Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên trả lời phỏng vấn Ban biên tập tin đối ngoại, TTXVN


Câu hỏi 1: Theo đánh giá chung, hợp tác ASEM mới trải qua 8 năm song đã nhanh chóng phát triển và mở rộng trên cơ sở ba trụ cột chính trị, kinh tế và các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, vì sao Hội nghị Cấp cao ASEM 5 lựa chọn chủ đề “Tiến tới quan hệ đối tác Á-Âu sống động và thực chất hơn" ? Phải chăng là do kết quả hợp tác vừa qua còn chưa cao nên cần khắc phục?

Trả lời:

Nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển trong 8 năm qua của ASEM, có thể nói rằng giao lưu giữa Châu Á và Châu Âu vốn đã có từ hàng thế kỷ nay, song quan hệ đối tác mới dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi giữa hai châu lục chỉ thực sự xác lập cùng với sự ra đời của tiến trình ASEM. Vượt lên nhiều thách thức của sự khác biệt, hợp tác ASEM đã phát triển năng động và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và các lĩnh vực hợp tác khác, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân ở cả hai châu lục.

Tuy nhiên, cục diện thế giới và ở từng khu vực đang có những biến chuyển nhanh chóng và phức tạp. ASEM cũng đang đứng trước không ít thách thức, kết quả hợp tác còn hạn chế và chưa tương xứng với tiềm năng của cả hai châu lục, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Hợp tác ASEM hiện mới ở mức đối thoại về chính sách là chính và chưa được nâng lên tầm hợp tác với những kế hoạch hành động, cam kết cụ thể để thực hiện các mục tiêu đề ra. Việc kết nạp 13 thành viên mới sẽ không chỉ tăng thêm tiềm năng hợp tác mà còn đòi hỏi ASEM phải có những phát triển mới phù hợp.

Trong bối cảnh đó, các thành viên ASEM đều mong muốn và nhận thức đã đến lúc cần làm cho quan hệ đối tác Á-Âu trở nên sống động hơn và đưa hợp tác sang giai đoạn phát triển mới đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn. Có như vậy thì mới có thể khai thác đầy đủ hơn tiềm năng to lớn của hai châu lục và góp phần tăng cường hợp tác đối phó với những thách thức toàn cầu mới. Do vậy, các thành viên ASEM hoàn toàn nhất trí với đề xuất của Việt Nam về chủ đề bao trùm của Cấp cao Hà Nội là "Tiến tới quan hệ đối tác Á-Âu sống động và thực chất hơn". Để thực hiện mục tiêu này, dự kiến các thành viên ASEM tại ASEM 5 sẽ thông qua "Tuyên bố Hà Nội về quan hệ đối tác kinh tế Á-Âu chặt chẽ hơn” và "Tuyên bố ASEM về đối thoại văn hoá-văn minh”, trong đó vấn đề làm thực chất hơn hợp tác kinh tế ASEM được đặc biệt nhấn mạnh. Để thể hiện mong muốn đó, các vị nguyên thủ dự Cấp cao ASEM 5 sẽ dự một cuộc giao lưu trực tiếp với đại diện của ‘Nhóm đặc trách kinh tế ASEM’ và các đại biểu của ‘Diễn đàn doanh nghiệp Á-Âu’ cũng diễn ra tại Hà Nội vào thời gian đó. Các vị nguyên thủ cũng sẽ nghe và xem xét các khuyến nghị của ‘Nhóm đặc trách kinh tế ASEM’ và ‘Diễn đàn doanh nghiệp Á-Âu’ về các biện pháp cụ thể thắt chặt hơn liên kết kinh tế ASEM.

Cấp cao Hà nội còn có nhiệm vụ đề ra định hướng phát triển của Tiến trình ASEM và một số vấn đề liên quan khác, kể cả việc cải tiến cơ chế hoạt động của ASEM sao cho phù hợp và có hiệu quả, nhất là sau khi mở rộng, góp phần nâng cao sức sống, tính hấp dẫn và khả năng đóng góp của ASEM cho hoà bình, ổn định, và hợp tác vì phát triển ở hai châu lục và trên toàn thế giới.

Với nội dung như vậy, tôi tin tưởng rằng Hội nghị Cấp cao ASEM 5 sẽ có những đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của Diễn đàn Hợp tác Á-Âu.

Câu hỏi 2: Theo đồng chí, với tư cách điều phối viên ASEM và chủ nhà ASEM 5, Việt Nam có những đóng góp gì cho Hội nghị và chúng ta sẽ tận dụng được những cơ hội gì từ sự kiện này.

Trả lời:

Với nhận thức rằng Hội nghị Cấp cao ASEM 5 là một sự kiện chính trị có ý nghĩa rất quan trọng trong quan hệ đối tác Á – Âu và là hoạt động đối ngoại quan trọng nhất của Việt Nam trong năm nay, Việt Nam đã sớm xúc tiến công tác chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao, phối hợp chặt chẽ với các thành viên ASEM và đã có nhiều đóng góp thực chất để Cấp cao Hà Nội thực sự trở thành một mốc quan trọng trong sự phát triển của quan hệ đối tác giữa hai châu lục.

Đầu tiên phải kể đến đóng góp lớn của Việt Nam cho nội dung của Hội nghị Cấp cao qua việc đề xuất chủ đề của Hội nghị là "Tiến tới quan hệ đối tác Á – Âu sống động và thực chất hơn", phản ứng đúng nguyện vọng và trông đợi của các thành viên cũng như nhân dân hai châu lục. Để đạt mục tiêu này, Việt Nam đã đề xuất việc Cấp cao thông qua “Tuyên bố Hà Nội về quan hệ đối tác kinh tế Á-Âu chặt chẽ hơn”, “Tuyên bố về đối thoại văn hóa-văn minh” và phối hợp với các nước xây dựng một chương trình nghị sự súc tích để các vị lãnh đạo Á-Âu thảo luận và thông qua những biện pháp thiết thực, cụ thể để đưa hợp tác đi vào chiều sâu thực chất trên cả ba lĩnh vực hợp tác. Theo đó, Việt Nam cũng đang đề xuất và tham gia đồng tác giả nhiều sáng kiến mới.

Đóng góp lớn thứ hai của Việt Nam là về vấn đề mở rộng thành viên ASEM. Là điều phối viên và là nước chủ nhà ASEM 5, Việt Nam đã rất chủ động và năng động phối hợp với các điều phối viên ASEM khác cũng như các thành viên ASEM trong việc thúc đẩy các bên tìm giải pháp thỏa đáng, kịp thời cho việc kết nạp các thành viên mới. Với thành công đó, Hội nghị Cấp cao ASEM 5 sẽ là Hội nghị cấp cao mở rộng đầu tiên trong gần một thập kỷ tồn tại và phát triển của Diễn đàn này, với sự tham gia của 26 thành viên cũ và 13 thành viên mới - một dấu mốc quan trọng trong việc tăng cường hợp tác giữa hai châu lục, tăng thêm sức mạnh và tiếng nói của ASEM trên trường quốc tế.

Cuối cùng, không thể không kể đến công tác chuẩn bị rất chu đáo về mọi mặt lễ tân, hậu cần, an ninh, đảm bảo Hội nghị diễn ra trôi chảy và suôn sẻ. Công tác chuẩn bị đã được bắt đầu từ một năm rưỡi trước sự kiện lớn này, với việc Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ủy ban quốc gia về ASEM 5 từ tháng 4/2003 với sự tham gia của 14 Bộ, ngành liên quan. Đến nay, có thể nói công tác này đã hoàn thành khối lượng công việc đồ sộ hết sức hiệu quả và kịp thời. Do đó, các thành viên ASEM đều đánh giá cao công tác chuẩn bị mọi mặt của Việt Nam cho Hội nghị cấp cao ASEM 5.

Đối với Việt Nam, công tác chuẩn bị và tổ chức cho một trong những sự kiện chính trị lớn nhất mà Việt Nam từng đăng cai tổ chức trong hơn chục năm qua là một thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, phải thấy rằng thành công của một Hội nghị cấp cao Á – Âu như vậy sẽ tạo ra cho Việt Nam nhiều cơ hội cả hữu hình lẫn vô hình mà Việt Nam có thể và cần phải tranh thủ để phục vụ công cuộc xây dựng đất nước.

Trước hết, ASEM 5 là bằng chứng sinh động thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với tiến trình ASEM vì lợi ích chung của tất cả các thành viên, và là một bước triển khai quan trọng chính sách đối ngoại của Việt Nam theo tinh thần Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển. Qua đó củng cố hình ảnh một nước Việt Nam đổi mới, ổn định và chủ động hội nhập quốc tế và khu vực. Hội nghị này cũng là cơ hội để Việt Nam tranh thủ thúc đẩy các mối quan hệ song phương với các thành viên ASEM, đặc biệt là các nước lớn và có vai trò quan trọng ở cả hai châu lục. Nhân dịp dự Hội nghị cấp cao này, một số nguyên thủ như Tổng thống Pháp, Tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Trung Quốc, Thủ tướng Đức, Thủ tướng Bỉ sẽ thăm song phương Việt Nam. Hàng nghìn đại biểu đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân Á-Âu cũng đã và sẽ đến đất nước Việt Nam tham dự hàng loạt hoạt động kinh tế, chính trị - xã hội, văn hoá được tổ chức hướng tới Cấp cao, mang theo những tình cảm hữu nghị tốt đẹp nhất cho nhân dân chúng ta.

ASEM 5 còn là dịp tốt để Việt Nam triển khai đường lối hội nhập kinh tế quốc tế, phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thị trường Á – Âu là một thị trường rộng lớn chiếm tới 50% GDP toàn cầu và 44% thương mại thế giới, nên rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Các hoạt động giao lưu giữa doanh nghiệp với chính phủ và giữa các doanh nghiệp với nhau bên lề Hội nghị theo sáng kiến của Việt Nam là rất bổ ích và thiết thực, giúp nâng cao hiểu biết, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập và đứng vững hơn trong thị trường lớn này.

ASEM 5 còn là cơ hội để Việt Nam triển khai một chiến dịch lớn về tuyên truyền đối ngoại. Đây là sự kiện lớn thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế và khu vực với khoảng 2000 phóng viên trong và ngoài nước sẽ tham gia đưa tin, nên sẽ là dịp tốt để Việt Nam giới thiệu rộng rãi với bạn bè quốc tế về một Việt Nam đổi mới, ổn định và chủ động hội nhập, một đất nước văn hiến, một đối tác tin cậy, một địa điểm hấp dẫn đối với kinh doanh, đầu tư, du lịch.

Với sự tập trung cao độ về con người và nguồn lực của đất nước để tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEM 5, chúng ta sẽ củng cố lòng tin và thiện cảm của bạn bè và đối tác về một Việt Nam đổi mới, ngày càng phát triển lớn mạnh, thiết thực góp phần phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer