Chính sách Việt kiều tác động tích cực tới cộng đồng
Câu hỏi: Uỷ ban về người Việt Nam ở Nước ngoài được Chính phủ giao nhiệm vụ theo dõi và báo cáo việc thực hiện Nghị quyết 36 và Chương trình hành động của Chính phủ về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Với cương vị là Chủ nhiệm Uỷ ban, xin ông cho biết kết quả một năm thực hiện Nghị quyết và Chương trình hành động nói trên?
Trả lời: Trong năm qua, Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 36 được các cấp các ngành tích cực triển khai thực hiện. Kết quả đạt được thể hiện trên các mặt :
Thứ nhất, Nghị quyết đã được quán triệt và phổ biến sâu rộng trong và ngoài nước tạo sự chuyển biến cả về nhận thức và hành động. Ở trong nước, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã giành được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội. Uỷ ban đối ngoại Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, Bộ Ngoại giao và nhiều địa phương đặc biệt là các địa phương có nhiều kiều bào ở nước ngoài như TP Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Đà Nẵng, Tiền Giang, Kiên Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Lâm Đồng, Hải Phòng đã có văn bản cụ thể hoá các nội dung của Nghị quyết, Chương trình hành động có liên quan đến ngành, địa phương mình. Ở nước ngoài, Nghị quyết được các cơ quan đại diện ngoại giao của ta đặc biệt ở các địa bàn có đông người Việt Nam định cư, sinh sống phổ biến rộng rãi đến cộng đồng và được cộng đồng hoan nghênh.
Thứ hai, nhiều chính sách, biện pháp đã và đang được rà soát, sửa đổi hoặc ban hành mới theo hướng ngày càng thuận lợi hơn cho bà con kiều bào, đặc biệt là những chính sách nhằm thu hút trí thức, doanh nhân, nhà đầu tư kiều bào về hợp tác với trong nước như xem xét miễn thị thực cho một số đối tượng người Việt Nam ở nước ngoài, mở rộng thêm 2 đối tượng người Việt Nam được mua nhà gắn liền với quyền sử dụng đất ở Việt Nam; cho phép kiều bào mua cổ phần của các doanh nghiệp trong nước; tăng cường thông tin cho kiều bào; đẩy mạnh sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc kết nối các doanh nhân, trí thức kiều bào với các tổ chức, doanh nghiệp trong nước,... Đồng thời, tiến hành đơn giản hoá các thủ tục hành chính như thủ tục hải quan, xuất nhập cảnh, cư trú đi lại, hợp pháp hoá các loại giấy tờ, chính sách một giá...
Thứ ba, công tác vận động cộng đồng được thúc đẩy mạnh mẽ theo tinh thần đại đoàn kết dân tộc, lấy mục tiêu độc lập dân tộc, dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh làm điểm tương đồng, chấp nhận những quan điểm khác nhau miễn là không trái với lợi ích chung của dân tộc; không phân biệt quá khứ, chính kiến, hướng tới tương lai; mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước miễn là mong muốn đóng góp vào mục tiêu trên thì đều có chỗ đứng trong khối đại đoàn kết dân tộc. Các chuyến về thăm Việt Nam của ông Nguyễn Cao Kỳ, Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Nhạc sỹ Phạm Duy và nhiều người khác đã thể hiện chính sách đó và có tác động tích cực tới cộng đồng.
Trong các chuyến thăm tới các nước có kiều bào ta sinh sống, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, các Bộ, ngành... đều thông báo nội dung Nghị quyết 36 và đề nghị với chính quyền sở tại tạo điều kiện cho bà con ổn định cuộc sống và hội nhập xã hội sở tại; đồng thời, tiếp xúc, gặp gỡ động viên bà con làm tròn trách nhiệm đối với nước sở tại và luôn hướng về đất nước, làm nhịp cầu hữu nghị giữa nước mà bà con sinh sống với Việt Nam.
Quỹ hỗ trợ vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài sau hai năm hoạt động đã tài trợ nhiều dự án hỗ trợ về giáo dục cho cộng đồng ở một số địa bàn khó khăn, tổ chức cho thanh niên, trí thức kiều bào tiêu biểu về nước giao lưu, làm việc... tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa bà con kiều bào với trong nước.
Các cơ quan đại diện ngoại giao ta ở nước ngoài đặc biệt tại Hoa kỳ, Canada, Pháp, Lào, Thái, Cămpuchia, Nga, Bỉ, Đức đã làm tốt công tác vận động cộng đồng, công tác động viên khen thưởng, tổ chức nhiều hoạt động thích hợp nhằm tập hợp và vận động cộng đồng gắn bó với trong nước, đấu tranh ngăn chặn những hoạt động chống phá của các nhóm người Việt cực đoan; đồng thời, chú trọng tới công tác bảo vệ những quyền lợi hợp pháp của người Việt Nam ở nước ngoài; giải quyết nhanh chóng các yêu cầu chính đáng và hợp pháp của bà con về các vấn đề quốc tịch, cấp phát hộ chiếu, thị thực, hồi hương, khai sinh, công chứng...
Thứ tư, công tác thông tin văn hoá, khuyến khích giao lưu hội đoàn, văn hoá, thể thao được đẩy mạnh một bước. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng đặc biệt là các báo điện tử, các chương trình truyền hình và phát thanh ra nước ngoài, thông tin về tình hình đất nước đã được truyền tải nhanh chóng và đầy đủ tới cộng đồng. Các hoạt động giao lưu của cộng đồng với trong nước được mở rộng như các hoạt động Trại hè 2004 cho Thanh niên kiều bào, đón đoàn đại biểu kiều bào tiêu biểu về thăm đất nước, nhiều nghệ sỹ kiều bào về nước biểu diễn, các hoạt động từ thiện nhân đạo của kiều bào được tạo thuận lợi tại Việt Nam... Việc hỗ trợ cộng đồng dạy và học tiếng Việt đang được các cơ quan trong nước và ở nước ngoài phối hợp triển khai.
Tóm lại, Nghị quyết 36 và Chương trình hành động của Chính phủ đã và đang được các cấp, các ngành triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, theo đúng kế hoạch đề ra. Qua đó, có thể nói, từng bước đã dần hình thành một hệ thống chính sách đồng bộ cũng như một cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cấp các ngành liên quan tạo nên chuyển biến mới trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
Câu hỏi: Ông đánh giá thế nào về sự phối hợp công tác của các ngành, các cấp trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ mà Nghị quyết và Chương trình hành động của Chính phủ đã nêu ?
Trả lời:
Trong năm qua đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Ngoại giao với các Bộ Công an, Xây dựng, Tư pháp, Kế hoạch Đầu tư, Giáo dục – Đào tạo, Văn hoá – Thông tin và các địa phương trong việc rà soát, bổ sung, sửa đổi, ban hành mới các văn bản pháp luật cũng như trong việc tổ chức các hoạt động đón tiếp, gặp gỡ trao đổi, tháo gỡ những vướng mắc, tạo thuận lợi cho kiều bào về thăm đất nước, làm việc, đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Sự phối hợp đó ngày càng được cải thiện, dần hình thành các cơ chế trao đổi thông tin thường xuyên, phối hợp ngang, từng bước khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ trong xây dựng chính sách, thiếu thông thoáng trong qui định, thủ tục hành chính hoặc tình trạng một số chính sách không được quán triệt và thực hiện đầy đủ ở một số ngành và địa phương.
Sụ phối hợp giữa các cơ quan trong nước và các cơ quan đại diện ta ở nước ngoài về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài cũng có nhiều tiến bộ nhất là về phối hợp thông tin và triển khai thực hiện Nghị quyết cũng như các chủ trương, chính sách, các qui định của Nhà nước liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài.
Khó khăn hiện nay là ngoài Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao, còn thiếu một bộ máy chuyên trách ở cấp địa phương. Các tổ chức hội liên lạc, thân nhân kiều bào được tổ chức và hoạt động ở mỗi địa phương cũng khác nhau và đa số đều thiếu kinh phí nên các hoạt động bị hạn chế. Tại các cơ quan đại diện ta ở nước ngoài còn thiếu cán bộ chuyên trách có năng lực cũng như kinh phí cho công tác vận động cộng đồng.
Câu hỏi : Theo ông, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian tới cần tập trung vào những vấn đề gì?
Trả lời :
Cùng với việc thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm thực hiện chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai cũng như giải quyết nhanh chóng các nhu cầu chính đáng của bà con về xuất nhập cảnh, hồi hương, cấp phát hộ chiếu, giữ quốc tịch Việt Nam, mua nhà để dưỡng già tại quê hương... Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài thời gian tới cần tập trung vào các vấn đề cơ bản và lâu dài hơn:
1. Đề ra những biện pháp, chính sách để người Việt Nam ở nước ngoài gắn bó hơn nữa với trong nước, đặc biệt là đảm bảo các quyền cá nhân về đầu tư, kinh doanh, thừa kế, mua bán bất động sản, mua nhà, sử dụng nhà đất... phù hợp với luật pháp Việt Nam, luật pháp và tập quán quốc tế.
2. Đề xuất với Chính phủ các biện pháp và chính sách nhằm tạo môi trường và cơ hội để doanh nhân, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài có thể về nước làm ăn, đầu tư, buôn bán, chuyển giao công nghệ, hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học theo tinh thần "vừa ích nước, vừa lợi nhà".
3. Quan tâm hơn nữa đến đời sống tinh thần, tâm linh, văn hóa của người Việt Nam ở nước ngoài. Thường xuyên cung cấp cho bà con những thông tin về tình hình mọi mặt ở trong nước và những sản phẩm văn hóa mà kiều bào mong muốn được hưởng thụ thông qua các kênh thông tin như đài truyền hình, báo điện tử, trang web, sách báo...; Đồng thời, khuyến khích các hoạt động giao lưu hai chiều về văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao giữa các tổ chức, cá nhân người Việt Nam trong nước và ngoài nước, giúp cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn giữ được bản sắc văn hóa riêng của dân tộc.
4. Khuyến khích, hỗ trợ cho hoạt động dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là lớp trẻ vì họ là những người ít có điều kiện sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ. Sẽ có các hình thức hỗ trợ khác nhau: Hỗ trợ sách giáo khoa, đào tạo giáo viên, dạy tiếng Việt từ xa, xây dựng trường, lớp học tiếng Việt cho con em người Việt Nam ở nước ngoài. Kết hợp tổ chức các chuyến tham quan "về nguồn " kết hợp học tập tiếng Việt, tìm hiểu văn hoá Việt Nam nhằm giúp cho thế hệ trẻ người Việt Nam ở nước ngoài có cơ hội tìm hiểu thực tế đất nước, con người, văn hoá Việt Nam.
Hy vọng rằng với những chính sách và biện pháp trên, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài sẽ luôn có nhiều thuận lợi để duy trì các mối quan hệ gần gũi với quê hương đất nước; đồng thời, làm "cầu nối" hữu nghị, tăng cường sự hiểu biết, quan hệ hợp tác giữa nước sở tại mà họ sinh sống với Việt Nam./.
Hà nội, ngày 12 tháng 5 năm 2005
Back Top page Print Email |