Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Thủ tướng Phan Văn Khải trả lời phỏng vấn cho Đoàn Câu lạc bộ báo chí quốc gia Nhật Bản - 20/11/2002


Thủ tướng Phan Văn Khải trả lời phỏng vấn
cho Đoàn Câu lạc bộ báo chí quốc gia Nhật Bản
(Ngày 20 tháng 11 năm 2002)

 

Câu hỏi 1:  Ngài Thủ tướng nghĩ gì về quan hệ kinh tế hiện nay giữa Việt Nam và Nhật Bản? Theo Ngài, cần có tiến trình như thế nào để phát triển hơn nữa quan hệ kinh tế giữa  Việt Nam và  Nhật Bản?

Trả lời :

Nhật Bản là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, kim ngạch buôn bán hai nước đạt 4,7 tỷ USD trong năm 2001. Trên lĩnh vực đầu tư, Nhật Bản đứng thứ 3 trong hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng số vốn đăng ký hơn 4,5 tỷ USD.   Các công trình thực hiện bằng nguồn vốn viện trợ của Nhật Bản cũng như những dự án đầu tư của các công ty Nhật đã và đang đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế, đem lại những hiệu quả thiết thực trong đời sống kinh tế xã hội của Việt Nam.   Hai nền kinh tế Việt Nam-Nhật Bản có nhiều điểm có thể hỗ trợ lẫn nhau về lâu dài trên các mặt vốn, kỹ thuật, thị trường. Tuy nhiên, thực tế quan hệ kinh tế Việt-Nhật hiện nay chưa tương xứng với mong muốn và tiềm năng của hai nước. Kim ngạch buôn bán với Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 0,1% tổng kim ngạch ngoại thương của Nhật Bản. Đầu tư trực tiếp vào Việt Nam của Nhật còn nhỏ bé, tỷ trọng chưa bằng 1% FDI hàng năm của Nhật Bản vào các nước. Kinh tế Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức to lớn như điểm xuất phát thấp, phát triển chưa vững chắc, hiệu quả và sức cạnh tranh còn kém, cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm. Chúng tôi đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Để hội nhập hơn nữa với nền kinh tế thế giới và khu vực, Việt Nam đang tiếp tục tích cực đẩy mạnh công cuộc Đổi mới với mục tiêu thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020. Chúng tôi đang tích cực tạo dựng môi trường đầu tư có sức hấp dẫn và tính cạnh tranh cao so với các nước trong khu vực, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài có thể yên tâm làm ăn lâu dài và ổn định tại Việt Nam, qua đó thu hút nhiều hơn nữa nguồn vốn đầu tư nước ngoài nói chung và của Nhật Bản nói riêng. Việc hai nước đang phấn đấu ký Hiệp định Bảo hộ đầu tư là bước đi cụ thể theo hướng này. Chúng tôi cũng phấn đấu để phát triển quan hệ thương mại Việt- Nhật, nâng cao hơn nữa kim ngạch buôn bán giữa hai nước.

Câu hỏi 2: Ngài đánh giá thế nào về kết quả của cuộc gặp ASEAN + 3 được tổ chức tại Phnôm Pênh trong thời gian từ 3-5/11/2002?

Trả lời :

Kể từ năm 1997 đến nay, cuộc gặp cấp cao ASEAN + 3 hàng năm đã trở thành một truyền thống tốt đẹp thể hiện nguyện vọng tăng cường hợp tác vì hoà bình và phát triển của các nước trong khu vực. Với chủ đề “Đẩy mạnh hợp tác Đông Á”, các nhà lãnh đạo  ASEAN + 3 đã tập trung xem xét việc thực hiện những dự án hợp tác và đề ra phương hướng hợp tác trong thời gian tới. Qua những kết quả đạt được, cuộc gặp đã góp phần quan trọng vào việc tăng cường cơ chế hợp tác ASEAN+3, thúc đẩy quá trình liên kết và mở rộng quan hệ buôn bán, thương mại và đầu tư giữa ASEAN và các nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong thời gian tới. Việt Nam đánh giá cao mong muốn và quyết tâm của Chính phủ Nhật Bản trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa ASEAN và Nhật Bản. Việc ASEAN và Nhật vừa ký Tuyên bố về Đối tác kinh tế toàn diện thể hiện quyết tâm của hai bên đưa quan hệ hợp tác lên một tầm cao mới. Việt Nam sẽ tích cực tham gia quá trình xây dựng quan hệ đối tác chặt chẽ và toàn diện giữa ASEAN và Nhật Bản.

Câu hỏi 3 : Một số công ty xe máy Nhật có nhà máy hoạt động tại Việt Nam buộc phải đóng cửa vì hạn chế nhập khẩu linh kiện xe máy. Sự việc này khiến một số người Nhật đặt dấu hỏi về những chính sách công nghiệp của Việt Nam. Xin Ngài hãy giải thích về những thành tựu đã đạt được qua tiến hành chính sách đổi mới và những hạn chế thực tế trong thương mại và đầu tư?

Trả lời :

Kể từ khi khởi xướng công cuộc Đổi mới vào năm 1986, nhờ những nỗ lực cải cách liên tục và nhất quán, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội. Trong 10 năm qua tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7%/năm, sản lượng công nghiệp tăng trên 13%/năm; kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, tỷ lệ lạm phát giảm từ mức 3 con số xuống dưới 5% trong những năm gần đây. Việt Nam đã có quan hệ kinh tế - thương mại với gần 170 nước và vùng lãnh thổ; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 16 tỷ USD, chiếm gần 50% GDP. Đến nay, có 3 495 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký 38,9 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện hàng năm đạt trên 2 tỷ USD. Về đầu tư nước ngoài, chúng tôi khẳng định lại chủ trương nhất quán coi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế Việt Nam. Thành công của các bạn cũng là thành công của Việt Nam. Thời gian qua, một số nhà đầu tư Nhật Bản có nêu vấn đề Việt Nam hạn chế sản xuất xe gắn máy, làm ảnh hưởng tới hoạt động của một số xí nghiệp liên doanh ở Việt Nam trong lĩnh vực này. Như các ngài đã biết, trong vài năm gần đây, số lượng xe gắn máy tăng quá nhanh ở Việt Nam, trong khi cơ sở hạ tầng giao thông của chúng tôi còn thấp kém, đã làm tăng số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, mỗi năm chết trên 10.000 người, và thường xuyên làm ách tắc giao thông ở các đô thị, nhất là ở các đô thị lớn. Chính phủ Việt Nam chủ trương, một mặt phải cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, tổ chức hợp lý giao thông trong cả nước, mặt khác, phải kiềm chế sự gia tăng và dần dần giảm phương tiện giao thông cá nhân ở các đô thị lớn. Chính sách của chúng tôi về đầu tư nước ngoài là nhất quán, minh bạch. Chúng tôi luôn luôn khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài làm ăn tại Việt Nam. Tuy nhiên, có trường hợp buộc chúng tôi phải áp dụng biện pháp tình thế, như việc hạn chế nhập khẩu linh kiện xe gắn máy; mong các nhà đầu tư hiểu rõ hoàn cảnh và yêu cầu bức bách của nhân dân chúng tôi. Mặt khác, cũng cần phải nói rõ là, vừa qua có một số nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất và lắp ráp xe gắn máy đã không thực hiện nghiêm túc cam kết về tỷ lệ nội địa hóa theo thời gian đã ghi trong giấy phép đầu tư, mà cứ nhập linh kiện để lắp ráp. Các cơ quan có trách nhiệm của Việt Nam đã nhắc nhở và lưu ý nhiều lần, nhưng các nhà đầu tư này vẫn không thực hiện gây thiệt hại cho các nhà đầu tư làm ăn nghiêm túc ở Việt Nam. Đầu năm tới, chính phủ Việt Nam sẽ rút giấy phép những doanh nghiệp nào không thực hiện đúng giấy phép đầu tư. Những doanh nghiệp nào làm ăn đúng đắn sẽ được Chính phủ ủng hộ tối đa. Còn nếu do thay đổi chính sách mà gây thiệt hại cho nhà đầu tư thực hiện đúng các cam kết trong giấy phép đầu tư thì Chính phủ Việt Nam sẽ xem xét, bồi thường thỏa đáng. Các doanh nghiệp có vốn nước ngoài cũng cần thực hiện đúng các cam kết và quy định trong giấy phép đầu tư, đặc biệt là tỷ lệ nội địa hóa, thực hiện việc chuyển giao công nghệ. Cần có nỗ lực của cả hai phía để thúc đẩy đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.

Câu hỏi 4 :  Với việc phát triển kinh tế gần đây của Trung Quốc, một số lo ngại về việc xây dựng quân đội của Trung Quốc đã xuất hiện tại Nhật Bản. Là một quốc gia láng giềng, Ngài Thủ tướng đánh giá sức mạnh quân sự của Trung Quốc như thế nào?

Trả lời :

Trung Quốc là nước có vai trò quan trọng trên thế giới và trong khu vực. Chúng tôi cho rằng Trung Quốc cùng chia sẻ với chúng tôi quan điểm hoà bình và ổn định là nhu cầu, xu thế và cũng là điều kiện phát triển của tất cả các nước trong khu vực. Quan hệ Việt - Trung là quan hệ giữa hai quốc gia theo phương châm  “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”.

Câu hỏi 5: Chúng ta hình dung rằng Trung Quốc đang trở thành nước cạnh tranh lớn nhất trong lĩnh vực thu hút ĐTNN. Xin Thủ tướng cho biết Việt Nam có những lĩnh vực đầu tư nào hấp dẫn hơn Trung Quốc?

Trả lời: Việc Trung Quốc và các nước ASEAN mới đây chính thức ký Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế mở đường cho việc thành lập Khu Thương mại Tự do ASEAN - Trung Quốc trong vòng 10 năm tới là một sự kiện có ý nghĩa không chỉ đối với sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, các nước ASEAN mà còn tạo nên một động lực mới cho kinh tế khu vực và thế giới. Khu Thương mại Tự do lớn nhất thế giới này với một thị trường 1,8 tỷ dân, tổng GDP 2.000 tỷ USD, và kim ngạch buôn bán quốc tế 1.200 tỷ USD sẽ mang lại các cơ hội to lớn cho cả Trung Quốc và các nước ASEAN trong đó có Việt Nam trong các lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư... Trong bối cảnh mới đó, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục các biện pháp nhằm tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thông qua việc cải thiện môi trường đầu tư, tập trung vào: hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về đầu tư nhằm tạo môi trường thông thoáng và bình đẳng cho các nhà đầu tư nước ngoài; đơn giản hoá thủ tục hành chính; tăng cường đối thoại nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư trong các lĩnh vực tài chính, tiền tệ, đất đai, thương mại...; đẩy mạnh vận động và xúc tiến đầu tư. Bên cạnh những lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế và tiềm năng phát triển đã thu hút và sử dụng FDI có hiệu quả như công nghiệp dệt may, giày dép, công nghiệp chế biến ..., Chính phủ đã xác định các lĩnh vực ưu tiên thu hút và sử dụng vốn FDI trong thời gian tới bao gồm: công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp chế biến, công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn, các dự án ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, các lĩnh vực sản xuất phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, các ngành sử dụng nhiều lao động... Được cộng đồng quốc tế nhìn nhận là địa điểm đầu tư, kinh doanh an toàn nhất trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tận dụng những lợi thế sẵn có về tài nguyên thiên nhiên và nguồn nhân lực, chúng tôi sẽ tích cực phấn đấu để đưa Việt Nam thật sự trở thành điểm đến được tin cậy của các nhà đầu tư.

Câu hỏi 6: Dường như Việt Nam thể hiện sự sẵn sàng bắt đầu cải cách chính trị tại kỳ họp Quốc Hội cuối năm 2001. Ngài có dự định đẩy nhanh cải cách chính trị như thế nào ?

Trả lời :

Ngay từ năm 1986-năm đầu tiên của công cuộc đổi mới, chúng tôi đã gắn phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, kết hợp cải cách kinh tế với đổi mới chính trị, trong đó cải cách kinh tế đi trước một bước. Trong khuôn khổ đổi mới hệ thống chính trị, chúng tôi cho rằng việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân, trong sạch, vững mạnh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Chúng tôi cũng chủ trương tiến hành mạnh mẽ việc cải cách thể chế và phương thức hoạt động của Nhà nước.    Để thực hiện các mục tiêu trên, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung đổi mới và nâng cao hiệu quả các hoạt động của Quốc hội; nỗ lực thực hiện công cuộc cải cách hành chính; thực hiện sâu rộng Quy chế dân chủ ở cơ sở; đẩy mạnh cải cách tư pháp.  Quá trình đổi mới của chúng tôi là quá trình phấn đấu để mọi công dân Việt Nam đều phát huy được quyền làm chủ của mình, tham gia tích cực  vào mọi mặt của đời sống chính trị - xã hội, bình đẳng trước pháp luật, tôn trọng Hiến pháp và pháp luật và được pháp luật bảo vệ. 

Câu hỏi 7: Những khu vực xung quanh vịnh Cam Ranh trước đây được Liên Xô cũ thường sử dụng vào mục đích quân sự, nay sẽ được chính quyền địa phương tiếp nhận để phát triển. Xin Ngài cho biết về kế hoạch phát triển vùng này của chính quyền trung ương? Các Ngài có nghĩ đến việc kêu gọi đầu tư nước ngoài trong đó có các nhà đầu tư Mỹ không? Liệu các Ngài có cho phép Mỹ và Trung Quốc sử dụng những khu vực này vào mục đích quân sự trong tương lai không?

Trả lời : Việt Nam sẽ không hợp tác với bất cứ nước nào để sử dụng Cam Ranh vào mục đích quân sự và sẽ khai thác tiềm năng của khu vực Cam Ranh để phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Các tin liên quan:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer