Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Monday, ngày 23 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên: Tiếng nói của Việt Nam luôn được lắng nghe và nể trọng

"Trong 10 năm qua - kể từ khi gia nhập ASEAN, uy tín và vị thế chính trị của Việt Nam trên trường quốc tế đã được nâng cao rõ rệt. Đây chính là tiền đề quan trọng để chúng ta tiếp tục đẩy mạnh chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước" - Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên trả lời phỏng vấn Báo Lao Động - nhân kỷ niệm 10 năm ngày Việt Nam gia nhập ASEAN.

Báo Lao động: Xin Bộ trưởng cho biết, thành tựu lớn nhất mà Việt Nam đạt được sau 10 năm kể từ khi gia nhập ASEAN?

Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên: Việc trở thành thành viên ASEAN - một hiệp hội duy nhất trên thế giới có cơ chế đối thoại với nhiều nước lớn và tổ chức quốc tế quan trọng của thế giới, trong đó có các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ - đã góp phần nâng cao vị thế, uy tín của đất nước ta, tăng thêm trọng lượng cho tiếng nói của chúng ta tại các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam tham gia sâu sắc vào tiến trình hội nhập khu vực và thế giới.

Thế giới biết đến Việt Nam nhiều hơn với tư cách là thành viên tích cực, có trách nhiệm và có tiếng nói trong ASEAN, nhất là sau khi ta tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN 6 (1998), đảm nhiệm xuất sắc vai trò Chủ tịch Uỷ ban Thường trực ASEAN khoá 34 (tháng 7.2000 - tháng 7.2001) và tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao Á - Âu (ASEM 5).

Báo Lao động: Việt Nam đã có những đóng góp gì trong ASEAN nhằm nâng cao vị thế của mình và của cả hiệp hội. Những đóng góp đó được các thành viên khác nhìn nhận như thế nào, thưa Bộ trưởng?


Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên: Mặc dù là một nước thành viên mới, với nhiều điều kiện khó khăn, song Việt Nam đã tham gia tích cực, chủ động và nhanh chóng phát huy vai trò của mình.

Chúng ta đã góp phần tích cực trong việc hình thành một khối ASEAN thống nhất, quy tụ tất cả 10 quốc gia Đông Nam Á, với việc thúc đẩy kết nạp các nước Lào, Myanmar, Campuchia vào ASEAN.

Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN 6 năm 1998, trong bối cảnh khu vực đang chịu những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính năm 1997. Chúng đã đóng góp nhiều vào việc xây dựng Chương trình Hành động Hà Nội (HPA), đưa ra các biện pháp cụ thể để thực hiện Tầm nhìn 2020.

Trên cương vị Chủ tịch Uỷ ban Thường trực ASEAN (ASC), chúng ta đã tổ chức thành công nhiều hội nghị quan trọng. Đặc biệt, Hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 34 (AMM-34) năm 2001 đã thông qua Tuyên bố Hà Nội về thu hẹp khoảng cách phát triển. Tuyên bố này là tài liệu định hướng quan trọng cho hoạt động hợp tác của ASEAN trong nhiều năm tới.

Với tư cách là nước sáng lập Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Việt Nam đã góp phần xây dựng ARF trở thành một diễn đàn quan trọng đối thoại về an ninh khu vực. Việt Nam đã đảm nhiệm tốt vai trò nước điều phối quan hệ đối thoại giữa ASEAN với các cường quốc như Nhật Bản, Nga, Mỹ và hiện nay là Australia, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác ASEAN +3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc).

Những đóng góp của chúng ta đã được bạn bè trong khu vực đánh giá cao. Việt Nam đã tạo dựng được cho mình một vai trò vững vàng trong ASEAN, tiếng nói của chúng ta luôn được các bạn lắng nghe và nể trọng.

Báo Lao động: Tham gia ASEAN, Việt Nam đã thực hiện những cam kết của khu vực như thế nào? Bộ trưởng có thể tiên liệu những khó khăn nào mà Việt Nam sẽ gặp phải trong tương lai và hướng giải quyết?

Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên: Chúng ta đã ký và thực hiện tất cả các văn kiện chính trị quan trọng như Tuyên bố Bangkok, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC), Hiệp định về một khu vực Đông Nam AÁ không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tầm nhìn 2020... Gia nhập ASEAN, chúng ta ý thức được việc phải tuân theo một luật chơi mới, mà có thể có nơi, có chỗ chưa hoàn toàn phù hợp với những hoàn cảnh và điều kiện của ta. Tham gia ASEAN là một quá trình phức tạp, buộc chúng ta phải linh hoạt, mềm dẻo, vừa đảm bảo các vấn đề mang tính nguyên tắc, vừa duy trì sự đoàn kết, không gây trở ngại cho sự đồng thuận trong ASEAN.

Một thách thức lớn khác chúng ta phải nỗ lực nhiều là đảm bảo thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế khu vực trong bối cảnh có sự khác nhau về cơ cấu kinh tế và cách biệt về trình độ phát triển. Chúng ta đã cắt giảm 10.277 dòng thuế, tương đương 96,15% tổng số dòng thuế trong khuôn khổ Chương trình Ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) nhằm thực hiện Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA). Về dịch vụ, sau khi tham gia Hiệp định khung về Hợp tác dịch vụ (AFAS) năm 1995, chúng ta đang từng bước mở cửa thị trường dịch vụ và hiện nay, một số phân ngành dịch vụ của Việt Nam có mức độ mở cửa cao hơn một số nước khác trong khu vực.

Chúng ta luôn ý thức rõ ràng về những thuận lợi cũng như thách thức sẽ gặp phải và chuẩn bị tinh thần để khắc phục những khó khăn trên bước đường hội nhập khu vực.

Báo Lao động: Mục tiêu đề ra trong Tầm nhìn 2020: "ASEAN sẽ trở thành khu vực hoà bình, tự do, trung lập, các khác biệt sẽ được giải quyết trên nguyên tắc hoà bình..." đã được thực hiện đến đâu? Bộ trưởng hình dung tương lai của ASEAN từ nay đến năm 2020, sẽ thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên: Thời gian qua, ASEAN đã phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, nhưng các nước ASEAN đều ra sức nỗ lực khắc phục những khó khăn hiện tại và luôn kiên định theo đuổi các mục tiêu đã được đề ra trong Tầm nhìn 2020. ASEAN đã thông qua Hiệp ước Bali II, trong đó đề ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ hoàn thành xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, tự cường, hoà hợp, gắn bó chặt chẽ với nhau, dựa trên 3 trụ cột về an ninh, kinh tế,  văn hoá - xã hội.

Tôi tin tưởng rằng, ASEAN sẽ vượt qua những khó khăn thách thức, tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh hợp tác nhằm nâng cao hơn nữa vai trò và vị trí của mình. 

Báo Lao động: Có ý kiến nhận xét, mối liên hệ giữa các thành viên ASEAN chỉ là những cuộc họp của các lãnh đạo. Bộ trưởng đánh giá thế nào về nhận xét này?


Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên: Nhận xét đó hoàn toàn không đúng. Quan hệ trong ASEAN rất đa dạng, nhiều tầng nấc. Bên cạnh các cuộc họp của các nhà lãnh đạo là các chương trình hợp tác kinh tế, thương mại và nhiều lĩnh vực khác. Ngoài ra còn có các hoạt động giao lưu văn hoá văn nghệ, các cuộc tiếp xúc giữa nhân dân nhằm tăng cường hiểu biết trong đại gia đình ASEAN. Việt Nam đã đưa ra sáng kiến tổ chức luân phiên "Tuần văn hoá ASEAN" tại các nước thành viên và mới đây, các nước ASEAN đã quyết định kỷ niệm Ngày ASEAN vào 8.8 hằng năm. Đây thực sự là ngày hội của nhân dân ASEAN. Các hãng hàng không, các hiệp hội du lịch trong khu vực cũng tiến hành các chương trình hợp tác, góp phần tăng cường giao lưu nhân dân.

 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer