Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên trả lời phỏng vấn về Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ


TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO NGUYỄN DY NIÊN VỀ HIỆP ĐỊNH PHÂN ĐỊNH VỊNH BẮC BỘ

Ngày 15 tháng 6 năm 2004, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XI đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế (ĐQKT) và thềm lục địa (TLĐ) của hai nước trong Vịnh Bắc Bộ (sau đây được gọi tắt là Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ). Ngày 30 tháng 6, hai nước đã chính thức trao đổi thư phê chuẩn Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ để Hiệp định bắt đầu có hiệu lực từ đây. Nhân sự kiện quan trọng này, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên đã trả lời phỏng vấn của phóng viên  Báo Nhân dân, giới thiệu quá trình đàm phán cũng như các nội dung chính và ý nghĩa của Hiệp định. Dưới đây là toàn bộ nội dung trả lời phỏng vấn của Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên.

1. Xin Bộ trưởng cho biết một số nét về vị trí, đặc điểm và tầm quan trọng của Vịnh Bắc Bộ. 

Trả lời : Vịnh Bắc Bộ là một trong những Vịnh lớn của thế giới, có diện tích khoảng 126.250 km2 (36.000 hải lý vuông), chiều ngang nơi rộng nhất khoảng 310 km (176 hải lý), nơi hẹp nhất ở cửa Vịnh rộng khoảng 207,4 km (112 hải lý). Bờ Vịnh Bắc Bộ thuộc 10 tỉnh, thành phố của Việt Nam với tổng chiều dài khoảng 763 km và bờ biển thuộc 2 tỉnh Quảng Tây, Hải Nam của Trung Quốc với tổng chiều dài khoảng 695 km. Vịnh có hai cửa: eo biển Quỳnh Châu nằm giữa bán đảo Lôi Châu và đảo Hải Nam với bề rộng khoảng 35,2 km (19 hải lý) và cửa chính của Vịnh từ đảo Cồn Cỏ (Việt Nam) tới đảo Hải Nam (Trung Quốc) rộng khoảng 207,4 km (112 hải lý). Phần Vịnh phía Việt Nam có khoảng 2300 đảo, đá ven bờ, đặc biệt có đảo Bạch Long Vĩ nằm cách đất liền Việt Nam khoảng 110 km, cách đảo Hải Nam Trung Quốc khoảng 130 km. Phía Trung Quốc có một số ít đảo nhỏ ở phía Đông Bắc Vịnh như đảo Vị Châu, Tà Dương. Vịnh Bắc Bộ có vị trí chiến lược quan trọng đối với Việt Nam và Trung Quốc cả về kinh tế lẫn quốc phòng, an ninh. Vịnh là nơi chứa đựng nhiều tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là hải sản và dầu khí. Trong Vịnh có nhiều ngư trường lớn, cung cấp nguồn hải sản quan trọng cho đời sống của nhân dân hai nước. Các dự báo cho thấy đáy biển và lòng đất dưới đáy của Vịnh có tiềm năng về dầu mỏ và khí đốt. Vịnh là cửa ngõ giao lưu từ lâu đời của Việt Nam ra thế giới, có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, thương mại quốc tế cũng như quốc phòng an ninh của nước ta. Đối với khu vực phía Nam Trung Quốc, Vịnh cũng có vị trí quan trọng. Vì vậy, cả hai nước đều rất coi trọng việc quản lý, sử dụng và khai thác Vịnh.

2.  Xin Bộ trưởng cho biết vì sao hai nước Việt Nam- Trung Quốc lại phải tiến hành đàm phán và ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ?

Trả lời:

Từ trước tới nay, Việt Nam và Trung Quốc chưa tiến hành phân định Vịnh Bắc Bộ. Điều này xuất phát từ thực tế khách quan là từ những năm 50 của thế kỷ XX trở về trước luật biển quốc tế chưa phát triển, các quốc gia ven biển thời kỳ đó chỉ có chủ quyền đối với lãnh hải rộng 3 hải lý và toàn bộ vùng biển nằm ngoài phạm vi lãnh hải được coi là biển quốc tế, không thuộc chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào. Trong bối cảnh đó, Công ước Pháp – Thanh năm 1887 chỉ tập trung giải quyết vấn đề hoạch định biên giới trên đất liền giữa hai nước và vấn đề quy thuộc chủ quyền của mỗi nứơc đối với các đảo ở khu vực cửa sông Bắc Luân trong Vịnh Bắc Bộ. Vấn đề phân định Vịnh Bắc Bộ, mà cụ thể là phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh giữa Việt Nam và Trung Quốc, chỉ được đặt ra sau khi có sự phát triển tiến bộ của luật biển quốc tế từ giữa những năm 50 của thế kỷ trước trở lại đây. Theo quy định của luật biển quốc tế hiện đại, quốc gia ven biển được hưởng lãnh hải rộng tối đa 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý và thềm lục địa rộng tối đa 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc cách đường đẳng sâu 2.500 m một khoảng cách không quá 100 hải lý. Do bờ biển hai nước vừa kế cận vừa đối diện nhau, nơi rộng nhất không đến 200 hải lý, nên các vùng biển và thềm lục địa của hai  nước trong Vịnh đều bị chồng lấn lên nhau, cần phải được phân định để xác định rõ ràng biên giới lãnh hải cũng như ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước. Thực tế cho thấy, trước đây do chưa có đường biên giới và ranh giới biển rõ ràng trong Vịnh Bắc Bộ nên giữa hai nước thường xảy ra các vụ việc tranh chấp phức tạp về đánh bắt hải sản và thăm dò khai thác dầu khí, gây bất ổn định và ảnh hưởng không tốt đến quan hệ hai nước, hạn chế việc khai thác bền vững và hiệu quả tiềm năng của Vịnh. Do vậy, việc Việt Nam và Trung Quốc tiến hành đàm phán giải quyết vấn đề phân định Vịnh Bắc Bộ để xác định rõ ràng đường biên giới lãnh hải, ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa là nhu cầu tất yếu đối với công cuộc xây dựng và phát triển mỗi nước cũng như để góp phần vào việc tăng cường mối quan hệ láng giềng, hữu nghị giữa hai nước. Chỉ khi có một đường ranh giới biển rõ ràng trong Vịnh, được hai nước chấp nhận và phù hợp với luật pháp quốc tế, hai nước mới có đầy đủ căn cứ pháp lý để tiến hành việc quản lý, sử dụng, khai thác, phát triển và bảo tồn các tài nguyên biển của mình trong Vịnh Bắc Bộ.   

3. Thưa Bộ trưởng, đàm phán giữa các quốc gia về biên giới lãnh thổ nói chung và phân định biển nói riêng luôn là một vấn đề hết sức phức tạp, thường phải trải qua một thời gian rất dài mới có thể đạt được kết quả. Xin Bộ trưởng giới thiệu tóm tắt quá trình đàm phán phân định Vịnh Bắc Bộ giữa ta và Trung Quốc.

Trả lời:

Phân định biên giới, ranh giới các vùng biển là một vấn đề hết sức quan trọng và phức tạp vì liên quan đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán cũng như lợi ích quốc gia trên biển. Do vậy nhiều cuộc đàm phán có thể kéo dài hàng chục năm, thậm chí qua nhiều thế hệ. Có thể lấy ví dụ trường hợp phân định thềm lục địa giữa ta và Indonesia: hai nước bắt đầu đàm phán từ đầu những năm 70 của thế kỷ trước nhưng chỉ đến năm 2003 mới giải quyết xong. Đàm phán phân định Vịnh Bắc Bộ giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc kéo dài 27 năm với 3 cuộc đàm phán chính trong các năm 1974, 1977 - 1978 và 1992 - 2000. Các cuộc đàm phán cấp Chính phủ năm 1974 (8/1974 - 11/1974) và năm 1977 - 1978 (10/1977 - 6/1978) không đi đến kết quả vì lập trường hai bên cách xa nhau. Năm 1991, sau khi bình thường hoá quan hệ, Việt Nam và Trung Quốc đã quyết định thương lượng để giải quyết các vấn đề về biên giới và lãnh thổ, trong đó có vấn đề phân định Vịnh Bắc Bộ. Trong 9 năm, từ năm 1992 đến năm 2000, hai bên đã tiến hành 7 vòng đàm phán cấp Chính phủ, 3 cuộc gặp giữa hai Trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ, 18 vòng đàm phán cấp chuyên viên và nhiều vòng họp khác của Tổ chuyên viên liên hợp, Tổ chuyên gia đo vẽ, xây dựng Tổng đồ Vịnh Bắc Bộ (tổng cộng 49 vòng họp, trung bình mỗi năm có hơn 5 vòng họp). Ngày 25/12/2000, tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam và Trung Quốc đã ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ, kết thúc cuộc đàm phán kéo dài 9 năm giữa hai nước.

4.  Đàm phán phân định Vịnh Bắc Bộ được tiến hành theo các nguyên tắc và cơ sở pháp lý nào, thưa Bộ trưởng?

Trả lời:

Trong quá trình đàm phán, hai bên đã thống nhất và căn cứ vào luật pháp và thực tiễn quốc tế, đặc biệt là các nguyên tắc và quy định của Công ước của LHQ về Luật biển năm 1982 mà cả hai nước đều là thành viên để giải quyết vấn đề phân định Vịnh Bắc Bộ. Luật pháp quốc tế nói chung và Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 nói riêng không quy định một phương pháp bắt buộc áp dụng chung cho việc phân định các vùng biển giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hoặc đối diện nhau. Đối với lãnh hải, Công ước Luật biển năm 1982 (Điều 15) quy định các quốc gia không có quyền mở rộng lãnh hải quá đường trung tuyến mà mọi điểm nằm trên đó cách đều các điểm gần nhất của các đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của mỗi quốc gia, trừ khi có thoả thuận ngược lại. Tuy nhiên, nếu có những danh nghĩa lịch sử hoặc các hoàn cảnh đặc biệt khác, ranh giới lãnh hải của hai quốc gia cần phân định một cách khác trên cơ sở thoả thuận. Đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, Công ước Luật biển năm 1982 (Điều 74 và 83) quy định các quốc gia tiến hành việc phân định bằng con đường thoả thuận theo đúng luật pháp quốc tế để đi tới một giải pháp công bằng. Nếu không thoả thuận được thì sử dụng các thủ tục giải quyết tranh chấp quy định trong Công ước (thông qua Toà án quốc tế về Luật biển thành lập theo Công ước, Toà án quốc tế, Toà trọng tài hoặc Toà trọng tài đặc biệt). Căn cứ vào các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về luật biển 1982 và thực tiễn quốc tế, ta và Trung Quốc đã thỏa thuận thông qua đàm phán để phân định Vịnh Bắc Bộ, với nguyên tắc giải quyết là “áp dụng Luật biển quốc tế và tham khảo thực tiễn quốc tế, để tiến hành đàm phán phân định Vịnh Bắc Bộ” và “theo nguyên tắc công bằng, có tính đến mọi hoàn cảnh hữu quan trong Vịnh để đi đến một giải pháp công bằng”.

5. Xin Bộ trưởng cho biết nội dung chính của Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và đánh giá về kết quả đàm phán phân định Vịnh Bắc Bộ?

Trả lời:

Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ đư­ợc ký là kết quả của một quá trình đàm phán lâu dài, thể hiện nỗ lực và thiện chí cũng như sự quan tâm đến lợi ích của nhau một cách thoả đáng, phù hợp với luật pháp quốc tế và điều kiện cụ thể của Vịnh, từ cả hai phía Việt Nam và Trung Quốc. Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ là hiệp định phân định biển thứ 2 trong 3 hiệp định mà nước ta đã ký với các nước láng giềng (Thái Lan 1997, Indonesia 2003) nhưng là hiệp định mang tính chất tổng thể đầu tiên ta ký với nước láng giềng, phân định rõ ràng đ­ường biên giới lãnh hải, ranh giới chung cho vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và Trung Quốc trong Vịnh.  Hai bên thống nhất một đường phân định với 21 điểm kéo dài từ cửa sông Bắc Luân ra đến Cửa Vịnh phía Nam, trong đó từ điểm 1 đến điểm 9 là biên giới lãnh hải, từ điểm 9 đến điểm 21 là ranh giới chung cho cả vùng dặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Theo Hiệp định, Việt Nam đư­ợc hư­ởng 53,23% diện tích Vịnh và Trung Quốc đ­ược h­ưởng 46,77% diện tích Vịnh. Đ­ường phân định đi cách đảo Bạch Long Vĩ 15 hải lý, tức đảo đ­ược h­ưởng lãnh hải rộng 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 3 hải lý (25% hiệu lực). Đảo Bạch Long Vĩ là một đảo nhỏ của Việt Nam (diện tích khoảng 2,5 km2) lại nằm gần như ở giữa Vịnh Bắc Bộ (cách bờ biển Việt Nam khoảng 110 km, cách bờ đảo Hải Nam-Trung Quốc khoảng 130 km), tạo ra một hoàn cảnh đặc biệt nên theo luật pháp và thực tiễn quốc tế chỉ được hưởng một phần hiệu lực hạn chế trong phân định. Đảo Cồn Cỏ cũng là một đảo nhỏ nhưng nằm gần bờ của Việt Nam hơn (cách bờ khoảng 13 hải lý) nên được hưởng 50% hiệu lực trong việc phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tại đường đóng cửa Vịnh. Đây là một kết quả công bằng đạt được trên cơ sở luật pháp và điều kiện cụ thể của Vịnh (bờ biển của ta dài hơn của Trung Quốc, ta có nhiều đảo trong Vịnh, đặc biệt có đảo Bạch Long Vĩ nằm gần chính giữa Vịnh…) Trong Hiệp định, hai bên cam kết tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mỗi bên đối với lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ. Theo đó, mỗi bên tự chủ tiến hành việc thăm dò, khai thác một cách độc lập các tài nguyên khoáng sản trong phạm vi thềm lục địa của mình . Đối với những cấu tạo mỏ dầu, khí tự nhiên đơn nhất hoặc mỏ khoáng sản khác nằm vắt ngang đường phân định, hai bên thông qua hiệp thương hữu nghị để đạt được thoả thuận về việc khai thác hữu hiệu nhất cũng như việc phân chia công bằng lợi ích thu được từ việc khai thác. Ngoài ra, Hiệp định cũng quy định về việc sử dụng hợp lý và phát triển bền vững tài nguyên sinh vật trong Vịnh Bắc Bộ cũng như hợp tác có liên quan đến bảo tồn, quản lý và sử dụng tài nguyên sinh vật ở vùng đặc quyền kinh tế hai nước.

6. Thưa Bộ trưởng, tại sao cùng với Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ ta và Trung Quốc lại còn ký Hiệp định về hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ?

Trả lời:

Hợp tác nghề cá là một trong những nội dung được đề cập đến trong quá trình đàm phán phân định Vịnh Bắc Bộ vì có liên quan đến chế độ pháp lý của vùng đặc quyền kinh tế. Từ trước đến nay ngư dân Việt Nam và Trung Quốc đều cùng đánh bắt hải sản ở vùng biển nằm ngoài lãnh hải hai nước. Trong những năm 50 và 60 của thế kỷ trước, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết các thỏa thuận về hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ. Theo các thoả thuận này, tàu thuyền đánh cá của hai bên không được vào đánh cá trong vùng biển rộng 3 hải lý (Hiệp định đánh cá thuyền buồm năm 1957), 6 hải lý (Nghị định thư năm 1961 bổ sung Hiệp định đánh cá thuyền buồm năm 1957) và cuối cùng là 12 hải lý (Hiệp định hợp tác đánh cá ở Vịnh Bắc Bộ năm 1963) nằm dọc theo bờ biển và hải đảo của mỗi n­ước. Vùng biển còn lại ngoài các phạm vi nêu trên hai bên đ­ược tự do đánh cá. Vào thời kỳ đó, luật biển quốc tế cũng quy định như vậy. Các thoả thuận này sau đó đã hết hiệu lực vào những năm 70, khi mà Liên hợp quốc bắt đầu bàn về việc xây dựng Công ước Luật biển mới, hình thành vùng đặc quyền kinh tế. Thực tiễn quốc tế cũng có nhiều quốc gia ký kết hợp tác nghề cá trong vùng biển liên quan giữa hai nước. Sau khi cân nhắc kỹ các quy định của Công ước 1982 về hợp tác giữa các quốc gia liên quan trong vùng đặc quyền kinh tế và các vùng biển kín và nửa kín, quá trình sử dụng và khai thác Vịnh Bắc Bộ, điều kiện tự nhiên của nguồn lợi hải sản, để giải quyết thoả đáng quyền lợi của ngư­ dân hai bên trong Vịnh Bắc Bộ, ta và bạn đã đồng ý đàm phán để ký Hiệp định về hợp tác nghề cá song song với đàm phán ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ. Ngày 25/12/2000, Hiệp định về hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ đã đ­ược ký cùng với Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ. Tuy nhiên, khác với Hiệp định phân định, Hiệp định hợp tác nghề cá có thời hạn hiệu lực cụ thể (12 năm và 3 năm mặc nhiên gia hạn) và giá trị pháp lý ở mức cấp chính phủ phê duyệt.

7. Thưa Bộ trưởng, tiếp theo Hiệp ước về biên giới đất liền ký năm 1999,  việc hai nước Việt Nam và Trung Quốc ký kết Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ  có ý nghĩa như thế nào?

Trả lời:

Việc ký Hiệp định là sự kiện quan trọng đối với nước ta cũng như quan hệ Việt - Trung, tạo thuận lợi cho việc quản lý và duy trì ổn định trong Vịnh, góp phần tăng cường sự tin cậy giữa hai bên, thúc đẩy quan hệ hợp tác mọi mặt giữa hai nước. Cùng với việc giải quyết các vấn đề khác về biên giới, lãnh thổ, việc ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ đã góp phần tích cực vào việc củng cố hoà bình và ổn định xung quanh nước ta, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Lần đầu tiên, giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có một đường phân định trên biển rõ ràng, bao gồm biên giới lãnh hải, ranh giới vùng ĐQKT và TLĐ giữa hai nước trong Vịnh Bắc Bộ có giá trị pháp lý quốc tế, được hai bên cùng thỏa thuận và chấp nhận.  Đường phân định trên biển này xác định rõ phạm vi và tạo ra một khuôn khổ pháp lý quốc tế rõ ràng, thuận lợi cho việc mỗi nước bảo vệ, quản lý, sử dụng, khai thác, phát triển kinh tế các vùng biển và thềm lục địa của mình trong Vịnh Bắc Bộ; đồng thời cũng tạo điều kiện cho hai bên có cơ sở thúc đẩy hợp tác nhằm phát triển bền vững Vịnh Bắc Bộ, duy trì ổn định trong Vịnh, tăng cường sự tin cậy và phát triển quan hệ chung giữa hai nước. Việc ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ một lần nữa đã thể hiện chính sách đúng đắn và thiện chí của Nhà nước ta sẵn sàng cùng các nước liên quan thông qua thương lượng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế, giải quyết các vấn đề về biên giới lãnh thổ, các vùng biển và thềm lục địa có liên quan, phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị với các nước, góp phần giữ gìn hoà bình, ổn định trong khu vực và thế giới.

8. Xin Bộ trưởng cho biết những việc cần phải làm trong thời gian tới sau khi Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ có hiệu lực?

Trả lời:

Theo điều XI của Hiệp định, kể từ ngày hai nước trao đổi các văn kiện phê chuẩn, Hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực. Ta và Trung Quốc đã tiến hành các thủ tục pháp lý theo quy định của luật pháp mỗi nước và trao đổi văn kiện phê chuẩn vào ngày 30/6/2004 vừa qua để Hiệp định bắt đầu có hiệu lực từ cuối tháng 6 năm nay. Sau khi Hiệp định có hiệu lực, các cơ quan của Nhà nước, theo thẩm quyền của mình, cần tiến hành sửa đổi, bổ sung và hoàn chỉnh các văn bản pháp luật liên quan để tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý và khai thác tài nguyên trong Vịnh. Đồng thời, cần phổ biến để cán bộ và mọi tầng lớp nhân dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, đặc biệt là ở các địa phương ven Vịnh Bắc Bộ quán triệt ý nghĩa và nội dung của Hiệp định để thực hiện đúng Hiệp định. Chính phủ sẽ chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương liên quan tăng cường công tác quản lý, sử dụng, khai thác, kiểm tra, kiểm soát, bảo vệ biển trong Vịnh Bắc Bộ, đồng thời có biện pháp phối hợp tốt với phía Trung Quốc để bảo đảm việc thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định, phát triển bền vững vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ. Làm tốt những công việc trên, hai Hiệp định liên quan đến Vịnh Bắc Bộ mới thực sự đi vào cuộc sống, xây dựng được môi trường ổn định, phát triển, hợp tác hữu nghị  phù hợp với lợi ích của nhân dân cả hai nước. 

Xin chân thành cảm ơn Bộ trưởng.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Các tin liên quan:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer