Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Monday, ngày 23 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Đối ngoại Việt Nam năm 2013



1. Ngoại giao chính trị diễn ra sôi động với các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội của Việt Nam đến các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác quan trọng nhất và các nước bạn bè truyền thống.

Quan hệ hữu nghị đặc biệt với Lào tiếp tục được củng cố và thúc đẩy. Trong năm qua, hai nước Việt – Lào đã tổ chức nhiều hoạt động hữu nghị, triển khai nhiều chuyến thăm cấp cao, tổ chức tổng kết Năm đoàn kết Hữu nghị Việt - Lào 2012. Quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư tuy có một số khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế và suy thoái trên thế giới, nhưng cơ bản ổn định, Việt Nam tiếp tục là nhà đầu tư lớn thứ hai tại Lào với 459 dự án tổng số vốn trên 5,5 tỷ USD. Quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với Cam-pu-chia tiếp tục củng cố. Hợp tác kinh tế - thương mại phát triển thuận lợi, trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Hun Xen, hai bên đã ký nhiều hiệp định, thoả thuận quan trọng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước mở rộng hợp tác, kinh doanh, và đầu tư. Hiện nay, Việt Nam là đối tác thương mại và đầu tư lớn thứ hai của Cam-pu-chia, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2013 đạt gần 3,5 tỷ USD.

Quan hệ với Trung Quốc duy trì ổn định với nhiều hoạt động tiếp xúc cấp cao giữa Lãnh đạo hai Đảng, hai nước và giao lưu nhân dân. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Trung Quốc (6/2013); Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội chợ Trung Quốc – ASEAN (CAEXPO) tại Nam Ninh (8/2013); Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thăm chính thức Việt Nam (10/2013) đã góp phần quan trọng củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hai bên đã tiến hành họp Uỷ ban chỉ đạo hợp tác song phương lần thứ 6, kỳ họp thứ 8 Uỷ ban hợp tác kinh tế - thương mại, ký danh mục các dự án hợp tác trọng điểm trong Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế - thương mại Việt – Trung giai đoạn 2012-2016. Kim ngạch thương mại  năm 2013 đạt khoảng 50 tỷ USD và nhiều khả năng hoàn thành mục tiêu 60 tỷ USD trước năm 2015.

Quan hệ song phương giữa Việt Nam với các nước thành viên ASEAN được đẩy mạnh. Các chuyến thăm chính thức Thái Lan của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; chuyến thăm chính thức In-đô-nê-xi-a của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (6/2013) và chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Xin-ga-po Lý Hiển Long (9/2013) là những bước phát triển mới, trong đó có việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam với ba nước này. Quan hê với Phi-líp-pin đã có sự phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức kỳ họp thứ 7 Uỷ ban hợp tác song phương. Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bru-nây trong hoạt động của ASEAN, đóng góp vào thành công Năm Chủ tịch ASEAN của Bru-nây.

Quan hệ Việt Nam – Liên bang Nga phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, giáo dục – đào tạo, dầu khí, an ninh, quốc phòng. Trong các chuyến thăm Nga của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (3/2013) và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (5/2013), chuyến thăm Việt Nam lần thứ ba của Tổng thống Pu-tin, hai bên đã ký nhiều hiệp định, thoả thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực, góp phần củng cố sự tin cậy lẫn nhau, gia tăng hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư, hợp tác khai thác thăm dò dầu khí.

Với những kết quả quan trọng đạt được trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 11/2013), quan hệ Đối tác chiến lược với Ấn Độ được tăng cường trên 4 trụ cột kinh tế - thương mại, an ninh – quốc phòng, khoa học – công nghệ, giáo dục đào tạo và văn hóa.

Quan hệ Đối tác chiến lược với Nhật Bản tiếp tục được tăng cường với nhiều hoạt động trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và triển khai các hoạt động Năm Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản 2013. Thủ tướng Sin-dô A-bê ngay sau khi nhậm chức đã điện đàm với Thủ tướng ta (28/12/2012) và chọn Việt Nam là nước đi thăm đầu tiên (tháng 1/2013). Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Nhật Bản (12/2013) tại Tokyo. Nhật Bản hiện dẫn đầu các nước cung cấp vốn ODA và đầu tư vào Việt Nam. Đến nay, Nhật Bản có 2047 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký là 33,4 tỉ USD.   

 Quan hệ Đối tác chiến lược với Hàn Quốc có nhiều tiến triển sau  chuyến thăm chính thức Việt Nam (9/2013) của Tổng thống Hàn Quốc Pác Cưn Hê. Về kinh tế, hai bên đã tiến hành 2 phiên đàm phán FTA song phương Việt Nam - Hàn Quốc, nhất trí nỗ lực phấn đấu để có thể kết thúc đàm phán vào năm 2014; đã ký Hiệp định khung về việc Hàn Quốc cung cấp cho Việt Nam khoản vay ưu đãi 1,2 tỷ USD trong giai đoạn 2012 – 2015. Trong 11 tháng đầu năm 2013, kim ngạch hai chiều đạt 25,1 tỉ USD, tăng 31%. Hàn Quốc là nước đầu tư lớn thứ 3 vào Việt Nam: đến tháng 11/2013, Hàn Quốc có 3.514 dự án đầu tư, tổng số vốn đăng ký là 28,89 tỉ USD, đứng thứ ba sau Nhật và Xinh-ga-po. Hai bên đang nghiên cứu các biện pháp cải thiện tình trạng nhập siêu của Việt Nam, nhất trí thúc đẩy sớm nối lại việc tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc.

Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, hai bên đã xác lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ (trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tháng 7/2013), tạo khuôn khổ cho quan hệ hai nước trong thời gian tới. Hai nước đã ký tắt Hiệp định Hạt nhân dân sự 123, tiến hành Đối thoại Chính trị - An ninh- Quốc phòng lần thứ 6, Đối thoại Chính sách - Quốc phòng lần thứ 3, Đối thoại về châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 2. Quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch… phát triển thuận lợi. Kim ngạch thương mại song phương năm 2013 đạt 25 tỷ USD. Hai nước phối hợp và hợp tác thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, hai bên tăng cường đối thoại về những khác biệt trên cơ sở tôn trọng, không để ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước.

Quan hệ với EU và các nước châu Âu có bước phát triển về chất với chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Vương quốc Bỉ và Liên minh Châu Âu, thăm cấp Nhà nước Cộng hòa I-ta-li-a và thăm Vương quốc Anh (16-24/1). Trong chuyến thăm, Việt Nam và I-ta-li-a đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược và ký nhiều văn kiện hợp tác khác. Quan hệ Việt - Anh tiếp tục đà phát triển tích cực. Quan hệ Đối tác chiến lược với Đức tiếp tục được làm sâu sắc với chuyến thăm chính thức Đức của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (3/2013). Trong chuyến thăm chính thức Pháp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (9/2013), hai bên đã ra Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược. Quan hệ với Đan Mạch đã xác lập quan hệ Đối tác toàn diện trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Hợp tác kinh tế, thương mại tiếp tục phát triển, EU đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, cam kết cấp 1 tỷ ODA cho Việt Nam trong năm 2013, tuyên bố hỗ trợ 150 triệu USD trong lĩnh vực y tế và giảm nghèo giai đoạn 2013-2015; sau 4 vòng đàm phán về Hiệp định Thương mại tự do (FTA), hai bên đã đạt được hiểu biết chung về nhiều vấn đề quan trọng.

Quan hệ của ta với các nước bạn bè truyền thống ở khu vực châu Á, Đông Âu, Trung Đông - châu Phi và châu Mỹ La-tinh được đẩy mạnh với việc trao đổi nhiều đoàn cấp cao và có nội dung hợp tác thiết thực.

Năm 2013 là năm triển khai mạnh mẽ nhất đưa quan hệ hợp tác với các nước, đặc biệt các đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, ổn định, hiệu quả; là năm có các chuyến thăm cấp cao nhất giữa Việt Nam với tất cả các nước đối tác quan trọng; là năm xác lập thêm 5 quan hệ Đối tác chiến lược và 2 quan hệ Đối tác toàn diện, đến nay Việt Nam đã thiết lập được 13 quan hệ Đối tác chiến lược và 11 quan hệ Đối tác toàn diện, trong đó có tất cả 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Như vậy, có thể nói Việt Nam đã cơ bản thể chế hóa khuôn khổ quan hệ với toàn bộ các đối tác quan trọng, tạo dựng khuôn khổ quan hệ sâu rộng, ổn định và bền vững với các nước lớn, các nước láng giềng quan trọng và những nước có vị trí, ảnh hưởng lớn trên thế giới.

2. Năm 2013 cũng chứng kiến những hoạt động sôi động của ngoại giao đa phương trên các diễn đàn khu vực và quốc tế. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự Hội nghị Cấp cao APEC 21 và Hội nghị Cấp cao Đối tác xuyên Thái Bình Dương tại Ba-li (6-8/10/2013); Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng  dự và có bài phát biểu quan trọng tại Đối thoại Shangri-La tại Xin-ga-po (5/2013), Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới Đông Á tại Mi-an-ma (6/2013),  Khóa 68 Đại hội đồng Liên hợp quốc (9/2013), Hội nghị Cấp cao ASEAN 23, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (9-10/10/2013), và Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản tại Tokyo.

Điểm nhấn của ngoại giao đa phương trong năm 2013 là Việt Nam đã giành được sự ủng hộ rộng rãi của quốc tế trong các tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng. Lần đầu tiên, Việt Nam được bầu vào Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc với số phiếu cao nhất trong số các nước ứng cử; được đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) niên khóa 2013-2014, tiếp đó là được bầu vào Uỷ ban Di sản thế giới của tổ chức UNESCO nhiệm kỳ 2014-2017. Việt Nam sẽ tổ chức hội nghị Liên Nghị viện IPU vào năm 2015. Lần thứ hai trong APEC, Việt Nam đươc tín nhiệm giao đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC 2017, và hiện nay đang tích cực triển khai cho việc tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc, ứng cử lần thứ hai vào Uỷ viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021, ứng cử vào Ủy ban Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016-2018).

Những kết quả trên của ngoại giao đa phương đã cho thấy Việt Nam không chỉ tham gia, mà còn khẳng định vai trò chủ động, tích cực là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

3. Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của hội nhập quốc tế đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, năm 2013 Bộ Chính trị đã thông qua Nghị quyết 22 về hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng. Dưới ánh sáng của Nghị quyết 22, ngoại giao kinh tế và hội nhập quốc tế đã được triển khai mạnh mẽ; góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hợp tác kinh tế giữa ta với các nước đối tác quan trọng; thu hút nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; hỗ trợ các bộ - ngành, địa phương, doanh nghiệp quảng bá, xúc tiến kinh tế đối ngoại, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Với tinh thần “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”, Việt Nam đã chủ động tham gia, đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế khu vực toàn diện (RCEP); đàm phán về Hiệp định Thương mại tự do (FTAs) với Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc, Liên minh Hải quan gồm Nga, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan. Tổ chức thành công Hội nghị các quan chức cấp cao ASEM về phòng chống cứu trợ thiên tai theo sáng kiến của Việt Nam (tháng 11/2013) và Diễn đàn hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các đối tác Trung Đông – Bắc Phi (tháng 11/2013). Đến nay đã có 43 nước công nhận Việt Nam có qui chế kinh tế thị trường. Trong hợp tác tiểu vùng Mê Công, Việt Nam có những đóng góp tích cực nhằm ưu tiên thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.

Các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch cũng được đẩy mạnh nhằm hỗ trợ ngành, địa phương, doanh nghiệp tìm đối tác, mở rộng thị trường, đó là: Những Ngày Việt Nam tại I-ta-lia (1/2013), Chương trình Gặp gỡ Địa phương – Ngoại giao đoàn dành cho các tỉnh duyên hải Miền Trung (6/2013), Những Ngày Việt Nam tại Nhật Bản (9/2013), Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long tại Vĩnh Long (MDEC, 11/2013).

4. Tình hình biên giới trên bộ với Trung Quốc, Lào và Cam-pu-chia cơ bản ổn định. Việt Nam và Lào đã hoàn thành công tác triển khai Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam – Lào với việc cắm 792 vị trí mốc, tương ứng với 834 cột mốc trên toàn tuyến biên giới 2.067km (7/2013). Hai nước cũng đã ký Thỏa thuận cấp Chính phủ giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong khu vực biên giới (7/2013). Trong năm 2013, Việt Nam và Trung Quốc đã tổ chức Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện 03 văn kiện về biên giới, và thúc đẩy tiến độ đàm phán tiến tới ký kết Hiệp định hợp tác khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch khu vực thác Bản Giốc.

Trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam kiên trì lập trường nguyên tắc, kiên quyết đấu tranh với các hành động vi phạm chủ quyền và các quyền hợp pháp của Việt Nam trên biển, bảo đảm các hoạt động kinh tế trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa 200 hải lý được triển khai bình thường. Đồng thời, tiếp tục chủ trương giải quyết hòa bình thông qua đàm phán trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước luật biển 1982; cùng các nước nêu cao việc thực hiện tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), cùng ASEAN thúc đẩy việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

__________________
(Trích từ Bài của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đăng trên Báo Nhân Dân ngày 01/01/2014

 
Back Top page Print Email

Related news:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer