Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Dũng: công tác ngoại giao phục vụ bảo vệ lợi ích quốc gia, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đã đạt được nhiều kết quả to lớn
NGOẠI GIAO VỚI CÔNG TÁC BẢO VỆ LỢI ÍCH QUỐC GIA, CHỦ QUYỀN VÀ TOÀN VẸN LÃNH THỔ
----------------
(Bài viết của Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Dũng nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Ngành Ngoại giao Việt Nam)
Đối với mỗi quốc gia dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là vấn đề thiêng liêng - bất khả xâm phạm. Để có được giang sơn gấm vóc ngày nay, dân tộc ta đã phải đổ biết bao mồ hôi, xương máu và trí tuệ trong suốt hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước.
Được sự quan tâm, chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương, công tác ngoại giao phục vụ bảo vệ lợi ích quốc gia, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đã đạt được nhiều kết quả to lớn.
Đối với tuyến biên giới Việt Nam - Lào, căn cứ nguyên tắc đã được Bộ Chính trị hai nước thỏa thuận tháng 2/1976, hai bên đã đàm phán 4 vòng cấp Ủy ban liên hợp (UBLH) giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ. Ngày 18/7/1977, hai nước ký Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia. Đây là Hiệp ước đầu tiên về biên giới lãnh thổ mà Nhà nước Việt Nam XHCN ký với nước ngoài. Hai nước đã phân giới được khoảng 1875km/2067km đường biên, cắm được 202 mốc quốc giới và cơ bản giải quyết xong các tồn đọng về biên giới lãnh thổ, chỉ còn điểm ngã ba biên giới Việt Nam - Cămpuchia - Lào. Ngày 1/3/1990, hai nước đã ký Hiệp định về Quy chế biên giới giữa CHXHCN Việt Nam và CHDCND Lào. Hiện nay, hai bên đang khẩn trương xây dựng Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới. Hàng năm, thông qua diễn đàn Hội nghị thường niên cấp Đoàn đại biểu Chính phủ về biên giới, hai bên duy trì quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các Bộ, ngành liên quan, chỉ đạo chính quyền các cấp và nhân dân địa phương thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp định về Quy chế biên giới và các thoả thuận có liên quan nhằm mục tiêu biến khu vực biên giới thành hậu phương vững chắc của cả hai nước.
Đối với Cămpuchia, vấn đề biên giới lãnh thổ có phức tạp hơn. Trải qua nhiều năm đàm phán, ta và Cămpuchia đã ký được: Hiệp định về Vùng nước Lịch sử (7/7/1982); Hiệp ước nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới (20/7/1983); Hiệp định về Quy chế biên giới (20/7/1983); Hiệp ước về Hoạch định biên giới (27/12/1985). Từ năm 1986 hai bên đã triển khai phân giới được khoảng 200km/1.137km đường biên và cắm được 72 mốc quốc giới. Năm 1989, phía Cămpuchia đề nghị tạm dừng PGCM vì lý do kỹ thuật. Trong thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 20 và những năm đầu thế kỷ 21, ta và Cămpuchia đã tiến hành hàng loạt cuộc đàm phán các cấp nhằm giải quyết dứt điểm vấn đề biên giới lãnh thổ. Tuy nhiên, do tình hình chính trị nội bộ của Cămpuchia, kết quả thu được chưa nhiều. Từ khi Cămpuchia thành lập Chính phủ liên hiệp 7/2004, Việt Nam đã chủ động đề nghị tiếp tục giải quyết các vấn đề tồn đọng về biên giới nhằm xây dựng một đường biên giới ổn định giữa hai nước. Nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tháng 3/2005, hai bên đã họp các cấp chuyên viên và cấp Trưởng đoàn UBLH về biên giới và bước đầu đã có sự khai thông quan trọng.
Đối với biên giới Việt Nam - Trung Quốc, sau khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1991, Lãnh đạo cấp cao hai nước đã thỏa thuận "thông qua thương lượng giải quyết hòa bình vấn đề biên giới còn tồn tại". Qua 5 năm đàm phán liên tục (với 6 vòng đàm phán cấp Chính phủ và 16 vòng đàm phán cấp chuyên viên), ngày 30/12/1999, hai bên đã ký Hiệp ước về biên giới trên đất liền. Việc ký kết hiệp ước biên giới trên đất liền đã tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng biên giới giữa hai nước thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, góp phần thúc đẩy quan hệ mọi mặt theo phương châm 16 chữ. Với Hiệp ước này, hai bên đã giải quyết xong trên văn bản những bất đồng về biên giới và là cơ sở pháp lý cao nhất để xác định đường biên giới trên thực địa trong giai đoạn PGCM. Nhằm đưa Hiệp ước vào thực tiễn đời sống, từ năm 2000, hai bên xúc tiến chuẩn bị cho công tác PGCM. Đây là một công việc hệ trọng, có tính đặc thù, phức tạp với nhiều khó khăn và gian khổ. Thời gian qua, để chỉ đạo công tác PGCM, hai bên đã tiến hành 5 vòng đàm phán cấp Chính phủ, 1 cuộc gặp đặc biệt cấp Thứ trưởng ngoại giao, 3 vòng đàm phán cấp UBLH, 13 vòng cấp Chủ tịch UBLH PGCM, 9 vòng cấp Nhóm chuyên gia kỹ thuật. Ngoài ra còn có 2 vòng Nhóm chuyên viên về giải quyết ngã ba biên giới Việt - Lào - Trung để chính thức cắm mốc giới giữa 3 nước ngày 2/7/2005.
Trên Biển Đông, Việt Nam và các nước láng giềng tiếp tục đàm phán phân định các vùng biển và thềm lục địa chồng lấn, đặc biệt là giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Ngày 12/5/1977, Chính phủ CHXHCN Việt Nam đã ra Tuyên bố về nguyên tắc xác định phạm vi các vùng biển của Việt Nam. Tuyên bố nêu rõ quan điểm giải quyết các tranh chấp trên biển của Việt Nam là " ... thông qua thương lượng, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế, …". Ngày 12/11/1982, Chính phủ CHXHCN Việt Nam ra Tuyên bố về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam và khẳng định lại quan điểm giải quyết các vấn đề bất đồng “thông qua thương lượng". Với quan điểm nhất quán đó, đến nay Việt Nam đã đàm phán giải quyết khá thành công vấn đề phân định các vùng biển, như ký với Thái Lan: Hiệp định phân định ranh giới biển năm 1997; với Trung Quốc: Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá năm 2000; với Indonesia: Hiệp định phân định thềm lục địa năm 2003. Ngày 14/3/2005, sau một thời gian kiên trì đàm phán và đấu tranh ngoại giao trên cơ sở lập trường nguyên tắc của ta là bảo vệ chủ quyền trên quần đảo, bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tôn trọng tuyên bố chung giữa ASEAN và Trung Quốc, Thoả thuận 3 bên Việt Nam-Trung Quốc-Philippin về khảo sát địa chấn Trường Sa đã được ký kết. Việc ký kết này là một biện pháp góp phần duy trì hoà bình, ổn định trong khu vực. Hiện nay, ta tiếp tục thúc đẩy đàm phán phân định ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc, phân định biển với Cămpuchia..., cũng như về hợp tác khai thác chung dầu khí ở vùng chồng lấn của Việt Nam, Thái Lan và Malaysia (đã bắt đầu từ 1998).
Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam. Đấu tranh bảo vệ chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là sự nghiệp thiêng liêng và cũng hết sức khó khăn, lâu dài, đòi hỏi trí tuệ, công sức và sự đóng góp của nhiều thế hệ người Việt Nam.
Chủ quyền, quyền lợi của một quốc gia không chỉ giới hạn trên đất liền, trên các vùng biển mà còn bao gồm cả vùng trời trên đó. Năm 1975, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) tạm thời giao việc quản lý vùng thông báo bay (FIR) Sài Gòn cho các nước và lãnh thổ lân cận Việt Nam với lý do là Việt Nam chưa đủ trình độ và cơ sở kỹ thuật để quản lý. Sau nhiều năm đấu tranh, vận động và đàm phán, năm 1993 ICAO đã đồng ý về nguyên tắc tái hoạt động FIR Hồ Chí Minh. Tháng 12/1994, Singapore và Thái Lan đồng ý chuyển trả cho ta phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh. Sau nhiều năm đàm phán về giải quyết phần phía Bắc FIR Hồ Chí Minh, do ICAO khu vực bảo trợ, tháng 12/2000, Việt Nam, Trung Quốc, ICAO đã đạt được thoả thuận đưa “Gói thử nghiệm” vào hoạt động từ 1/11/2001- 31/10/2004. Do các bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận nên ICAO đã tuyên bố kéo dài thời hạn thử nghiệm trên thêm 1 năm (đến 1/11/2005).
Biên giới lãnh thổ là công tác rất phức tạp và nhạy cảm, nhiều công việc đòi hỏi phải vượt qua gian khổ, hy sinh, nó có tác động sâu rộng tới đời sống của nhân dân khu vực biên giới, tới tình cảm dân tộc của mỗi người và quan hệ với các nước láng giềng. Vì vậy, các sự kiện nảy sinh trên biên giới phải được nắm bắt, xử lý hết sức khách quan, thận trọng. Trong đấu tranh, xử lý các vấn đề phát sinh trên biên giới đất liền và trên biển, công tác ngoại giao đóng vai trò hết sức quan trọng. Vì vậy, những cán bộ làm công tác biên giới lãnh thổ phải đề xuất và tham mưu cho Lãnh đạo các hình thức và biện pháp đấu tranh thích hợp đối với từng vụ việc phát sinh trên nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế, bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia, giữ gìn quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng và Chính phủ, Bộ Ngoại giao tiếp tục làm tốt chức năng tham mưu trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về biên giới lãnh thổ, giải quyết các vấn đề còn tồn đọng với các nước láng giềng; trực tiếp cùng với các cấp, các ngành, địa phương hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ lợi ích quốc gia, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nhằm cùng các nước láng giềng xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, thúc đẩy giao lưu kinh tế, văn hoá, xã hội qua đó phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị với các nước, góp phần giữ gìn hoà bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới ./.
Back Top page Print Email |