Thủ tướng Phan Văn Khải trả lời phỏng vấn phóng viên hãng NHK (Nhật Bản) thường trú tại Hà Nội -25/4/2002
THỦ TƯỚNG PHAN VĂN KHẢI TRẢ LỜI PHỎNG VẤN PHÓNG VIÊN HÃNG NHK (NHẬT BẢN) THƯỜNG TRÚ TẠI HÀ NỘI (ngày 25 tháng 4 năm 2002)
Câu hỏi 1: Xin Ngài đánh giá về quan hệ Việt Nam-Nhật Bản trong thời gian qua và nhận định của Ngài về chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Thủ tướng Koizưmi?
Trả lời:
Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản phát triển rất tốt đẹp, đạt được nhiều kết quả tích cực trong thời gian qua. Sự hợp tác giữa hai nước đã được mở rộng trên nhiều lĩnh vực. Năm 2003, hai nước sẽ kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai bên duy trì thường xuyên các cuộc tiếp xúc cấp cao thông qua các cuộc thăm viếng cũng như các hoạt động đa phương, tạo dựng cơ chế đối thoại về nhiều mặt, không ngừng thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau. Các Thủ tướng Nhật Bản Murayama, Hashimoto, Cố Thủ tướng Obuchi đã sang thăm Việt Nam. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt và bản thân tôi đã sang thăm Nhật Bản. Nhật Bản hiện là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nước cung cấp viện trợ phát triển ODA lớn nhất cho Việt Nam, là đối tác thương mại lớn nhất và là một trong những nước đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam. Sự hợp tác này đã đóng góp một phần quan trọng vào thành công của chúng tôi trong thời gian qua. Việc thực hiện có hiệu quả các dự án từ nguồn vốn ODA và đầu tư trực tiếp của Nhật Bản đang phát huy tác dụng tích cực đối với công cuộc phát triển kinh tế của Việt Nam. Hai chính phủ đã thoả thuận vẫn tiếp tục duy trì chương trình viện trợ lâu dài của Nhật cho Việt Nam tập trung vào 5 lĩnh vực chính: phát triển nguồn nhân lực và xây dựng thể chế, xây dựng và cải tạo các công trình giao thông và điện lực, phát triển nông nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, phát triển giáo dục, đào tạo y tế và bảo vệ môi trường. Việt Nam luôn luôn coi việc phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị ổn định với Nhật Bản là một ưu tiên chiến lược lâu dài. Với tình cảm tốt đẹp và mong muốn thúc đẩy quan hệ của cả hai bên, tôi tin chắc rằng quan hệ hai nước sẽ ngày càng phát triển là đối tác tin cậy, ổn định lâu dài, trong thế kỷ 21. Hai dân tộc chúng ta có nhiều nét tương đồng về văn hóa, địa lý, dễ thông cảm và tin tưởng lẫn nhau. Với sự khai trương đường bay Hà Nội - Tokyo sắp tới, tôi tin rằng sự giao lưu giữa nhân dân hai nước ngày càng mở rộng. Nhân dân chúng tôi rất mến khách và hoan nghênh các bạn Nhật Bản sang thăm quan du lịch tại Việt Nam, trong đó có một địa điểm du lịch hấp dẫn là phố cổ Hội An. Chính phủ và nhân dân Việt Nam rất coi trọng và đánh giá cao chuyến thăm sắp tới của Ngài Thủ tướng Koizưmi với tư cách một vị Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên đến Việt Nam trong thế kỷ 21. Chúng tôi tin chắc rằng chuyến thăm này sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.
Câu hỏi 2: Xin Ngài cho biết những nét mới trong chính sách của Việt Nam nhằm phát triển kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài?
Trả lời:
Ngay khi bước vào năm 2001, năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010 do Đại hội IX Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra, chúng tôi đã tiến hành những biện pháp mạnh mẽ nhằm chuyển dịch cơ cấu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, khai thông và khuyến khích xuất khẩu, tăng tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư, khai thác các nguồn lực trong nước, tháo gỡ kịp thời các khó khăn ách tắc đối với các vùng, các ngành nhằm thực hiện các nhiệm vụ kinh tế xã hội đề ra. Kết quả bước đầu cho thấy, nền kinh tế Việt Nam năm 2001vẫn tiếp tục ổn định và phát triển với tốc độ tăng trưởng đạt 6,8%; các ngành sản xuất và dịch vụ đạt mức tăng trưởng khá cao; các nguồn lực trong nước được chú trọng phát huy, đặc biệt khu vực kinh tế tư nhân có những bước phát triển nhanh đầy ấn tượng; đời sống nhân dân được cải thiện; giảm tỷ lệ hộ đói nghèo và tỷ lệ tăng dân số. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hoá và hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn; phát triển mạnh và nâng cao chất lượng các dịch vụ; xây dựng đồng bộ và từng bước hiện đại hoá kết cấu hạ tầng như giao thông, điện, nước, viễn thông, thuỷ lợi...; đẩy mạnh quá trình đổi mới doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng; có những chính sách khuyến khích phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh xoá đói giảm nghèo; giải quyết có hiệu quả một số vấn đề xã hội bức xúc; ổn định chính trị, xã hội, đảm bảo vững chắc an ninh quốc phòng. Chính phủ Việt Nam luôn coi đầu tư nước ngoài là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, được khuyến khích phát triển lâu dài, bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Đầu tư nước ngoài là nguồn bổ sung quan trọng cho đầu tư phát triển, là cầu nối chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản lý, góp phần khai thác và nâng cao hiệu quả các nguồn lực trong nước. Tính đến cuối năm 2000, vốn đầu tư nước ngoài thực hiện chiếm khoảng 23% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tạo ra 34% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 22% kim ngạch xuất khẩu và đóng góp khoảng 12% GDP chung của cả nước; khu vực đầu tư nước ngoài đã tạo việc làm cho trên 35 vạn lao động trực tiếp và thu hút hàng chục vạn lao động khác cho các ngành dịch vụ liên quan. Năm 2001, Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng đầu tư nước ngoài của năm 2000: thu hút thêm trên 3 tỷ USD vốn đầu tư; doanh thu đạt 7,4 tỷ USD; xuất khẩu đạt 3,6 tỷ USD, đã nộp ngân sách nhà nước 373 triệu USD; tạo thêm hơn 4 vạn việc làm mới. Để thúc đẩy hơn nữa đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đề ra những chính sách ưu đãi hơn nhằm khuyến khích mạnh mẽ các nhà đầu tư nước ngoài đàu tư vào các ngành công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp chế biến; công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn; các dự án ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, dầu khí, điện tử, vật liệu mới, viễn thông, các dự án phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và các ngành mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh gắn với công nghệ hiện đại, tạo thêm việc làm và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Chính phủ Việt Nam sẽ dành những ưu đãi tối đa cho đầu tư nước ngoài vào những vùng và địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, kết hợp với việc tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở các địa bàn này để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư nước ngoài. Nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết nhằm tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là cần phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, giảm mạnh và tiến tới xoá bỏ sự phân biệt về chính sách và pháp luật giữa đầu tư trong nước và nước ngoài; hoàn thiện và bổ sung các chính sách liên quan đến đất đai, ngân hàng, tài chính, làm tốt công tác quy hoạch phát triển, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính ..., thực hiện tốt cơ chế thông qua đối thoại tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư nước ngoài... Chúng tôi hy vọng với vị trí địa lý thuận lợi, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và nguồn lao động dồi dào, tình hình chính trị-xã hội ổn định, với những chính sách và biện pháp linh hoạt, cởi mở và ngày càng thông thoáng hơn trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong thời gian tới đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Việt Nam sẽ có những bước phát triển mạnh, Việt Nam sẽ là địa chỉ đầu tư hấp dẫn, an toàn và tin cậy đối với tất cả các nhà đầu tư trên thế giới.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |