Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Chủ nhật, ngày 29 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Đối ngoại Việt Nam vì hòa bình, hợp tác và phát triển

(Bài viết về Việt Nam đăng trên báo Ấn Độ nhân chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tháng 7/2007)

Cùng với quá trình tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện ở trong nước cách đây hơn 20 năm, Việt Nam kiên trì thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển, chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ quốc tế với phương châm Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế. Với đường lối đối ngoại đúng đắn đó, quan hệ đối ngoại của Việt Nam đã không ngừng được mở rộng và ngày càng đi vào chiều sâu, vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Đến nay Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 172 nước và có quan hệ về kinh tế, thương mại và đầu tư với gần 200 nước và vùng lãnh thổ. Việt Nam tham gia ngày càng tích cực trên các diễn đàn khu vực và thế giới, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của cộng đồng thế giới vì hoà bình, hợp tác và phát triển.

Trong các hoạt động đối ngoại, Việt Nam ưu tiên tạo dựng khuôn khổ quan hệ hợp tác hữu nghị, ổn định lâu dài với các nước láng giềng, các nước khu vực nhằm tạo môi trường hoà bình, ổn định và các điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước. Quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào tiếp tục được củng cố. Quan hệ Việt Nam - Cam-pu-chia tiếp tục phát triển theo khuôn khổ "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài"; đặc biệt hiệu quả hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư được nâng cao. Quan hệ Việt - Trung có bước phát triển mới và toàn diện, khuôn khổ quan hệ song phương được hoàn thiện, tăng thêm sự ổn định và tin cậy lẫn nhau. Kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2006 đạt khoảng 10 tỷ USD. Hai bên quyết tâm nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên mức 15 tỷ USD vào năm 2010. Quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt của Việt Nam với các nước ASEAN tiếp tục được củng cố và tăng cường.

Với Ấn Độ - một nước láng giềng trong khu vực, vừa là nước lớn có quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Việt nam, quan hệ giữa hai nước trong những năm gần đây tiếp tục phát triển tốt đẹp. Trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh năm 2003, hai nước đã ký Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác toàn diện Việt Nam - Ấn Độ bước sang thế kỷ 21. Quan hệ trên các mặt khác kinh tế thương mại và đầu tư, an ninh - quốc phòng, giáo dục - đào tạo tiếp tục phát triển. Chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam tới Ấn Độ trong tháng 7 này tiếp tục đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới.

Việt Nam cũng đã chủ động thúc đẩy quan hệ với các nước lớn, các trung tâm kinh tế - chính trị thế giới… Năm ngoái đã đánh dấu việc bình thường hoá hoàn toàn quan hệ Việt - Mỹ với việc Quốc hội Mỹ thông qua quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) đối với Việt Nam. Các chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao hai nước, đặc biệt là chuyến thăm chính thức Mỹ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tháng 6/2007 vừa qua đã nâng quan hệ “đối tác xây dựng, hữu nghị, hợp tác nhiều mặt trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hai bên cùng có lợi” lên một tầm cao mới trên nền tảng rộng lớn, ổn định và hiệu quả. Quan hệ kinh tế, thương mại đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, kim ngạch buôn bán năm 2006 đạt 9,7 tỷ USD, nhiều tập đoàn và công ty lớn của Mỹ đã vào Việt Nam để tìm cơ hội và thỏa thuận đầu tư. Quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản được nâng lên một bước phát triển mới với việc hai nước thoả thuận hướng tới xây dựng quan hệ "đối tác chiến lược vì hoà bình và phồn vinh ở Châu Á". Chính phủ hai nước nhất trí tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế - thương mại, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 15 tỷ USD vào 2010. Quan hệ giữa Việt Nam và Nga cũng có nhiều khởi sắc mới. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao APEC-14, Tổng thống Pu-tin nhấn mạnh việc coi quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam là một trong những hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và khẳng định Nga sẵn sàng đầu tư mạnh vào Việt Nam trong thời gian tới. Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) đã thoả thuận bắt đầu đàm phán về Hiệp định hợp tác mới thay thế Hiệp định hợp tác khung ký năm 1995, mở rộng hợp tác và tăng cường trao đổi về nhiều mặt. Nhiều nước EU cam kết tiếp tục duy trì và tăng viện trợ ODA cho Việt Nam.

Trong khi triển khai chính sách đối ngoại đa dạng hoá, đa phương hoá, Việt Nam luôn coi trọng củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác của Việt Nam với các nước bạn bè truyền thống, các nước khác ở Châu Á, Đông Âu, Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), Trung Đông, Châu Phi và Mỹ La-tinh; hợp tác phát triển mạnh trên nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, lao động.

Cùng với các hoạt động ngoại giao song phương, ngoại giao đa phương Việt Nam cũng phát triển mạnh mẽ. Trên các diễn đàn đa phương, Việt Nam đã ngày càng đóng một vai trò tích cực và có trách nhiệm đối với các vấn đề quốc tế, khu vực. Thành công của Năm APEC 2006 tại Hà nội đã ghi đậm dấu ấn của Việt Nam với nhiều sáng kiến và đóng góp rất tích cực vào các văn kiện quan trọng được thông qua tại Hội nghị, đặc biệt là Kế hoạch hành động Hà Nội thực hiện Lộ trình Bu-san. Thành công của Tuần lễ Cấp cao APEC-14 năm ngoái, tiếp theo các thành công của Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 7 (1997), ASEAN VI (1998) và ASEM V (2004), đã thể hiện một bước phát triển mới của ngoại giao đa phương Việt Nam, đồng thời phát đi một thông điệp mạnh mẽ tới thế giới và bạn bè quốc tế về một Việt Nam đổi mới thành công, về chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, và chủ trương hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam; về một hình ảnh Việt Nam năng động, có trách nhiệm, an toàn, cởi mở và mến khách.

Trong những năm qua, Việt Nam đã tích cực phát huy vai trò và chủ động tham gia, đóng góp nhiều sáng kiến xây dựng tại các tổ chức, diễn đàn quốc tế đa phương khác như Liên Hợp quốc, ASEAN… Đồng thời, Việt Nam cũng tăng cường hợp tác vì lợi ích chung của các nước đang phát triển như trong phong trào Không Liên Kết, Hợp tác Nam – Nam, Nhóm 77… Vị thế và uy tín của Việt Nam tiếp tục được nâng cao với việc tất cả các nước trong Nhóm Châu Á ở Liên Hợp quốc nhất trí đề cử Việt Nam làm ứng cử viên Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc khóa 2008-2009. Đó là sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế về uy tín quốc tế của Việt Nam và về khả năng đóng góp đầy trách nhiệm của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề an ninh-chính trị quốc tế quan trọng.

Trong thời gian gần đây, hoạt động kinh tế đối ngoại của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ. Năm ngoái, Việt Nam đã đạt những kỷ lục mới về kinh tế đối ngoại: kim ngạch xuất khẩu đạt gần 40 tỷ đôla, đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 10,2 tỷ đôla và viện trợ phát triển chính thức đạt 4,445 tỷ đôla. Đặc biệt ngày 7/11/2006, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), một sân chơi kinh tế toàn cầu chiếm khoảng 90% dân số thế giới, 95% GDP và 95% giá trị thương mại của toàn thế giới. Việc gia nhập WTO là kết quả tất yếu của quá trình đổi mới, tích cực hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế của Việt Nam. Đây là bước hội nhập đầy đủ hơn và thực chất hơn của Việt Nam vào kinh tế thế giới, đồng thời đánh dấu một mốc mới rất quan trọng trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế: từ hội nhập ở cấp độ khu vực (ASEAN năm 1992) đến cấp độ liên khu vực (ASEM năm 1996, APEC năm 1998) và đến cấp độ toàn cầu hiện nay. 

Những thành tựu đối ngoại mà Việt nam đã đạt được trong những năm qua là dựa trên thế và lực mới của đất nước đã được nâng lên sau 20 năm thực hiện thành công công cuộc Đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo. Các hoạt động đối ngoại hiệu quả đã góp phần vào những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trong 20 năm qua của cả dân tộc Việt Nam.

Cùng với thế giới, Việt Nam đang vững bước tiến lên trong thập niên đầu của thế kỷ 21, một thế kỷ đang mở ra những cơ hội to lớn cho các dân tộc cùng nhau hợp tác và phát triển, những đồng thời cũng chứa đựng rất nhiều thách thức của tình hình thế giới và khu vực không ngừng biến động và diễn biến khó lường. Việt Nam tiếp tục giương cao ngọn cờ "hòa bình, hợp tác và phát triển"  vì nó không những phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới mà còn đáp ứng lợi ích cơ bản và lâu dài của Việt Nam. Hòa bình, ổn định là điều kiện tiên quyết để phát triển. Ngược lại, phát triển nhanh và bền vững sẽ tạo nền tảng vật chất để củng cố hơn nữa môi trường hòa bình, an ninh. Nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu giữ vững môi trường hoà bình và tạo các điều kiện quốc tế thuận lợi để đất mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp phát triển vào năm 2020, Việt Nam sẽ kiên trì thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ quốc tế, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác theo phương châm Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế./.

 

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Các tin liên quan:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer