Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên trả lời về đường lối đối ngoại
Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên trả lời phỏng vấn Báo Quốc tế
về đường lối đối ngoại của Việt Nam do Đại hội IX đưa ra (ngày 27/4/2001)
Về đường lối và chính sách đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX Đại hội Đảng IX đã đề ra nhiệm vụ chung cho toàn Đảng toàn dân ta tại thời điểm có ý nghĩa lịch sử - mở đầu thế kỷ và thiên niên kỷ mới. Xin Bộ trưởng cho biết những nét lớn của đường lối đối ngoại do Đại hội IX vạch ra, nhất là những điểm mới nhằm đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước?
Trả lời:
Trước hết, có thể khẳng định trong 5 năm qua, thực hiện đường lối chung và đường lối đối ngoại của Đại hội VIII, đất nước ta đã đạt nhiều thành tựu quan trọng. Về hoạt động đối ngoại chúng ta đã thực hiện một cách chủ động và hiệu quả trong bối cảnh quốc tế đầy biến động. Đã có sự kết hợp hài hoà giữa các hoạt động đối ngoại phong phú của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể nhân dân và tổ chức quần chúng xã hội. Điều đó đã góp phần quan trọng vào việc duy trì và củng cố môi trường hoà bình, ổn định ở khu vực và quốc tế cũng như vào việc tạo dựng và tăng cường sự hợp tác kinh tế, thương mại, văn hóa, du lịch có hiệu quả của đất nước ta với thế giới bên ngoài. Chúng ta vui mừng thấy đất nước bước vào thế kỷ và thiên niên kỷ mới với nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội đã được dư luận rộng rãi trên thế giới công nhận và với một vị thế Việt Nam được đánh giá ngày càng cao trên trường quốc tế. Đại hội Đảng lần thứ IX đã khẳng định tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hóa và đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế. Việt Nam sẵn sàng là bạn và là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển. Chúng ta chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa. Quán triệt đường lối này, Việt Nam sẽ không ngừng mở rộng quan hệ nhiều mặt, song phương và đa phương với các nước, các trung tâm chính trị, kinh tế quốc tế lớn, các tổ chức quốc tế và khu vực. Việt Nam sẽ chủ động tham gia và tích cực đóng góp vào giải quyết các vấn đề toàn cầu, bảo vệ hoà bình, chống nguy cơ chiến tranh và chạy đua vũ trang. Đi đôi với việc đa phương hóa, đa dạng hoá quan hệ, Việt Nam đã và đang từng bước chủ động hội nhập quốc tế và khu vực. Hội nhập quốc tế, trước hết về kinh tế, là sự bổ sung và hỗ trợ cần thiết cho việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ theo định hướng xã hội chủ nghĩa, để từ đó có thể chủ động đi vào dòng chảy của thời đại một cách có lợi nhất và phù hợp nhất với đất nước ta. Phương châm hội nhập của chúng ta là hội nhập nhưng giữ vững độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ môi trường. Tham gia quá trình hội nhập này cần phải giành lấy thế chủ động, tiến hành từng bước với một lộ trình hợp lý và khả thi do chính chúng ta tự vạch ra trên cơ sở phối hợp chặt chẽ của các ngành các cấp, điều đó sẽ giúp chúng ta tránh được và vượt qua những thách thức không nhỏ của quá trình hội nhập. Chính sách đối ngoại hiện nay của Việt Nam là sự kế thừa và phát triển đường lối đối ngoại của các thời kỳ trước, đặc biệt từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, thể hiện tính liên tục và nhất quán trong toàn bộ đường lối chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam. Chúng ta kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hoá quan hệ quốc tế, giờ đây chúng ta xác định thêm không những “Việt Nam sẵn sàng là bạn” mà còn sẵn sàng là “đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng thế giới”, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển. Chúng ta cũng đề ra việc “chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực” với một lộ trình thích hợp, đáp ứng một cách tốt nhất những yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới; đồng thời, tiếp tục góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Thưa Bộ trưởng, với Nghị quyết được Đại hội IX thông qua, ngành Ngoại giao sẽ quán triệt và triển khai như thế nào trong các hoạt động đối ngoại trong thời gian tới? Trả lời: Để thực hiện thắng lợi đường lối Đại hội toàn quốc lần thứ IX của Đảng về đối ngoại, trong thời gian tới ngành Ngoại giao sẽ tập trung triển khai các hoạt động đối ngoại trên những hướng sau đây: Trước hết, tiếp tục phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, các tổ chức quốc tế và khu vực, các trung tâm chính trị, kinh tế lớn trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; bình đẳng và cùng có lợi; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau...Chúng ta coi trọng quan hệ với các nước láng giềng, các nước XHCN, các nước lớn, các nước có quan hệ bạn bè truyền thống và các tổ chức quốc tế mà nước ta là thành viên. Để chủ động thúc đẩy và tạo ra bước chuyển biến mới trong quan hệ với các nước, Ngoại giao sẽ phối hợp với các ngành, các địa phương chú trọng đôn đốc thực hiện tốt những thoả thuận, những dự án hợp tác đã ký kết với tất cả các đối tác, làm cho quan hệ đối ngoại trở nên thiết thực và hữu ích hơn đối với tất cả các bên liên quan, củng cố cơ sở hợp tác tin cậy lẫn nhau, xây dựng và khai thác tiềm năng của mối quan hệ với từng đối tượng. Thứ hai, nhằm phục vụ hiệu quả cho công cuộc phát triển đất nước, tạo nguồn lực bổ sung và hỗ trợ cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế của nước ta, các Cơ quan đại diện của ta ở nước ngoài cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, các đơn vị, các doanh nghiệp ở trong nước, chủ động và sáng tạo tiến hành những hoạt động thích hợp, nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư và viện trợ của nước ngoài, mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam, thúc đẩy hợp tác lao động quốc tế, tăng cường phát triển du lịch và huy động sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Chất lượng và hiệu quả phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước sẽ là một trong các tiêu chí quan trọng nhất trong quá trình triển khai các hoạt động đối ngoại. Thứ ba, với yêu cầu quán triệt và nắm vững chủ trương chủ động hội nhập quốc tế, trước hết là hội nhập kinh tế, ngành Ngoại giao sẽ tham gia một cách tích cực vào quá trình xây dựng lộ trình hội nhập quốc tế phù hợp của nước ta, đáp ứng yêu cầu phát huy tối đa nội lực làm cơ sở để tiếp nhận và khai thác tốt nhất ngoại lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế mà vẫn giữ vững độc lập, tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc cũng như đảm bảo an ninh quốc gia, ổn định chính trị - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và môi trường sinh thái. Là thành viên của Uỷ ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, Ngoại giao đang và sẽ có một vị trí quan trọng trong việc triển khai thực hiện lộ trình hội nhập nêu trên. Điều đó đòi hỏi các Cơ quan đại diện ta ở nước ngoài cũng như tất cả các cơ quan trong nước có liên quan cần phải nỗ lực hơn nữa, chủ động phát huy vai trò của mình để đóng góp thiết thực vào việc đưa nước ta hội nhập một cách có lợi nhất vào kinh tế khu vực và thế giới. Thứ tư, trong quá trình tiến hành các hoạt động đối ngoại Nhà nước, chúng ta phải đồng thời tiến hành triển khai các hoạt động đối ngoại của Đảng, của các đoàn thể quần chúng và các tổ chức xã hội khác, làm sao phát huy hết và có hiệu quả vai trò quan trọng to lớn của các hoạt động đối ngoại của Đảng và ngoại giao nhân dân. Hơn lúc nào hết, sự phối hợp, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa đối ngoại, an ninh, quốc phòng và kinh tế càng cần thiết và quan trọng, làm sao cùng nhau tạo nên thế trận đối ngoại, an ninh, quốc phòng toàn dân, cùng góp phần thực hiện thắng lợi những nghị quyết của Đảng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa. Vì thế trong mọi hoạt động thực tiễn, chúng ta cần vận dụng sáng tạo các hình thức hoạt động đối ngoại và ngoại giao khác nhau, kết hợp hoạt động ngoại giao song phương và đa phương, phối hợp các hoạt động chính trị cũng như văn hoá và kinh tế trong việc thực hiện chính sách đối ngoại . Sau cùng, để có thể triển khai tốt các trọng tâm kể trên trong công tác đối ngoại, việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại cả về phẩm chất chính trị lẫn trình độ nghiệp vụ, chuyên môn phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ của thời kỳ mới giờ đây chiếm một vị trí hết sức quan trọng. Căn cứ vào những trọng tâm, ưu tiên trong công tác đối ngoại nêu trên, trong thời gian trước mắt, ngành Ngoại giao sẽ phải tiếp tục thực hiện và kết thúc thành công vai trò Chủ tịch Uỷ ban thường trực ASEAN (ASC) và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) mà nước ta đang đảm nhiệm trong gần một năm qua, đồng thời sẽ tăng cường hơn nữa vai trò nước ta trong các hoạt động ngoại giao đa phương. Trong quá trình xây dựng và triển khai lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế phù hợp, Ngoại giao sẽ đặc biệt chú trọng vào việc đôn đốc các thoả thuận đã ký kết, góp phần thúc đẩy việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại Việt Nam- Hoa Kỳ cũng như bảo vệ lợi ích của nước ta trong việc thực hiện các thoả thuận mà Việt Nam ký kết trong khuôn khổ hội nhập khu vực và liên khu vực như ASEAN (AFTA), APEC, ASEM đồng thời thúc đẩy quá trình gia nhập WTO. * * * Có thể nói gọn, ngành Ngoại giao chúng ta nhận thức rất rõ trách nhiệm nặng nề và to lớn của mình trong việc thực hiện các nhiệm vụ mà Đại hội IX đề ra cho công tác đối ngoại. Điều này đòi hỏi những nỗ lực rất lớn, rất khẩn trương của đội ngũ cán bộ ngoại giao. Nhưng với kết quả và thành công rực rõ của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng vừa qua, tôi tin chắc rằng ngành chúng ta sẽ chủ động và phối hợp tốt với các ngành các cấp trong cả nước thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ đó, góp phần đưa nước ta vững bước tiến tới trong thế kỷ 21, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, có vị trí xứng đáng trong cộng đồng quốc tế.
Back Top page Print Email |
Related news: |
|