Chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam
Tổng quan đường lối đối ngoại của Đại hội XI
Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng chủ trương: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh”. Báo cáo Chính trị xác định: “Nhiệm vụ của công tác đối ngoại là giữ vững môi trường hòa bình, thuận lợi cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao vị thế của đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”.
Những định hướng lớn về đối ngoại của Đại hội XI:
Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ, nguyên tắc và phương châm nêu trên, Đại hội XI đã đề ra những định hướng lớn cho công tác đối ngoại thời gian tới. Trong đó, định hướng tổng thể, bao trùm là nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, tiếp tục đưa các mối quan hệ quốc tế vào chiều sâu; còn định hướng cụ thể gồm có:
(i) Về quan hệ song phương: Tiếp tục phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, Việt Nam sẽ ưu tiên phát triển quan hệ hợp tác và hữu nghị truyền thống với các nước láng giềng có chung biên giới, đồng thời nỗ lực làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với các đối tác chủ chốt.
(ii) Là thành viên ASEAN: Việt Nam sẽ chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, tăng cường quan hệ với các đối tác, duy trì và củng cố vai trò quan trọng của ASEAN trong các khuôn khổ hợp tác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương
(iii) Về ngoại giao đa phương: Với phương châm là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ mở rộng tham gia và đóng góp ngày càng tích cực, chủ động, trách nhiệm vào các cơ chế, tổ chức, diễn đàn khu vực, đa phương và toàn cầu, đặc biệt là Liên Hợp quốc.
Việt Nam sẽ tích cực hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế để đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là vấn đề biến đổi khí hậu.
(iv) Về biên giới lãnh thổ: thúc đẩy giải quyết những vấn đề còn tồn tại về biên giới, lãnh thổ, ranh giới biển và thềm lục địa với các nước liên quan, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và nguyên tắc ứng xử của khu vực; làm tốt công tác quản lý biên giới, xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.
(v) Về các lĩnh vực khác: Việt Nam chủ trương phát triển quan hệ đối ngoại đảng với các đảng cộng sản, công nhân, đảng cánh tả, các đảng cầm quyền và các đảng khác, tiếp tục coi trọng và nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao nhân dân.
Những phát triển mới quan trọng :
Trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị hội nhập sâu rộng, đường lối đối ngoại của Đại hội XI đã có một số phát triển mới, quan trọng để phù hợp với nhiệm vụ mới và tình hình mới, cụ thể là:
Lợi ích quốc gia - dân tộc vừa là mục tiêu vừa là nguyên tắc cao nhất của các hoạt động đối ngoại. Lợi ích quốc gia - dân tộc là lợi ích tối cao của gần 90 triệu nhân dân Việt Nam và hơn 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài.
Hội nhập quốc tế trở thành định hướng đối ngoại lớn, lấy hội nhập kinh tế là trọng tâm và mở rộng sang các lĩnh vực khác: chính trị, quốc phòng, an ninh, văn hóa-xã hội và ở mọi cấp độ song phương, khu vực, đa phương và toàn cầu.
Từ chủ trương “là bạn và đối tác tin cậy” của Đại hội IX, Đại hội XI bổ sung thêm Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Xây dựng cộng đồng ASEAN trở thành một trọng tâm đối ngoại. Đại hội XI khẳng định Việt Nam là thành viên ASEAN, cam kết phấn đấu cùng các nước xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |