Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trả lời phỏng vấn Truyền hình Italy
Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trả lời phỏng vấn Truyền hình Italy
(Ttxvn 29/5/2000) Ngày 28/5, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã trả lời phỏng vấn của phóng viên hãng truyền hình Telemontecarlo kênh 10 và hãng truyền hình nhà nước Rai-i. Sau đây là cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên hãng Telemontecarlo kênh 10: Hỏi: Vì sao Tổng Bí thư lại chọn thời điểm này để đi thăm châu Âu? Trả lời: Liên minh châu Âu là một đối tác quan trọng của Việt Nam. Đây không phải là lần đầu tiên tôi đến thăm một số nước châu Âu. Nhưng từ khi lên làm Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam thì đây là lần đầu tiên tôi đến thăm châu Âu, gồm Pháp, Italy và ủy ban châu Âu. Hỏi: Tổng Bí thư đã hội kiến với Tổng thống Italy Carlo Azeglio Ciampi, xin ngài cho biết kết quả của cuộc gặp này? Trả lời: Tôi phải nói là rất kết quả. Chúng tôi đã trao đổi rất thẳng thắn với nhau về tình hình Việt Nam, tình hình Italy và tình hình thế giới. Hai bên đều thống nhất với nhau rằng khi trên thế giới đang diễn ra quá trình toàn cầu hóa thì cần phải làm sao giúp các nước đang phát triển và chậm phát triển có thể phát triển được. ở Liên minh châu Âu, Pháp và Italy trước đây là những nước có trình độ công nghệ đã phát triển lâu đời, có thể đứng vào loại hàng đầu thế giới. Bây giờ có thể có một số nước khác nữa ngoài Pháp và Italy cũng có trình độ công nghệ phát triển cao. Chính vì vậy mà tôi chọn đi thăm một số nước thuộc Liên minh châu Âu vào dịp này. Hỏi: Ngài Tổng Bí thư đã gặp ngài Romano Prodi, Chủ tịch ủy ban châu Âu và nguyên là Thủ tướng Italy. Ngài có nhận được sự ủng hộ của ngài Romano Prodi về việc Việt Nam quan hệ với Liên minh châu Âu? Trả lời: Ông Romano Prodi tỏ ra thân thiện và hứa tìm mọi cách giúp đỡ Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Ông còn cho biết Liên minh châu Âu sẽ công nhận Việt Nam là một nước có nền kinh tế thị trường, như vậy việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Liên minh châu Âu sẽ thuận lợi hơn. Tại diễn đàn á-âu họp tại Seoul (Hàn Quốc) vào tháng 10 tới ngài Romano Prodi sẽ đi dự. Tôi có mời ngài Romano Prodi đi thăm Việt Nam để ngài thấy rõ tình hình Việt Nam và đánh giá được đúng về tình hình kinh tế Việt Nam. Hỏi: Xin ngài Tổng Bí thư cho biết một số điều về thành tích đổi mới ở Việt Nam? Trả lời: Chúng tôi mới thực hiện đổi mới được khoảng 15 năm. Có lẽ các bạn đều hiểu đến năm 1975 ở Việt Nam mới hết chiến tranh. Sau đó Việt Nam phải khôi phục kinh tế hết sức khó khăn. Chúng tôi lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội. Suốt trong 10 năm từ 1986 đến 1996 chúng tôi mới vượt qua được khủng hoảng kinh tế - xã hội. Việt Nam ra khỏi chiến tranh rồi lại bị Mỹ bao vây và cấm vận. Hàng năm chúng tôi phải nhập một triệu tấn lương thực từ nước ngoài. Từ khi đổi mới đến nay chúng tôi thừa lương thực. Năm 1999 đã xuất khẩu được 4,5 triệu tấn gạo. Bây giờ Việt Nam còn muốn xuất khẩu nữa và tôi đã đặt vấn đề với chủ tịch ủy ban châu Âu Romano Prodi là Việt Nam sẽ xuất khẩu gạo qua Liên minh châu Âu. Đời sống nhân dân Việt Nam đã được cải thiện. Chúng tôi đã quan hệ chính trị với 167 nước, đã buôn bán với 154 nước, nhiều tập đoàn siêu quốc gia và các công ty của 70 nước và khu vực lãnh thổ đã có mặt tại Việt Nam. Các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân đều phát triển tốt. Người ta nói Việt Nam không coi trọng kinh tế tư nhân và đã quốc hữu hóa kinh tế tư nhân là hoàn toàn sai. Trong chuyến đi này với tôi có đại diện một công ty tư nhân ở tỉnh Minh Hải xuất khẩu hải sản sang Eu một năm đạt tới 50 triệu Usd. Tôi đã nói như vậy với ngài Thủ tướng Pháp Lionel Jospin và ngài ấy đã nói rằng đấy là những điều ngài ấy chưa được nghe thấy bao giờ, trước đấy là những thông tin hoàn toàn bị xuyên tạc so với sự thật diễn ra ở Việt Nam. Sau đây là trả lời của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu với hãng truyền hình nhà nước Italy Rai-i Hỏi: Xin Tổng Bí thư cho biết kết quả chuyến đi thăm Italy? Trả lời: Kết quả lớn nhất là Việt Nam và Italy càng hiểu biết nhau hơn. Hai bên đều thấy tiềm năng của hai nước còn rất lớn nhưng vừa qua phát huy chưa hết. Chúng tôi đều thống nhất rằng sau chuyến thăm này quan hệ giữa hai nước sẽ phát triển toàn diện hơn. Về các vấn đề quốc tế, hai bên đều thấy cần phải phối hợp phấn đấu cho một thế giới hòa bình, ổn định và quan hệ công bằng. Trong kinh tế Italy có nhiều thế mạnh, có thể hợp tác với Việt Nam để phát triển, nhất là về công nghệ, công nghiệp chế biến, dịch vụ... Trong lĩnh vực văn hóa, Italy có dự kiến hợp tác với Việt Nam tái tạo khu văn hóa Mỹ Sơn đã được thế giới công nhận. Tôi gặp Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Thượng viện và Bộ trưởng Ngoại giao Italy tôi đều đề cập các vấn đề này. Nhiều nhà doanh nghiệp Việt Nam đã gặp các nhà doanh nghiệp Italy và họ đang bàn với nhau biện pháp tăng cường quan hệ. Không chỉ có Việt Nam quan hệ với Italy mà Liên minh châu Âu có thể thông qua Việt Nam làm cầu nối quan hệ với châu á nói chung. Ngài Chủ tịch ủy ban châu Âu Prodi còn nói với tôi rằng dù Việt Nam có ký ngay được Hiệp định thương mại với Mỹ hay chưa thì ủy ban châu Âu vẫn tìm mọi cách giúp Việt Nam tham gia vào thị trường của Liên minh châu Âu và gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (Wto). Như vậy châu á và châu Âu bây giờ rất gần nhau. Họ vừa hiểu biết nhau, vừa quen nhau vừa quan hệ mật thiết với nhau. Tôi cho đó là thành công lớn nhất qua chuyến đi lần này của tôi và các cộng sự Việt Nam. Hỏi: Ngài nói hai bên sẽ nỗ lực nâng quan hệ hợp tác lên. Vậy thì cho đến nay cái gì đang cản trở quan hệ đó, sự khác nhau về chính trị hay sự khác nhau về kinh tế? Trả lời: Hoàn toàn không phải vì sự khác nhau về chính trị. Nếu nói sự khác nhau về chính trị cản trở thì sao lãnh đạo các nước châu Âu lại mời tôi đi thăm lần này? Mỗi quốc gia có thể có chế độ chính trị khác nhau. Nếu vì sự khác nhau về chính trị cản trở thì Việt Nam đã không thể quan hệ về chính trị với 167 nước, đã không thể buôn bán song phương với 154 nước và các công ty của 70 nước và khu vực lãnh thổ lại đang có thể hoạt động ở Việt Nam. Chúng tôi đã gia nhập Asean, Afta, Adel, cùng với Pháp là thành viên của Diễn đàn á-âu, là thành viên của Ngân hàng thế giới. Nếu các tập đoàn doanh nghiệp Italy và châu Âu e ngại Việt Nam có chế độ chính trị khác với họ thì họ đã không đến Việt Nam. Người ta kêu vì có một số cơ chế chính sách của chúng tôi không được thực hiện đúng đắn nên gây khó dễ cho các nhà đầu tư. Chúng tôi đã khắc phục điều đó và cách đây hơn một tuần Quốc hội Việt Nam đã sửa đổi Luật Đầu tư nước ngoài. Còn bệnh quan liêu nhũng nhiễu chúng tôi đang quyết tâm tiễu trừ. Như vậy rõ ràng sự cản t rở không phải vì sự khác nhau vì chế độ chính trị. Tôi là cộng sản, các bạn không phải là cộng sản, có gì khác nhau giữa chúng ta? Chúng ta đều lo cho nhân dân và hạnh phúc của nhân dân cả. Chúng tôi sản xuất hàng năm 33,8 triệu tấn lương thực, xuất khẩu 4,5 triệu tấn lương thực ra thế giới. Tôi không thấy ai nói gạo của cộng sản như thế thì không ăn được. Một công ty tư nhân của chúng tôi xuất khẩu sang Eu một năm tới 50 triệu Usd hải sản. Có ai nói không ăn hải sản của cộng sản đâu? Cho nên ở trên thế giới các chế độ chính trị khác nhau đều có thể chung sống với nhau được, đều cần phải đấu tranh cho một xã hội hòa bình, ổn định và công bằng. Sự hợp tác giữa Việt Nam và Italy trong thời gian vừa qua có một số gián đoạn là vì nhiều lý do, trong đó có một lý do là chính phủ ở Italy thay đổi luôn, chứ không phải do phía Việt Nam dừng các dự án hợp tác đó... Nhân dịp này tôi xin nhờ các bạn truyền hình Italy chuyển lời chúng tôi cảm ơn nhân dân Italy đã từng ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống Mỹ, cứu nước, cũng như trong xây dựng và phát triển hiện nay. Chúng tôi không bao giờ quên điều đó. Chúng tôi còn ghi nhớ mãi mãi những hình ảnh trên truyền hình hàng vạn nhân dân Italy xuống đường hô vang khẩu hiệu "việt Nam Hồ Chí Minh!", "việt Nam Hồ Chí Minh!". Chúng tôi xin gửi lời cảm ơn và chúc nhân dân Italy hạnh phúc và thịnh vượng./.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |