Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ ba, ngày 24 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Phó Thủ tướng Vũ Khoan trả lời phỏng vấn TTXVN nhân chuyến thăm Mỹ


QUAN HỆ VIỆT NAM – HOA KỲ CẦN MỘT KHUÔN KHỔ MỚI ỔN ĐỊNH HƠN

Nhân chuyến thăm làm việc tại Mỹ từ ngày 3 đến 12-12, Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Washington. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

Câu hỏi: Thưa Phó Thủ tướng, trước hết xin Phó Thủ tướng cho biết mục đích chủ yếu của chuyến thăm Mỹ lần này và những kết quả đã đạt được?

Trả lời:

Mục đích của chuyến đi lần này có thể tóm tắt trên mấy điểm: Thứ nhất, trong những năm qua, quan hệ giữa nước ta với Mỹ đã có những tiến triển đáng kể. Từ 1995 đến nay, hai nước đã thiết lập quan hệ bình thường. Tuy nhiên, mối quan hệ ấy vẫn chưa thật ổn định, do có sự khác biệt của hai bên trên nhiều vấn đề. Vì thế, mục đích đầu tiên của chúng tôi sang đây là thảo luận với chính giới Mỹ về những biện pháp nhằm tạo dựng khuôn khổ của mối quan hệ đối tác ổn định, lâu dài hơn. Thứ hai, nhân dịp này chúng ta có cơ hội tiếp xúc với các doanh nghiệp Mỹ để xúc tiến thương mại và đầu tư giữa hai nước, đồng thời tìm biện pháp khắc phục những trở ngại, vướng mắc hiện nay trong quan hệ thương mại tay đôi. Như mọi người đều biết, ở Mỹ có một số người vì lợi ích cục bộ đã gây ra những trở ngại trong quan hệ buôn bán với ta, mà vụ kiện Việt Nam "bán phá giá" cá tra, cá basa vào thị trường Mỹ là một thí dụ điển hình. Hiện nay một số người lại mưu toan kiện một số nước, trong đó có ta, "bán phá giá" tôm vào thị trường Mỹ. Bởi vậy, chúng ta cần phải bàn với các giới ở Mỹ để tìm ra biện pháp thỏa đáng giải quyết những vấn đề như vậy. Thứ ba, qua chuyến đi này chúng ta muốn giới thiệu tình hình và chính sách của nước ta, thể hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực Đông-Nam Á và thế giới. Đó là ba mục tiêu chính của chuyến đi. Về kết quả chuyến thăm, đoàn đã có dịp gặp gỡ, trao đổi với nhiều nhà lãnh đạo Mỹ. Hai bên cùng cho rằng chuyến đi được tiến hành kịp thời, đúng lúc. Ngay cả lãnh đạo cấp cao Mỹ cũng thừa nhận quan hệ Việt Nam - Mỹ đã phát triển khá mạnh mẽ trong thời gian qua. Trên cơ sở đó, hai bên có nhận thức chung là cần xây dựng một khuôn khổ quan hệ lâu dài hơn. Đây là điều có ý nghĩa chính trị quan trọng, làm cơ sở cho việc phát triển quan hệ bình thường giữa hai nước. Theo hướng đó, hai bên nhất trí tăng cường các cuộc trao đổi ở các cấp, các ngành để thấu hiểu nhau hơn, thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư. Phía Mỹ tỏ ý ủng hộ nỗ lực của chúng ta sớm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Hai bên nhất trí cho rằng cần thông qua đối thoại để tìm kiếm những điểm chung, giải quyết các vấn đề còn khác biệt giữa hai nước. Hai bên cũng nhất trí tiếp tục hợp tác trong giải quyết các vấn đề nhân đạo như tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA), rà phá bom mìn, giải quyết hậu quả chất độc màu da cam... Hai bên đồng ý tiếp tục các cuộc tiếp xúc về quốc phòng sau chuyến thăm Mỹ của Bộ trưởng Quốc phòng Phạm Văn Trà và trao đổi về những vấn đề khu vực và thế giới cùng quan tâm tại các diễn đàn đa phương, khu vực và quốc tế. Kết quả lớn thứ hai là chuyến đi này đã khơi dậy mối quan tâm lớn trong cộng đồng các nhà doanh nghiệp Mỹ đối với sự hợp tác với chúng ta. Nhiều doanh nghiệp lớn, như các công ty dầu khí Conoco, Unocal, các công ty dịch vụ tài chính, bảo hiểm như City Group, New York Life, ACE, các doanh nghiệp công nghệ cao, các công ty nhập khẩu thủy sản, dệt may v.v... của Hoa Kỳ đều đã có các cuộc tiếp xúc với đoàn để bàn biện pháp cụ thể thúc đẩy quan hệ buôn bán, đầu tư. Kết quả thứ ba là hai bên đã chính thức ký ba văn bản: Hiệp định Hàng không, Thỏa thuận về việc Hoa Kỳ trợ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam và Thỏa thuận hợp tác chống ma túy. Kết quả thứ tư là nhân chuyến thăm của đoàn, chúng ta có dịp bày tỏ chính kiến về một số vấn đề mà ta quan tâm như nghị quyết của Hạ viện Mỹ mới đây về tôn giáo ở Việt Nam (H.Res.427) hay việc một số địa phương Hoa Kỳ công nhận cờ của chính quyền Sài Gòn trước đây, vấn đề xuất khẩu tôm, hàng dệt may...

Câu hỏi: Trả lời phỏng vấn Thời báo Washington ngày 5-12, Phó Thủ tướng có đề cập đến việc Việt Nam đề nghị Mỹ hợp tác chống khủng bố, nhất là ngăn chặn những hành vi khủng bố của những phần tử gốc Việt quá khích đang sinh sống tại Mỹ. Phía Mỹ có cam kết gì trong vấn đề này?

Trả lời:

Khái niệm khủng bố hiện nay rất rộng. Ở mức độ nào đó, chúng ta là nạn nhân của những hành động khủng bố đó. Chúng ta đã biết đến những hoạt động như ném chất nổ vào Sứ quán ta ở Thái-lan, Philippines, hay hoạt động của Lý Tống. Những kẻ tham gia các vụ này đều sống ở Mỹ, tìm cách xâm nhập về nước hay vào các nước khác để tiến hành các hoạt động khủng bố. Trong năm 2001 cũng đã xảy ra một sự kiện khi đoàn của Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến San Francisco. Điều đó chứng tỏ có những thế lực rắp tâm tiến hành hoạt động khủng bố chống Việt Nam, xuất phát từ Mỹ. Chúng ta đã nêu vấn đề này với phía Mỹ. Một mặt, chúng ta chân thành hợp tác với các nước và với Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố. Mặt khác, chúng ta cũng đề nghị Mỹ hợp tác chống khủng bố đối với Việt Nam. Phía Mỹ chính thức cam kết không ủng hộ những hoạt động như vậy và cũng đã có thái độ đối với một số kẻ tham gia các hoạt động khủng bố kể trên. Chúng ta hy vọng rằng Chính phủ Mỹ sẽ có những biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn những hành động mang tính chất khủng bố đối với nước ta, cũng như đối với bất kỳ nước nào khác. Câu hỏi: Thưa Phó Thủ tướng, sự có mặt đông đảo của các nhà doanh nghiệp trong chuyến thăm của đoàn lần này cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đặt nhiều hy vọng vào thị trường Mỹ. Phó Thủ tướng đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư với Mỹ? Trả lời: Mỹ là thị trường lớn nhất thế giới, hàng năm nhập khẩu trị giá khoảng 1.200 tỷ USD. Với nhận thức về tiềm năng của thị trường này, chúng ta đã ký Hiệp định Thương mại song phương (BTA) trong năm 2000 và trong năm 2001 đã phê chuẩn hiệp định đó. Chỉ trong vòng hai năm, kim ngạch buôn bán giữa hai nước đã tăng từ khoảng 2,1 tỷ USD năm 2001 lên gần 5 tỷ USD trong năm nay. Từ vị trí rất thấp trong số các bạn hàng của Việt Nam, nay Mỹ đã trở thành bạn hàng lớn nhất. Điều này nói lên tiềm năng của thị trường Mỹ. Các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến thị trường lớn này để tiêu thụ hàng hóa, tạo công ăn việc làm và có thu nhập. Trong hai năm qua, xuất khẩu hàng dệt may của ta sang Mỹ đã phát triển đột biến, từ khoảng 50 triệu USD lên gần 2 tỷ USD, mặc dù hạn ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ chỉ là 1,7 tỷ USD, do ứng trước hạn ngạch của năm 2004. Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ cũng có bước phát triển nhanh, trong đó thị trường Mỹ thu hút nhiều nhất. Hoa Kỳ có trình độ khoa học và công nghệ cao nhất thế giới. Một trong những mục đích của đoàn trong chuyến đi lần này là tìm kiếm sự hợp tác với các công ty khoa học, công nghệ của Mỹ. Chúng ta có hai khu công nghệ cao ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tham gia đoàn lần này có các vị lãnh đạo của cả hai khu công nghệ cao đó. Như trên tôi đã nói, những con số cụ thể ấy đã chứng tỏ tiềm năng. Tôi hy vọng tiềm năng đó sẽ được huy động nhiều hơn. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà rất đông doanh nghiệp Việt Nam đăng ký sang Mỹ tìm hiểu thị trường.

Câu hỏi: Trong khi Hoa Kỳ là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam, thì lại chỉ đứng thứ 11 hoặc 12 trong số các nước đầu tư vào Việt Nam. Phó Thủ tướng thấy có gì mâu thuẫn trong việc này không?

Trả lời:

Đúng là buôn bán giữa hai nước tăng rất nhanh, nhưng đầu tư thì tăng rất chậm. Mỹ đầu tư vào Việt Nam khoảng 1,6 tỷ USD, đứng thứ 11 hay 12 trong số các nước đầu tư vào Việt Nam. Vậy nguyên nhân ở đâu? Tôi cho rằng, trước hết ta ký BTA với Mỹ vào thời điểm nền kinh tế Mỹ phát triển không thuận lợi, đầu tư của nước ngoài vào Mỹ giảm, đầu tư của Mỹ ra nước ngoài cũng giảm, kể cả ở khu vực Đông-Nam Á, trong đó có nước ta. Nguyên nhân thứ hai là môi trường đầu tư của ta vẫn còn những điểm chưa thật thuận lợi, đặc biệt là đối với những ngành mà phía Mỹ quan tâm, như các ngành công nghệ cao, dịch vụ v.v... Đây là lý do chủ quan từ phía ta. Nguyên nhân thứ ba là xu hướng đầu tư của Mỹ khác so với các nước khác và khác so với trước đây. Thí dụ: nay Mỹ không đầu tư trực tiếp vào ngành dệt may, mà đầu tư qua các bạn hàng của họ ở châu Á, như ở Hàn Quốc, Đài Loan, hay Nhật Bản. Nike là thương hiệu của Mỹ, nhưng phần lớn doanh nghiệp là của Đài Loan, Hàn Quốc. Mỹ là nước có ngành dịch vụ phát triển mạnh, nhưng dịch vụ lại là lĩnh vực chúng ta đang từng bước mở cửa theo lộ trình của BTA. Do đó đây cũng là một hạn chế đối với đầu tư của Mỹ vào Việt Nam.

Câu hỏi: Thưa Phó Thủ tướng, sau vụ kiện Việt Nam "bán phá giá" cá tra và cá basa vào thị trường Mỹ, hiện nay một số doanh nghiệp Mỹ lại đang rục rịch kiện Việt Nam và một số nước khác "bán phá giá tôm" vào thị trường Mỹ. Các quan chức Mỹ cho rằng các vụ kiện thương mại này là điều bình thường trong hoạt động thương mại quốc tế. Họ nói rằng những vụ kiện như thế không ảnh hưởng gì đến quan hệ tay đôi. Ý kiến của Phó Thủ tướng về vấn đề này thế nào?

Trả lời:

Các vụ kiện loại này không phải là hãn hữu trong quan hệ mậu dịch quốc tế, đó là một thực tế khách quan. Hàng năm, trên thế giới có hàng trăm vụ kiện như vậy. Các vụ kiện thương mại xảy ra không chỉ với ta mà với nhiều nước khác, kể cả các nước đồng minh của Hoa Kỳ. Giữa Mỹ với Nhật Bản, Hoa Kỳ với châu Âu cũng thường xảy ra các vụ kiện tụng thương mại. Điều đó phản ánh một thực tế là trên thương trường quốc tế có sự cạnh tranh và đấu tranh lẫn nhau rất gay gắt. Tuy nhiên, phải lưu ý một điều là xu hướng bảo hộ mậu dịch ở Hoa Kỳ hiện nay đang tăng lên. Đó là đánh giá chung của các nhà kinh tế. Ngoài ra còn có một số nhân tố chính trị tác động vào xu hướng đó. Chính vụ kiện cá basa, hay mưu toan kiện "bán phá giá" tôm đã phản ánh xu hướng bảo hộ mậu dịch ở Hoa Kỳ, đồng thời phản ánh chiều hướng chính trị ở Mỹ. Do có sự pha tạp như vậy, nên vụ kiện này chẳng có nguyên cớ gì cả và đã không được xử lý công bằng. Tình hình đó đang đặt các nước khác, nhất là các nước đang phát triển vào thế bất lợi, không công bằng.

Câu hỏi: Có ý kiến cho rằng mục tiêu gia nhập WTO vào năm 2005 của Việt Nam là tham vọng. Ý kiến của Phó Thủ tướng về vấn đề này thế nào?

Trả lời:

Thế nào là tham vọng cũng là điều nên bàn. Tuy nhiên, việc Việt Nam gia nhập WTO là một nhu cầu hiện thực. Kinh tế Việt Nam tùy thuộc rất nhiều vào kinh tế thế giới. Kim ngạch xuất khẩu của chúng ta năm nay đạt khoảng 20 tỷ USD, trong khi GDP của ta vào khoảng 40 tỷ USD. Như vậy, giá trị xuất khẩu chiếm gần 50% GDP. Đây là tỷ lệ rất cao, tỷ lệ này của Mỹ chỉ khoảng 10%. Về vốn thì viện trợ phát triển chính thức (ODA) và đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) chiếm hơn 30% tổng vốn của toàn xã hội. Đây cũng là một tỷ lệ khá cao. Như vậy Việt Nam tùy thuộc vào kinh tế quốc tế, cả ở đầu vào và đầu ra. Vì lẽ đó, gia nhập WTO là nhu cầu khách quan, không phụ thuộc vào việc ta có muốn hay không. Hơn nữa, đến năm 2005 các nước thành viên WTO cam kết xóa bỏ hạn ngạch. Nếu khi đó chúng ta chưa phải là thành viên WTO, thì ta sẽ bị áp đặt hạn ngạch và tình hình sẽ còn khó khăn gấp bội. Vì vậy, đây không phải là "tham vọng" của chính phủ hay của ai, mà là nhu cầu khách quan. Ta cần phải thúc đẩy quá trình này. Tuy nhiên, hội nhập vào WTO cũng phải trả giá, có được và có mất. Đó là điều tất yếu. Chúng ta phải mở cửa thị trường, chấp nhận cạnh tranh. Vấn đề là làm thế nào để trả giá ít nhất có thể, giảm phần mất, tăng phần được. Không có cách nào khác.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Các tin liên quan:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer