Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ sáu, ngày 27 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên trả lời phỏng vấn Báo Nhân Dân của nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành Ngoại giao


NẮM BẮT ĐÚNG THỜI CƠ, HÓA GIẢI NHANH THÁCH THỨC

"Những thuận lợi và khó khăn sắp tới sẽ luôn luôn đan xen, nhưng về cơ bản thuận lợi là chủ yếu, nếu chúng ta biết hóa giải nhanh các thách thức và nắm bắt đúng các thời cơ. Nhân tố có ý nghĩa quyết định ở đây là sự nhất trí trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội ngày càng cao, thế và lực của nước ta ngày càng được tăng cường qua những năm đổi mới". Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên trả lời báo Nhân Dân nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập ngành Ngoại giao.

PV: Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng có thể cho biết ý nghĩa của dịp kỷ niệm 60 năm thành lập ngành Ngoại giao?

Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên: Nhân kỷ niệm 60 năm thành lập nước CHXHCN Việt Nam (1945-2005), chúng ta nhìn lại quá trình trưởng thành của nền Ngoại giao cách mạng và đổi mới, phục vụ đắc lực sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Ngoại giao Việt Nam, hiểu theo nghĩa rộng bao hàm tất cả các hoạt động của đất nước, của hệ thống chính trị-xã hội nước ta với bên ngoài, chứ không thuần túy chỉ liên quan đến Bộ Ngoại giao. Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Ngành còn là dịp để chúng ta rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình phân tích và diễn giải, đánh giá và khai thác các tương quan khu vực và thế giới trong sáu thập kỷ qua, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam.

PV: Thưa Bộ trưởng, 60 năm sau Cách mạng tháng Tám thành công, 30 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Bộ trưởng có thể khái quát những mốc lớn cũng như những đóng góp của Ngoại giao vào sự nghiệp Cách mạng Việt Nam?

Bộ Trưởng Nguyễn Dy Niên: Có thể khái quát những mốc lớn trong chính sách và hoạt động ngoại giao của Đảng và Nhà nước thành nhiều giai đoạn. Trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất (1945-1954), Ngoại giao đã góp phần tranh thủ thời gian để củng cố lực lượng, phân hóa hàng ngũ đối phương, tránh cùng một lúc phải đối phó với nhiều kẻ thù. Trong cuộc kháng chiến lần thứ hai (1954-1975), Ngoại giao thực sự là một trong ba mặt trận, góp phần làm sáng tỏ lập trường chính nghĩa của công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, tập hợp lực lượng rộng rãi nhân dân thế giới, trước hết là chính phủ, nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa và nhân loại tiến bộ trên thế giới đồng tình, giúp đỡ, ủng hộ Việt Nam. Những năm sau chiến tranh, Ngoại giao đã chủ động phá thế bị bao vây, cấm vận, tạo môi trường quốc tế cho công cuộc đổi mới. Trong giai đoạn hiện nay, khi cả nước tiến hành công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế thì Ngoại giao là lực lượng xung kích trong việc thực hiện chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ đối ngoại trên tinh thần Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình độc lập và phát triển, góp phần vào việc bảo đảm an ninh, giữ gìn môi trường hòa bình và tranh thủ sự hợp tác và ủng hộ quốc tế cho sự nghiệp phát triển đất nước.

PV: Cùng song hành với những mốc lớn của Cách mạng Việt Nam, Bộ trưởng có thể cho biết tư tưởng xuyên suốt của Ngoại giao Việt Nam 60 năm qua là gì?

Bộ Trưởng Nguyễn Dy Niên: Đó là tiếp tục tư tưởng hòa hiếu, nhân nghĩa của Ngoại giao Việt Nam qua các thời đại, đồng thời đó còn là kế thừa, phát triển tư tưởng Ngoại giao Hồ Chí Minh từ ngày nhà nước công nông ra đời đến nay. Tiền nhân trước đây trong "Binh thư yếu lược" đã nâng hòa hiếu thành ĐẠO, "hòa mục là đạo rất hay cho việc trị nước và hành binh...", còn Bác Hồ ngay từ những ngày đầu của cách mạng đã khẳng định chính sách ngoại giao "làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với một ai". Bác đã để lại những di sản tinh thần to lớn cho Đảng ta và dân tộc ta. Đó là tinh thần "không có gì quý hơn độc lập tự do", là phương pháp dự báo, nắm đúng thời cơ, ngoại giao tâm công, dĩ bất biến ứng vạn biến; đó là phong cách ngoại giao độc lập-tự chủ-sáng tạo, ứng xử linh hoạt, biết cách cảm hóa/thuyết phục; đó là nghệ thuật "ngũ tri" (biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng và biết biến), vận dụng mâu thuẫn và nhân nhượng có nguyên tắc nhằm phục vụ lợi ích tối cao của đất nước. Hơn bao giờ hết, ngày nay, những cốt lõi tư tưởng Ngoại giao Hồ Chí Minh gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, kết nối độc lập-tự chủ với đoàn kết-hợp tác quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại đã được thể hiện nhất quán trong chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập khu vực, thế giới để phát triển và hiện đại hóa đất nước.

PV: Những chủ trương trên đã mang lại những thành tựu cụ thể nào trong việc thực hiện chính sách mở cửa và hội nhập 20 năm qua, thưa Bộ trưởng?

Bộ Trưởng Nguyễn Dy Niên: Qua 20 năm đổi mới, thực hiện Nghị quyết của các Đại hội Đảng, chính sách đối ngoại theo định hướng mở đã mang lại những thành tựu hết sức to lớn. Thế và lực của nước ta hoàn toàn khác trước; chưa bao giờ các mối quan hệ giữa Việt Nam với thế giới, dù gần hay xa, song phương hay đa phương, cả bề rộng lẫn chiều sâu, lại sôi động, phong phú như hiện nay. Từ chỗ bị bao vây, cấm vận, nay chúng ta đã có quan hệ ngoại giao với 169 nước trên thế giới, lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta có quan hệ bình thường với tất cả các nước lớn. Chúng ta cũng đã tạo được khuôn khổ đối tác hữu nghị, ổn định lâu dài trên cơ sở những lợi ích đan xen với tất cả các nước láng giềng, khu vực, các nước lớn, các nước bạn bè truyền thống, góp phần củng cố môi trường hòa bình, ổn định cho công cuộc xây dựng, phát triển ở trong nước. Chúng ta cũng đã chủ động và tích cực hội nhập thế giới, tham gia vào nhiều tổ chức và định chế khu vực vàquốc tế, đặc biệt là đẩy mạnh đàm phán để sớm gia nhập WTO.

PV: Bộ trưởng có thể cho biết những thuận lợi và khó khăn sắp tới của Ngoại giao Việt Nam?

Bộ Trưởng Nguyễn Dy Niên: Bên cạnh những thành tựu và thuận lợi cơ bản nói trên, môi trường đối ngoại của Việt Nam những năm tới đây vẫn tiếp tục phức tạp. Giữa các nước lớn, đấu tranh và thỏa hiệp tiếp tục đan xen; khủng bố và chống khủng bố vẫn là vấn đề nổi trội; một số điểm nóng trên thế giới, trong khu vực vẫn tiểm ẩn nguy cơ bùng nổ. Trong thập kỷ trước mắt, ít có khả năng xảy ra chiến tranh thế giới, nhưng chiến tranh cục bộ, xung đột, chạy đua vũ trang còn có thể xảy ra nhiều nơi, với quy mô, mức độ có thể khác nhau. Tuy nhiên, hòa bình-hợp tác, phát triển-hội nhập vẫn là những xu thế chủ đạo. Kinh tế thế giới, khu vực mặc dù có nhiều dấu hiệu phục hồi, phát triển, song vẫn tiềm ẩn nhiều bất trắc do những mặt trái của toàn cầu hóa.

Trong bối cảnh trên, Việt Nam ta tuy thế và lực đã được tăng lên đáng kể, nhưng vẫn phải cảnh giác đối phó với nhiều thách thức, cả truyền thống lẫn phi truyền thống. Những âm mưu diễn biến hòa bình gây mất ổn định chính trị xã hội vẫn hiện hữu; những hành động xâm hại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước ta vẫn còn đó. Bốn nguy cơ đối với đất nước mà các Đại hội Đảng đã chỉ rõ vẫn là những vấn đề nổi cộm. Tham gia sâu vào tiến trình hội nhập, bên cạnh những mặt được, Việt Nam sẽ đứng trước nhiều sức ép mới. Muốn tránh khỏi những tình thế bất lợi do những cạnh tranh gay gắt trên chính trường và thị trường thế giới, Ngoại giao Việt Nam phải chủ động hơn nữa trong dự báo và tham mưu cho Đảng và Nhà nước. Phải nhận thức rõ, những thuận lợi và khó khăn sắp tới sẽ luôn luôn đan xen, nhưng về cơ bản thuận lợi là chủ yếu, nếu chúng ta biết hóa giải nhanh các thách thức và nắm bắt tốt các thời cơ. Nhân tố có ý nghĩa quyết định ở đây là sự nhất trí trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội ngày càng cao, thế và lực của nước ta ngày càng được tăng cường qua những năm đổi mới.

PV: Thưa Bộ trưởng, từ những bài học kinh nghiệm lịch sử, Bộ trưởng có thể khái quát một số phương hướng cho công tác Ngoại giao thời gian tới, đặc biệt là để góp phần chuẩn bị cho Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X?

Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên: Điều cần khẳng định tiếp là chúng ta phải giữ vững hòa bình, ổn định để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Cùng với những kinh nghiệm lịch sử, đây chính là một trong những cơ sở quan trọng để chúng ta có thể khái quát một số phương hướng lớn cho công tác Ngoại giao thời gian tới, đặc biệt trong khuôn khổ góp phần chuẩn bị Đại hội X. Xuất phát từ lợi ích tối cao của dân tộc, đây là dịp chúng ta đưa ra thông điệp mạnh mẽ: Việt nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước, là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Để thực hiện định hướng mới này, cần nhấn mạnh một số nội dung công tác cụ thể: Thứ nhất, phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa để đưa các quan hệ đối tác đã được thiết lập ngày càng đi vào chiều sâu, bảo vệ/củng cố an ninh, tạo dựng môi trường thuận lợi nhất cho công cuộc hiện đại hóa đất nước theo hướng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Thứ hai, phải chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, cả song phương lẫn đa phương, tiếp tục củng cố vị trí và nâng cao vai trò của Việt Nam trong các định chế quốc tế, sớm hoàn thành việc gia nhập WTO, cần xây dựng lộ trình hội nhập cho từng giai đoạn, hoàn thiện chính sách tranh thủ đầu tư, viện trợ, xúc tiến thương mại, du lịch, hợp tác lao động. Thứ ba, nỗ lực tạo những chuyển biến trong công tác Ngoại giao phục vụ kinh tế, tạo môi trường, khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho hoạt động kinh tế đối ngoại, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam. Thứ tư, tăng cường, mở rộng sự hợp tác nhiều mặt với các tổ chức quốc tế, khu vực lẫn phi chính phủ, phối hợp giữa ngoại giao song phương với đa phương, chủ động tham gia giải quyết một số vấn đề toàn cầu thiết thân đối với ta. Thứ năm, phát huy hơn nữa vai trò của ngoại giao nhân dân và các hình thức ngoại giao phong phú khác để cùng với ngoại giao của Đảng và Nhà nước và Quốc hội tạo nên sức mạnh tổng hợp trên mặt trận đối ngoại. Cuối cùng, chúng ta tiếp tục coi trọng và đẩy mạnh công tác vận động đồng bào ta ở nước ngoài nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho bà con hướng về Tổ quốc, tham gia công cuộc xây dựng đất nước.

PV: Xin cám ơn Bộ trưởng!

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Các tin liên quan:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer