Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên trả lời phỏng vấn
báo New Straits Times - Malaysia
(Ngày 12 tháng 3 năm 2001)
Câu hỏi 1: Xin Ngài cho biết quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Malaysia đã đạt được những tiến bộ gì trong những năm qua?
Trả lời:
Cách đây 28 năm, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Malaysia đã chính thức được thiết lập. Cùng với thời gian, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Malaysia đã không ngừng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu trên các lĩnh vực kinh tế, đầu tư, thương mại, văn hoá, khoa học kỹ thuật....Nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, tháng 2/1994, hai nước đã thành lập Hội hữu nghị Việt Nam - Malaysia và Malaysia - Việt Nam và tháng 9/95 đã thành lập Uỷ ban hỗn hợp Việt Nam - Malaysia về hợp tác kinh tế, khoa học-kỹ thuật. Uỷ ban hỗn hợp hai nước đã họp hai phiên và phiên thứ 3 sắp tới dự kiến sẽ họp tại Thủ đô Kuala Lumpur trong năm nay, nhằm kiểm điểm tình hình hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư kể từ cuộc họp lần thứ 2 năm 1996, đề ra phương hướng và các biện pháp cụ thể tăng cường hơn nữa việc trao đổi thương mại, thúc đẩy đầu tư, hợp tác văn hoá khoa học-kỹ thuật, lao động, du lịch và hợp tác trên các lĩnh vực khác giữa các Bộ, ngành hai nước. Đến nay hai nước đã ký được 12 Hiệp định và nhiều thoả thuận trên nhiều lĩnh vực. Các Hiệp định cùng với các thoả thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước đã tạo nền tảng pháp lý cho việc củng cố và mở rộng sự hợp tác ngày càng sâu rộng giữa hai nước trên hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội.
Câu hỏi 2: Xin Ngài cho biết quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước phát triển như thế nào?
Trả lời:
Điều đáng mừng là quan hệ thương mại giữa hai nước không ngừng gia tăng. Trong 10 năm qua, kim ngạch buôn bán giữa hai nước đã tăng gấp khoảng 16 lần (50 triệu USD năm 1990 lên 798,391 triệu USD năm 2000). Tuy nhiên tỷ trọng buôn bán của Malaysia với Việt Nam chỉ chiếm 0,1% buôn bán của Malaysia với thế giới. Việt Nam xuất sang Malaysia chủ yếu gồm lương thực, thực phẩm ( lạc nhân, rau quả, trái cây, cà phê, thịt gia cầm, hải sản), nguyên liệu sơ chế, dầu thô, máy móc và phương tiện vận tải, hàng tiêu dùng. Việt Nam nhập của Malaysia lương thực, thực phẩm, nguyên liệu thô và khá lớn hàng tiêu dùng. Malaysia là một trong những nước nhập khẩu gạo của Việt Nam với số lượng tương đối khá, năm 2000 Malaysia nhập của Việt Nam trên 150.000 tấn gạo, năm 1999 là 100.000 tấn. Hai nước đang hình thành cơ chế hàng đổi hàng để thúc đẩy thương mại. Tháng 11/2000, Malaysia đã mở Văn phòng đại diện thương mại tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Ngoài ra đến nay có 40 văn phòng đại diện và chi nhánh văn phòng đại diện của các công ty Malaysia tại Việt Nam.
Câu hỏi 3: Theo Ngài, hai nước có thể có những dự án chung có hiệu quả trong những lĩnh vực nào khác nữa?
Trả lời:
Ngoài những lĩnh vực hợp tác có hiệu quả nêu trên, theo tôi, hai bên còn nhiều tiềm năng hợp tác trên các lĩnh vực khác nữa như hợp tác trong lĩnh vực lao động và du lịch. Việt Nam là một nước có nguồn lao động dồi dào và có kỹ thuật cao. Lao động của Việt Nam đã được chấp nhận tại một số nước tiên tiến trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc và cả ở một số nước Hồi giáo. Chúng tôi được biết Malaysia đang thiếu bác sỹ, y tá và công nhân may mặc, thợ làm đầu. Chúng tôi mong thời gian tới hai nước sẽ tăng cường hợp tác về lao động. Hai nước cần tiếp tục các dự án phát triển cao su thiên nhiên và phối hợp cùng các nước liên quan triển khai việc thành lập Hiệp hội các nước sản xuất cao su. Malaysia có thể giúp đỡ Việt Nam phát triển giao thông đường bộ. Hai bên cũng có thể tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí và hoá dầu, chế biến nông sản, thực phẩm. Ngoài ra, hai bên có thể tăng cường hợp tác đào tạo trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng (chính sách tài chính tiền tệ, quản lý ngoại hối, quản lý vay, trả nợ nước ngoài)...
Câu hỏi 4: Xin Ngài cho biết những hoạt động giao lưu văn hoá, giáo dục và du lịch giữa hai nước có thể được cải thiện như thế nào?
Trả lời:
Việt Nam và Malaysia đã ký Hiệp định hợp tác về du lịch (13/4/1994) và văn hoá ( 31/3/1995). Cần nhấn mạnh rằng đây là những lĩnh vực hợp tác có nhiều triển vọng. Hai nước có nhiều nét tương đồng về lịch sử và văn hoá, có nhiều điểm du lịch có thể thu hút được khách du lịch trong nước và quốc tế. Theo tôi, để thúc đẩy sự hợp tác văn hoá và du lịch, các ngành hữu quan của hai nước cần tăng cường tiếp xúc, trao đổi đoàn, bàn biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy sự hợp tác trong lĩnh vực này trong đó cần chú ý thúc đẩy công tác tuyên truyền giới thiệu về đất nước con người, các danh lam thắng cảnh của nhau, đồng thời thúc đẩy kinh doanh có hiệu quả các dự án khách sạn - du lịch của các nhà đầu tư Malaysia tại Việt Nam. Thời gian qua, hai bên đã phối hợp tổ chức tháng văn hóa và ẩm thực Việt Nam tại thành phố Kuala Lumpur và Malacca, kết hợp trưng bầy hàng thủ công mỹ nghệ và thắng cảnh du lịch Việt Nam đạt kết quả tốt, gây được sự chú ý và ấn tượng tốt đẹp của nhân dân Malaysia và khách quốc tế đối với đất nước và con người Việt Nam; đoàn Múa rối Thăng Long, đoàn Nhà hát chèo Trung ương của Việt Nam đã sang biểu diễn ở Malaysia. Về giáo dục, đào tạo, trong những năm qua, Chính phủ Malaysia đã dành cho phía Việt Nam một số học bổng trên nhiều lĩnh vực. Năm 1992, Chính phủ Malaysia đã viện trợ cho Việt Nam để đào tạo cán bộ, nghiên cứu về trồng cao su; thông qua Chương trình hợp tác kỹ thuật (Malaysian Technical Cooperation Programme) dành cho các nước đang phát triển, chương trình SEAMEO, Malaysia cũng đã dành cho Việt Nam một số học bổng về ngoại giao, khoa học.... Malaysia cũng đã có chương trình giúp Việt Nam đào tạo về công nghệ, dầu khí. Hy vọng rằng với việc kinh tế Malaysia phục hồi nhanh chóng, Malaysia sẽ tăng các xuất học bổng cho Việt Nam trong những lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu đào tạo như tiếng Anh, ngoại giao, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, dầu khí... Trong tình hình quan hệ hợp tác thương mại gia tăng, đầu tư của Malaysia vào Việt Nam đang phục hồi, nếu các doanh nghiệp Malaysia có nhu cầu, phía Việt Nam sẵn sàng gửi giáo viên sang dạy tiếng Việt ở Malaysia.
Câu hỏi 5: Xin Ngài cho biết các công ty Malaysia đã đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam như thế nào kể từ khi Hà Nội mở cửa cho thị trường nước ngoài?
Trả lời:
Trong chặng đường phát triển kinh tế, Việt Nam luôn coi trọng việc tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với các nước Đông Nam á, trong đó có Malaysia. Kể từ khi Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới, mở cửa, các công ty Malaysia đã đẩy mạnh đầu tư kinh doanh vào Việt Nam. Quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư đã có bước phát triển đáng khích lệ, tuy vậy mối quan hệ đó chưa tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp và tiềm năng to lớn của hai nước. Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính khu vực, đầu tư của Malaysia vào Việt Nam có bị chững lại. Song với đà phục hồi và phát triển kinh tế nhanh của Malaysia trong năm 1999 và đặc biệt là năm 2000, các nhà đầu tư và doanh nghiệp Malaysia đang dần trở lại và đầu tư mới vào Việt Nam. Tính đến ngày 18/10/2000, Malaysia đứng hàng thứ 11 trong các nước và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, tiếp tục đứng thứ 3 trong các nước ASEAN với tổng số vốn đầu tư là 1,004.28 tỷ USD với 75 dự án. Đầu tư của Malaysia chủ yếu vào các lĩnh vực khách sạn và du lịch, xây dựng, công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ, dầu khí, ngân hàng....với qui mô vốn vào loại vừa và nhỏ. Hiện nay số lượt các nhà doanh nghiệp hai nước qua lại thăm dò thị trường cũng tăng. Ngày càng nhiều các doanh nghiệp Malaysia tham gia Hội chợ quốc tế tại Việt Nam và mở thêm các văn phòng đại diện để thúc đẩy đầu tư ở Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư và tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư và kinh doanh Malaysia làm ăn có hiệu quả và lâu dài ở Việt Nam. Tôi tin tưởng rằng với quan hệ chính trị tốt đẹp, quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới sẽ không ngừng được tăng cường và mở rộng trên nhiều lĩnh vực, xứng đáng với tầm vóc và quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước. Nhân dịp kỷ niệm 28 năm lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Malaysia (30/3/1973 - 30/3/2001), qua báo New Straits Times, cho phép tôi chuyển đến Chính phủ và nhân dân Malaysia lời chúc mừng nồng nhiệt nhất, chúc đất nước Malaysia phồn vinh và hạnh phúc, chúc mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước ngày càng đơm hoa kết trái.