Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên trả lời phỏng vấn báo Nhân Dân
Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên trả lời phỏng vấn báo Nhân Dân
(Ttxvn 24/2/2000) Trả lời phỏng vấn của báo Nhân dân số ra ngày 24/2, trước khi bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên cho biết, Việt Nam và Trung Quốc hiện tại có 4 thuận lợi cơ bản để củng cố sự tin cậy và tăng cường tình hữu nghị, quan hệ hợp tác toàn diện giữa Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước. Thứ nhất, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước xã hội chủ nghĩa có nhiều điểm đồng cơ bản, nhất là trên các vấn đề phát triển cũng như các vấn đề quốc tế, nhân dân hai nước đều đang phấn đấu xây dựng đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Thứ hai, mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có bề dày lịch sử, đã có truyền thống từ lâu đời. Mối quan hệ truyền thống đó luôn là nền tảng và điểm xuất phát thuận lợi để nhân dân hai nước cùng vươn tới những mục tiêu cao xa hơn. Thứ ba, hai nước có quyết tâm chính trị cao trong việc xây dựng và tăng cường mối quan hệ Việt - Trung cho tương xứng với tiềm năng và vị thế của cả hai nước, cho phù hợp lợi ích và mong muốn của nhân dân hai nước và của khu vực. Quyết tâm đó thể hiện sinh động trong phương châm chỉ đạo chiến lược đã được Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Tổng Bí thư Giang Trạch Dân đề ra là láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài và hướng tới tương lai. Đó là khuôn khổ, là định hướng lâu dài cho mối quan hệ Việt - Trung. Thứ tư, kể từ khi bình thường hóa, quan hệ Việt - Trung đã bước sang một thời kỳ mới và cho đến nay đã đạt được nhiều thành tựu và kinh nghiệm quý báu, đủ để hai nước vững tin vào triển vọng tươi sáng trong tương lai. Theo Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên, những thuận lợi đó mang tính chất rất cơ bản, nhưng việc vô cùng quan trọng là phát huy triệt để những thuận lợi ấy để đưa lại nhiều kết quả to lớn hơn nữa với tác dụng thiết thực hơn nữa cho cả hai nước. Vì vậy, trong năm 2000, cần phấn đấu để thực hiện ba mục tiêu cụ thể là triển khai thực hiện Hiệp định biên giới trên bộ ký kết cuối tháng 12/1999, thúc đẩy đàm phán đi đến ký kết Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ trong năm 2000 và đạt kim ngạch thương mại hai tỷ Usd trong năm 2000, thực hiện tốt các thỏa thuận khác đã ký kết nhân chuyến thăm của Thủ tương Trung Qyuốc Chu Dung Cơ. Những vấn đề đó rất lớn đòi hỏi cả hai bên phải nỗ lực rất cao. Về nhiệm vụ chung của ngoại giao Việt Nam năm 2000 và những năm tiếp theo, Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên khẳng định, yêu cầu đòi hỏi cụ thể đối với ngành ngoại giao năm 2000 là vừa phải tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, vừa phải đạt được những bước tiến mới với chất lượng và hiệu quả cao, nhất là về kinh tế, đồng thời, điều cần phải làm trong năm 2000 là tiếp tục vận hành tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam một cách vững chắc. Bộ trưởng nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu này, ngoại giao Việt Nam trong năm 2000 cần phải xác định và tập trung vào những ưu tiên đối ngoại là tăng cường quan hệ với các nước láng giềng và các nước lớn, với các nước có quan hệ truyền thống, với Phong trào Không liên kết và nâng cao vai trò của ngoại giao Việt Nam trong các các tổ chức khu vực và quốc tế, tăng cường sự tham gia và đóng góp của Việt Nam trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa của khu vực và thế giới. Trong phương diện này có việc phát huy hơn nữa những thành tựu đối ngoại đã đạt được, đồng thời phải nâng cao hiệu quả của việc ngoại giao phục vụ kinh tế. Chỉ có như vậy mới tận dụng được triệt để những tác động tích cực của việc duy trì và củng cố môi trường quốc tế hòa bình ổn định tới việc thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chỉ có như vậy mới vừa phát huy cao độ nội lực, tranh thủ tối đa ngoại lực, vừa phát huy được tác dụng cộng hưởng của nội lực và ngoại lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa. Theo tinh thần đó, ngoại giao Việt Nam trong năm 2000 tập trung vào việc giải quyết những vấn đề tồn tại lâu nay trong quan hệ song phương giữa Việt Nam với một số đối tác quan trọng để khơi thông và thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác cùng có lợi, tạo dựng tiền đề để Việt Nam trở thành đối tác tin cậy, hội nhập và hợp tác cùng có lợi với tất cả các nước trên thế giới./.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |