Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ bẩy, ngày 21 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Chủ tịch nước Trần Đức Lương trả lời phỏng vấn báo The Korean Times (Hàn Quốc)


Câu hỏi 1: Những thay đổi về mọi mặt của Việt Nam trong 30 năm qua, nhất là từ khi tiến hành công cuộc đổi mới?

Trả lời: Ba mươi năm qua, đặc biệt là từ sau năm 1986 khi tiến hành công cuộc đổi mới được tiến hành, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện và có ý nghĩa lịch sử, thay đổi đời sống mọi mặt của người dân:. kinh tế tăng trưởng ở mức tương đối cao, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, tình hình chính trị và xã hội ổn định, quan hệ đối ngoại được mở rộng và vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.

Thành tựu nổi bật nhất là Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong nhiều năm liên tục. (Trong vòng 10 năm từ 1991 đến 2000, GDP của Việt Nam đã tăng gấp đôi, với tỷ lệ tăng bình quân hàng năm là 7,5%. Trong 3 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng bình quân là 7,1%, riêng năm 2004 đã tăng 7,6%.) Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP tăng dần, tỷ trọng nông nghiệp giảm dần.

Môi trường đầu tư nước ngoài của Việt Nam ngày càng thông thoáng và hấp dẫn hơn. Năm 2004, Việt Nam thu hút được 4,11 tỷ USD FDI trong đó 2,3 tỷ USD là dự án mới còn 1,8 tỷ là vốn bổ sung. Tính đến hết tháng 11/năm 2004, có hơn 5.1000 dự án đầu tư nước ngoài cònó hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 45,57 tỷ USD, trên 50% số dự án đã đi vào hoạt động với số vốn thực hiện trên 26 tỷ USD. Xuất khẩu Việt Nam cũng tăng liên tục trong nhiều năm, đạt 26 tỷ USD năm 2004. Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về một số mặt hàng nông sản như gạo, cà phê, hồ tiêu… Tại Việt Nam đã hình thành và từng bước phát triển các thị trường chứng khoán, thị trường tài chính, thị trường lao động, thị trường bất động sản…

Đi đôi với tập trung phát triển kinh tế, Nhà nước đặc biệt quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội, dành hơn 1/3 tổng vốn đầu tư của toàn xã hội cho các nhiệm vụ xoá đói giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hoá... Đời sống mọi mặt của người dân Việt Nam từ nông thôn đến thành thị, từ đồng bằng đến miền núi đã được cải thiện nhanh chóng. (Thu nhập GDP theo đầu người đã tăng gấp đôi trong giai đoạn từ 1995-2003. Trong vòng 10 năm từ 1993 đến 2002, Việt Nam đã giảm tỷ lệ nghèo chung theo chuẩn quốc tế từ mức 58% xuống còn 28,9% dân số, tương đương với khoảng 25 triệu người thoát khỏi cảnh nghèo đói và được Liên Hợp Quốc đánh giá là một trong những nước dẫn đầu thế giới về thành tích xóa đói giảm nghèo.)Thành tích này được Ngân hàng Thế giới, cộng đồng quốc tế công nhận và đánh giá cao.

như các bạn đã thấy rõ, Chính sách đối ngoại của Việt Nam “sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước” đã đem lại những kết quả rất tích cực. Đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 168 nước trên thế giới và quan hệ thương mại với 165 nước và vùng lãnh thổ. Hiện nay, Việt Nam là thành viên tích cực của nhiều tổ chức, diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM... Việt Nam cũng đang tiến gần đến việc gia nhập WTO.

Tóm lại, 30 năm qua đất nước chúng tôi đã có những thay đổi lớn lao trên tất cả mọi phương diện: đất nước đã thoát khỏi khủng hoảng kinh tế xã hội, kinh tế tăng trưởng ở mức tương đối cao, đời sống của các tầng lớp nhân dân không ngừng được cải thiện, tình hình chính trị và xã hội ổn định, quan hệ đối ngoại không ngừng được mở rộng và vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.

Câu hỏi 2: Những ảnh hưởng của cuộc chiến tranh Việt Nam đối với người dân Việt Nam?

Trả lời: Cuộc chiến tranh Việt Nam đã để lại hậu quả hết sức nặng nề cho dân tộc Việt Nam. Có lẽ trên thế giới ít có đất nước nào phải chịu đựng những tàn phá, mất mát và hậu quả dai dẳng của chiến tranh đối với con người, kinh tế, xã hội và môi trường-sinh thái như Việt Nam.

Ba mươi năm qua, Nhà nước Việt Nam đã có nhiều cố gắng cùng nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh. Đất nước đã được xây dựng lại, tiềm lực chung của đất nước và đời sống nhân dân đã được cải thiện nhiều so với trước chiến tranh. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn còn rất nhiều việc phải làm: tìm kiếm hài cốt gần 300.000 người bị mất tích, trợ cấp thường xuyên cho hơn 1,5 triệu thương binh, gia đình liệt sỹ, cho những nạn nhân và gia đình bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của chất độc da cam sử dụng trong chiến tranh...

Người dân Việt Nam không quên những gì mà chiến tranh đã gây ra. Tuy nhiên, xuất phát từ truyền thống yêu chuộng hoà bình, Việt Nam chủ trương không quên quá khứ, nhưng coi trọng hiện tại, hướng tới tương lai trong quan hệ với các nước.

Câu hỏi 3: Những dự định nhằm cải thiện hình ảnh của Việt Nam để Việt Nam không chỉ gắn liền với hình ảnh chiến tranh trong con mắt nhân dân Hàn Quốc?

Trả lời: Quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong hơn 10 năm qua đã phát triển nhanh chóng, những chuyến thăm giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và mối giao lưu ngày càng tăng giữa hai dân tộc đã và đang làm cho nhân dân hai nước hiểu rõ hơn về đất nước, lịch sử, văn hóa… của nhau, kiến lập quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai dân tộc vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Ngày càng nhiều người dân Hàn Quốc Tôi hy vọng rằng, nhân dân Hàn Quốc sẽ không chỉ biết Việt Nam qua những hình ảnh về cuộc chiến tranh Việt Nam mà còn biết đến Việt Nam là một đất nước đang phát triển năng động, thanh bình và ổn định, một điểm đến thân thiện đối với các du khách và một địa chỉ hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài. Tôi mong rằng các cơ quan thông tin đại chúng Hàn Quốc đóng góp tích cực vào việc làm cho người dân Hàn Quốc hiểu rõ, hiểu đúng về đất nước và con người Việt Nam.

Trong những năm qua, giữa hai nước thường xuyên tiến hành giao lưu trao đổi đoàn, từ những chuyến thăm cấp cao cho đến giao lưu giữa nhân dân hai nước. Các hoạt động này giúp nhân dân hai nước hiểu rõ về đất nước, lịch sử, văn hóa… của nhau hơn, thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị giữa hai dân tộc. Trong tương lai tôi hy vọng rằng ngày càng có nhiều du khách, nhiều nhà nghiên cứu Hàn Quốc đến với Việt Nam.

Câu hỏi 4: Xin Ngài cho biết đôi nét về quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc hiện nay: những thuận lợi và trở ngại, những lĩnh vực hợp tác cấp thiết và tiềm năng?Quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc hiện nay: những thuận lợi và trở ngại, những lĩnh vực hợp tác cấp thiết và tiềm năng?

 

Trả lời: Trong chuyến thăm chính thức của Tổng thống Rô Mu Hiên tháng 10/2004, tôi và Tổng thống đã khẳng định lại quyết tâm xây dựng "quan hệ đối tác toàn diện trong thế kỷ 21" như đã thoả thuận từ tháng 8/2001 theo hướng ổn định, lâu dài.

Là hai nước Châu Á có nhiều nét văn hoá tương đồng, Việt Nam và Hàn Quốc có tiềm năng phát triển quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Việt Nam là nước có nhiều tài nguyên, đang phát triển, có lợi thế về nhân công rẻ. Việt Nam có tình hình chính trị, xã hội ổn định, kinh tế tăng trưởng tương đối cao, đang tích cực hội nhập quốc tế và khu vực. Hàn Quốc là nước công nghiệp phát triển có lợi thế về công nghệ, kỹ thuật cao và vốn. Do đó hai nước có thể bổ sung cho nhau trong quá trình hợp tác cùng phát triển. Trong thực tế, hiện nay Hàn Quốc đang là bạn hàng và nhà đầu tư nằm trong tốp dẫn đầu ở thị trường Việt Nam. Các mối quan hệ về chính trị, văn hóa, xã hội cũng đang phát triển.

Hai nước có nhiều tiềm năng hợp tác có hiệu quả trên các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, khai khoáng, tìm kiếm khai thác dầu khí, hoá dầu, năng lượng, giao thông, xây dựng đô thị, nhà ở, nuôi trồng và chế biến nông, thuỷ sản xuất khẩu, đặc biệt là trong những ngành Hàn Quốc có thế mạnh như điện tử, viễn thông, tin học… Tôi mong phía Hàn Quốc tiếp tục thúc đẩy triển khai thực hiện các dự án viện trợ cho Việt Nam và các dự án hợp tác lớn hai bên đã thoả thuận, đặc biệt là có biện pháp hữu hiệu để kết thúc sớm đàm phán song phương Việt-Hàn về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và cải thiện tình hình Việt Nam nhập siêu từ Hàn Quốc.

Việt Nam luôn coi Hàn Quốc là đối tác toàn diện trong chiến lược phát triển của mình. Việt Nam quyết tâm cùng với phía Hàn Quốc nỗ lực phấn đấu đưa quan hệ hợp tác hữu nghị hai nước phát triển ổn định lâu dài, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực Châu Á và trên thế giới.

Câu hỏi 5: Quan điểm và vai trò của Việt Nam trong vấn đề hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên?

Trả lời: Việt Nam luôn quan tâm đến các diễn biến tình hình liên quan đến bán đảo Triều Tiên và cho rằng việc giải quyết bất đồng ở bán đảo Triều Tiên bằng đối thoại hòa giải, hòa hợp là con đường đúng đắn.

Hoà bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên có liên quan chặt chẽ đến hoà bình, ổn định ở khu vực Đông Bắc Á và Châu Á-Thái Bình Dương. Việt Nam hoan nghênh cố gắng của các bên nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân thông qua thương lượng, góp phần gìn giữ hoà bình, ổn định cho bán đảo Triều Tiên và khu vực. Trên tinh thần đó, Việt Nam hoan nghênh nỗ lực của các bên để cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân sớm được nối lại và đạt kết quả. Là nước có quan hệ tốt với cả Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên, Việt Nam sẽ làm hết sức mình để góp phần vào củng cố và thúc đẩy hoà bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên./.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer