Xin Thứ trưởng cho biết đôi nét về tình hình quan hệ giữa Việt Nam và các quốc gia Trung Đông - châu Phi trong thời gian qua?
Khu vực Trung Đông - châu Phi gồm 70 quốc gia, dân số 1,6 tỷ người, diện tích trên 36 triệu km2, có vị trí địa chính trị, địa kinh tế quan trọng. Mặc dù còn đứng trước nhiều thách thức, song trong những năm qua, các quốc gia Trung Đông - châu Phi dã tích cực hội nhập với xu thế chung toàn cầu là hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, không ngừng nâng cao vị thế quốc tế.
Là đối tác tin cậy và có trách nhiệm của các quốc gia Trung Đông - châu Phi, Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống với các quốc gia trong khu vực. Đến nay, chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 69/70 quốc gia Trung Đông - châu Phi. Hai bên thường xuyên ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế. Vừa qua, nhiều quốc gia trong khu vực đã ủng hộ Việt Nam trúng cử với số phiếu cao kỳ lục để trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Việt Nam hiện có quan hệ thương mại với tất cả các quốc gia trong khu vực với kim ngạch hai chiều đạt trên 17,5 tỷ USD năm 2018, tăng 300% so với năm 2008; đầu tư trên 2,6 tỷ USD vào khu vực và tiếp nhận trên 7 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp từ khu vực. Việt Nam đã triển khai thành công nhiều mô hình hợp tác song phương, ba - bốn bên trong các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, giáo dục... với các quốc gia châu Phi. Viễn thông, lao động... cũng là những điểm sáng trong hợp tác, được dư luận hai bên ghi nhận và đánh giá cao.
Tuy nhiên, mức độ giao thương giữa Việt Nam và khu vực còn rất khiêm tốn so với tiềm năng và sức tăng trưởng mạnh mẽ mà Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi đang có được. Tỉ trọng trao dổi thương mại giữa Việt Nam với khu vực hiện chỉ chiếm tỉ trọng khoảng 3,5% trên tổng số 480 tỷ USD xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm 2018.
Dư địa để đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực kinh tế thương mại do đó còn rất lớn nếu ta có các biện pháp, chính sách hiệu quả, xây dựng và triển khai dược những cơ chế hợp tác hữu hiệu để khai thác tốt tiềm năng và thế mạnh sẵn có của cả hai bên.
Trong các ngày 9-10/9, Bộ Ngoại giao Việt Nam lần đầu tiên chủ trì tổ chức hội nghị Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi năm 2019. Xin Thứ trưởng cho biết mục đích của sự kiện này?
Việc làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống với các quốc gia Trung Đông - châu Phi luôn là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Chúng ta đánh giá cao vai trò và những đóng góp hết sức quan trọng của hệ thống các Cơ quan đại diện ngoại giao thường trú và không thường trú của các quốc gia Trung Đông – châu Phi tại Việt Nam, các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế trong việc không ngừng củng cố và phát triển mối quan hệ tốt đẹp nêu trên.
Với tinh thần đó, Bộ Ngoại giao sẽ lần đầu tiên tổ chức Hội nghị “Gặp mặt Đại sứ các nưóc Trung Đông - châu Phi năm 2019” trong các ngày 9-10/9/2019. Hội nghị được tổ chức với mục đích tăng cường phát huy hơn nữa vai trò của mạng lưới các Cơ quan đại diện ngoại giao của các quốc gia Trung Đông – châu Phi thường trú và không thường trú tại Việt Nam; tăng cường kết nối, tạo diễn đàn đối ngoại, trao đổi trực tiếp giữa các Cơ quan đại diện ngoại giao khu vực với các Bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp của Việt Nam về các biện pháp cụ thể thúc đẩy hơn nữa hợp tác nhiều mặt giữa hai bên, nhất là về kinh tế.
Sẽ có những nội dung đáng chú ý nào tại Hội nghị Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi năm 2019, thưa Thứ trưởng?
Gia tăng hiểu biết và tin cậy lẫn nhau là yếu tố then chốt trong quan hệ hợp tác giữa các quốc gia trên thế giới. Do đó, tại Hội nghị lần này, Bộ Ngoại giao sẽ chủ động thông tin cho các vị Đại sứ, Đại biện các quốc gia Trung Đông - châu Phi về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, đặc biệt trong quan hệ với các quốc gia Trung Đông - châu Phi.
Ngoài ra, hội nghị cũng sẽ dành nhiều thời gian trao đổi về một số lĩnh vực hợp tác hai bên cùng quan tâm như thương mại, viễn thông và nông nghiệp. Với sự hỗ trợ và tham gia tích cực của nhiều Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, trong khuôn khổ hội nghị sẽ diễn ra Tọa đàm về “Nâng cao hiệu quả hợp tác thương mại Việt Nam - Trung Đông - châu Phi”. Đây là diễn đàn để đại diện các Bộ/ngành, Đại sứ, Đại biện các nước Trung Đông - châu Phi cùng các doanh nghiệp hai bên thảo luận, chỉ ra những thuận lợi và khó khăn trong hợp tác thương mại hiện nay, từ đó tìm ra giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong thanh toán qua ngân hàng, khâu đột phá có thể khởi thông đáng kể hợp tác thương mại giữa hai bên.
Các đại biểu cùng sẽ có cơ hội tham dự tọa đàm và tham quan thực tế tại Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam, đơn vị đầu ngành về khoa học nông nghiệp và thủy sản tại Việt Nam, có nhiều kinh nghiệm hợp tác với châu Phi và Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, doanh nghiệp điển hình tiên tiến cho hợp tác thành công trong lĩnh vực viên thông tại châu Phi.
Đặc biệt tại Hội nghị lần này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tiếp các Đại sứ, Đại biện, đại diện các cơ quan tổ chức quốc tế và khu vực đến chào xã giao, lắng nghe và tiếp nhận những sáng kiến, đề xuất từ các vị đại diện ngoại giao khu vực. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ phát biểu khai mạc Hội nghị và cùng các Đại sứ tham quan gian hàng trưng bày của các doanh nghiệp, địa phương Việt Nam. Sự tham gia của Người đứng đầu Chính phủ và của ngành Ngoại giao cho thấy sự coi trọng và quan tâm đặc biệt của Lãnh đạo Việt Nam đối với hội nghị nói riêng và đối với quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông – châu Phi nói chung.
Thưa Thứ trưởng, ông có thể cho biết công tác chuẩn bị cho Hội nghị đã được tiến hành như thế nào?
Đến nay công tác chuẩn bị cho hội nghị cả về nội dung và lễ tân - hậu cần cơ bản đã hoàn tất. Hội nghị đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình và tham dự đông đảo của các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, các cơ quan ban ngành và các doanh nghiệp trong nước. Hiện ngoài 17 Đại sứ quán các quốc gia Trung Đông - châu Phi thường trú tại Hà Nội, đã có 25 Đại sứ quán không thường trú các quốc gia trong khu vực, cùng đại diện một số Đại sứ quán các đối tác phát triển như Nhật Bản, nhiều tổ chức và cơ quan phát triển quốc tể như Liên minh châu Phi, Tổ chức lương thực thế giới, Câu lạc bộ các chủ Ngân hàng châu Phi... Đặc biệt, lần đầu tiên Liên minh châu Phi cử Cao ủy phụ trách kinh tế Victor Harison tham dự hội nghị. Điều này cho thấy sự quan tâm sâu sắc và kỳ vọng to lớn của các đối tác dành cho hội nghị lần này.
Về phía các cơ quan trong nước, các Bộ, ngành có nhiều hợp tác với Trung Đông - châu Phi như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước... cùng Lãnh đạo nhiều địa phương như Cà Mau, Yên Bái, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, An Giang, Tuyên Quang, Bình Định, Điện Biên, Nghệ An, Đà Nẵng... sẽ tham dự Hội nghị. Ngoài ra, Hội nghị cũng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của cộng đồng doanh nghiệp trong nước. Đến nay đã có gần 50 doanh nghiệp đăng ký tham dự hội nghị trong đó có 17 doanh nghiệp tham gia trưng bày quảng bá sản phẩm, dịch vụ.
Thứ trưởng có kỳ vọng gì về kết quả của Hội nghị lần đầu tiên này?
Mặc dù là lần đầu tiên được tổ chức, nhưng với sự tham gia đông đảo và hưởng ứng tích cực từ các đại biểu gồm các Cơ quan dại diện ngoại giao của các quốc gia Trung Đông châu Phi tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế và khu vực, các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam, hội nghị “Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi năm 2019” được kỳ vọng sẽ đem lại cơ hội thiết thực để các bên trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm thực chất, qua đó đề ra nhiều sáng kiến đê tận dụng thế mạnh sẵn có, tháo gỡ khó khăn, phát huy tối đa vai trò mở đường, kết nối và đồng hành của các Cơ quan đại diện ngoại giao, thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế với Việt Nam.
Những sáng kiến, ý tưởng, đề xuất được thảo luận tại hội nghị lần này sẽ mang đến những động lực mới cho hợp tác giữa hai bên, góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu chung về hợp tác cùng phát triển, đáp ứng kỳ vọng của Lãnh đạo và nhân dân Việt Nam và các quốc gia Trung Đông - Bắc Phi.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!