Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng cộng sản
Việt Nam lần thứ XI đã thông qua nhiều văn kiện quan trọng, đề ra đường
lối và chính sách đối ngoại của Việt Nam trong thời kỳ phát triển mới.
Về tổng quan, đường lối đối ngoại của Đại hội XI là sự tiếp nối đường
lối đối ngoại của các Đại hội trước trong thời kỳ Đổi Mới, được khởi
xướng từ Đại hội VI năm 1986. Đồng thời, đường lối này có những phát
triển mới phù hợp với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ
nghĩa trong giai đoạn Việt Nam hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế
giới.
Tổng quan đường lối đối ngoại của Đại hội XI
Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng chủ trương: “Thực
hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác
và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực
hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm
trong cộng đồng quốc tế; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt
Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh”. Báo cáo Chính trị xác định: “Nhiệm
vụ của công tác đối ngoại là giữ vững môi trường hòa bình, thuận lợi
cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ vững chắc độc lập,
chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao vị thế của đất
nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc,
dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”.
Những định hướng lớn về đối ngoại của Đại hội XI:
Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ, nguyên
tắc và phương châm nêu trên, Đại hội XI đã đề ra những định hướng lớn
cho công tác đối ngoại thời gian tới. Trong đó, định hướng tổng thể, bao
trùm là nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, tiếp tục đưa các mối
quan hệ quốc tế vào chiều sâu; còn định hướng cụ thể gồm có:
(i) Về quan hệ song phương:
Tiếp tục phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, Việt
Nam sẽ ưu tiên phát triển quan hệ hợp tác và hữu nghị truyền thống với
các nước láng giềng có chung biên giới, đồng thời nỗ lực làm sâu sắc hơn
nữa quan hệ với các đối tác chủ chốt.
(ii) Là thành viên ASEAN: Việt
Nam sẽ chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước xây dựng Cộng
đồng ASEAN vững mạnh, tăng cường quan hệ với các đối tác, duy trì và
củng cố vai trò quan trọng của ASEAN trong các khuôn khổ hợp tác ở khu
vực châu Á - Thái Bình Dương
(iii) Về ngoại giao đa phương:
Với phương châm là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt
Nam sẽ mở rộng tham gia và đóng góp ngày càng tích cực, chủ động, trách
nhiệm vào các cơ chế, tổ chức, diễn đàn khu vực, đa phương và toàn cầu,
đặc biệt là Liên Hợp quốc.
Việt Nam sẽ tích cực hợp tác với các
nước, các tổ chức quốc tế để đối phó với các thách thức an ninh phi
truyền thống, nhất là vấn đề biến đổi khí hậu.
(iv) Về biên giới lãnh thổ: thúc
đẩy giải quyết những vấn đề còn tồn tại về biên giới, lãnh thổ, ranh
giới biển và thềm lục địa với các nước liên quan, trên cơ sở các nguyên
tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và nguyên tắc ứng xử của khu vực; làm
tốt công tác quản lý biên giới, xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu
nghị, hợp tác cùng phát triển.
(v) Về các lĩnh vực khác: Việt
Nam chủ trương phát triển quan hệ đối ngoại đảng với các đảng cộng sản,
công nhân, đảng cánh tả, các đảng cầm quyền và các đảng khác, tiếp tục
coi trọng và nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao nhân dân.
Những phát triển mới quan trọng :
Trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị hội
nhập sâu rộng, đường lối đối ngoại của Đại hội XI đã có một số phát
triển mới, quan trọng để phù hợp với nhiệm vụ mới và tình hình mới, cụ
thể là:
Lợi ích quốc gia - dân tộc vừa
là mục tiêu vừa là nguyên tắc cao nhất của các hoạt động đối ngoại. Lợi
ích quốc gia - dân tộc là lợi ích tối cao của gần 90 triệu nhân dân
Việt Nam và hơn 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài.
Hội nhập quốc tế trở thành định hướng đối ngoại lớn,
lấy hội nhập kinh tế là trọng tâm và mở rộng sang các lĩnh vực khác:
chính trị, quốc phòng, an ninh, văn hóa-xã hội và ở mọi cấp độ song
phương, khu vực, đa phương và toàn cầu.
Từ chủ trương “là bạn và đối tác tin cậy” của Đại hội IX, Đại hội XI bổ sung thêm Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Xây dựng cộng đồng ASEAN trở thành một trọng tâm đối ngoại. Đại hội XI khẳng định Việt Nam là thành viên ASEAN, cam kết phấn đấu cùng các nước xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN.
Các hoạt động đối ngoại sẽ được triển khai đồng bộ, toàn diện
trên cơ sở phát huy tiềm lực của mọi lực lượng và thực thi trên mọi
kênh, nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc trên mặt trận đối
ngoại.