Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng. (Ảnh: MOFA)
Câu hỏi: Xin Thứ trưởng đánh giá về ý nghĩa và kết quả dự Hội nghị COP26 của đoàn Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu?
COP26 là sự kiện quốc tế lớn quan trọng hàng đầu, được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, tác động ngày càng trầm trọng trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng đến phát triển bền vững của các nước và sinh kế của người dân, đòi hỏi các quốc gia hành động khẩn trương, mạnh mẽ và tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp hành động để đạt được mục tiêu đề ra trong Thỏa thuận Paris. Hội nghị đã thu hút sự tham gia của gần 200 quốc gia thành viên trong đó có 120 Nguyên thủ và Thủ tướng các nước cùng khoảng 36 ngàn đại biểu. Chính vì vậy, việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn Việt Nam tham gia Hội nghị mang nhiều ý nghĩa quan trọng và đạt được nhiều kết quả thiết thực.
Thứ nhất, đây là bước triển khai cụ thể ở cấp cao chủ trương, đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII về “tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế” và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về “đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030”. Với việc tham gia đóng góp tại Hội nghị, chúng ta đã tái khẳng định thông điệp mạnh mẽ tới tất cả bạn bè quốc tế về một Việt Nam trách nhiệm, chủ động, tích cực trong tham gia xử lý một trong những thách thức chung toàn cầu lớn nhất và được quan tâm cao nhất hiện nay là BĐKH; qua đó thể hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Thứ hai, thông qua sự tham gia chủ động, tích cực với những thông điệp sâu sắc thể hiện trong các phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị, đặc biệt là cam kết liên quan đến việc đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, tham gia Cam kết giảm phát thải mê-tan toàn cầu và Tuyên bố Glasgow các nhà Lãnh đạo về Rừng và sử dụng đất, cộng đồng quốc tế thấy rõ hơn chủ trương, quyết tâm, nỗ lực và cam kết chính trị của Việt Nam trong ứng phó với BĐKH. Trong tiếp xúc song phương nhân dịp Hội nghị, lãnh đạo các nước chia sẻ chia sẻ những tác động nghiêm trọng của BĐKH cũng như những khó khăn, thách thức chúng ta đang gặp phải trong ứng phó với BĐKH, đồng thời cũng coi Việt Nam là hình mẫu về một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn nhưng đã có những đóng góp đi đầu về ứng phó BĐKH. Các đề xuất cuả Thủ tướng được các nước hoan nghênh, ủng hộ - điều này mở ra nhiều cơ hội để chúng ta tăng cường hợp tác với các nước, các đối tác về tài chính, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực để hỗ trợ các nỗ lực của ta nhằm ứng phó với BĐKH.
Thứ ba, sau gần 2 năm dịch bệnh làm ảnh hưởng đến các hoạt động đối ngoại và giao lưu quốc tế, nhân dịp tham dự COP26, Thủ tướng Chính phủ và đoàn Việt Nam đã có hơn 20 cuộc gặp, tiếp xúc song phương với Lãnh đạo cấp cao các nước ở tất cả các châu lục trong đó có các đối tác chiến lược, đối tác lớn và lãnh đạo các tổ chức tài chính quốc tế, năng lượng mới, môi trường... để thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với các nước và các đối tác, đưa quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, hiệu quả, góp phần tích cực củng cố cục diện đối ngoại vững chắc và thuận lợi để giữ vững hoà bình, ổn định và phát triển đất nước. Đây cũng là dịp chúng ta triển khai ngoại giao vắc-xin, ngoài giao y tế, vận động thu hút nguồn lực bao gồm cả tài chính, công nghệ, góp phần tích cực phục vụ phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, xanh, bao trùm hơn và dựa trên đổi mới sáng tạo, tăng cường khả năng chống chịu, nâng cao năng lực thích ứng của người dân và của các thành phần kinh tế.
Câu hỏi: Xin Thứ trưởng cho biết những kết quả nổi bật của các hoạt động song phương tại Anh và chuyến thăm chính thức tại Pháp của Thủ tướng Chính phủ.
Anh và Pháp đều là hai nước lớn trên thế giới, là Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, thành viên Nhóm G7 và là Đối tác chiến lược của Việt Nam. Pháp sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên EU trong nửa đầu năm 2022. Cả hai nước đang điều chỉnh chính sách hướng đến khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó coi trọng ASEAN và Việt Nam. Trong bối cảnh đó, chuyến thăm làm việc tại Anh và thăm chính thức Pháp đạt được nhiều mục tiêu quan trọng, kết quả thực chất và có ý nghĩa chiến lược.
Cả hai nước dành cho Thủ tướng và đoàn sự đón tiếp hết sức trọng thị và nồng hậu. Mặc dù phải tập trung cao cho Hội nghị COP26, tiếp đón hàng trăm nhà lãnh đạo nhưng cả Hoàng gia và Chính phủ Anh đều coi trọng sự tham dự của Việt Nam. Thủ tướng Boris Johnson, Thái tử Charles, Thủ hiến ba vùng Scotland, Wales và Bắc Ireland đều dành thời gian, kể cả ngày nghỉ để hội kiến và tiếp xúc riêng với Thủ tướng ta. Pháp dành cho Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn Việt Nam các nghi lễ hơn cả thông lệ, trọng thị và rất thân tình: cả Tổng thống, Thủ tướng hội đàm và chiêu đãi trọng thể, Chủ tịch Quốc hội và Chu tịch Thượng viện đều hội kiến với Thủ tướng ta.
Trong các cuộc hội đàm, hội kiến, lãnh đạo các nước bày tỏ coi trọng vai trò, vị thế của Việt Nam, thống nhất những định hướng lớn, giao cho các Bộ, ngành triển khai các biện pháp hợp tác cụ thể nhằm tăng cường lòng tin chiến lược, quyết tâm đưa các khuôn khổ hợp tác với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực tiếp tục đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn nữa. Thủ tướng ta và lãnh đạo các nước thống nhất sớm thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao, đẩy mạnh hợp tác qua các kênh Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và giao lưu nhân dân, sớm nối lại các cơ chế hợp tác giữa các bộ ngành và địa phương cũng như giao thương, đi lại giữa hai nước; đồng thời cùng nỗ lực tăng cường hợp tác trong phục hồi và phát triển kinh tế, tạo điều kiện để hàng hoá tiếp cận thị trường của nhau, khai thác lợi thế của các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với EU (EVFTA) và Vương quốc Anh (UKVFTA), tập trung thúc đẩy các chương trình/dự án năng lượng sạch, nông nghiệp hữu cơ, kinh tế số, đổi mới sáng tạo...
Bàn về các vấn đề đa phương, Lãnh đạo Anh, Pháp chia sẻ và ủng hộ Việt Nam trong các vấn đề quốc tế như ứng phó BĐKH, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hảng không trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã gặp gỡ bạn bè của Việt Nam như Đảng Cộng sản Pháp, Hội hữu nghị Pháp-Việt và các đối tác quốc tế như Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD)… nhằm đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức này. Ngoài ra, đại diện của Quốc hội, các Ban Đảng và một số Lãnh đạo các Bộ có gặp gỡ với các đối tác Anh, Pháp để thúc đẩy hợp tác qua kênh nghị viện, kênh đảng và các Bộ chuyên ngành.
Kết quả ấn tượng của các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư trong chuyến đi là với sự chứng kiến của Thủ tướng, gần 60 bản ghi nhớ hợp tác đã được doanh nghiệp Việt Nam và các nước thoả thuận, tổng giá trị đầu tư cam kết lên đến hơn 30 tỷ USD, tập trung trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, kinh tế số, chuyển đổi số, môi trường, phát triển cơ sở hạ tầng, quy hoạch, công nghiệp hàng không vũ trụ, y tế và phòng chống dịch, giáo dục, nông nghiệp, du lịch… là những định hướng ưu tiên thu hút đầu tư của Việt Nam. Gần 450 doanh nghiệp hàng đầu của Anh, Pháp và châu Âu tham dự trực tiếp và trực tuyến hai diễn đàn doanh nghiệp ở Anh và Pháp bày tỏ được khích lệ bởi thông điệp của Thủ tướng là Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, kinh doanh dài hạn ở Việt Nam. Lãnh đạo các tập đoàn cảm ơn Chính phủ đã có các biện pháp mạnh mẽ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất trước tác động của COVID-19; khẳng định cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư, dành các nguồn vốn và công nghệ cao để đồng hành với Việt Nam đưa kinh tế khởi sắc và đón bắt các xu thế phát triển mới. Ngoài ra Thủ tướng Chính phủ đã có gần 40 cuộc tiếp xúc, trao đổi với hơn 60 lãnh đạo các tập đoàn, ngân hàng, trường đại học hàng đầu của Anh, Pháp và Châu Âu. Lãnh đạo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Y tế cũng đã làm việc riêng với khoảng gần 50 tập đoàn, doanh nghiệp lớn để trao đổi về các dự án đầu tư cụ thể và phương hướng hợp tác trong thời gian tới.
Hợp tác y tế và công tác ngoại giao vắc-xin, vận động các đối tác hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh là một trọng tâm của chuyến thăm lần này. Các nước chia sẻ khó khăn của Việt Nam và đáp ứng tích cực đề nghị của ta: Pháp công bố viện trợ thêm gần 1,4 triệu liều vắc-xin chống COVID-19 qua kênh song phương và cơ chế COVAX, nâng tổng số liều vắc-xin Pháp hỗ trợ cho Việt Nam lên hơn 2 triệu liều; Anh khẳng định sẽ giúp Việt Nam nâng cao năng lực y tế, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin COVID-19; Công ty cổ phần vắc-xin Việt Nam và Công ty Astra Zeneca ký hợp đồng mua 25 triệu liều, nâng tổng số thoả thuận lên hơn 55 triệu liều và cam kết trong tháng 11 và tháng 12/2021 toàn bộ số vắc-xin sẽ được đưa về Việt Nam, kịp thời thực hiện nhanh chóng mục tiêu tiêm vắc-xin toàn dân của Chính phủ.
Với tinh thần triển khai Kết luận 12 của Bộ chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, Thủ tướng đã có hai cuộc gặp với gần 100 kiều bào Anh, Ireland và hơn 200 đại diện kiều bào tiêu biểu Pháp, châu Âu, thông báo với bà con tình hình mọi mặt của đất nước, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con. Bà con rất xúc động khi Thủ tướng nhấn mạnh cộng đồng là bộ phận không thể tách rời và là động lực của dân tộc; Đảng, Nhà nước và Chính phủ có trach nhiệm chăm lo và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho bà con; giao ngay cho các Bộ ngành liên quan nghiên cứu đáp ứng thuận lợi kiến nghị của kiều bào về dạy và học tiếng Việt, tạo cơ chế khuyến khích sự đóng góp của chuyên gia trí thức kiều bào, nối lại các chuyến bay thương mại để bà con về thăm quê hương…
Nhìn chung, với chương trình làm việc dày đặc, tiếp xúc trên cả kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, bạn bè và kiều bào, chuyến công tác lần này của Thủ tướng Chính phủ và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thành công rất tốt đẹp, đạt kết quả toàn diện, thực chất và cụ thể, hiện thực hoá đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII đề ra là độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, góp phần thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc/.