Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Chủ tịch nước Trần Đức Lương trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả chuyến thăm Bra-xin, Chi-lê và Ác-hen-ti-na


Nhân kết thúc chuyến thăm chính thức Brazil, Chile và Argentina, Chủ tịch nước Trần Ðức Lương đã trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam, nội dung như sau:

Câu hỏi 1: Xin Chủ tịch cho biết kết quả và ý nghĩa chuyến thăm của Chủ tịch tới ba nước Nam Mỹ?

Trả lời:

Nhận lời mời của Tổng thống CHLB Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, Tổng thống CH Chile  Ricardo Lagos Escobar và Tổng thống CH Argentina  Nestor Kirchner, tôi đã dẫn đầu Ðoàn đại biểu cấp cao thăm Brazil, Chile và Argentina từ ngày 16 đến 23-11-2004. Ðây là chuyến thăm chính thức của nguyên thủ quốc gia Việt Nam lần đầu tiên tới Argentina và Chile và lần thứ hai sau 9 năm tới Brazil.

Tại mỗi nước đến thăm, chúng tôi đã tiến hành hội đàm với Tổng thống, hội kiến với lãnh đạo các ngành lập pháp  và  tư pháp,  thăm cơ sở  kinh tế, khoa học-công nghệ mũi nhọn, gặp gỡ doanh nghiệp hai nước và một số hoạt động khác. Bên cạnh việc thông báo cho nhau về tình hình mỗi nước, trao đổi ý kiến về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, chúng tôi đã tập trung bàn về phương hướng và các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường và mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác song phương trên tất cả các mặt, nhất là về kinh tế -thương mại và khoa học - công nghệ.

Lãnh đạo và nhân dân các nước đến thăm đều bày tỏ ngưỡng mộ cuộc  đấu tranh anh hùng của nhân dân ta trước đây và những thành tựu của công cuộc đổi mới ngày nay, đánh giá chuyến thăm của nguyên thủ quốc gia Việt Nam có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu bước phát triển mới quan trọng góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị và hợp tác song phương lên tầm cao mới. Các nước bạn khẳng định coi trọng vai trò và vị trí của Việt Nam và quyết tâm thúc đẩy hơn nữa quan hệ với Việt Nam. Lãnh đạo và nhân dân các nước đã dành cho Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sự đón tiếp nồng nhiệt, trọng thị, chu đáo và rất tình cảm.

Nhân dịp này, ta đã đạt được với cả ba nước Thỏa thuận kết thúc đàm phán song phương về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các thỏa thuận miễn thị thực đối với người mang hộ chiếu ngoại giao và dành cho nhau quy chế tối huệ quốc trong thương mại với Brazil, Hiệp định Hợp tác nghề cá và Ý định thư đàm phán để đi đến ký kết Hiệp định khung về Hợp tác Khoa học-Công nghệ với Chile; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng ký kết Thỏa thuận hợp tác với các đối tác Brazil và Argentina. Các nước đều bày tỏ mong muốn Việt Nam sớm gia nhập WTO và ủng hộ Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ khóa 2008 - 2009.

Chuyến thăm chính thức Argentina, Brazil và Chile lần này là bước triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế theo tinh thần Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, phấn đầu vì hòa bình, hợp tác và phát triển mà Ðảng ta đã đề ra. Chuyến thăm đánh dấu bước phát triển mới quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước đến thăm, góp phần tăng cường hiểu biết, thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hữu nghị và hợp tác song phương trên các mặt đi vào chiều sâu thực chất.

Câu hỏi 2: Chuyến thăm đã mở ra những triển vọng như thế nào cho việc phát triển quan hệ giữa Việt Nam với các nước nói trên và khu vực Mỹ La-tinh nói chung?

Trả lời:

Kết quả tốt đẹp của các cuộc hội đàm, trao đổi ý kiến ở cấp cao, cùng với các hiệp định, thỏa thuận đạt được trong dịp này chắc chắn sẽ góp phần mở ra một thời kỳ phát triển mới trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước Brazil, Chile, Argentina nói riêng và với khu vực Mỹ la-tinh nói chung.

Như trên đã nói, lãnh đạo và nhân dân các nước đến thăm lần này cũng như các nước Mỹ la-tinh nói chung đều rất ngưỡng mộ lịch sử đấu tranh anh hùng vì độc lập, tự do và quyền tự quyết của nhân dân ta. Rất nhiều người, kể cả các vị lãnh đạo thuộc thế hệ đã từng xuống đường biểu thị tình đoàn kết, hữu nghị với nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến cứu nước trước đây và ngày nay tiếp tục dành cho Việt Nam thiện cảm và sự ủng hộ mạnh mẽ.

Brazil, Chile và Argentina là ba nước lớn, có nền kinh tế phát triển hàng đầu ở Mỹ la-tinh, trình độ khoa học-công nghệ cao trong một số lĩnh vực như khai khoáng, luyện kim, chế tạo máy, sinh học... Các nước này cũng có ngành trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản rất phát triển. Những kinh nghiệm tốt của bạn trong các lĩnh vực này rất đáng học tập để góp phần phục vụ công cuộc CNH, HÐH đất nước ta.

Trong chính sách đối ngoại của mình, ba nước nói trên đều chủ trương hướng mạnh về châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Cả ba nước đều có nhu cầu mở rộng đầu tư ra nước ngoài, nhập khẩu nhiều loại hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong nước, trong đó có một số sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh như gạo, chè, cà-phê, cao-su, đồ điện và điện tử gia dụng, đồ may mặc, giày dép...

Những điều kể trên là những yếu tố thuận tạo điều kiện cho việc tăng cường và mở rộng hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác các mặt, nhất là về kinh tế-thương mại và khoa học-công nghệ với các nước trên cơ sở cùng có lợi và nhằm khai thác tối đa những tiềm năng và thế mạnh của nhau, vì lợi ích của nhân dân và phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển của mỗi nước. Chính phủ và giới doanh nghiệp ở ba nước cho biết sắp tới họ sẽ đẩy mạnh việc tìm hiểu thị trường, cơ hội đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam, xúc tiến thương mại để gia tăng kim ngạch ngoại thương với Việt Nam.

Với thiện chí và quyết tâm từ cả hai phía, quan hệ hữu nghị và hợp tác trên các mặt giữa Việt Nam với Argentina, Brazil và Chile đang đứng trước triển vọng sáng sủa. Việc tăng cường quan hệ với ba nước Nam Mỹ này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng quan hệ hợp tác với các nước Mỹ la-tinh khác.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer