Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Wednesday, ngày 25 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Thủ tướng Phan Văn Khải trả lời phỏng vấn cho phóng viên các hãng thông tấn-báo chí Nhật Bản thường trú tại Hà Nội - 31/3/2003


THỦ TƯỚNG PHAN VĂN KHẢI TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CHO PHÓNG VIÊN CÁC HÃNG THÔNG TẤN BÁO CHÍ NHẬT BẢN THƯỜNG TRÚ TẠI HÀ NỘI (31 tháng 3 năm 2003)

Câu hỏi 1: Xin Ngài cho biết mục đích chính trong chuyến thăm Nhật Bản sắp tới của Ngài ?

Trả lời:

Đây là lần thứ 3 tôi tới thăm Nhật Bản. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước bước sang một giai đoạn phát triển mới, ngày càng hiệu quả hơn, theo phương châm "đối tác tin cậy, ổn định lâu dài". Trong chuyến thăm làm việc lần này, tôi sẽ gặp gỡ và trao đổi ý kiến với Chính phủ và các nhà đầu tư Nhật Bản về các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường thu hút đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam, thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, xúc tiến thương mại, du lịch giữa hai nước trong thời gian tới.   Năm 2003, Việt Nam và Nhật Bản kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và cũng là năm giao lưu Nhật Bản - ASEAN. Chuyến thăm lần này của tôi là một trong nhiều hoạt động thiết thực của phía Việt Nam nhằm tăng cường quan hệ Việt Nam - Nhật Bản và ASEAN - Nhật Bản.

Câu hỏi 2: Là một nước thành viên ASEAN, Ngài có đánh giá gì về tương lai phát triển của ASEAN như một thị trường chung?

Trả lời:

Hiện nay, các nước thành viên ASEAN đang có những bước tiến rất tích cực để thực hiện lộ trình hội nhập của khu vực. Thời gian qua, hợp tác giữa các nước thành viên trong hầu hết tất cả các lĩnh vực thương mại, đầu tư, tài chính, công nghiệp, du lịch, giao thông vận tải… tiến triển nhanh chóng và thu được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào phát triển kinh tế của từng nước và của cả khu vực. Đặc biệt, Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) được bắt đầu thực hiện từ 1 tháng 1 năm 1993 và thực hiện đầy đủ đối với các nước ASEAN-6 vào 01 tháng 01 năm 2002, Việt Nam năm 2005, Lào và Myanma vào năm 2007 và Cămpuchia vào năm 2009. Việc tất cả 10 nước ASEAN thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ AFTA sẽ mở ra một thị trường rộng lớn gồm khoảng 500 triệu người tiêu dùng ở Đông Nam á, với những mức thuế quan ưu đãi  và hàng rào phi quan thuế được giảm thiểu, hứa hẹn những cơ hội đầu tư, kinh doanh hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Về phần mình, Việt Nam  đang hết sức nỗ lực thực hiện lộ trình của AFTA. Chúng tôi lạc quan về triển vọng hợp tác và hội nhập của ASEAN ở mức cao hơn trong tương lai và cho rằng sự hợp tác và đóng góp tích cực của các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản sẽ góp phần thúc đẩy tương  lai phát triển chung của toàn khu vực.

Câu hỏi 3: Ngài đánh giá thế nào môi trường đầu tư  hiện nay đối với các công ty của Nhật? Liệu môi trường này có đủ sức cạnh tranh với Trung Quốc không?  Để thu hút thêm vốn đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản, Việt Nam có chính sách khuyến khích gì mới? Xin Ngài cho biết hai bên có ký kết văn bản đầu tư nào trong chuyến thăm lần này không?

Trả lời:

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có dấu hiệu suy giảm, tình hình chính trị, kinh tế của một số nước và khu vực có nhiều biến động phức tạp,  Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là một địa điểm đầu tư giàu tiềm năng, an toàn và hấp dẫn. Tôi muốn nêu một số lý do để khẳng định với các bạn tính hiện thực khách quan của nhận xét này. Thứ nhất, Việt Nam có một chế độ chính trị và xã hội ổn định, nền kinh tế liên tục tăng trưởng ở mức cao. Thứ hai, Việt Nam có ưu thế nhất định về lao động cả về số lượng và chất lượng (gần 45 triệu người), chi phí nhân công rẻ so với các nước trong khu vực. Có dân số gần 80 triệu người, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, sức mua ngày càng tăng, là một thị trường lớn và giầu tiềm năng.   Thứ ba, khung pháp luật và chính sách đối với đầu tư nước ngoài tại Việt Nam liên tục được hoàn thiện và được đánh giá là có sức hấp dẫn, có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực cả về khả năng tiếp cận thị trường và hệ thống ưu đãi đầu tư. Thứ tư, Việt Nam đang tiếp tục tiến hành những cải cách trên lĩnh vực tài chính, tiền tệ, thuế...theo hướng tự do hoá thương mại và đầu tư; tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước, tính minh bạch, công khai của hệ thống pháp luật, chính sách... Những cải cách đó đều tạo thêm thuận lợi cho đầu tư nước ngoài. Nhật Bản luôn là một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam và hiện đứng thứ ba trong hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ hiện có đầu tư tại Việt Nam (tính đến hết năm 2002, Nhật Bản có 369 dự án, tổng số vốn đăng ký đạt 4,285 tỷ USD). Với tổng số vốn thực hiện đạt trên 3,125 tỷ USD, Nhật Bản đang đứng hàng đầu về tỷ lệ vốn thực hiện. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của Nhật Bản đã góp phần đáng kể phát triển nhiều ngành công nghiệp và dịch vụ then chốt của Việt Nam. Điều này một mặt thể hiện sự quan tâm của các nhà đầu tư Nhật Bản tới thị trường Việt Nam và cũng là kết quả của những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư và chính sách ưu đãi mà Chính phủ Việt Nam dành cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản. Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng để các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam. Việc ký Hiệp định này được Chính phủ hai nước hết sức quan tâm. Hiện nay, hai bên đang bàn bạc về những chi tiết cuối cùng. Tôi hy vọng việc ký Hiệp định sẽ tạo ra bước phát triển mới trong quan hệ kinh tế giữa hai nước. Chúng tôi đang tích cực tạo dựng môi trường đầu tư có sức hấp dẫn và có khả năng cạnh tranh cao và ngày càng thông thoáng hơn so với các nước trong khu vực, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài có thể yên tâm làm ăn lâu dài và ổn định tại Việt Nam, qua đó thu hút nhiều hơn nữa nguồn vốn đầu tư nước ngoài nói chung và của Nhật Bản nói riêng. Song song với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, kinh tế, cải cách hành chính, đơn giản hoá thủ tục đầu tư, giảm chi phí đầu tư, áp dụng thống nhất một giá dịch vụ không phân biệt giữa đầu tư trong nước và nước ngoài..., chúng tôi đang đẩy mạnh công tác vận động và xúc tiến đầu tư thông qua các đoàn xúc tiến thương mại, nghiên cứu thành lập các trung tâm xúc tiến đầu tư ở các địa bàn trọng điểm, tổ chức các cuộc hội thảo về đầu tư nhằm quảng bá sâu rộng cơ hội đầu tư ở Việt Nam cho các nhà đầu tư nước ngoài. Chúng tôi tăng cường phân cấp  quản lý, phát huy sự chủ động của các địa phương trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Chính phủ cũng đang nghiên cứu để đề ra một số biện pháp khuyến khích đầu tư mới, như cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện cổ phần hoá trong một số lĩnh vực nhất định; cho phép người nước ngoài thuê đất từ các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình; cho phép một số công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (trong diện cổ phần hoá) được phép niêm yết trên Trung tâm chứng khoán... Việt Nam sẽ cùng với Nhật Bản thành lập Nhóm công tác về môi trường đầu tư tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam trực tiếp phụ trách.

Câu hỏi 4: Về quá trình "đổi mới", Ngài đánh giá thế nào về những thành tựu mới đạt được. Xin Ngài cho biết những điểm cần phải có nỗ lực hơn? Ngài đánh giá thế nào về công cuộc cải cách kinh tế trong nước?

Trả lời:

Năm 2002, tình hình trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn nhưng nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển khá tốt đẹp với  tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,04%, các ngành công nghiệp, nông nghiệp, xuất khẩu, đặc biệt là du lịch, hàng không, bưu chính viễn thông có những bước phát triển mạnh mẽ. Các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế, xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, sự ổn định về chính trị - xã hội được giữ vững, quan hệ đối ngoại được mở rộng và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thức rõ những khó khăn, thách thức cần phải vượt qua, đó là: - Nền kinh tế phát triển chưa vững chắc, hiệu quả phát triển thấp và sức cạnh tranh còn kém. Cơ cấu đầu tư chuyển dịch chậm. Hệ thống dịch vụ hỗ trợ phát triển sản xuất vừa yếu, vừa thiếu và kém hiệu quả. - Cải cách hành chính chậm, thiếu kiên quyết và hiệu quả thấp. Hệ thống luật pháp chưa hoàn chỉnh, đồng bộ và ổn định, chưa phù hợp với tình hình phát triển mới và còn những chỗ chưa phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế. - Một số vấn đề văn hóa – xã hội như tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư, công tác giáo dục đào tạo, công tác chăm sóc y tế, bảo vệ sức khỏe của nhân dân … chậm được giải quyết. Tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí còn khá phổ biến. Những thành tựu giành được trong công cuộc đổi mới thời gian qua là  to lớn và quan trọng, chứng tỏ đường lối "đổi mới" của chúng tôi là đúng đắn. Tôi tin rằng năm nay và các năm tiếp theo, nhân dân chúng tôi sẽ tiếp tục đạt được những bước phát triển mạnh mẽ, vững chắc hơn nữa nhằm thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".

Câu hỏi 5:  Ngài đánh giá thế nào về viện trợ phát triển chính thức của Nhật (ODA) ? Theo Ngài, ODA của Nhật cần tập trung vào những lĩnh vực nào để đảm bảo lợi ích của các bên ? Theo Ngài, việc sử dụng ODA có hiệu quả không?

Trả lời:

Nhật Bản là nước cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam : từ năm 1992 đến năm 2001 đạt khoảng 7,5 tỷ USD, chiếm 40% tổng cam kết ODA của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam. Năm 2002, Nhật Bản cam kết viện trợ ODA cho Việt Nam ở mức cao 92,4 tỷ Yên, tăng 6% so với năm 2001. Các công trình thực hiện bằng nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Nhật Bản đã và đang đem lại những hiệu quả thiết thực trong đời sống kinh tế, xã hội của Việt Nam, đóng góp nhiều cho sự nghiệp phát triển tại Việt Nam. Chúng tôi hy vọng trong tình hình quan hệ Việt-Nhật đang phát triển tốt đẹp, Chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục dành ưu tiên về ODA cho Việt Nam,  nhất là trong các lĩnh vực xoá đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, giáo dục-đào tạo, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đào tạo nguồn nhân lực…, đồng thời tiếp tục dành sự quan tâm cao cho Việt Nam trong các chương trình viện trợ chung như Quỹ IT, Quỹ phòng, chống bệnh truyền nhiễm cũng như trong các chương trình viện trợ chung cho ASEAN, đặc biệt là chương trình viện trợ giúp các nước mới gia nhập. Việt Nam được đánh giá là một trong những nước sử dụng ODA có hiệu quả, đáp ứng đầy đủ 3 yêu cầu của Nhật Bản : hiệu quả cao, trong sáng và trách nhiệm. Trong thời gian tới, Việt Nam  sẽ cố gắng nâng cao tỷ lệ giải ngân của các dự án thực hiện bằng nguồn vốn ODA, tuân thủ đúng các tiêu chí minh bạch, hiệu quả trong xét duyệt các dự án ODA.

Câu hỏi 6 : Theo chúng tôi được biết, 11 doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô ở Việt Nam (trong đó có công ty Toyota và Suzuki) gửi thư lên Chính phủ đề nghị xem xét lại đề xuất của Bộ Tài chính về việc tăng thuế nhập khẩu linh kiện xe ô tô. Xin Ngài Thủ tướng cho biết ý kiến và phương hướng giải quyết vấn đề này?

Trả lời:

Chính sách đầu tư nước ngoài của Chính phủ Việt Nam là nhất quán và minh bạch. Chúng tôi đã có những nỗ lực vượt bậc để cải thiện môi trường đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày càng thông thoáng hơn, củng cố lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài. Chính sách đối với ngành ô tô, xe máy là một vấn đề lớn liên quan đến phát triển kinh tế và hội nhập. Chính phủ Việt Nam đang nghiên cứu các khía cạnh của vấn đề để đề ra những chính sách, giải pháp phù hợp nhằm khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng phụ tùng, linh kiện sản xuất trong nước và thực hiện những cam kết quốc tế của Việt Nam, đồng thời đảm bảo những lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư theo đúng các điều khoản đã ghi trong giấy phép đầu tư được cấp.

 
Back Top page Print Email

Related news:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer