Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thư tư, ngày 08 tháng 01 năm 2025 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Văn Ngạnh trả lời phỏng vấn báo Quốc Tế về chuyến thăm một số nước Đông Âu của Thủ tướng Phan Văn Khải


Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Văn Ngạnh trả lời phỏng vấn báo Quốc Tế về chuyến thăm chính thức Liên bang Nga, Belarus và Cộng hoà Bulgaria của Thủ tướng Phan Văn Khải

Câu hỏi 1:Xin Thứ trưởng cho biết kết quả và ý nghĩa chuyến thăm chính thức Liên bang Nga, Belarus và Cộng hoà Bulgaria của Thủ tướng Phan Văn Khải từ ngày 10/9 tới 18/9/2000 vừa qua ?

Trả lời:

Chuyến thăm chính thức Liên bang Nga, Belarus và Cộng hoà Bulgaria của Thủ tướng Phan Văn Khải vừa qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng trên các mặt, mà theo tôi đó là một thành công mới trong việc tiếp tục triển khai chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hoá đa phương hoá quan hệ của nước ta, đặc biệt đối với Nga và các nước Đông Âu là những nước bạn truyền thống của chúng ta. Trước hết, những gì đã diễn ra, đã trao đổi và thoả thuận tại các cuộc gặp gỡ và hội đàm của Thủ tướng Phan Văn Khải với lãnh đạo các nước mà Thủ tướng ta tới thăm cho phép khẳng định rằng dù cho tình hình ở các nước đó đã có nhiều thay đổi, song tình cảm hữu nghị truyền thống với Việt Nam vốn được hình thành và phát triển suốt trong 50 năm qua vẫn được trân trọng và giữ gìn. Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Nga M.Kasyanov nhiều lần nhấn mạnh quan hệ với Việt Nam là quan hệ chiến lược truyền thống dựa trên cơ sở của Hiệp ước về các nguyên tắc trong quan hệ ký kết năm 1994, dù tình hình có thay đổi thế nào thì quan hệ đó vẫn không thay đổi; Tổng thống Belarus Lukasenko cũng khẳng định Belarus và Việt Nam là những người anh em hết lòng tin cậy gắn bó với nhau, còn tại Bulgaria cả Thủ tướng Kostov và quyền Tổng thống Kavaldjiev đều vui mừng cho biết nếu như các đảng phái chính trị ở Bulgaria thường tranh cãi và mâu thuẫn với nhau trên nhiều vấn đề thì khi nói tới Việt Nam, nói tới quan hệ hữu nghị hợp tác với Việt Nam tất cả đều thống nhất ủng hộ. Nói tóm lại, lãnh đạo cao nhất của các nước Thủ tướng ta vừa thăm đều khẳng định chính sách và lòng mong muốn củng cố, phát triển quan hệ nhiều mặt với Việt Nam. Đó là một thuận lợi rất cơ bản về chính trị để ta thúc đẩy và phát triển các quan hệ hợp tác giữa nước ta và các nước nói trên. Thứ hai, trong chuyến thăm, ta và Nga đã ký một số hiệp định quan trọng trong đó tôi muốn nói đến Hiệp định Hợp tác giữa các địa phương hai nước và Hiệp định xử lý nợ giữa ta và Liên Xô trước đây. Hiệp định thứ nhất tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập quan hệ buôn bán; hợp tác giữa các địa phương hai nước với nhau do đó, nó sẽ mở ra triển vọng mới trong quan hệ thương mại giữa hai nước. Và Hiệp định thứ hai, mà nội dung của nó đã được báo chí đưa tin là một sự kiện có ý nghĩa trong quan hệ hai nước, vì tôi hy vọng nó sẽ góp phần thúc đẩy trao đổi kinh tế, thương mại giữa nước ta và Liên bang Nga mở rộng trong những năm tới ngoài các lĩnh vực truyền thống trước đây. Hơn nữa việc Nga quyết định giành một phần lãi để viện trợ không hoàn lại hàng năm cho đào tạo sinh viên Việt Nam sẽ mở ra triển vọng tăng số lượng sinh viên được đào tạo tại Nga trong những năm tới. Tại Belarus và Bulgaria, các cuộc gặp gỡ của Thủ tướng Phan Văn Khải với lãnh đạo cũng như với doanh nghiệp nước bạn đã cho phép các bạn hiểu rõ những thành tựu của ta trong việc thực hiện đường lối đổi mới trong hơn 15 năm qua, nhất là những cải cách thông thoáng về môi trường sản xuất, kinh doanh, về hội nhập kinh tế của Việt Nam, tạo điều kiện cho việc thiết lập và mở rộng trao đổi thương mại song phương trên cơ sở khai thác các thế mạnh của nhau mà một số doanh nghiệp đã thực hiện được ngay trong chuyến đi. Những kết quả quan trọng nói trên của chuyến thăm một lần nữa khẳng định sự đúng đắn của đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hoá đa dạng hoá của nước ta, góp phần thích đáng vào việc duy trì và mở rộng quan hệ của ta với các nước bạn bè truyền thống trước đây cũng như củng cố vị thế đối ngoại và tăng thêm sự tin cậy và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Câu hỏi 2: Vậy theo Thứ trưởng, trong thời gian sắp tới chúng ta cần làm gì, từ phía các cơ quan của Nhà nước cũng như từ phía các doanh nghiệp, để phát huy các kết quả đạt được trong chuyến thăm này?

Trả lời:

Theo tôi những kết quả quan trọng trên nhiều mặt đạt được trong chuyến thăm chính thức 3 nước nói trên càng đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực, cố gắng rất nhiều để triển khai và thực hiện các thoả thuận, cam kết đó. Trách nhiệm này không chỉ từ phía các Bộ, Ngành trong Chính phủ mà còn một phần rất quan trọng từ phía các doanh nghiệp Việt Nam. Về phía các cơ quan Nhà nước, chúng ta cần khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng trao đổi kinh tế thương mại với các nước Nga và Đông Âu, nhất là chú trọng giải quyết tốt hơn các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính cũng như cung cấp thông tin nhanh hơn, nhiều hơn, phong phú hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam nhằm giảm bớt chi phí và thời gian trong các quan hệ giao dịch với các đối tác Đông Âu. Trong các cố gắng chung đó, các cơ quan đại diện ta ở nước ngoài chiếm một vị trí quan trọng, làm sao phải phản ánh kịp thời các thông tin về nước sở tại, nhất là các thông tin về kinh tế, đặc biệt là những thay đổi về cơ chế, chính sách và chế độ thuế xuất nhập khẩu.... bởi vì đây là các nước cũng đang trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Về phía các doanh nghiệp, theo tôi đây sẽ vừa là cơ hội vừa là thách thức trong việc tiếp cận và khôi phục, xâm nhập thị trường truyền thống trước đây. Việc thanh toán bằng hàng trong việc giải quyết nợ với Liên bang Nga chắc chắn sẽ tạo cơ hội cho hàng hoá của Việt Nam, trước hết là các mặt hàng ta có khả năng và thế mạnh trong xuất khẩu. Tuy nhiên để duy trì và tăng cường uy tín của hàng hoá Việt Nam trên thị trường này, cần chú ý đúng mức và trước hết đến chất lượng, giá thành , nhất là tính ổn định của các yêu cầu này. Một khó khăn nữa có thể đặt ra đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận và đi vào thị trường này là ngoài các thông tin chung về thị trường cần tìm hiểu và nắm được thị hiếu và sở thích người tiêu dùng các nước này.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer