Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Nhân dân về Hội nghị cấp cao APEC 11 tại Thái Lan
BỘ TRƯỞNG NGOẠI GIAO NGUYẾN DY NIÊN TRẢ LỜI PHỎNG VẤN PHÓNG VIÊN BÁO NHÂN DÂN SAU KHI KẾT THÚC HỘI NGHỊ CẤP CAO APEC LẦN THỨ 11 TẠI THÁI LAN
(Đăng trên Báo Nhân dân ngày 22 tháng 10 năm 2003)
Câu hỏi: Thưa Bộ trưởng, chủ đề của hội nghị lần này "Thế giới của sự khác biệt: Ðối tác vì tương lai", xin Bộ trưởng cho biết những kết quả quan trọng nhất hội nghị đạt được trong từng lĩnh vực đề cập là gì?
Trả lời:
Sau hai ngày làm việc, các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC đã kết thúc Hội nghị hằng năm lần thứ 11 tổ chức tại Bangkok, Thái-lan từ ngày 20 đến 21-10. Với chủ đề: "Thế giới của sự khác biệt: Ðối tác vì tương lai", hội nghị đã tập trung vào ba nội dung: các vấn đề kinh tế, chống khủng bố và cải cách APEC. Xét theo từng lĩnh vực cụ thể, hội nghị đã đạt được những kết quả chính sau: Thứ nhất, những ý kiến phát biểu thẳng thắn và tập trung ở hội nghị cho thấy thất bại của vòng đàm phán Doha ở Cancun gần đây không hề làm giảm mà trái lại còn củng cố quyết tâm của các nền kinh tế APEC trong cố gắng thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư ở khu vực và khởi động lại vòng đàm phán Doha. Lần đầu tiên APEC chính thức đưa vào văn bản việc giúp đỡ Nga và Việt Nam xây dựng năng lực nhằm đẩy nhanh tiến trình đàm phán gia nhập WTO. Các thành viên khẳng định tiếp tục thúc đẩy khuôn khổ thương mại đa phương, coi đó là nền tảng cơ bản để tăng cường thương mại và tăng trưởng; đồng thời cho rằng, các thỏa thuận thương mại tự do khu vực và song phương phải phù hợp các quy tắc của WTO, và phải bổ sung cho nhau để thúc đẩy hợp tác thương mại, không triệt tiêu nhau hay đặt các nước chậm phát triển vào thế bị thua thiệt. Với tinh thần đó, tại Hội nghị cấp cao APEC lần này, nhiều sáng kiến và chương trình hành động về kinh tế được thảo luận và thông qua nhanh chóng với sự nhất trí cao. Nổi bật trong số này có chương trình phát triển thị trường trái phiếu khu vực; chương trình hành động APEC về cải cách cơ cấu; chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; chiến lược tổng thể APEC về quyền sở hữu trí tuệ; sáng kiến về an ninh năng lượng. Cũng cần nhấn mạnh rằng trong tất cả các sáng kiến đó, việc cam kết nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển, giúp đỡ các thành viên chậm phát triển hơn thông qua nhiều chương trình khác nhau, trong đó có việc nâng cao năng lực hội nhập, trở thành một nội dung quan trọng không thể thiếu được. Có thể nói, việc triển khai thực hiện những sáng kiến và chương trình hành động này sẽ đưa APEC tiến lên một tầm cao mới trong hợp tác khu vực, góp phần thực hiện mục tiêu đặt ra từ Hội nghị Bô-go. Thứ hai, hội nghị lần này cũng thể hiện sự nhất trí cao của các thành viên APEC quyết tâm chống khủng bố quốc tế nhằm bảo đảm an toàn và tạo thuận lợi cho buôn bán, đầu tư và du lịch trong khu vực. Hội nghị hoan nghênh sự ra đời của Nhóm đặc trách chống khủng bố, việc xây dựng chương trình hành động chống khủng bố của các thành viên; những tiến bộ trong việc bảo đảm an toàn cho thương mại ở khu vực APEC, kiểm soát nguồn tài chính của khủng bố. Ngoài ra, hội nghị cũng thảo luận các biện pháp khắc phục tác động tiêu cực của những vấn đề xuyên quốc gia khác đến phát triển kinh tế khu vực như bệnh viêm đường hô hấp cấp (SARS) và các bệnh truyền nhiễm khác và đã nhất trí thông qua sáng kiến của Mỹ về an ninh y tế, hoan nghênh Chương trình hành động APEC về SARS. Thứ ba, cải tổ APEC là một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị APEC - 11. Các thành viên đều đi đến nhận thức chung về sự cần thiết phải cải tổ APEC nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, nhưng cách làm và bước đi cần phải được nghiên cứu kỹ. Hội nghị quyết định để các quan chức APEC bàn bạc và xây dựng đề án cải tổ APEC trình lên Hội nghị Bộ trưởng APEC - 16 và Hội nghị cấp cao APEC - 12 xem xét. Với những kết quả cụ thể trên, tại Hội nghị cấp cao APEC - 11, các nhà lãnh đạo đã đưa ra "Tuyên bố Bangkok về Ðối tác vì Tương lai" khẳng định tầm quan trọng sống còn của việc tăng cường hợp tác để thực hiện tầm nhìn và mục tiêu Bô-go của APEC trong những năm tới.
Câu hỏi: Xin Bộ trưởng cho biết sự tham gia của Việt Nam tại hội nghị. Các sáng kiến của Việt Nam đưa ra tại Hội nghị APEC lần này có ý nghĩa như thế nào đối với tiến trình APEC nói chung và lợi ích của Việt Nam nói riêng?
Trả lời:
Sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải và Ðoàn Việt Nam trong Hội nghị APEC lần này thể hiện sự tự tin, chủ động, tích cực và linh hoạt nhằm tiếp tục phát huy vai trò và vị thế của Việt Nam ở khu vực, tạo tiền đề quan trọng cho việc ta đăng cai và tổ chức Hội nghị cấp cao APEC năm 2006, thúc đẩy tiến trình đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Ðoàn ta đã tích cực tham gia thảo luận và phát biểu ý kiến ở tất cả các phiên họp, đóng góp những ý kiến thiết thực về tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, về chống khủng bố và cải tổ APEC. Nhiều ý kiến của chúng ta được hội nghị hoan nghênh và đánh giá cao. Bền lề Hội nghị APEC, lãnh đạo ta đã gặp gỡ và tiếp xúc song phương với lãnh đạo một số nước để tranh thủ sự ủng hộ đối với lập trường và sáng kiến của ta nêu trong Hội nghị, ủng hộ ta gia nhập WTO, hỗ trợ ta tổ chức thành công hội nghị cấp cao ASEM năm 2004 và Hội nghị cấp cao APEC năm 2006; đồng thời trao đổi về các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường hợp tác kinh tế song phương với các nước này. Ngoài ra, lãnh đạo ta cũng tiếp và trao đổi cởi mở với các tập đoàn kinh tế lớn như Microsoft và New York Life. Lần đầu tiên trong khuôn khổ APEC, Việt Nam đã đề xuất hai sáng kiến quan trọng về hợp tác kinh tế. Ý tưởng đưa tới các đề xuất này chủ yếu xuất phát từ kết quả của "Tuần lễ APEC tại Việt Nam" mà Bộ Ngoại giao đã phối hợp các bộ, ngành liên quan tổ chức đầu tháng 9-2003. Sáng kiến thứ nhất về tăng cường hợp tác đầu tư cho cân bằng với hợp tác thương mại nhằm thúc đẩy đầu tư nội khối APEC, trong đó dành ưu tiên đầu tư vào ASEAN đã được đưa vào trong Tuyên bố của Hội nghị Bộ trưởng. Sáng kiến thứ hai về một số biện pháp cụ thể triển khai kế hoạch hành động hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và "siêu nhỏ", trong đó có việc thành lập một Quỹ xây dựng năng lực hỗ trợ các doanh nghiệp "siêu nhỏ" đã được các thành viên đánh giá cao và được đưa vào danh mục ưu tiên năm 2004 của APEC. Sự ủng hộ của hội nghị đối với hai sáng kiến của ta thể hiện việc chúng ta đã biết chọn đúng vấn đề mà các nền kinh tế thành viên đều quan tâm, đáp ứng được lợi ích chung của APEC cũng như của ta.
Câu hỏi: Xin Bộ trưởng đánh giá như thế nào về đóng góp của nước chủ nhà vào kết quả Hội nghị APEC lần này?
Trả lời:
Thái-lan là thành viên APEC từ khi ra đời năm 1989 và có nhiều kinh nghiệm trong hội nhập và hợp tác quốc tế. Theo tôi được biết, từ hai năm trước, nước chủ nhà Thái-lan đã tích cực chuẩn bị cho Hội nghị APEC lần này từ khâu xây dựng chủ đề, tham khảo ý kiến các thành viên để xây dựng nội dung, đồng thời đưa ra nhiều cải tiến cách thức điều hành hội nghị. Những đóng góp này của nước chủ nhà sẽ cung cấp những ý tưởng tốt cho các quan chức APEC hoàn thành đề án cải tổ APEC trình Hội nghị Bộ trưởng APEC - 16 vào năm 2004. APEC là một diễn đàn hợp tác trong sự đa dạng và khác biệt. Thành công của Hội nghị APEC lần này thể hiện sự khéo léo và kinh nghiệm của Thái-lan trong việc điều hành hội nghị, dàn xếp những khác biệt, tăng cường điểm đồng, thúc đẩy hợp tác giữa các thành viên trong APEC. Thái-lan cũng đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì ưu tiên hợp tác kinh tế trong chương trình nghị sự APEC.
Câu hỏi: Ðề nghị Bộ trưởng cho biết khả năng của Việt Nam tổ chức Hội nghị cấp cao APEC-14 vào năm 2006?
Trả lời:
Chỉ bốn năm sau khi gia nhập APEC, Việt Nam đã đề xuất đăng cai Hội nghị cấp cao APEC - 14 vào năm 2006 và được APEC ủng hộ. Ðiều đó thể hiện sự đánh giá cao của các thành viên APEC đối với những thành tựu quan trọng của sự nghiệp đổi mới, với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ và chủ động hội nhập quốc tế của ta. Chúng ta đã có những tiền đề cơ bản để giúp tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC - 14 vào năm 2006. Thứ nhất, đó là thành công của chúng ta trong việc thực hiện đường lối đổi mới, và triển khai có hiệu quả chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, sẵn sàng là bạn với tất cả các nước; vị thế và tiếng nói của Việt Nam ngày càng được tăng cường trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Thứ hai, chúng ta đã có kinh nghiệm đăng cai và tổ chức thành công những hội nghị quốc tế lớn và quan trọng như Hội nghị cấp cao các nước có sử dụng tiếng Pháp năm 1997, Hội nghị cấp cao ASEAN 6 (năm 1998). Năm 2004, chúng ta sẽ đứng ra tổ chức Hội nghị cấp cao Á-Âu, một sự kiện có ý nghĩa to lớn trong quá trình hội nhập quốc tế của ta và cũng là bước tập dượt quan trọng để chúng ta tiến tới tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC năm 2006. Thứ ba, đội ngũ cán bộ làm ngoại giao đa phương của chúng ta đã được cọ xát, tập dượt và trưởng thành trong những năm qua và đang tiếp tục vươn lên để đáp ứng yêu cầu của tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước và sự phối hợp nhịp nhàng và có hiệu quả hơn giữa các ngành. Thứ tư, chúng ta đang và sẽ tranh thủ được sự ủng hộ và giúp đỡ của các nước cho công tác chuẩn bị bảo đảm tổ chức thành công hội nghị mà chúng ta đăng cai.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |