Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ sáu, ngày 20 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên trả lời phỏng vấn báo Quân đội Nhân dân cuối tuần


ASEM 5 sẽ làm cho hợp tác Á-Âu sống động và thực chất hơn!


Văn Yên (Thực hiện)

Trong hai ngày 8 và 9-10 tới, tại Hà Nội sẽ diễn ra Hội nghị thượng đỉnh á-Âu lần thứ V (ASEM 5), sự kiện đối ngoại quan trọng nhất trong năm nay của Việt Nam. Nhân dịp này, phóng viênQuân đội nhân dân Cuối tuần đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Dy Niên xung quanh sự kiện này:

ASEM 5 sẽ diễn ra với quy mô chưa từng có về nội dung và thành phần!

-Thưa Bộ trưởng, ASEM 5 được tổ chức tại Việt Nam có ý nghĩa như thế nào trong tiến trình hợp tác Á-Âu?

Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên:

Như chúng ta đều biết, ý tưởng hình thành ASEM đã có tại hội nghị thượng đỉnh kinh tế châu Âu-Đông Á diễn ra năm 1994 tại Xin-ga-po và đến năm 1996 thì trở thành hiện thực với việc ASEM 1 được tổ chức tại Băng Cốc, Thái Lan, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong quan hệ giữa hai châu lục Á-Âu, giữa những đối tác bình đẳng với nhau. Tính đến nay đã qua 4 lần tổ chức ASEM, luân phiên ở châu Á và châu Âu. Việc hội nghị thượng đỉnh ASEAM 5 lần này được tổ chức tại Hà Nội mang một ý nghĩa đặc biệt bởi vì đây là lần đầu tiên, ASEM mở rộng sẽ diễn ra với quy mô chưa từng có, với việc kết nạp các thành viên mới, bao gồm 10 nước mới gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và 3 nước còn lại của ASEAN là Lào, Cam-pu-chia và Mi-an-ma. Tất cả các nước này đều đã bày tỏ nguyện vọng muốn gia nhập ASEM và sau những cố gắng của nước chủ nhà Việt Nam, phối hợp với các nước điều phối khác là Nhật Bản, các nước điều phối viên châu Âu, nước hiện đang là Chủ tịch Uỷ ban châu Âu là Hà Lan, đến nay, tất cả các nước châu Âu và châu Á trong ASEM đều đã đạt được sự hiểu biết chung, nhất trí sẽ tổ chức lễ kết nạp chính thức các thành viên mới vào ASEM ngay trong buổi tối trước khi diễn ra lễ khai mạc ASEM 5 tại Hà Nội. Đến lúc đó có thể nói rằng ASEM 5 sẽ là hội nghị mở rộng gồm 39 thành viên, gồm 38 quốc gia và Uỷ ban châu Âu. Hội nghị này còn mang tầm vóc mới về nội dung bao gồm cả 3 trụ cột:chính trị, kinh tế và văn hoá, nhất là về kinh tế.

- Còn đối với Việt Nam, hội nghị này có ý nghĩa như thế nào thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên:

Việc tất cả các nước ủng hộ Việt Nam tổ chức ASEM 5 cho thấy họ đánh giá rất cao những cố gắng của Việt Nam trong tiến trình hợp tác Á-Âu cũng như mức độ Việt Nam tham gia vào các hoạt động khu vực và toàn cầu. Cần phải hiểu rằng đây là một hội nghị quan trọng giữa hai châu lục trong bối cảnh phức tạp của thế giới hiện nay nên việc Việt Nam là chủ nhà của một hội nghị như vậy cho thấy chúng ta đã có được một uy tín rộng lớn trên trường quốc tế. Hơn thế nữa, đây cũng là một sự khẳng định khả năng của Việt Nam trong công tác tổ chức những hội nghị lớn ở cấp khu vực cũng như quốc tế.

Phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh

- Được biết trong quá trình hợp tác Á-Âu, một trong những vấn đề trước đây còn khúc mắc là việc kết nạp Mi-an-ma làm thành viên mới của ASEM. Nay vấn đề đó đã có giải pháp thoả đáng. Bộ trưởng có thể cho biết đánh giá về bước biến chuyển có ý nghĩa này?

Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên:

Tại hội nghị cấp cao ASEAN năm 2000 ở Xin-ga-po, các nước ASEAN đã đạt được sự nhất trí cao về việc thúc đẩy kết nạp cùng một lúc cả 3 nước còn lại của ASEAN vào ASEM. Cho đến lúc này, tất cả các nước thành viên châu Âu và châu Á của ASEM đều đã đạt hiểu biết chung về việc kết nạp cả 10 nước mới gia nhập EU và 3 nước ASEAN vào ASEM vào ngày trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh ASEM tại Hà Nội. Đây là một thành công bước đầu. Những thủ tục để chuẩn bị cho việc kết nạp này hiện vẫn đang được gấp rút chuẩn bị.

- Việt Nam đã có đóng góp như thế nào vào bước tiến triển này?

Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên:

Phải nói rằng với vị thế nước chủ nhà tổ chức ASEM 5, Việt Nam đã có đóng góp rất lớn cùng với các đối tác châu Âu và châu Á giải quyết vấn đề này. Đó là một quá trình vận động khó khăn, làm thế nào để đạt được tới một sự hiểu biết chung, tìm kiếm được sự dung hoà tích cực trên một vấn đề vẫn còn khúc mắc giữa các bên. Các nước thành viên mới được kết nạp sẽ có vai trò bình đẳng với các thành viên cũ của ASEM, còn vấn đề các nước thành viên mới tham dự ASEM ở cấp nào tuỳ thuộc vào quyết định của mỗi nước…Đạt được điều đó chính là nhờ mối quan hệ tốt đẹp của Việt Nam và nhờ phong cách ngoại giao đặc trưng rất Việt Nam.

- Đó là phong cách ngoại giao như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên:

Đó là phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh! Hay nói một cách khác, đó là phong cách ngoại giao mà người ta vẫn gọi là "tâm công", đi vào lòng người, là một trong những phương pháp đặc sắc của ngoại giao truyền thống Việt Nam. Trong quá trình đàm phán, cần phải có biện pháp linh hoạt mà hết sức mềm dẻo, có lý lẽ đủ sức thuyết phục để làm cho các bên đối thoại có thể lắng nghe lẫn nhau, cùng tìm ra giải pháp. Cách đề cập đến vấn đề cũng phải hết sức khéo léo, thận trọng; phải biết người đối thoại cần gì và quan trọng là phải tìm ra được những điểm dung hoà để người ta chấp nhận được. Mỗi bên phải đi một đoạn đường để tiến đến gặp nhau ở một điểm chung nào đó.

ASEM 5 sẽ làm cho quá trình hợp tác Á-Âu thực chất hơn

- Có ý kiến cho rằng do ASEM là cơ cấu đối thoại chính trị giữa hai châu lục, không chính thức, không thể chế hoá nên tính hiệu quả của cơ cấu này vẫn còn những hạn chế nhất định. Bộ trưởng có ý kiến gì về vấn đề này?

Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên:

Thật ra, ý tưởng ban đầu khi ASEM 1 diễn ra ở Băng-cốc năm 1996 mới chỉ là tạo ra một diễn đàn không chính thức giữa hai châu lục với chủ đề Tạo dựng một quan hệ đối tác toàn diện Á-Âu vì sự phát triển mạnh mẽ hơn...Với nội dung này, sự hợp tác mới chỉ đề cập tới nội dung chính trị chứ chưa có những bước hợp tác thực chất trong những lĩnh vực khác như kinh tế, văn hoá...

ASEM 2 tổ chức ở Luân Đôn năm 1998 có một bước phát triển mới là đã thông qua được Khuôn khổ hợp tác Á-Âu cũng như thành lập Nhóm viễn cảnh Á-Âu để tìm kiếm sự hợp tác giữa hai châu lục. Cho đến nay, các cơ chế này vẫn còn đang tiếp tục được triển khai.

Hai năm sau, ASEM 3 diễn ra tại Hàn Quốc đã vạch ra lộ trình củng cố mối quan hệ đối tác vì sự ổn định trong thiên niên kỷ mới, bổ sung cho Khuôn khổ hợp tác Á-Âu đã thông qua ở hội nghị trước.

Hội nghị ASEM 4 năm 2002 ở Cô-pen-ha-ghen (Đan Mạch) diễn ra trong bối cảnh vừa xảy ra vụ khủng bố 11-9, thế giới có những bước biến chuyển lớn và sâu sắc. Bởi vậy nên trọng tâm của hội nghị này là bàn bạc hợp tác chống khủng bố, tiếp tục triển khai những nội dung đã đề ra ở các hội nghị ASEM tại Luân Đôn và Xơ-un...

Cho đến hội nghị ASEM lần này diễn ra ở Việt Nam, nhằm khắc phục những điểm còn bất cập, chúng ta đã đề nghị lựa chọn chủ đề cho hội nghị là Tiến tới quan hệ đối tác Á-Âu sống động và thực chất hơn. Đó chính là dấu ấn của nước chủ nhà Việt Nam đóng góp cho ASEM 5. Chủ đề này sẽ dựa trên 3 trụ cột chính là Đối thoại chính trị; Hợp tác kinh tế, Hợp tác văn hoá, đối thoại giữa các nền văn minh. Các nước Á-Âu đều rất ủng hộ Việt Nam khi được biết về chủ đề này. Chắc chắn ASEM 5 tại Hà Nội sẽ là một bước ngoặt lịch sử để tiến trình hợp tác Á-Âu trở nên hiệu quả, đi vào thực chất hơn. Đáng tiếc là hai hội nghị Bộ trưởng thương mại và Bộ trưởng kinh tế Á-Âu không tổ chức được, nhưng chúng ta đang bàn bạc với các nước điều phối viên để tại hội nghị ASEM 5 lần này sẽ thông qua Tuyên bố Hà Nội về quan hệ kinh tế Á-Âu chặt chẽ hơn...

- Phải chăng việc thông qua Tuyên bố này chính là để nhằm tránh những điều bất cập đã từng xảy ra trong quá khứ, chẳng hạn như việc các thành viên châu Á trong ASEM đã phê phán sự chậm trễ của châu Âu trong việc trợ giúp các nước châu Á gặp khó khăn trong cuộc khủng hoảng tiền tệ ở châu Á cuối năm 1997, đầu năm 1998?

Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên:

Đúng như vậy! Ngoài ra, việc thông qua tuyên bố này sẽ tạo tiền đề để thúc đẩy hoạt động của những cơ cấu hợp tác cụ thể hơn như thúc đẩy thương mại, đầu tư, du lịch và các lĩnh vực hợp tác khác mà hai bên có khả năng bổ sung cho nhau. Tuy chưa thể chế hoá, chưa có bộ máy theo dõi các hoạt động nhưng chắc chắn sau Hội nghị Hà Nội lần này, sự phối hợp giữa hai châu lục sẽ đi vào thực chất hơn. Chúng ta đang trong xu thế toàn cầu hoá nên sự hợp tác thực chất giữa hai châu lục Á-Âu là vô cùng quan trọng.

- Trong bối cảnh sau 11-9, nhất là thời gian gần đây, khủng bố và chống khủng bố trên phạm vi toàn cầu đang là vấn đề "nóng". Điều này có được đề cập đến tại Hội nghị ASEM lần này không thưa Bộ trưởng/

Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên:

Đúng là sau 11-9 cũng như thời gian gần đây, hàng loạt vụ khủng bố xảy ra ở Ma-đrít (Tây Ban Nha), Bê-xlan (Nga), In-đô-nê-xi-a...đã khiến cho vấn đề an ninh trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết. Chắc chắn nó sẽ được đề cập một cách thích đáng ở Hội nghị ASEM 5 tại Hà Nội.

Một cơ hội để Việt Nam tự giới thiệu mình

- Trong lịch sử phát triển của tiến trình hợp tác Á-Âu, mỗi một Hội nghị ASEM là một cơ hội quý báu để nước chủ nhà tự giới thiệu mình với các nước thành viên đối tác. Xin Bộ trưởng cho biết tại ASEM 5 lần này, Việt Nam có thể giới thiệu với các đối tác châu Âu như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên:

Thật ra, các nước châu Âu cũng đã ít nhiều biết đến Việt Nam, thế nhưng chưa hẳn là tất cả đều đã hiểu đúng, hiểu sâu Việt Nam. Hội nghị thượng đỉnh ASEM được tổ chức ở Việt Nam là một cơ hội để chúng ta giới thiệu với các nước về đất nước, con người Việt nam, đặc biệt là về đường lối đổi mới, về các thành tựu phát triển kinh tế, xã hội, dân chủ nhân quyền, phát triển nguồn nhân lực...của chúng ta. Chúng ta sẽ chứng tỏ cho các nước thấy rằng một dân tộc đã phải hy sinh vô cùng to lớn để đấu tranh giành cho được độc lập tự do, dân chủ như chúng ta thì cũng là một dân tộc biết quý trọng giá trị của hoà bình, tự do, dân chủ. Của dân, do dân và vì dân là bản chất của nhà nước ta. Chúng ta sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm của mình với các nước, đóng góp vào sự hợp tác chung giữa các châu lục cũng như trên thế thế giới. Không có sự thuyết phục nào lại sống động hơn là thực tiễn đang diễn ra hàng ngày tại Việt Nam và trong những ngày diễn ra Hội nghị, các nhà lãnh đạo các nước chắc chắn sẽ có cơ hội tiếp xúc, tìm hiểu thực tiễn, từ đó có được sự hiểu biết sâu sắc hơn về thực tế ở Việt Nam.

- Thưa Bộ trưởng, Hội nghị ASEM 5 kết thúc cũng có nghĩa là bắt đầu một giai đoạn mới trong phát triển hợp tác Á-Âu. Chúng ta sẽ triển khai những nội dung cụ thể gì để sự hợp tác đó sống động và thực chất hơn, đúng như chủ đề của Hội nghị đã đề ra?

Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên:

Tại Hội nghị lần này, chúng ta đưa ra hai sáng kiến là Hợp tác ASEM về ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực; Hợp tác EU-châu Á về công nghệ sạch. Một số nước cũng đưa thêm những sáng kiến khác. Sau khi được hội nghị thông qua, những nội dung đó sẽ được các nước phối hợp triển khai cùng với những vấn đề cốt lõi của 3 trụ cột chính trị, kinh tế, văn hoá, cụ thể hoá để đưa chúng vào trong đời sống, làm cho quá trình hợp tác Á-Âu trở nên thực tiễn hơn, sống động hơn.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer