Thứ trưởng ngoại giao Lê Công Phụng trả lời phỏng vấn Ban biên tập chương trình ASEAN Đài tiếng nói Việt Nam
(Ngày 16 tháng 7 năm 2001)
1. Đóng góp của Việt Nam trong năm qua trên cương vị là Chủ tịch ASC/ARF:
- Trong bối cảnh ASEAN đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới, là một thành viên mới, lần đầu tiên đảm nhiệm chức vụ này, bằng nỗ lực và ý thức trách nhiệm và với sự hỗ trợ tích cực của bạn bè, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy hợp tác của ASEAN trên nhiều mặt theo hướng đoàn kết, hợp tác vì một ASEAN hoà bình, ổn định và phát triển đồng đều, kiên trì các nguyên tắc cơ bản của ASEAN, nhất là không can thiệp, đồng thuận, mở rộng quan hệ ASEAN với bên ngoài. - Về an ninh chính trị, Việt Nam đã tích cực tham gia vào nỗ lực thúc đẩy việc phê chuẩn Nghị định thư thứ hai của Hiệp ước thân thiện và hợp tác, hoàn thành dự thảo Thủ tục của Hội đồng tối cao TAC, tiến hành tham khảo trực tiếp với năm nước có vũ khí hạt nhân trong khuôn khổ Hiệp định SEANFWZ; tiếp tục duy trì vai trò chủ đạo của ASEAN trong ARF, thúc đẩy ARF tiến triển với việc thông qua Tài liệu qui định về tăng cường vai trò của Chủ tịch ARF, Tài liệu về qui chế đăng ký chuyên gia ARF và Tài liệu về khái niệm và nguyên tắc của ngoại giao phòng ngừa; Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông đang tiếp tục được xây dựng. - Về tăng cường liên kết khu vực, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển và hỗ trợ thành viên mới của ASEAN gồm các nước CLMV trên 3 lĩnh vực ưu tiên là phát triển hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực và công nghệ thông tin. Trong quá trình chuẩn bị cho AMM-34, Việt Nam đưa ra sáng kiến về Tuyên bố Hà Nội về “Những nỗ lực chung của ASEAN nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển vì một ASEAN liên kết chặt chẽ hơn” được các nước ASEAN chấp thuận và sẽ được các Ngoại trưởng ASEAN thông qua tại Hội nghị AMM-34 sắp tới. - Góp phần cải tiến hình thức, lề lối làm việc của ASEAN để ASEAN hoạt động thực chất và có hiệu quả hơn như đưa ra sáng kiến lập đường dây nóng ở các cấp lãnh đạo của ASEAN, rút ngắn thời gian họp AMM hàng năm vv... - Về mở rộng quan hệ đối ngoại của ASEAN, Việt Nam góp phần vào việc thiết lập quan hệ giữa ASEAN với Tổng thư ký Liên Hợp quốc, với UNDP, Phong trào không liên kết, Tổ chức Đoàn kết Châu Phi (OAU) và Tổ chức châu Mỹ (OAS). Dưới sự điều phối của Việt Nam, tiến trình ASEAN+3 đã phát triển thêm một bước với việc thành lập Nhóm nghiên cứu Đông á; liên kết trong ASEAN và giữa ASEAN với các nước Đông á được tăng cường thông qua việc thực hiện sáng kiến của Việt Nam Lễ Hội du lịch Đông á và Tuần lễ văn hoá ASEAN - Bên cạnh đó, trên cương vị là Chủ tịch ASC và ARF, Việt nam cũng đã tổ chức, chủ trì nhiều cuộc họp của ASEAN như các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và nhiều hoạt động quan trọng khác của ASEAN tại Liên hợp quốc; tổ chức và chủ trì thành công các cuộc họp ASEAN-SOM, ASC, ARF-SOM trong nhiệm kỳ Việt Nam làm Chủ tịch. - Nỗ lực to lớn của Việt Nam được các nước đánh giá cao góp phần nâng cao vai trò của Hiệp hội, vị thế quốc tế của Việt Nam.
2. Đánh giá việc thực hiện những nội dung được nêu ra tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội năm 1998, nhất là việc thực hiện Chương trình Hà nội (HPA)
- Chương trình hành động Hà Nội (HPA) là một văn kiện định hướng rất quan trọng của ASEAN trong những năm tới nhằm thực hiện “ Tầm nhìn 2020 ” bao gồm tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN như hợp tác kinh tế, chuyên ngành, chính trị-an ninh và quan hệ đối ngoại. HPA có 10 lĩnh vực ưu tiên và khoảng 230 hoạt động cụ thể. Chương trình dự kiến thực hiện trong 6 năm (1999-2004) và sẽ có kiểm điểm giữa kỳ. - Thời gian qua, các nước ASEAN đã tích cực thúc đẩy việc thực hiện HPA và đã đạt được những kết quả thiết thực. Hợp tác của ASEAN đã được đẩy mạnh, nhiều dự án cụ thể đã được xây dựng và đang được thực hiện trên nhiều lĩnh vực: + Hợp tác về kinh tế vĩ mô và tài chính; + Hợp tác thực hiện các chương trình liên kết kinh tế ASEAN như AFTA, AIA, AICO; dịch vụ; du lịch; + Tạo thuận lợi cho thương mại và thương mại điện tử + Phát triển hạ tầng cơ sở khu vực về giao thông, viễn thông và năng lượng; + Hợp tác khoa học công nghệ và phát triển công nghệ thông tin; + Bảo vệ môi trường; + Giải quyết các vấn đề xã hội; + Hợp tác trong lĩnh vực văn hoá, thông tin và phát triển nguồn nhân lực. + Những nội dung hợp tác trong lĩnh vực chính trị-an ninh cũng đã và đang được thực hiện. Tuy nhiên, đây là một chương trình qui mô lớn đòi hỏi ASEAN phải có nỗ lực cao hơn nữa để đảm bảo hoàn tất việc thực thiện theo nội dung và tiến độ đã đề ra. - Nhằm đánh giá việc thực hiện thời gian qua và đề ra hướng thực hiện sắp tới, ASEAN đã quyết định kiểm điểm giữa kỳ thực hiện Chương trình này tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 7 ở Brunei tháng 11/2001. Theo quyết định này, ASEAN đang xúc tiến việc chuẩn bị Báo cáo kiểm điểm giữa kì có tính đến những thay đổi tình hình trong và ngoài khu vực kể từ khi ASEAN thông qua Chương trình, xem xét và đánh giá lại các ưu tiên cũng như các giải pháp để thúc đẩy việc thực hiện HPA.
3. Đôi nét về chủ trương và thái độ của ASEAN liên quan đến biến động của tình hình một số nước ASEAN như In-đô-nê-xia thời gian qua. - Hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển là lợi ích chung của các nước trong khu vực.
- ASEAN hoạt động trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản, nhất là nguyên tắc đồng thuận và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, cũng như các nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế như tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng cùng có lợi, không đe doạ sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp thông qua hoà bình, thương lượng. - Đây là những nguyên tắc góp phần duy trì hoà bình, ổn định trong khu vực, bảo vệ lợi ích chính đáng của các nước khu vực và cũng chính là nền tảng cho hoạt động và thành công của ASEAN trong nhiều năm qua. - Xuất phát từ lợi ích chung và các nguyên tắc trên, ASEAN quan tâm theo dõi các diễn biến trong tình hình ở một số nước thành viên trong thời gian gần đây, trong đó có In-đô-nê-xia. - Các nước ASEAN ủng hộ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước của In-đô-nê-xia cũng như ủng hộ những nỗ lực của Chính phủ và nhân dân In-đô-nê-xia trong việc duy trì ổn định chính trị và phát triển kinh tế đất nước, thông qua đó đóng góp cho hoà bình, ổn định và phát triển trong khu vực. /.