Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ sáu, ngày 27 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Bài viết của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên đăng trên Báo Đầu tư nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thụy Điển


Quan hệ Việt Nam - Thụy Điển: Một mẫu mực của mối quan hệ Bắc – Nam

Nguyễn Dy Niên

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao

Ngạn ngữ xưa có câu "Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ", tức là dù có xa cách nhau đến ngàn dặm, nhưng có tình cảm với nhau thì vẫn thấy gần gũi. Câu nói đó thật là đúng với mối quan hệ gắn bó giữa Việt Nam và Thụy Điển - một đất nước xa xôi, nằm ở khu vực Bắc Âu, giáp với cực Bắc của trái đất, cách chúng ta hàng chục ngàn dặm. Trong những năm tháng mà nhân dân Việt Nam đang phải hứng chịu sự tàn phá khốc liệt của cuộc chiến tranh xâm lược, nhân dân Thụy Điển - những con người yêu chuộng hoà bình, công lý và giàu tình nhân ái – đã tổ chức những cuộc diễu hành, những đêm đốt đuốc xuống đường phản đối chiến tranh, góp phần tích cực vào sự hình thành và phát triển phong trào nhân dân thế giới đoàn kết và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam chống xâm lược, vì độc lập và thống nhất Tổ quốc. Trong tâm khảm, người Việt Nam mãi mãi khắc sâu hình ảnh Bộ trưởng Giáo dục Olof Pamer (sau này giữ chức Thủ tướng) dẫn đầu đoàn biểu tình Thụy Điển phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Thụy Điển cũng là nước phương Tây đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (11/01/1969). Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước không ngừng được vun đắp, củng cố và phát triển.

Nói đến Thụy Điển, chúng ta không chỉ nhắc đến sự ủng hộ tinh thần và tình cảm hữu nghị đối với Việt Nam mà chúng ta còn ghi nhận sự giúp đỡ vật chất to lớn, hào hiệp và có hiệu quả mà Chính phủ và nhân dân Thụy Điển đã dành cho nhân dân Việt Nam trong suốt gần bốn thập kỷ qua. Các công trình như Bệnh viện Nhi Thụy Điển, Bệnh viện Đa khoa Uông Bí, Nhà máy Giấy Bãi Bằng và nhiều công trình khác do Thụy Điển giúp xây dựng là những biểu tượng sinh động của mối quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Thụy Điển. Sự giúp đỡ của Thụy Điển đối với Việt Nam không chỉ có giá trị to lớn về vật chất mà còn có giá trị tinh thần lớn lao. Sự giúp đỡ đó có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh Việt Nam còn nhiều khó khăn, bị bao vây cấm vận của nhiều nước phương Tây. Vượt qua thử thách của thời gian và những thách thức của thời cuộc, nhân dân Việt Nam và nhân dân Thụy Điển đã cùng đắp xây mối tình hữu nghị bền chặt, đưa quan hệ Việt Nam - Thụy Điển trở thành một mẫu mực tiêu biểu cho mối quan hệ Bắc – Nam. Ngày nay, Chính phủ và nhân dân Thụy Điển tiếp tục giúp đỡ Việt Nam nhiều chương trình, dự án trong các lĩnh vực xoá đói giảm nghèo, cải cách kinh tế, cải cách hành chính, năng lượng, y tế, luật pháp... Các chương trình và dự án hợp tác của Thụy Điển thông qua Quỹ Phát triển Quốc tế Thụy Điển (SIDA) đã phát huy kết quả tích cực, góp phần vào việc cải thiện đời sống của nhiều người dân các vùng nhận viện trợ, phát triển kinh tế-xã hội và xoá đói giảm nghèo ở Việt Nam.

Hai nước đã trao đổi nhiều đoàn ở tất cả các cấp, các ngành nhằm tăng cường tiếp xúc và thúc đẩy quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Nhiều nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ ta đã đi thăm hữu nghị chính thức Thụy Điển, trong đó có cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1974), Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1995), Thủ tướng Phan Văn Khải (1999). Nhiều nhà lãnh đạo Thụy Điển cũng đã đi thăm Việt Nam, trong đó có Thủ tướng Carl Bildt (1994), Nhà Vua Carl XVI Gustaf và Hoàng hậu Silvia (2004) và Thủ tướng Goran Persson(2004). Chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam tháng 2/2004 của Nhà vua và Hoàng hậu Thụy Điển, đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao đã đánh dấu một mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai nước và đã nâng quan hệ hai nước lên một tầm cao mới.

Quan hệ chính trị, ngoại giao và hợp tác phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và Thụy Điển là nền tảng vững chắc để hai nước thúc đẩy và tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư, cải biến mối quan hệ theo mô thức giữa nước viện trợ và nước nhận viện trợ trước đây trở thành mối quan hệ hợp tác bình đẳng, cùng có lợi. Trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, Việt Nam đã chứng tỏ là một thị trường có nhiều tiềm năng, được các nhà đầu tư và doanh nghiệp Thụy Điển đánh giá là có môi trường ổn định, năng động với nhiều cơ hội làm ăn hấp dẫn. Nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp Thụy Điển trong các lĩnh vực cơ khí chế tạo, tin học, viễn thông, hoá chất, giấy - bột giấy, chế biến gỗ đã có mặt ở Việt Nam và gặt hái những thành công nhất định như Comvik, ABB, Electrolux, Ikea... Hiện nay, Thụy Điển xếp thứ 18 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư ở Việt Nam, với tổng số vốn đầu tư trên 400 triệu USD. Mặc dù lượng đầu tư của Thụy Điển vào Việt Nam còn ở mức khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai bên, song ngày càng có nhiều nhà đầu tư Thụy Điển quan tâm đến thị trường Việt Nam.

Trao đổi thương mại hai nước ngày càng được chú trọng và thúc đẩy. Kim ngạch thương mại giữa hai nước chưa lớn, hiện nay mới chỉ ở mức trên 200 triệu USD, song luôn có xu hướng tăng dần theo từng năm. Chúng ta xuất khẩu sang thị trường Thụy Điển chủ yếu các mặt hàng như dệt may, giày dép, thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ, đồ gốm và nhập từ Thụy Điển các mặt hàng như nguyên liệu thô, hoá chất, bột giấy, vải sợi, chất dẻo nguyên liệu, máy móc thiết bị phụ tùng. Thụy Điển là thị trường khó tính, song có nhiều tiềm năng đối với nhiều mặt hàng của ta như hải sản, gạo, hạt tiêu, rau quả, nguyên liệu thô, sản phẩm da, cao su, đồ du lịch, xe đạp... Trong những năm qua, doanh nghiệp hai bên đã có nhiều hoạt động đẩy mạnh xúc tiến thương mại thông qua tham quan, khảo sát, nghiên cứu tiếp cận thị trường, tham dự hội chợ, mở trung tâm giới thiệu sản phẩm, cung cấp thông tin thị trường để doanh nghiệp hai nước nắm bắt nhu cầu và thị hiếu của nhau. Với tiềm năng lớn chưa được khai thác và nỗ lực của cả hai bên, quan hệ thương mại hai nước trong những năm tới sẽ có những bước phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Tiếp nối những mối quan hệ gắn bó trong lịch sử, sự giao lưu nhân dân giữa hai nước ngày càng được đẩy mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực văn hoá. "Ngày Văn hoá Việt Nam" được tổ chức tại Thụy Điển gần đây do Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao Thuỵ Điển và Công ty Comvik International Vietnam thuộc Tập đoàn Comvik – Kinnevik phối hợp tổ chức đã góp phần tăng cường sự hiểu biết và mối giao lưu nhân dân, làm phong phú thêm mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Thụy Điển. Một số tác phẩm văn học Việt Nam cũng đã được dịch ra tiếng Thụy Điển và chúng ta đã dịch ra tiếng Việt một số tác phẩm của Sara Lidman – nhà văn nổi tiếng người Thụy Điển.

Với bề dày lịch sử của quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp, cùng với quyết tâm chính trị ở cấp cao và nỗ lực của các cấp, ngành và doanh nghiệp hai nước, chúng ta có cơ sở vũng chắc để tin rằng quan hệ Việt Nam và Thụy Điển dựa trên cơ sở hợp tác bình đẳng, cùng có lợi sẽ không ngừng được củng cố và tăng cường, đáp ứng nguyện vọng chung của nhân dân Việt Nam và Thuỵ Điển./

Hà Nội, tháng 5 năm 2005

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer