với chúng ta, với Việt Nam!”

Hương Giang

BOX:

“Chúng tôi đánh giá cao việc tổ chức các cuộc họp của Asean không chỉ ở Hà Nội hay TPHCM mà các địa phương khác nhau. Đây không chỉ là ý tưởng tuyệt vời để quảng bá du lịch mà còn cho chúng tôi, các quốc gia thành viên Asean và đối tác đối thoại, hiểu rõ hơn về vẻ đẹp tiềm ẩn của VN, nhất là về sự đón tiếp nồng hậu của người dân địa phương. Điều này phù hợp với chủ trương ngoại giao văn hóa của Bộ Ngoại giao VN năm nay. Nhân dịp Tết, tôi cũng xin chúc mừng ông Vụ trưởng Vụ văn hóa-Unesco của Bộ Ngoại giao VN đã hoàn thành công việc cực kỳ thành công trong việc thúc đẩy hình ảnh tích cực của Việt Nam.” - ông Pitono Purnomo - Đại sứ Indonesia – nói với Tuổi Trẻ trong dịp cuối năm 2010.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer

EMC Đã kết nối EMC