Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Thứ trưởng Lê Hoài Trung trả lời phỏng vấn sau Lễ trao đổi Văn kiện Phê chuẩn Hiệp ước bổ sung 2019 và Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia

(MOFA) - Sau Lễ trao đổi Văn kiện Phê chuẩn Hiệp ước bổ sung 2019 và Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung đã trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả của Lễ trao đổi. Dưới đây là toàn văn nội dung trả lời phỏng vấn.

Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa và tầm quan trọng của Lễ trao đổi Văn kiện Phê chuẩn Hiệp ước bổ sung năm 2019 và Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia?

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Prak Sokhon vừa tiến hành trao đổi Văn kiện Phê chuẩn “Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa nước CHXHCN Việt Nam và Vương quốc Campuchia” (Hiệp ước bổ sung năm 2019) và “Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước CHXHCN Việt Nam và Vương quốc Campuchia” (Nghị định thư phân giới cắm mốc) được đại diện hai nước ký ngày 05/10/2019 tại Hà Nội dưới sự chứng kiến của hai Thủ tướng Chính phủ. Hai văn kiện pháp lý này đã được Cơ quan quyền lực cao nhất của hai nước phê chuẩn.

Theo thỏa thuận của hai nước, hai văn kiện pháp lý này sẽ có hiệu lực ngay sau khi hai bên hoàn thành thủ tục trao đổi Văn kiện Phê chuẩn. Như vậy, kể từ hôm nay, ngày 22/12/2020, “Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa nước CHXHCN Việt Nam và Vương quốc Campuchia” và “Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước CHXHCN Việt Nam và Vương quốc Campuchia” bắt đầu có hiệu lực và thực sự đi vào đời sống chính trị của hai nước.

Sự kiện ngày hôm nay ghi dấu một thắng lợi lớn của cả hai nước và có ý nghĩa lịch sử trong tiến trình hơn 36 năm giải quyết biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia, góp phần củng cố và tiếp tục nâng quan hệ Việt Nam - Campuchia lên tầm cao mới, thể hiện phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã thỏa thuận.

Đúng như lời Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã phát biểu tại Lễ trao đổi Văn kiện phê chuẩn vừa diễn ra, hai văn kiện pháp lý này có hiệu lực đã thể hiện quyết tâm và thiện chí của cả Việt Nam và Campuchia trong việc cùng nhau giải quyết vấn đề biên giới chung.

Hai văn kiện pháp lý này cùng với Hiệp ước hoạch định năm 1985 và Hiệp ước bổ sung 2005 sẽ tạo thành khung pháp lý quan trọng cho việc quản lý và phát triển đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia trong tình hình mới, bảo đảm giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, thúc đẩy hợp tác phát triển, giao lưu hữu nghị, nâng cao đời sống cư dân biên giới, xây dựng đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia thành đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững, góp phần quan trọng củng cố, tăng cường đoàn kết ASEAN, nâng cao uy tín và vị thế của ASEAN trên trường quốc tế.

Đồng thời, hai văn kiện pháp lý này cũng một lần nữa khẳng định giá trị của những Hiệp ước, Hiệp định và các thỏa thuận về biên giới mà hai nước đã ký kết trong thời gian qua, là cơ sở để hai nước phối hợp thực hiện hiệu quả công tác quản lý biên giới và tiến tới hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến.

Thưa Thứ trưởng, sau khi hai văn kiện pháp lý quan trọng này có hiệu lực, cơ quan chức năng hai nước Việt Nam và Campuchia sẽ triển khai các công việc gì tiếp theo?

Chính thức kể từ hôm nay, 22/12/2020, hai văn kiện pháp lý về biên giới gồm Hiệp ước bổ sung năm 2019 và Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia có hiệu lực. Như vậy, trong thời gian tới, cơ quan chức năng hai nước cần phối hợp triển khai đồng bộ nhiều mảng việc quan trọng để hai văn kiện này sớm đi vào đời sống.

Về nội bộ, theo quy định của Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Bộ Ngoại giao với tư cách là cơ quan đề xuất ký và chủ trì thực hiện, có trách nhiệm xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ duyệt ký Quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện hai văn kiện pháp lý này. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức thực hiện hiệu quả hai văn kiện pháp lý.

Về song phương, trong thời gian tới, hai bên sẽ phối hợp tổ chức bàn giao và quản lý đường biên, mốc giới phù hợp với Nghị định thư phân giới cắm mốc. Đồng thời, hai bên sẽ triển khai đàm phán xây dựng các điều ước quốc tế về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu cũng như tiếp tục đàm phán giải quyết khoảng 16% đường biên giới chưa hoàn thành phân giới cắm mốc.

Có thể khẳng định rằng việc tổ chức thực hiện có hiệu quả hai văn kiện pháp lý nói trên có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới; góp tăng cường, củng cố và phát triển mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa Việt Nam và Campuchia./.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer