Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ bẩy, ngày 04 tháng 01 năm 2025 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải:Việt Nam sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác với phía Séc


BÀI VIẾT
CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ HOÀNG TRUNG HẢI
 ĐĂNG TRÊN BÁO KINH TẾ (HN) CỦA CỘNG HÒA SÉC


Việt Nam và Séc nằm ở hai châu lục, tuy xa xôi về địa lý song hai dân tộc có quan hệ gần gũi, gắn bó từ lâu. Mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa hai nước chúng ta được hun đúc hơn 55 năm qua và đang ngày càng được củng cố và phát triển. Nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ sự ủng hộ và giúp đỡ hết sức vô tư và quý báu mà nhân dân Séc đã dành cho Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc trước đây cũng như trong công cuộc phát triển và hội nhập của đất nước ngày nay.

Tại Việt Nam, công cuộc đổi mới toàn diện được tiến hành từ năm 1986 đến nay đã mang lại nhiều thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Việt Nam đã trở thành một đất nước có chế độ chính trị-xã hội ổn định, nền kinh tế phát triển năng động và là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và du lịch nước ngoài. Nhiều năm liên tục, kinh tế Việt Nam tăng trưởng với tốc độ cao và ổn định. GDP tăng bình quân trên 7% năm, riêng năm 2006 là 8,2% đứng thứ hai ở châu Á và dự kiến năm 2007 là 8,5%.  Việt Nam cũng đã chuyển mạnh sang nền kinh tế thị trường và hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế thế giới. Hiện nay đã có gần 80 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với gần 8.000 dự án và tổng số vốn đăng ký trên 70 tỷ USD, riêng năm 2006 Việt Nam đã thu hút được 10,2 tỷ USD vốn FDI, tăng 50% so với 2005. Tám tháng đầu năm 2007, con số này là 8,3 tỉ USD và dự kiến có thể đạt tới 13-14 tỉ USD vào cuối năm. Kim ngạch xuất khẩu tăng 20%/năm liên tục trong nhiều năm qua, giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2006 tương đương trên 60% GDP của cả nước.

Việt Nam có tình hình chính trị, xã hội ổn định với nền dân chủ đang phát triển tốt đẹp và ngày càng được tăng cường, nhân dân Việt Nam vui mừng về thành tựu của đất nước, tin tưởng vào đường lối và chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước. Đời sống các tầng lớp nhân dân không ngừng được cải thiện. Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ về xóa nghèo trước thời hạn 10 năm, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn quốc tế giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 19% năm 2006, được Liên hiệp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Chính phủ và nhân dân Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu để GDP tăng bình quân 8%/năm giai đoạn 2006-2010 và bình quân GDP đầu người năm 2010 sẽ đạt 1.100-1.200 USD, sớm đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, tạo nền tảng để đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Việt Nam kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì hoà bình và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế, chủ động và tích cực hội nhập sâu hơn và toàn diện hơn vào nền kinh tế quốc tế trên tinh thần Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực và xây dựng của cộng đồng quốc tế vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững. Trên thực tế, Việt Nam đang có quan hệ chính trị tốt với tất cả các nước và có quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với hơn 220 quốc gia và nền kinh tế cùng các trung tâm kinh tế lớn trên thế giới. Việt Nam là thành viên tích cực của các tổ chức APEC, ASEAN, ASEM và nhiều tổ chức kinh tế khác. Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ đầu năm nay và là nước duy nhất được các nước Châu Á tiến cử làm Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khoá 2008-2009. Đây là sự công nhận thành tựu đổi mới cũng như sự tin tưởng vào Việt Nam của Cộng đồng quốc tế. 

Quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Cộng hoà Séc ngày nay đang có những bước phát triển tốt đẹp. Hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao, ký kết nhiều văn kiện hợp tác, tạo cơ sở cho sự phát triển quan hệ hợp tác lâu dài, cùng có lợi giữa hai nước. Trong 5 năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Séc tăng gấp đôi (từ 65 triệu USD lên tới hơn 130 triệu USD). Cộng hoà Séc là một trong những nước cung cấp viện trợ phát triển (ODA) cho Việt Nam và có dự án đầu tư tại Việt Nam với số vốn tăng khá nhanh. Tuy nhiên, quan hệ song phương vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Việt Nam và Séc đều là hai nền kinh tế phát triển năng động với tiềm lực kinh tế khá dồi dào. Doanh nghiệp hai nước chúng ta đã bước đầu phát triển tốt mối quan hệ hợp tác cùng có lợi. Trong thời gian tới, với việc hai Chính phủ Việt Nam-Séc cùng tích cực hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, quan hệ hợp tác kinh tế thương mại song phương chắc chắn sẽ phát triển nhanh chóng và tốt đẹp hơn. Việt Nam mong được học hỏi kinh nghiệm và tăng cường hợp tác với Cộng hoà Séc trên những lĩnh vực mà Séc có thế mạnh, như phát triển năng lượng, cơ khí chế tạo và giáo dục - đào tạo. Về phần mình, Việt Nam sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác với phía Séc trong việc cung cấp nông sản, thực phẩm và sản phẩm may mặc.

Tình hữu nghị và sự hợp tác truyền thống giữa hai nước và hai dân tộc mãi mãi là vốn quý của chúng ta, là cơ sở bền vững cho sự phát triển quan hệ song phương trong thế kỷ 21, trong đó có sự đóng góp tích cực của hơn 40 ngàn người Việt Nam hiện đang sinh sống, làm ăn và học tập tại Cộng hòa Séc. Trong bối cảnh đó, tôi tin tưởng chuyến thăm chính thức Cộng hòa Séc lần này của Thủ tướng Chính phủ CHXHCN Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng sẽ là một mốc mới quan trọng, góp phần đưa quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Séc lên một tầm cao mới vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng của hai dân tộc, góp phần vào hoà bình, ổn định, hợp tác, phát triển và phồn vinh của hai khu vực và trên thế giới./.


Hoàng Trung Hải
Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer