Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên trả lời phỏng vấn của phóng viên Tân Hoa Xã về Hội nghị các Nhà Lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 9


Bộ Trưởng ngoại giao Nguyễn Dy Niên trả lời phỏng vấn của phóng viên Tân Hoa xã về Hội nghị các Nhà Lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 9 Thượng Hải, 20-21/10/2001

Câu hỏi 1: Xin Bộ trưởng cho biết: Việt Nam hy vọng điều gì về Hội nghị Thượng Hải?

Trả lời:

Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và phải đương đầu với những thách thức về kinh tế vĩ mô trong kỷ nguyên toàn cầu hoá và kinh tế mới. Đặc biệt sự kiện khủng bố tấn công vào Mỹ ngày 11/9 đã tác động mạnh đến tăng trưởng của kinh tế thế giới và ở nhiều nước. Do đó, chúng tôi hy vọng Hội nghị lần này sẽ là dịp để các Nhà Lãnh đạo các nền kinh tế APEC cùng nhau trao đổi những vấn đề về chính sách kinh tế vĩ mô, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất những ý tưởng mới nhằm tăng cường sự hợp tác vì sự thịnh vượng chung cho khu vực Châu á-Thái Bình Dương cũng như hướng tới thực hiện mục tiêu Bô-go của APEC. Bên cạnh đó, Hội nghị sẽ khẳng định tiếp tục thực hiện các thoả thuận tại Bru-nây năm ngoái về Chương trình Hợp tác Kinh tế Kỹ thuật ECOTECH, trong đó chú trọng đến Phát triển Nguồn nhân lực (HRD), đào tạo và đào tạo lại, hỗ trợ kỹ thuật, kinh tế mới, thu hẹp khoảng cách về kỹ thuật số giữa các thành viên. Việt Nam cho rằng trước sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của công nghệ thông tin – viễn thông như hiện nay, những vấn đề nêu trên có ý nghĩa hết sức quan trọng, trong việc thu hẹp khoảng cách phát triển trong APEC và trong từng nền kinh tế, giúp APEC thực hiện được ý tưởng về chia sẻ lợi ích của toàn cầu hoá và công nghệ thông tin cho tất cả những người dân trong cộng đồng, không kể ở những nền kinh tế phát triển hay đang phát triển.

Câu hỏi 2: Theo đồng chí Bộ trưởng, bằng cách nào để thực hiện mục tiêu của chủ đề Hội nghị và ba vấn đề được thảo luận trong Hội nghị?

Trả lời:

Chủ đề của APEC 2001 do nước chủ nhà Trung Quốc đề xuất là “Đương đầu với những thách thức trong thế kỷ mới- Đạt được thịnh vượng chung thông qua sự tham gia và hợp tác” với 3 vấn đề thảo luận gồm: (1) Chia sẻ lợi ích của toàn cầu hoá và kinh tế mới; (2) Đẩy mạnh thương mại và đầu tư; (3) Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ các chủ đề này và cho rằng đây thực sự là những vấn đề có ý nghĩa quan trọng và thiết thực đối với tiến trình hợp tác của APEC trong thập kỷ tồn tại thứ hai. Để thực hiện được các mục tiêu của chủ đề nói trên, Việt Nam cho rằng các Nhà Lãnh đạo APEC cần thảo luận và đề ra các đường hướng phát triển đối với từng vấn đề và giao các Bộ trưởng cũng như các Nhóm Công tác liên quan triển khai thực hiện từng bước trong thời gian tới. Trong xu thế phát triển mới của kinh tế thế giới và khu vực, APEC sẽ phải đương đầu giải quyết nhiều vấn đề, nhưng không thể làm ngay một lúc mà cần phải xác định rõ những ưu tiên để có hiệu quả và thiết thực hơn. APEC là một diễn đàn hợp tác kinh tế với nhiều thành viên có trình độ phát triển rất khác nhau, do vậy, song song với việc thúc đẩy tiến tình tự do hoá thương mại và đầu tư, APEC cần dành ưu tiên đẩy mạnh các hoạt động về: i) hợp tác kinh tế kỹ thuật (ECOTECH); ii) phát triển nguồn nhân lực; iii) xây dựng năng lực nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển kỹ thuật số; iv) hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ; v) và tăng cường các hoạt động phổ biến thông tin cho mọi tầng lớp trong xã hội, làm cho cộng đồng hiểu rõ hơn, tin tưởng hơn và cảm nhận được thực sự những lợi ích mà APEC có thể đem lại cho chính bản thân họ và những lợi ích này cũng được phân chia công bằng cho mọi người dân trong cộng đồng APEC, kể cả đối với nhóm người kém lợi thế như phụ nữ, người tàn tật... Đồng thời, Việt Nam cho rằng việc APEC đưa ra các sáng kiến mới nhằm đẩy nhanh tiến trình tự do hoá và thuận lợi hoá thương mại và đầu tư hướng tới mục tiêu Bô-go của APEC là rất cần thiết, song mọi sáng kiến như vậy phải thực hiện trên cơ sở các nguyên tắc đã được thừa nhận của APEC là tự nguyện, linh hoạt, không ràng buộc và có thời gian biểu thực hiện khác nhau giữa các thành viên. Những vấn đề trên được giải quyết sẽ giúp thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các thành viên và tạo nên sự phát triển tương đối đồng đều, thúc đẩy tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế của APEC trong thời gian tới, góp phần xây dựng hệ thống quan hệ kinh tế quốc tế công bằng và lành mạnh, có lợi cho hoà bình, hợp tác và phát triển bền vững trong khu vực Châu á - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới.

Câu hỏi 3: Việt Nam có lập trường và nhận xét như thế nào về những vấn đề nêu trên?

Trả lời:

Như tôi đã đề cập ở trên, Việt Nam hoàn toàn ủng hộ chủ đề chính và ba vấn đề để thảo luận cũng như các ưu tiên của APEC 2001 do Trung Quốc đề xuất. Việt Nam sẽ tính cực tham gia thảo luận và đóng góp hết sức mình vào thành công của Hội nghị. Chúng tôi rất tin tưởng rằng Hội nghị năm nay, dưới sự dẫn dắt của nước chủ nhà Trung Quốc, Hội nghị sẽ đạt được những kết quả tốt đẹp và sẽ đưa ra được những chiến lược phát triển quan trọng cho APEC trong thập kỷ mới trên cơ sở những mục tiêu và chủ đề đã đề ra.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Các tin liên quan:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer