Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Ria Novosti (Nga)


(nhân chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Trần Đức Lương)

1. Chương trình và nội dung chủ yếu của chuyến thăm hữu nghị chính thức Liên bang Nga sắp tới của Chủ tịch nước Trần Đức Lương:

Đây là chuyến thăm chính thức Liên bang Nga lần thứ hai của Chủ tịch nước Trần Đức Lương kể từ năm 1998. Trong khuôn khổ chuyến thăm này, Chủ tịch nước Trần Đức Lương sẽ hội đàm với Tổng thống Liên bang Nga V. Pu-tin, gặp Chủ tịch Chính phủ Liên bang Nga và Chủ tịch Đu-ma quốc gia. Bên cạnh các cuộc tiếp xúc chính thức, Chủ tịch nước sẽ dự Hội thảo giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Liên bang Nga, thăm Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, tiếp Lãnh đạo Hội Hữu nghị Nga - Việt.

Trong thời gian hội đàm với Tổng thống V. Pu-tin, hai nhà Lãnh đạo sẽ thông báo cho nhau về tình hình chính trị, kinh tế của mỗi nước thời gian gần đây; trao đổi ý kiến về việc củng cố và tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống và sự hợp tác nhiều mặt giữa hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Liên bang Nga, về các vấn đề quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm.

Trong chuyến thăm lần này, hai Bên sẽ ra Tuyên bố chung về kết quả chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Trần Đức Lương.

2. Nhận định chung về kết quả hợp tác Việt – Nga trong thời gian qua kể từ chuyến thăm vào năm 1998:

Sau chuyến thăm hữu nghị chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Trần Đức Lương vào năm 1998, quan hệ Việt Nam – Liên bang Nga đã có những bước phát triển mạnh mẽ và năng động.

Quan hệ chính trị giữa hai nước được tăng cường. Hai Bên duy trì cơ chế tiếp xúc và gặp gỡ cấp cao, thể hiện qua các chuyến thăm lẫn nhau của các nhà Lãnh đạo hai nước. Trước hết phải kể đến chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Liên bang Nga V. Pu-tin vào tháng 3/2001, các chuyến thăm Liên bang Nga của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (tháng 10/2002), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (tháng 1/2003), các chuyến thăm của Thủ tướng hai nước.

Tháng 6/2004 này, hai nước sẽ kỷ niệm 10 năm ngày ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

Việt Nam và Liên bang Nga đã phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn quốc tế, ủng hộ lẫn nhau ứng cử vào các vị trí của các tổ chức và cơ quan quốc tế khác nhau. Năm 1998 hai nước đã cùng được kết nạp là thành viên chính thức của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC).

Chính cơ sở chính trị thuận lợi ấy đã tạo điều kiện thuận lợi để hai nước đẩy mạnh quan hệ kinh tế - thương mại thời gian qua.

Kể từ 1998, kim ngạch thương mại Việt - Nga có xu hướng tăng, năm 1999 đạt 402 triệu USD, năm 2000 đạt 355 triệu USD, năm 2001 đạt hơn 571 triệu USD, năm 2002 đạt 700 triệu USD, năm 2003 đạt 651,3 triệu USD. Tuy nhiên, kim ngạch thương mại song phương vẫn còn ở mức thấp, chiếm tỉ trọng nhỏ trong cơ cấu xuất nhập khẩu của mỗi nước.

Thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí là lĩnh vực hợp tác có hiệu quả cao, đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách hai nước. Liên doanh "Vietsovpetro" tiếp tục là biểu tượng của sự hợp tác Việt - Nga, là trụ cột của ngành thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam. Tháng 10/2003 sản lượng khai thác đã đạt 125 triệu tấn dầu thô kể từ khi bắt đầu khai thác. Doanh thu từ việc bán dầu thô năm 2003 đạt 2,9 tỉ USD.

Hai nước tiếp tục hợp tác tốt trong việc xây dựng các công trình năng lượng tại Việt Nam như Nhà máy thuỷ điện Y-a-li (khánh thành tháng 4/2002); đã khởi công xây dựng Nhà máy thuỷ điện Sê-san - 3 và chuẩn bị ký kết hợp đồng về dự án Nhà máy thuỷ điện Plây-crông bằng nguồn tín dụng Nhà nước 100 triệu USD của Chính phủ Liên bang Nga…vv. Sự hợp tác trong các lĩnh vực khoa học - kỹ thuật, văn hoá - giáo dục không ngừng được mở rộng.

3. Đánh giá của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam về triển vọng và phương hướng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh trên thế giới và khu vực đang diễn ra những thách thức và khó khăn mới liên quan đến tiến trình toàn cầu hoá và cuộc chiến chống khủng bố:

Việt Nam và Liên bang Nga có quan hệ hữu nghị và truyền thống hợp tác lâu đời. Để tạo khuôn khổ hợp tác trong thời kỳ mới, hai Bên đã ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2001. Việt Nam coi Liên bang Nga là đối tác truyền thống tin cậy, là một trong những hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mình. Chúng tôi cho rằng, quan hệ giữa hai nước có triển vọng phát triển tốt đẹp.

Khi quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia, Việt Nam và Liên bang Nga sẽ nỗ lực phát huy sự hợp tác hiệu quả trong các lĩnh vực truyền thống như đã nói ở trên và mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới, nhất là lĩnh vực phát triển công nghệ cao.

Trong tình hình hiện nay, Việt Nam và Liên bang Nga sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó có hợp tác chống khủng bố và cùng với các nước khác phấn đấu vì một trật tự thế giới mới công bằng, đáp ứng nguyện vọng của các dân tộc, vì hoà bình, ổn định và hợp tác trên toàn thế giới./.

 

 

 

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer