Thủ tướng Phan Văn Khải trả lời phỏng vấn Tạp chí "Tuần kinh tế" (Đức)
Câu hỏi 1: Việt Nam hiện nay là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam á. Xin Ngài cho biết tình hình cải cách chính trị, kinh tế và xã hội của Việt Nam hiện nay.
Trả lời:
Trong những năm gần đây, Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nhưng cũng xin lưu ý rằng, nước chúng tôi xuất phát chậm hơn và có trình độ phát triển thấp hơn một số nước trong khu vực, nên mặc dù đã đạt được tốc độ đó, nhưng vẫn chưa thực hiện được mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội, do vậy còn phải làm nhiều việc hơn nữa để đẩy nhanh công cuộc đổi mới toàn diện kinh tế - xã hội ở trong nước, đồng thời chủ động hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc tham gia các tổ chức hợp tác khu vực và tiến tới gia nhập WTO.
Cuộc cải cách kinh tế - xã hội của Việt Nam bắt đầu bằng cải cách kinh tế với nội dung chủ yếu là chuyển nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Cuộc cải cách về chính trị được thực hiện trên cơ sở những thành tựu cải cách về kinh tế, nhằm bảo đảm ổn định tình hình chính trị, xã hội của đất nước.
Cốt lõi của cuộc cải cách kinh tế là tạo lập môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư và kinh doanh của tất cả các loại hình doanh nghiệp trên cơ sở một hệ thống luật pháp được đổi mới phù hợp với nguyên tắc thị trường và chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Có thể nói rằng, hầu như chúng tôi phải xây dựng mới toàn bộ pháp luật kinh tế, phải sửa đổi cả Hiến pháp để phù hợp với cơ chế kinh tế mới. Đó là công việc đầy khó khăn, vì chưa có tiền lệ đối với nền kinh tế đang chuyển đổi diễn ra trên đất nước chúng tôi.
Mặc dù vậy, cho đến nay, tôi có thể nói với Ngài rằng, chúng tôi đã vượt qua được những thách thức to lớn và đã đạt được một số thành quả đáng khích lệ. GDP năm 2000 tăng gấp đôi năm 1991. Từ năm 2001 đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước; năm 2003 là 7,2%. Nhìn chung lại trong hơn 10 năm qua kinh tế Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng GDP khá cao 5-7%/năm và bền vững ngay cả khi gặp khủng hoảng kinh tế khu vực. Kim ngạch xuất khẩu hàng năm có tốc độ tăng trưởng gấp hai lần tốc độ tăng trưởng GDP; năm 2003 lần đầu tiên đạt mức 20 tỷ USD bằng 50% GDP. Trong đó, hàng công nghiệp chế tạo có nhịp độ tăng trưởng nhanh nhất, nhờ đó mà kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này năm 2003 bằng 4 lần năm 1995. Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về một số mặt hàng nông sản như gạo, cà phê, hồ tiêu.
Tôi muốn dẫn ra đây một vài ví dụ điển hình về việc đổi mới tư duy luật pháp ở Việt Nam. Cuối năm 1987, Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được ban hành. Luật này được xây dựng trên cơ sở tham khảo 18 đạo luật hiện hành của một số nước, có tính đến tình hình thực tế của Việt Nam; ngay khi mới ra đời đã được dư luận quốc tế đánh giá là một Luật đầu tư hấp dẫn nhất vào thời kỳ đó. Do vậy, chúng tôi đã thu hút được một lượng vốn đầu tư nước ngoài 24 tỷ USD. Khu vực kinh tế này đã tạo ra 14,3 % GDP và 31% kim ngạch xuất khẩu.
Năm 2000 chúng tôi ban hành Luật doanh nghiệp theo tư tưởng chỉ đạo: "Mọi công dân có năng lực pháp lý đều được kinh doanh những lĩnh vực và ngành nghề mà pháp luật không cấm", thay cho nếp nghĩ trước đây "chỉ được kinh doanh những gì Nhà nước cho phép". Nhờ vậy, chỉ trong khoảng 3 năm, đã kích thích hàng chục nghìn doanh nghiệp tư nhân ra đời với số vốn đăng ký đầu tư xấp xỉ 10 tỷ USD, tạo việc làm cho gần 6 triệu lao động.
Cũng như nhiều nền kinh tế đang chuyển đổi, chúng tôi tích cực sắp xếp lại các tổ chức kinh tế, đổi mới quản lý, nâng cao hiệu quả của khu vực kinh tế Nhà nước. Công việc đầy khó khăn này được tiến hành theo một chương trình dài hạn, từ chỗ có 12 nghìn doanh nghiệp Nhà nước trong những năm đầu của thập kỷ 90 thế kỷ trước, nay chỉ còn khoảng 4700 doanh nghiệp. Chúng tôi dự kiến từ nay đến cuối năm 2005, sẽ tiếp tục xắp xếp theo hướng cổ phần hoá khoảng 2000 doanh nghiệp.
Cải cách tài chính - ngân hàng là lĩnh vực được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Những thành tựu trong lĩnh vực này đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hạn chế bội chi ngân sách, kiềm chế lạm phát, bảo đảm tính minh bạch của tài chính nhà nước, xoá bỏ dần bao cấp qua tín dụng, áp dụng tỷ giá và lãi suất phù hợp với thị trường, gia tăng huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Trong lĩnh vực xã hội, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến mục tiêu xoá đói giảm nghèo. Một chương trình dài hạn huy động nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, đặc biệt từ các tầng lớp dân cư theo truyền thống của dân tộc chúng tôi "Lá lành đùm lá rách", đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng mỗi năm để làm hàng vạn nhà ở cho người nghèo, những nỗ lực to lớn đó cùng với sự trợ giúp quốc tế đã đưa đến nhưng thành tựu quan trọng. Việt Nam được đánh giá là một trong những nước đạt được kết quả đáng khích lệ trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo, theo điều tra của các tổ chức quốc tế, trong 10 năm qua tỷ lệ này đã giảm từ 58% của năm 1992 xuống còn 11% năm 2003.
Cuộc cải cách kinh tế và xã hội đã dẫn đến kết quả mà mọi người dân đều nhận biết, đó là nâng cao thu nhập của các tầng lớp dân cư, cải thiện điều kiện sống và tạo cơ hội làm việc cho mọi người dân, vì vậy mà người Việt Nam chúng tôi thường nói: Công cuộc đổi mới kinh tế đã làm "đổi đời" cho nhân dân.
Tôi cũng vui mừng thông báo với Ngài rằng: Tỷ lệ người dân biết chữ ở Việt Nam đạt trên 91%; chúng tôi đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, đang tiến tới phổ cập giáo dục trung học; quan tâm phát triển hệ thống giáo dục quốc dân và chú trọng chăm sóc sức khoẻ của nhân dân. Tuy vậy, trong lĩnh vực này, vấn đề chất lượng giáo dục, khám chữa bệnh, phòng bệnh, phòng dịch hiện đang nổi lên như những vấn đề cần được tập trung giải quyết.
Việt Nam cũng được dư luận quốc tế đánh giá là nước có tình hình chính trị ổn định, an ninh xã hội được bảo đảm. Nhà nước bảo đảm và tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân; các công việc của đất nước đều do “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ". Hệ thống pháp luật không ngừng được hoàn thiện nhằm xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, phù hợp với đòi hỏi của cơ chế thị trường và lộ trình của Việt Nam cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.
Câu hỏi 2: Xin Ngài cho biết cơ hội đầu tư vào Việt Nam đối với các doanh nghiệp Đức?
Trả lời:
Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Gehard Shroeder tháng 5/2003, Tôi và Ngài Thủ tướng đã kiểm điểm quá trình phát triển quan hệ giữa hai nước; vui mừng nhận thấy rằng: Chúng ta đang đi đúng hướng, đồng thời đã thống nhất thúc đẩy mối quan hệ đó trên mọi phương diện như văn hoá, giáo dục, khoa học và công nghệ, nhất là trong thương mại và đầu tư.
Với 82 triệu dân, Việt Nam có nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, có văn hoá và khả năng tiếp cận công nghệ mới, có hàng chục nghìn người Việt Nam từng học tập, công tác ở Đức, hiểu biết đời sống, phong tục tập quán và văn hóa Đức. Nhờ tăng trưởng kinh tế liên tục trong hơn 10 năm qua nên đời sống nhân dân Việt Nam không ngừng được cải thiện, sức mua của thị trừơng nội địa đang tăng lên nhanh chóng, nhất là tại các khu vực đô thị, khu công nghiệp... Đồng thời Việt Nam đã đạt được và luôn phấn đấu giữ vững điều mà các nhà đầu tư quốc tế quan tâm, đó là luôn giữ vững được ổn định chính trị và an toàn xã hội, có chính sách cởi mở đối với các nhà đầu tư nước ngoài, được đánh giá là một thị trường tiềm năng, năng động. Luật đầu tư ra đời năm 1987 đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung theo hướng tạo môi trường thông thoáng, hấp dẫn để các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động ổn định, lâu dài và có hiệu quả ở Việt Nam. Thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế Việt Nam, được hưởng ưu tiên trong chính sách thuế, đất đai, tín dụng; được khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, dịch vụ công nghệ cao. Hiện nay Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập quốc tế mà mục tiêu là đàm phán gia nhập WTO trong năm 2005 với nhiều cam kết mở cửa thị trường và các lĩnh vực đầu tư quan trọng, điều này đã và đang tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư quốc tế đến kinh doanh tại Việt Nam.
Các nhà đầu tư của Đức đến Việt Nam khá sớm. Nhưng cho đến nay, đầu tư của Đức ở Việt Nam còn khiêm tốn: 49 dự án có hiệu lực với tổng vốn đăng kí 243,9 triệu USD. Tôi tin tưởng rằng, các doanh nghiệp Đức sẽ nắm bắt những cơ hội thuận lợi, tăng cường đầu tư vào Việt Nam, đưa quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Đức ngang tầm với quan hệ chính trị, tương xứng với sức mạnh kinh tế của nước Đức.
Câu hỏi 3: Xin Ngài cho biết những biện pháp tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Châu Âu nói chung, giữa Việt Nam và CHLB Đức nói riêng?
Trả lời:
Việt Nam luôn luôn coi Cộng đồng kinh tế Châu Âu - EU là một đối tác quan trọng trong chiến lược đối ngoại của mình. Việc EU mở rộng vừa qua càng tăng thêm vị thế của EU trên thế giới.
Chúng tôi nhất quán chủ trương mở rộng quan hệ hợp tác toàn diện với EU và với các nước thành viên EU, đặc biệt là các nước lớn, trong đó có CHLB Đức.
Để quan hệ hợp tác đó đạt được kết quả như hai bên mong muốn thì cần có những nỗ lực giải quyết tốt những khác biệt còn tồn tại.
Tôi đánh gía cao quan hệ chính trị giữa Việt Nam và EU và cho rằng, đó là nền tảng quan trọng để thúc đẩy hợp tác cùng phát triển. Những cuộc viếng thăm cấp cao và các cuộc trao đổi ý kiến giữa các cơ quan hữu quan của hai bên cần được thực hiện đều đặn và thực chất, để giải quết các vấn đề mà cuộc sống đang đặt ra.
Về phía chúng tôi, Chính phủ đã đề ra phương hướng và giải pháp cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại hai chiều với EU cùng nhiều giải pháp khác để mở rộng quan hệ với EU.
Nhân đây, tôi cũng bầy tỏ mong muốn EU và Chính phủ các nước thành viên có những giải pháp khuyến khích và tạo điều kiện để các doanh nghiệp của mình vào Việt Nam đầu tư và kinh doanh; điều chỉnh việc bảo lãnh tín dụng thương mại và đầu tư cho Việt Nam. Nhân dịp này, tôi muốn bày tỏ lời cảm ơn Thủ tướng Gerhard Schroeder đã ủng hộ việc nâng mức bảo hiểm Hermes cho Việt Nam. Các nước Châu Âu nói chung và các nước EU nói riêng nên xem xét tăng hạn ngạch dệt may, tiến tới loại bỏ hạn ngạch đối với Việt Nam từ năm 2005; xem xét biện pháp hỗ trợ để hàng hóa Việt Nam xuất sang các nước này không bị phân biệt đối xử .
Một biện pháp quan trọng là tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư và trao đổi thương mại qua các hình thức diễn đàn, hội thảo... cần được tăng cường hơn nữa, để nâng cao hiểu biết và quảng bá chính sách ưu đãi đầu tư nước ngoài của Việt Nam, giúp các giới kinh doanh có điều kiện hoạch định chiến lược kinh doanh của mình.
Câu hỏi 4: Theo Ngài, có những lựa chọn nào để tăng cường hợp tác hơn nữa với các nước Đông Nam á khác?
Trả lời:
Tôi cho rằng việc tăng cường hợp tác giữa EU và CHLB Đức với các nước Đông Nam A' khác là một xu hướng phù hợp với việc hội nhập sâu hơn của ASEAN. Việt Nam, với tư cách là một thành viên ASEAN, hết sức ủng hộ việc mở rộng mối quan hệ đó.
ASEAN là một tổ chức kinh tế khu vực, có sự hợp tác đa dạng, đang thúc đẩy quá trình hội nhập: Từ AFTA hiện nay chuyển sang xây dựng Cộng đồng ASEAN, trong đó có 3 trụ cột chính là Cộng đồng kinh tế ASEAN, Cộng đồng an ninh và chính trị, Cộng đồng văn hoá và xã hội. Do vậy việc mở rộng quan hệ giữa hai bên vừa cần triển khai trên bình diện của cả tổ chức ASEAN, vừa cần thúc đẩy hợp tác song phương với từng nước ASEAN.
ASEAN gồm 10 nước có ba mức độ phát triển khác nhau; tiềm lực của mỗi nước trong quan hệ hợp tác với EU và CHLB Đức cũng khác nhau. Đối với những nước phát triển nhất trong ASEAN như Singapore, Malayxia, Thái Lan, tôi nghĩ rằng quan hệ hợp tác giữa EU và Đức với các nước đó sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ cùng với quá trình xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN.
Đối với những nước kém phát triển hơn trong ASEAN thì quá trình hợp tác sẽ đặt ra những vấn đề riêng đối với từng nước và để quá trình đó được phát triển thuận lợi, tôi cho rằng EU và CHLB Đức cần có sự hỗ trợ đặc biệt thì mới đạt được kết quả tốt đẹp.
Câu hỏi 5: Xin Ngài cho biết bằng cách nào Việt Nam đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính ở Châu á và phát triển vững mạnh?
Trả lời:
Cuộc khủng hoảng tài chính Châu á năm 1997 đã có những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế Việt Nam, rõ nhất là việc sút giảm xuất khẩu của Việt Nam trong các năm 1998-2000, thậm chí có năm kim ngạch xuất khẩu bị giảm sút và đầu tư nước ngoài cũng suy giảm. Từ năm 2001 đến nay hoạt động kinh tế nói chung trong đó có thương mại và đầu tư đã được phục hồi.
Chúng tôi đã vượt qua được khủng hoảng có phần do nguyên nhân khách quan. Đó là Việt Nam nằm ngoài vòng xoáy của cuộc khủng hoảng, nên chịu tác động không lớn như đối với một số nước khác; về chủ quan, Chính phủ đã kịp thời đề ra các giải pháp có liên quan đến chính sách tài chính, tiền tệ, như xử lý linh hoạt lãi suất, giảm thuế để khuyến khích xuất khẩu, nới lỏng kiểm soát tín dụng đặc biệt là mở rộng tín dụng hỗ trợ xuất khẩu, không nghe theo các lời khuyên về phá giá đồng tiền mà áp dụng điều chỉnh từng bước tỷ giá theo biến động của tình hình kinh tế trong nước, đặc biệt là việc ban hành Luật doanh nghiệp năm 2000 đã khơi dậy hoạt động đầu tư tư nhân. Đó là những giải pháp chủ yếu mà theo kinh nghiệm của chúng tôi: Trong thời kỳ có biến động và khủng hoảng, mỗi nước cần chủ động đưa ra hệ thống các giải pháp thích hợp đối với nước mình; bởi vì khó mà có được một bài thuốc có thể chữa được tất cả bệnh, cho nên không thể có giải pháp chung để giải quyết vấn đề riêng của từng nước.
Câu hỏi 6: Xin Ngài cho biết về vị trí của Việt Nam trước Trung Quốc, một cường quốc về kinh tế đang nổi lên.
Trả lời:
Như các bạn đã biết Trung Quốc từ chỗ là thị trường lớn, đông dân, hiện đang trở thành công xưởng lớn của thế giới. Hàng hoá của Trung Quốc có chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh đang được tiêu thụ trên khắp các thị trường ở các Châu lục.
Cũng như nhiều nước trong khu vực, Việt Nam đang đứng trước thách thức cạnh tranh với hàng hoá của Trung Quốc ngay tại thị trường nội địa, cũng như trên một số thị trường mà ở đó Việt Nam và Trung Quốc có chung các loại sản phẩm xuất khẩu, ví dụ hàng may mặc, dày dép.
Trước tình hình phát triển năng động của Trung quốc, phương châm thích nghi của chúng tôi là nâng cao khả năng hợp tác và cạnh tranh. Một mặt, các doanh nghiệp Việt Nam phải tự đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra các mặt hàng đa dạng. Tôi vui mừng thông báo với Ngài rằng, đã có các kết quả khả quan của quá trình đó. Mặt khác, chúng tôi coi trọng việc mở rộng quan hệ hợp tác trên tất cả các bình diện, các Bộ, ngành của hai nước Việt - Trung, các địa phương, các doanh nghiệp giữa hai nước. Trong cuộc thăm chính thức của Tôi tại Trung Quốc gần đây, Tôi và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã đạt được thoả thuận về việc tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước theo phương châm "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai". Trong cuộc gặp đó Tôi đã đề ra sáng kiến về việc xây dựng hai hành lang kinh tế: Tây Nam và Bắc Nam, mỗi hành lang thu hút một số Tỉnh vùng biên giới của hai nước cùng hợp tác phát triển. Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã hoan nghênh sáng kiến đó và chúng tôi đã giao cho các cơ quan của hai nước biến các ý tưởng đó thành hiện thực.
Việt Nam sẽ tăng cường quan hệ với Trung Quốc trên cả hai bình diện: Quan hệ song phương giữa hai nước và quan hệ đa phương trong khuôn khổ khu vực mậu dịch tự do ASEAN+ Trung Quốc hiện đang được xúc tiến mạnh mẽ, trong đó Việt Nam là cửa ngõ cho các hoạt động kinh doanh giữa ASEAN và Trung Quốc.
Nhân đây, tôi muốn qua tạp chí Tuần kinh tế gửi đến độc giả của tạp chí và toàn thể nhân dân CHLB Đức lời chào hữu nghị, chúc cho quan hệ hợp tác giữa hai nước chúng ta, cũng như giữa Việt Nam với EU nói chung thu được nhiều thành tựu tốt đẹp, phục vụ lợi ích của nhân dân hai nước./.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |
Các tin liên quan: |
|