Thủ tướng Phan Văn Khải trả lời phỏng vấn cho
Nhật Báo Phố Uôn và Tạp chí Kinh tế Viễn đông
(Ngày 05 tháng 3 năm 2003)
Phần I: Về tình hình Việt Nam
Câu 1. Ngài muốn nhắn gửi gì về “chính sách mở cửa” của Việt Nam cho đầu tư nước ngoài? Có chính sách gì mới ở Việt Nam?
Trả lời:
Trước tiên, tôi xin khẳng định rằng, Chính phủ Việt Nam coi khu vực đầu tư nước ngoài là một bộ phận không tách rời của nền kinh tế Việt Nam và tạo điều kiện để khu vực này phát triển lâu dài, bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và nhà đầu tư Hoa Kỳ nói riêng được chào đón nồng nhiệt tại đất nước chúng tôi và đang cùng chúng tôi chia xẻ thành công tại thị trường đầu tư giàu tiềm năng này. Tôi muốn nêu một số lý do để khẳng định tính hiện thực của lời nhắn đó. Thứ nhất, trong khi đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu có dấu hiệu suy giảm, tình hình chính trị, kinh tế ở một số nước trong khu vực và trên thế giới có nhiều biến động phức tạp thì Việt Nam là một địa điểm đầu tư an toàn và hấp dẫn với một chế độ chính trị, xã hội ổn định, nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao. Không phải ngẫu nhiên mà UNCTAD đã đánh giá Việt Nam là một trong 20 nước tiếp nhận ĐTNN lớn nhất trong năm 2002. Thứ hai, Việt Nam có ưu thế về số lượng và chất lượng lao động (gần 45 triệu người). Theo đánh giá của JETRO, lương công nhân và kỹ sư Việt Nam chỉ bằng 60-70% của Thái Lan, Trung Quốc và bằng 18% của Singapore. Với dân số đứng thứ 13 trên thế giới (khoảng 80 triệu người), mức sống cuả người dân ngày càng được cải thiện (bình quân mỗi năm tăng khoảng 4-5%), thị trường Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài. Thứ ba, Việt Nam đang tiếp tục đổi mới thể chế kinh tế nhằm tạo môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi cho hoạt động đầu tư nước ngoài. Thề chế kinh tế thị trường đã được hình thành và được thúc đẩy theo hướng tự do hoá thương mại và đầu tư. Các cải cách trên lĩnh vực tài chính, tiền tệ được tiến hành qua cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, điều chỉnh linh hoạt tỷ giá hối đoái, đổi mới thu chi ngân sách, cải cách hệ thống thuế… Chính sách phát triển các thành phần kinh tế đang tạo điều kiện huy động nghiều nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, nhất là sau khi Luật Doanh nghiệp được ban hành. Công cuộc cải cách hành chính đang tiếp tục triển khai nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước, tính minh bạch, công khai của hệ thống luật pháp, chính sách. Thứ tư, Việt Nam thực hiện nhất quán chính sách đối ngoại đa dạng hoá, đa phương hoá, chủ động hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu với việc tham gia tích cực vào các thể chế hợp tác khu vực và thế giới (ASEAN, ASEM, APEC), đẩy nhanh tiến trình đàm phán gia nhập WTO; triển khai Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa kỳ. Thứ năm, khung pháp luật, chính sách về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam liên tục được hoàn thiện và được đánh giá là có sức hấp dẫn, cạnh tranh so với các nước trong khu vực cả về khả năng tiếp cận thị trường và hệ thống ưu đãi đầu tư.
Câu 2. Ngài mong đợi những thành tựu gì của nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới?
Trả lời :
Việt Nam thực hiện nhất quán chính sách kinh tế nhiều thành phần, đổi mới và nâng cao hiệu quả khu vực doanh nghiệp nhà nước, hoàn thiện chính sách khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài, xoá bỏ những trở ngại về thể chế và thủ tục hành chính trong đầu tư, kinh doanh và xuất khẩu, tạo môi trường hợp tác, cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp … Với những nỗ lực đó, chúng tôi mong đợi nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 7,5% GDP vào năm 2005, GDP gấp đôi so với năm 1995.
Câu 3: Mục tiêu của Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2005 có khả thi không ?
Trả lời:
Việt Nam nộp đơn gia nhập WTO từ tháng 1 năm 1995 và đã triển khai 5 phiên họp với Nhóm công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO. Sau Phiên họp lần thứ 5 tổ chức tại Gêneva trong tháng 4 năm 2002, Việt Nam đã hoàn tất giai đoạn minh bạch hoá chính sách thương mại để bước vào giai đoạn đàm phán song phương về mở cửa thị trường hàng hoá và dịch vụ. Trong thời gian qua, Việt Nam đã tích cực điều chỉnh hệ thống pháp luật theo hướng ngày càng phù hợp hơn với các nguyên tắc và thông lệ quốc tế. Những nỗ lực trong việc thực hiện Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ cũng như các cam kết quốc tế khác là minh chứng cho thấy Việt Nam đang xây dựng một mối quan hệ thương mại, đầu tư ổn định, minh bạch và tự do hơn với các thành viên WTO. Đồng thời, Việt Nam mong muốn được hưởng các ưu đãi đặc biệt và hỗ trợ kỹ thuật dành cho một nước đang phát triển ở trình độ thấp. Với những nỗ lực từ phía Chính phủ Việt Nam và thiện chí của các thành viên WTO, thì mục tiêu của Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2005 là hiện thực.
Câu 4: Thông điệp của Ngài khẳng định thiện chí sẵn sàng mở cửa một số thị trường lâu nay không cho phép cạnh tranh quốc tế. Điều này có bao gồm một số ngành có sự chậm trễ trong việc bãi bỏ sự quản lý của Nhà nước, ví dụ như ngành viễn thông ? Chính phủ Việt Nam đang làm gì để đẩy mạnh tiến trình này và khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực như viễn thông ?
Trả lời :
Thay đổi có thể là chậm, song những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong thời gian qua đã ghi nhận nỗ lực của chúng tôi trong việc thiết lập nền kinh tế thị trường. Hãy nhìn vào bức tranh rộng lớn hơn tại đất nước này : nền kinh tế Việt Nam đang vận động để mở thị trường. Chúng tôi khẳng định rõ ràng cam kết đối với công cuộc cải cách tích cực nền kinh tế. Tuy nhiên, như Quý vị đều biết, nền kinh tế của bất cứ quốc gia nào không thể chuyển đổi trong một sớm một chiều. Vì vậy, chúng tôi đang tiến hành cải cách từng bước nền kinh tế theo hướng xây dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng và mạnh mẽ hơn trong một số lĩnh vực chủ yếu. Chẳng hạn, sản xuất chế tạo là một lĩnh vực được mở cửa cho cạnh tranh nhiều hơn và đã đạt được kết quả đáng kể. Mặt khác, sự tham gia của các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài đã góp phần quan trọng để Việt Nam trở thành một trong những nước có tốc độ phát triển viễn thông nhanh nhất trên thế giới. Đến nay, đã có 20 dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này được cấp giấy phép đầu tư với tổng số vốn đầu tư trên 2 tỷ USD. Nhiều tập đoàn lớn trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh dịch vụ viễn thông đã có mặt tại Việt Nam. Dự án đầu tư của các tập đoàn này đã và đang hoạt động có hiệu quả, góp phần hiện đại háo, nâng cấp, mở rộng mạng viễn thông Việt Nam đạt trình độ quốc tế. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở cửa thị trường viễn thông phù hợp với lộ trình đã cam kết trong khuôn khổ Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, đồng thời hoàn thiện khung pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch và ổn định trong lĩnh vực quan trọng này.
Câu 5: Mặc dù có một vài trở ngại vừa qua, Ngài có thể cho biết nét đặc trưng của mối quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ từ khi thực hiện Hiệp định thương mại song phương ? điều này mang lại lợi ích gì cho Việt Nam ?
Trả lời :
Việc ký kết và triển khai Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ phù hợp với nguyện vòng và lợi ích của cả hai bên. Chúng tôi coi đây là một bước phát triển quan trọng trong tiến trình bình thường hoá hoàn toàn quan hệ song phương giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại. Kể từ khi Hiệp định được ký kết, quan hệ thương mại giữa hai nước đã có bước phát triển nhanh chóng. Điều này thể hiện bằng con số tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều với mức hơn 20% chỉ trong vòng 2 năm kể từ khi ký kết Hiệp định. Đó là tín hiệu cho thấy cả hai nước chúng ta cùng có một tương lai thương mại đầy hứa hẹn. Tôi không nghĩ có trở ngại trong việc thực hiện Hiệp định thương mại giữa hai nước. Điều cũng bình thường là chúng ta cần giải quyết một số vấn đề nảy sinh từ tiến trình này, đặc biệt là vụ kiện các doanh nghiệp Việt Nam bán phá giá cá basa. Chúng tôi hy vọng phía Hoa Kỳ nhìn nhận vấn đề này một cách khách quan, công bằng, phù hợp với thực tế Việt Nam cũng như nguyên tắc tự do thương mại và cạnh tranh bình đẳng mà hai Bên đã thoả thuận trong Hiệp định.
Câu 6: Bằng việc giữ lại sự kiểm soát hoàn toàn đối với DNNN sinh lợi nhất, Chính phủ Việt Nam muốn đạt được điều gì?
Trả lời :
Hiện nay, khu vực kinh tế nhà nước (trong đó bao gồm cả các DNNN) đang sản xuất 39% GDP. Chúng tôi nhận thấy, còn nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả, nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ mà Nhà nước không cần nắm giữ. Vì vậy, trong số trên 5.200 doanh nghiệp nhà nước hiện nay, đến năm 2005 chúng tôi dự kiến chỉ giữ lại khoảng một nửa, bao gồm các doanh nghiệp công ích (như cung cấp điện, nước …) và một số doanh nghiệp quan trọng, như khai thác và chế biến năng lượng (điện, than, dầu khí), đóng tầu,… mà nhà nước cần nắm giữ để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân, bảo đảm ổn định và an toàn cho sự phát triển đất nước. Đối với các DNNN khác, Chính phủ chủ trương bán, khoán, cho thuê, cổ phần hoá… kết hợp với đào tạo và đào tạo lại đội ngũ người lao động, cán bộ quản lý và giải quyết thoả đáng các vấn đề xã hội phát sinh từ quá trình này. Chúng tôi đẩy mạnh thực hiện các biện pháp để nâng cao hiệu quả và thể hiện vai trò kinh tế, xã hội rất quan trọng của các DNNN còn lại trong điều kiện các doanh nghiệp công và tư bình đẳng trước pháp luật.
Câu 7: Ngài là người ủng hộ doanh nghiệp tư nhân mới ra đời của Việt Nam. Vậy giải pháp tốt nhất nào đảm bảo để hàng ngàn doanh nghiệp nhỏ, mới khởi sự có thể nhanh chóng phát triển trở thành các Công ty vững mạnh, có khả năng cạnh tranh quốc tế ?
Trả lời :
Chính phủ Việt Nam thực hiện nhất quán chính sách kinh tế nhiều thành phần. Theo đó, các thành phần kinh tế, không phân biệt sở hữu, không phân biệt trong nước hay nước ngoài, đều là những bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường, được phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật. Với việc triển khai Luật doanh nghiệp mới và các văn bản pháp quy có liên quan, từ năm 2000 đến nay đã có trên 35.000 doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân đăng ký thành lập. Trong thời gian qua, chính phủ Việt Nam đã có nhiều giải pháp quan trọng nhằm tiếp tục đổi mới chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Những giải pháp chủ yếu đã và đang được thực hiện gồm: (i) mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp và tăng cường tính minh bạch của môi trường kinh doanh bằng việc soá bỏ các giấy phép, thủ tục phiền hà; (ii) tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, hướng tới thiết lập một “sân chơi” chung cho tất cả các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; (iii) tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn tín dụng, sử dụng đất đai, lao động; (iv) mở rộng quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp … Mới đây, chính phủ Việt Nam đã quyết định thành lập cục Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Câu 8: Mặc dù Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhằm thúc đẩy phát triển công bằng, nhưng khoảng cách giầu - nghèo vẫn đang tăng mạnh. Những gì có thể làm được để cải thiện tình hình này?
Trả lời:
Tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện công bằng xã hội, xóa đói, giảm nghèo luôn là quan trọng hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các quốc gia. Trong những năm qua,Việt Nam đã có nhiều nỗ lực và đạt được nhiều thành tựu trong việc xoá đói, giảm nghèo. Tỷ lệ đói nghèo ở Việt Nam đã giảm nhanh, từ gần 30% vào đầu những năm 90 xuống còn 14,3% vào năm 2002. Trung bình mỗi năm, Chính phủ xoá đói, giảm nghèo cho khoảng 300.000 hộ gia đình. Với những thành tựu đó, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những nước có thành tích giảm tỷ lệ đói nghèo cao nhất. Trong thời gian tới, xoá đói giảm nghèo tiếp tục là một trong những công tác trọng tâm của Chính phủ. Vì vậy, cùng với việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xoá đói, giảm nghèo và tạo việc làm cho giai đoạn 2001 - 2005, tháng 5 năm 2002, Chính phủ đã thông qua chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xoá đói, giảm nghèo, trong đó mục tiêu cụ thể trong năm 2003 là giảm 30 vạn hộ đói nghièo, đạt mức giảm 12,5%. Chúng tôi chủ trương tập trung xoá đói, giảm nghèo vùng núi, vùng sâu, vùng xa, cùng đồng bào dân tộc ít người; đầu tư để không ngừng cải thiện và nâng cao mức sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thu hẹp dần khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị với nông thôn, giữa miền xuôi với miền núi, giữa đồng bào các dân tộc trong phạm vi cả nước.
Câu 9: Có thể làm gì hơn nữa để giảm tham nhũng tại Việt Nam và nâng cao trách nhiệm của các nhà lãnh đạo Chính phủ trong cuộc đấu tranh này ?
Trả lời:
Tham nhũng là một hiện tượng xã hội không lành mạnh mà Việt Nam cũng như tất cả các nước đều phải kiên quyết chống lại một cách không khoan nhượng. Nhà nước Việt Nam đã có những quy định ngày càng rõ ràng và chặt chẽ về chống tham nhũng trong các pháp lệnh, nghị định và các văn bản dưới luật khác. Chống tham nhũng là công tác quan trọng, thường xuyên trong chương trình công tác của Chính phủ nhiệm kỳ 2002 - 2007. Thực tế, vừa qua nhiều vụ tham nhũng được phát hiện và xét xử, phản ánh hiệu quả của công tác này đang được tăng cường và được tiến hành kiên trì, liên tục. Nhà nước Việt Nam cần được sự theo dõi, giám sát của nhân dân. Quy chế dân chủ ở cơ sở mới được ban hành là một trong những giải pháp theo hướng đó. Việc công khai chi thu ngân sách ở các cơ quan, công khai quy hoạch xây dựng, công khai thủ tục hành chính công, v.v…. đang được triển khai nhằm huy động sự tham gia rộng rãi của nhân dân giám sát và chủ động chống tham nhũng ngay từ đầu. Các công chức, dù là cấp cao, mà sai phạm đều bị xử lý theo các điều khoản do pháp luật quy định, không có ngoại lệ.
Câu 10: Theo Ngài có cách nào đơn giản hơn để người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho sự phát triển của đất nước ?
Trả lời :
Chúng tôi luôn coi trọng tiềm năng và những đóng góp to lớn của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với sự nghiệp phát triển đất nước. Trong thời gian gian, Chính phủ đã áp dụng nhiều biện pháp quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài về làm ăn, sinh sống, như áp dụng ưu đãi đầu tư với mức cao nhất trong khuôn khổ Luật đầu tư nước ngoài hoặc Luật khuyến khích đầu tư trong nước, cho phép mua nhà để phục vụ mục đích sinh hoạt tại Việt Nam, đơn giản hoá thủ tục nhập cảnh, cư trú, đi lại …
Phần II. Về đầu tư nước ngoài ở Việt Nam
Câu 1: Khu vực nào trên thế giới quan trọng nhất đối với việc thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam ? những lĩnh vực đầu tư nước ngoài nào quan trọng nhất đối với việc phát triển kinh tế của Việt Nam hiện nay ? Việt Nam có mở cửa khu vực doanh nghiệp nhà nước cho đầu tư nước ngoài ?
Trả lời:
Chúng tôi chủ trương đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ hợp tác đầu tư với nước ngoài nhằm phát huy có hiệu quả nhất tiềm năng của chúng tôi và thế mạnh đầu tư của từng nước và khu vực trên thế giới. Bên cạnh việc thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực mạnh về tài chính và công nghệ từ Nhật Bản, Hoa kỳ, EU để thực hiện các dự án có quy mô lớn, hàm lượng công nghệ cao, các dự án ứng dụng công nghệ thông tin, sinh học…, chúng tôi tiếp tục vận động các nhà đầu tư truyền thống từ các nước trong khu vực đầu tư vào các dự án có quy mô vừa và nhỏ sản xuất hàng xuất khẩu, chế biến nông, lâm, thuỷ sản, hàng tiêu dùng… Chúng tôi chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân, đặc biệt khuyến khích các dự án sản xuất hàng xuất khẩu, sử dụng công nghệ cao, khai thác, chế biến nông, lâm, thuỷ sản, phát triển kết cấu hạ tầng, công nghệ thông tin và các dự án đầu tư vào các vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn… Chúng tôi đang đẩy mạnh thực hiện Chương trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, trong đó cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của các doanh nghiệp này trong một số lĩnh vực nhất định.
Câu 2: Ngài có mong đợi thương mại và đầu tư nhiều hơn với Trung Quốc?
Trả lời:
Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng và từ lâu đã có mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác truyền thống. Chúng tôi chủ trương đẩy mạnh quan hệ hợp tác đầu tư và thương mại với Trung quốc phù hợp với tuyên bố chung về hợp tác toàn diện trong thế kỷ mới đã được lãnh đạo hai nước ký kết. Sự phát triển hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc có lợi cho sự nghiệp hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới. Đến nay, Trung Quốc đã có 193 dự án đầu tư đang hoạt động với tổng vốn đăng ký 365 triệu USD, đứng thứ 18 trong 72 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trong năm 2002, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều giữa hai nước đạt 3,6 tỷ USD. Mặc dù hiện nay, Trung Quốc chưa phải là nước có tỷ trọng thương mại và đầu tư hàng đầu tại Việt Nam, song chúng tôi coi trọng tiềm năng hợp tác với Trung Quốc. Do việc Trung Quốc gia nhập WTO và ký kết Hiệp định về hợp tác kinh tế toàn diện với ASEAN, chúng tôi hy vọng quan hệ hợp tác đầu tư và thương mại giữa hai nước sẽ có bước phát triển mới.
Câu 3: Đầu tư của Hoa Kỳ quan trọng như thế nào đối với Việt Nam ? Việt Nam dự định thu hút đầu tư của Hoa Kỳ trong các lĩnh vực nào?
Trả lời:
Đến nay, Hoa kỳ đã có 187 dự án đầu tư được cấp phép với tổng vốn đăng ký 1,6 tỷ USD, đứng thứ 10 trong tổng số 74 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Ngoài ra, một số công ty Hoa kỳ còn đầu tư vào Việt Nam thông qua các chi nhánh hoặc các công ty đăng ký tại các nước và vùng lãnh thổ thứ 3. Hai mươi bốn tập đoàn lớn của Hoà kỳ đã đầu tư vào 31 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1,3 tỷ USD. Hầu hết các dự án đầu tư Hoa Kỳ đã được triển khai tốt. Tuy nhiên, số lượng dự án và giá trị vốn đăng ký nói trên chưa tương xứng với tiềm năng to lớn của các nhà đầu tư Hoa Kỳ. Chúng tôi hy vọng việc triển khai Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ cùng với những cải thiện tích cực của môi trường đầu tư Việt Nam sẽ mở ra cơ hội để thu hút với số lượng nhiều hơn và chất lượng cao hơn dòng vốn đầu tư của Hoa Kỳ trong tất cả các lĩnh vực, nhất là về công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, nông nghiệp, phát triển kết cấu hạ tầng, dầu khí…
Câu 4: Tại sao Asia Society tổ chức Hội nghị thường niên tại Việt Nam? Hội nghị này giúp gì cho Việt Nam?
Trả lời:
Việc tổ chức Hội nghị quan trọng này tại Việt Nam khẳng định sự đánh giá cao của Asia Society cũng như cộng đồng doanh nghiệp châu Á đối với những thành tựu của Việt Nam và cho thấy thiện chí của Chính phủ Việt Nam trong việc tạo diễn đàn đối thoại cởi mở giữa khu vực nhà nước và tư nhân. Thông qua Hội nghị này, chúng tôi mong muốn củng cố và nâng cao niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài về quyết tâm của Chính phủ Việt Nam tiếp tục đẩy nhanh tiến trình cải cách kinh tế và hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế khu vực và thế giới.