Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Monday, ngày 23 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trả lời phỏng vấn phóng viên Hãng Ria-Novosti thường trú tại Hà Nội


Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trả lời phỏng vấn
phóng viên Hãng Ria-Novosti thường trú tại Hà Nội
(Ngày 02 tháng 7 năm 2001)

Câu hỏi: Theo đánh giá của Tổng Bí thư, những điều kiện nào là chính yếu để mau chóng xây dựng ở Việt Nam một cơ chế kinh tế thị trường hoạt động có hiệu quả mang định hướng xã hội chủ nghĩa và để đạt được mục tiêu đó Đảng cầm quyền cần thực hiện những giải pháp gì ?

Trả lời:

Chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là phù hợp với thời kỳ quá độ đi lên CNXH ở Việt Nam, thời kỳ xuất hiện nhiều hình thức kinh tế quá độ đan xen. Chủ trương này ra đời từ quá trình đổi mới, từ quá trình xoá bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp, từ bối cảnh khắc phục tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng chúng tôi chủ trương thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; đó chính là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc. Trên cơ sở mô hình tổng quát của nền kinh tế thị trường, đường lối kinh tế của nước chúng tôi được xác định trong hai thập niên đầu của thế kỷ XXI là : đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ đưa nước chúng tôi trở thành một nước công nghiệp; ưu tiên phát triển lực lượng sản xuất, đồng thời xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phát huy cao độ nội lực đồng thời tranh thủ nguồn lực bên ngoài và chủ động hội nhập quốc tế để phát triển nhanh , có hiệu quả và bền vững; tăng trưởng kinh tế đi liền với phát triển văn hoá từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường; kết hợp phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh; mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại.

Câu hỏi 2 : Xin Tổng Bí thư cho biết đánh giá của mình về các xu thể phát triển quan hệ quốc tế tại Châu á- TBD nói riêng và trên thế giới nói chung.

Trả lời:

Tình hình quốc tế và khu vực tiếp tục diễn biến sôi động và phức tạp. Nhiều nhân tố mới xuất hiện tác động tới cục diện quan hệ quốc tế và khu vực. Trong bối cảnh đó, lợi ích của các quốc gia đan xen trong các mối quan hệ quốc tế. Diễn biến của tình hình quốc tế và khu vực trong những năm gần đây cho thấy hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn. Đây chính là nguyện vọng chính đáng thiết tha của nhân loại và mỗi dân tộc. Trong khi đó cuộc đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, tự chủ và chống cường quyền, áp đặt vẫn diễn ra gay gắt quyết liệt dưới nhiều hình thức, mức độ khác nhau. Nguy cơ chiến tranh thế giới ít có khả năng xảy ra trong vài thập kỷ tới, nhưng tồn tại các điểm nóng, nguy cơ bùng nổ các cuộc xung đột cục bộ nhất là về biên giới, sắc tộc, tôn giáo... Kinh tế thế giới có thể bước vào thời kì phát triển năng động nhưng không đồng đều, khoảng cách giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển có nguy cơ ngày càng lớn. Sự ổn đinh tương đối của quan hệ quốc tế đặc biệt là các mối quan hệ giữa các nước lớn tiếp tục được duy trì trên cơ sở vừa hợp tác vừa đấu tranh. Khu vực Châu á-Thái Bình Dương vẫn tiếp tục giành được sự quan tâm, chú ý của quốc tế . Trước hết chính vì đây là khu vực có nhiều tiềm năng, phát triển năng động. Đây cũng là khu vực có nhiều nước lớn, nền kinh tế lớn và hội tụ lợi ích của nhiều cường quốc, được coi là trung tâm kinh tế-thương mại lớn của thế kỷ 21. Hoà bình, ổn định là đòi hỏi thiết yếu đối với mọi quốc gia trong khu vực để có điều kiện hồi phục kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ ở một số nước Đông á năm 1997, tiếp tục phát triển và mở rộng hợp tác. Tuy nhiên, khu vực này vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ các điểm nóng, mất ổn định chính trị- kinh tế trong một số nước, những nhân tố có thể tác động đến tình hình chung khu vực cũng như của mỗi nước. Việc tôn trọng các nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế, như tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi, không đe doạ sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng thương lượng hoà bình sẽ góp phần giữa vững hoà bình ổn định của cả khu vực và cũng chính là lợi ích của mỗi quốc gia.

Câu hỏi 3 : Xin Tổng Bí thư cho biết ý kiến của mình về thực trạng quan hệ Việt-Nga hiện nay và triển vọng quan hệ hai nước trong thế kỷ XXI.

Trả lời :

Là một trong những người có may mắn được học tập nhiều năm tại thành phố Sant-Peterburg xinh đẹp và có nhiều dịp đến thăm nước Nga vĩ đại, tôi luôn giữ những ấn tượng và tình cảm tốt đẹp đối với nhân dân và đất nước Nga. Trong suốt hơn 50 năm qua, quan hệ Việt-Nga là mối quan hệ hữu nghị truyền thống và sự hợp tác nhiều mặt. Mối quan hệ đó là tài sản chung vô giá của hai dân tộc. Trải qua nhiều thử thách, quan hệ Việt-Nga đã không ngừng được củng cố và phát triển. Tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống với Liên bang Nga là định hướng chiến lược lâu dài trong đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Chúng ta có quyền vui mừng về những chuyển biến mạnh mẽ và vững chắc trong quan hệ giữa hai nước chúng ta trong những năm gần đây được đánh dấu bằng chuyến thăm Việt Nam đầu năm 2001 của Tổng thống V. Putin, chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của nhà lãnh đạo cao nhất của Liên bang Nga. Uỷ ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học, kỹ thuật giữa hai nước đã được thiết lập. Chúng ta đã có một số công trình hợp tác đầu tư có quy mô và hiệu quả cao mà điển hình là Xí nghiệp liên doanh dầu khí Việt-Xô (Vietsovpetro). Tuy nhiên, việc kim ngạch thương mại hai chiều trong những năm qua chỉ đạt khoảng 450 triệu USD/năm là còn thấp và cần phải có những biện pháp đẩy mạnh. Từ đáy lòng mình, tôi tin tưởng chắc chắn rằng trong thời gian tới quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước chúng ta sẽ phát triển mạnh mẽ, ngang tầm với quan hệ chính trị, đáp ứng lợi ích của hai nước, xứng đáng với sự tin cậy và lòng mong muốn của nhân dân hai nước và góp phần vào sự nghiệp chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, hợp tác và phát triển./.

 
Back Top page Print Email

Related news:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer