Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ bẩy, ngày 28 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Chủ tịch nước Trần Đức Lương trả lời phỏng vấn báo Nhân Dân: Vào thế kỷ 21, Việt Nam nhất định sẽ phát triển nhanh hơn, bền vững hơn


Chủ tịch nước Trần Đức Lương trả lời phỏng vấn báo Nhân Dân:

Vào thế kỷ 21, Việt Nam nhất định sẽ phát triển nhanh hơn, bền vững hơn

Câu hỏi: Thưa Chủ tịch, năm 2000, Việt Nam phải đối phó với nhiều thiên tai, thử thách song vẫn đạt những thành tựu đáng kể trên các lĩnh vực phát triển kinh tế- xã hội. Theo Chủ tịch, chúng ta có thể rút ra những bài học kinh nghiệm gì trong công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp để đạt được những thành tựu đó?

Trả lời:

Năm 2000, chúng ta phải đương đầu với những khó khăn to lớn do thiên tai diễn ra ở hầu khắp các miền của đất nước: lũ lụt kéo dài ở đồng bằng sông Cửu Long, lũ quét ở miền Trung - Tây Nguyên, ở nhiều tỉnh miền núi phía bắc... gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước.    Năm 2000, cũng là năm Việt Nam có nhiều ngày lễ kỷ niệm trọng đại: 70 năm Ngày thành lập Đảng, 55 năm Ngày thành lập nước, 110 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh; 25 năm Ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước; Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ sáu thời kỳ đổi mới... đó chính là các mốc lớn thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2000 với tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP đạt khoảng 6,7%, cao hơn nhiều so với mức tăng năm 1999 và so với chỉ tiêu đề ra đầu năm. Như vậy, chủ trương phát huy nội lực của Đảng đã được những người sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, chính quyền các cấp quyết tâm thực hiện. Nhờ đó, chúng ta đã chặn được đà giảm sút tăng trưởng đã diễn ra mấy năm liền do tác động của khủng hoảng tài chính trong vùng. Đặc biệt, trong năm 2000, chúng ta đã tập trung sức chăm lo các vấn đề xã hội, nhất là vấn đề xóa đói, giảm nghèo; lao động và việc làm, giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân...; bước đầu khơi dậy động lực phát triển kinh tế - xã hội. Không khí thi đua sản xuất và kinh doanh của các thành phần kinh tế trong xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh của đất nước được giữ vững.    Đạt được những thành tựu nói trên, trước hết là do sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của toàn dân, toàn Đảng, toàn quân. Từ thực tiễn năm qua có thể rút ra nhiều bài học bổ ích; song bài học "dựa vào dân và vì dân" là bài học lớn nhất đối với công tác lãnh đạo của Đảng, quản lý và điều hành của Nhà nước và Chính phủ. Mọi chủ trương, chính sách của Đảng chỉ có thể biến thành hiện thực khi được cụ thể hóa, được bám rễ vào thực tiễn cuộc sống. Năm nay là năm Chính phủ và chính quyền các cấp có nhiều tiến bộ trong việc đi sát hơn, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của những người sản xuất, kinh doanh, các loại hình doanh nghiệp. Từ đó đã có những sửa đổi cần thiết về chủ trương, chính sách, về giảm bớt phiền hà, quan liêu, sách nhiễu trong quản lý hành chính Nhà nước. Chính quyền Việt Nam là chính quyền của dân, do dân và vì dân. Mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phải xuất phát từ lòng dân, sát với thực tiễn và được triển khai thực hiện tốt ở các cấp, các ngành sao cho "ý Đảng, lòng dân là một".    Trong nhiều năm qua, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội, các tổ chức quần chúng đã có các phong trào vận động thiết thực phù hợp lòng dân và điều kiện cụ thể của đất nước như: cuộc vận động toàn dân xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, cuộc vận động thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phong trào xóa đói, giảm nghèo; thi đua lao động sản xuất giỏi, phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với nước, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phong trào cứu trợ đồng bào vùng lũ lụt... đã góp phần thiết thực khơi dậy truyền thống của dân tộc, cưu mang đùm bọc nhau vượt qua khó khăn thử thách. Thực tế trong nhiều năm qua đã cho thấy, các đợt lũ lụt, thiên tai xảy ở đồng bằng sông Cửu Long, ở các tỉnh miền trung, Tây Nguyên, ở các tỉnh miền núi phía bắc đã xuất hiện nhiều tấm gương dũng cảm hy sinh quên mình trong cứu hộ, cứu trợ đồng bào. Trong sản xuất, cùng sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, ở địa phương, Trung ương, đồng bào ở các địa phương trong cả nước đã hỗ trợ giúp nhau thoát cảnh đói nghèo, từng bước vươn lên khá giả và làm giàu bằng chính sức lao động của mình.    Đảng đã và đang thực hiện Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, được dư luận xã hội và nhân dân hoan nghênh, ủng hộ. Kết quả bước đầu đã đạt được trong việc củng cố, xây dựng Đảng, trong việc đào tạo, giáo dục đội ngũ cán bộ, đảng viên nhất là ở cơ sở, để thật sự là những người làm việc vì lợi ích của nhân dân, của Nhà nước, trong đó có lợi ích của gia đình và bản thân mình đã minh chứng cho sự đúng đắn và cấp thiết của chủ trương này. Cuộc vận động đã và đang làm nổi rõ những yếu kém của các tổ chức, cấp bộ đảng ở nhiều nơi, nhiều cấp. Những cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất, tham ô tài sản Nhà nước, nhũng nhiễu dân đã và sẽ tiếp tục bị vạch trần, lên án và xử lý kỷ luật nghiêm minh. Trong thực tế, chủ trương của Đảng về chỉnh đốn và xây dựng Đảng đã được nhân dân đồng tình, không những đồng tình mà nhân dân còn đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện nghiêm chỉnh chủ trương này của Đảng. Tình trạng dân khiếu nại, tố cáo ở địa phương hiện nay còn nhiều, con đường để giải quyết thấu tình đạt lý chính là việc các cấp ủy đảng, tổ chức chính quyền, hệ thống chính trị các cấp đi sát nhân dân cùng nhân dân, tham gia bàn bạc giải quyết, nhất định chúng ta sẽ sớm khắc phục được tình trạng này.    Chúng ta có được những thành tựu đáng khích lệ trong năm 2000. Có thể nói Đảng và Nhà nước đã khơi dậy được ý thức trách nhiệm của từng công dân trong xã hội; khơi dậy tính chủ động sáng tạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể, ban, ngành ở Trung ương và các địa phương trong cả nước trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước một cách phù hợp điều kiện, hoàn cảnh của từng địa phương, từng đơn vị cơ sở.

Câu hỏi: Cùng những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, xin Chủ tịch đánh giá những thành tựu trong hoạt động đối ngoại và kinh tế đối ngoại của Việt Nam trong năm 2000?

Trả lời:

Hoạt động đối ngoại của Nhà nước Việt Nam năm qua được triển khai trong bối cảnh quốc tế phức tạp và sôi động, nhưng nhờ sự chủ động và kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, chính sách ngoại giao mở rộng, đa dạng hóa, đa phương hóa của Đảng và Nhà nước, nên chúng ta đã giành được những thành tựu quan trọng.    - Các hoạt động đối ngoại năm qua đã góp phần tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển kinh tế của đất nước. Quan hệ hợp tác láng giềng hữu nghị được các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội đặc biệt quan tâm. Hiệp định Biên giới trên Bộ Việt Nam - Trung Quốc được Quốc hội phê chuẩn tại kỳ hợp thứ 7 vừa qua tạo cơ sở pháp lý xây dựng đường biên giới hòa bình hữu nghị bền vững giữa hai nước. Trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam đã tham gia tích cực và xử lý linh hoạt các vấn đề chưa đồng thuận trong Hiệp hội, góp phần duy trì đoàn kết, hợp tác trong khối, giữ gìn sự ổn định chung của khu vực.    - Thực hiện chính sách đối ngoại phù hợp với xu thế của thế giới, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực không ngừng được nâng cao. Kết quả chuyến thăm một số nước châu Âu và liên minh châu Âu của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, các chuyến thăm hữu nghị chính thức tới một số nước; các cuộc đón tiếp các nguyên thủ các nước đến thăm và các hoạt động đối ngoại đa phương quan trọng của các vị lãnh đạo cao nhất của Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội tại các Hội nghị quốc tế lớn với tiếng nói xây dựng, tích cực vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, đã khẳng định với bạn bè quốc tế: Việt Nam là bạn và đối tác tin cậy, có triển vọng, tiềm năng và nỗ lực hội nhập. Việc đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ủy ban thường trực ASEAN, Chủ tịch diễn đàn khu vực ARF, chủ trì thành công nhiều Hội nghị quan trọng của ASEAN, hoàn thành vai trò điều phối viên của ASEAN, của AIPO với các bên đối thoại... đã khẳng định vị trí, vai trò của Việt Nam trong khu vực.    Về hoạt động kinh tế đối ngoại, Nhà nước Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong việc bổ sung hoàn thiện các văn bản pháp luật khuyến khích phát triển kinh tế đối ngoại và tạo môi trường thông thoáng hơn, hấp dẫn hơn các nhà đầu tư; Chính phủ đã có nhiều cuộc đối thoại, tiếp xúc cởi mở nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Nhờ vậy, kinh tế đối ngoại năm qua đã đạt được thắng lợi quan trọng: giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt nhịp độ tăng trưởng cao, kim ngạch xuất khẩu đạt 14 tỷ USD, vượt kế hoạch 11-12%. Cùng việc củng cố và tiếp tục mở rộng vị trí tại thị trường châu Âu, chúng ta đã ký Hiệp định thương mại Việt-Mỹ. Chúng ta đã tranh thủ được một khối lượng đáng kể vốn tín dụng, nguồn vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài, viện trợ của các nước, các tổ chức quốc tế, thiết thực góp phần xây dựng đất nước.    Tuy nhiên, trong xu thế phục hồi kinh tế thế giới, nhất là sự phục hồi nhanh của các nước trong khu vực sau khủng hoảng, một mặt sẽ có những tác động tích cực đối với Việt Nam, mở ra khả năng hợp tác kinh tế, khai thác lợi thế so sánh, tranh thủ nguồn lực bên ngoài để phát huy tốt hơn nội lực, tạo thành sức mạnh tổng hợp xây dựng đất nước. Mặt khác, khi các nước láng giềng có bước đột phá mới trong hội nhập kinh tế quốc tế sẽ tạo ra cục diện cạnh tranh mới, gay gắt hơn nhiều: khi tình hình giá cả đối với một mặt hàng xuất nhập khẩu quan trọng đang biến động theo chiều hướng bất lợi, xu hướng đồng USD lên giá; thực trạng kinh tế - xã hội của đất nước còn nhiều khó khăn; thị trường xuất khẩu đang bị cạnh tranh gay gắt trong khi cơ cấu và chất lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam thay đổi chưa nhiều; thông tin thị trường còn nhiều hạn chế, dự báo thiếu chính xác; tổ chức dịch vụ thương mại chưa đáp ứng được yêu cầu; tình trạng buôn lậu gian lận thương mại vẫn còn xảy ra... đã và đang là những thách thức to lớn đối với nền kinh tế của Việt Nam. Dó đó, đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng tạo động lực có tính đột phá để vượt qua những thách thức, phát triển cao hơn, bền vững hơn, hình thành thế và lực mới trong quan hệ kinh tế quốc tế. Có như vậy, chúng ta mới chủ động trong lộ trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.   

Câu hỏi: Xin Chủ tịch đánh giá về triển vọng của Việt Nam năm 2001?

Trả lời:

Năm 2001 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX, thực hiện chiến lược phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2001-2010 với mục tiêu tổng quát cần xác định cho cả thời kỳ này là: đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển và xây dựng nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp. Chất lượng đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân được nâng lên một mức đáng kể. Thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa được định hình về cơ bản, nguồn lực con người, năng lực khoa học và công nghệ, kết cấu hạ tầng, tiềm lực kinh tế, quốc phòng và an ninh được tăng cường - vị thế trong quan hệ quốc tế được củng cố và nâng cao. Hướng vào mục tiêu đó và mở đầu cho việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2001-2005, năm 2001 Việt Nam phải phấn đấu: tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao và bền vững hơn năm 2000 đi đôi với phát triển mạnh các lĩnh vực văn hóa, xã hội; đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ, tạo bước chuyển rõ rệt về sức cạnh tranh của từng sản phẩm, từng ngành và toàn nền kinh tế. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, tăng cường chăm sóc sức khỏe nhân dân, giải quyết hiệu quả các vấn đề bức xúc về việc làm, xóa đói giảm nghèo, chống tệ nạn xã hội, nhất là ma túy, giảm tai nạn giao thông. Phát triển dân chủ, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở, giải quyết một bước cơ bản khiếu nại, tố cáo của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị an toàn xã hội.    Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, sự nhất trí cao trong toàn Đảng, toàn dân về đánh giá tình hình đất nước, tự tin với những thành tựu đã đạt được; đồng thời biết phân tích nghiêm khắc những mặt yếu kém để khắc phục, nhận rõ những yêu cầu đổi mới và phát triển, cùng những khó khăn, thách thức, thuận lợi của thời kỳ mới, chúng ta nhất định thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2001, đưa đất nước ta phát triển nhanh hơn, bền vững hơn khi bước vào thế kỷ 21.    Trước thềm năm mới 2001, năm mở đầu thế kỷ 21 và thiên niên kỷ mới, thay mặt Đảng và Nhà nước, tôi xin gửi tới toàn thể đồng bào, đồng chí trong cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài lời chúc mừng tốt đẹp nhất và tin tưởng vững chắc rằng: với truyền thống yêu nước và cách mạng kiên cường, tinh thần cần cù sáng tạo và chủ động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bước vào năm 2001 sẽ tạo nên những động lực mới, thành công mới, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để trong khoảng một, hai thập niên đầu thế kỷ 21. Việt Nam sẽ trở thành một nước công nghiệp, giàu mạnh, thật sự hội nhập nền kinh tế quốc tế, đưa dân tộc ta sánh vai cùng các cường quốc, bè bạn năm châu trên thế giới như điều Bác Hồ, Đảng ta và nhân dân ta hằng mong muốn.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer