Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Wednesday, ngày 02 tháng 04 năm 2025 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh ngày 25/7/1994 (trích)


 

Chương I

Vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn

Điều 1. Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh chịu sự chỉ đạo trực tiếp và toàn diện của Bộ Ngoại giao về đường lối chính trị đối ngoại chung, tổ chức bộ máy, biên chế cán bộ, chuyên môn và nghiệp vụ ngoại giao, đồng thời chịu sự lãnh đạo của Uỷ ban Nhân dân thành phố về chính trị, tư tưởng, công tác đối ngoại và về các chế độ và chính sách của thành phố.

Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh có chức năng sau:

1. Giúp Bộ Ngoại giao và Uỷ ban Nhân dân thành phố thực hiện các chủ trương về công tác đối ngoại, giải quyết các vấn đề về lãnh sự và các vấn đề liên quan đến nhân tố quốc tế tại thành phố.

2. Quản lý thống nhất công tác đối ngoại theo đúng chủ trương chính sách đối ngoại, luật pháp của Nhà nước Việt Nam, phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế; giúp đỡ và hợp tác với các cơ quan trong thành phố (kể cả các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố) để đảm bảo thực hiện những quy định của Nhà nước ta trong quan hệ với các cơ quan nước ngoài và người nước ngoài; phối hợp với các ngành liên quan để thực hiện chủ trương phát triển mối quan hệ hợp tác giữa thành phố Hồ Chí Minh với thành phố một số nước.

3. Quản lý các cơ quan đại diện Ngoại giao hoặc đại diện chính thức (kinh tế, thương mại, văn hoá khoa học kỹ thuật) nước ngoài đóng tại thành phố theo đúng quy chế đã ban hành.

4. Thực hiện những việc liên quan về đối ngoại của các chương trình xuất cảnh hợp pháp và hồi hương tự nguyện của người đã di tản - theo chủ trương của Trung ương - và chương trình tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh.

5. Thực hiện một số nhiệm vụ đối ngoại được Bộ Ngoại giao uỷ nhiệm tại các Tỉnh phía Nam.

Điều 2. Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh có nhiệm vụ cụ thể như sau:

1. Phổ biến và hướng dẫn thực hiện các chủ trương chính sách đối ngoại của Việt Nam cho các cơ quan nước ngoài và người nước ngoài. Truyền đạt những kiến thức về nghiệp vụ ngoại giao, về luật pháp và công pháp quốc tế; những chính sách và quy định về đối ngoại cho những cơ quan của ta để các cơ quan đó thực hiện tốt công tác đối ngoại.

2. Quản lý các mặt hoạt động của các cơ quan ngoại giao và các cơ quan đại diện chính phủ của nước ngoài đóng tại thành phố, kiến nghị những biện pháp cần thiết để quản lý thống nhất đối ngoại; thực hiện và bảo đảm các ngành thực hiện các hiệp định về lãnh sự, bảo đảm các chính sách về kiều dân, quản lý các chế độ xuất nhập cảnh của nhà nước đã ban hành, theo dõi nắm vững tình hình hoạt động của các tổ chức quốc tế thường trú tại thành phố.

3. Phối hợp với các cơ quan hữu quan ở thành phố giải quyết các vấn đề có nhân tố quốc tế. Tham gia ý kiến với các cơ quan hữu quan trong việc giải quyết các cơ sở vật chất và các nhu cầu khác cho các cơ quan đại diện ngoại giao hoặc đại diện chính thức của nước ngoài thường trú tại thành phố theo đúng quy định.

4. Quản lý phóng viên báo chí nước ngoài do Bộ Ngoại giao hoặc uỷ ban Nhân dân thành phố cho phép hoạt động ở thành phố. Thông qua nhiệm vụ này để đóng góp vào công tác tuyên truyền đối ngoại; quản lý hoạt động tuyên truyền báo chí của các Tổng Lãnh sự quán và cơ quan nước ngoài ở thành phố.

5. Tổ chức đón tiếp và phục vụ ăn, ở, chiêu đãi các đoàn khách quốc tế của Đảng, Nhà nước ở Trung ương và thành phố. Phối hợp với các ngành liên quan để theo dõi và quản lý theo chức năng của mình đối với các hội nghị quốc tế tại thành phố.

6. Chịu trách nhiệm về mặt đối ngoại trong việc tổ chức cho người xuất cảnh hợp pháp theo chương trình các chương trình nhân đạo, bảo đảm cho họ ra đi đúng luật pháp Việt Nam và công pháp quốc tế.

7. Chỉ đạo các mặt hoạt động của Viện trao đổi văn hoá với Pháp bảo đảm được lợi ích cho ta và tăng cường quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Pháp.

8. Giám đốc Sở Ngoại vụ được giao nhiệm vụ giúp Uỷ ban Nhân dân thành phố tham gia quản lý công ty Dịch vụ cơ quan nước ngoài trên các vấn đề về chính trị đối ngoại, và một số công tác khác liên quan đến đối ngoại.

9. Thực hiện, theo sự uỷ nhiệm của Bộ Ngoại giao, những vấn đề có liên quan đến chức năng lãnh sự, những vấn đề về lãnh hải, không phận, bến cảng, sân bay, biên giới... ở thành phố và các Tỉnh phía Nam. Giúp Bộ giải quyết đột xuất một số công việc liên quan đến kinh tế mà Bộ cần.

10. Bảo đảm xây dựng bộ máy làm việc gọn, nhẹ, có chất lượng, một đội ngũ nhân viên có đạo đức phẩm chất và có nghiệp vụ, ngoại ngữ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cơ quan để mọi người hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và đối ngoại.

 

Chương II

Cơ cấu tổ chức bộ máy

Điều 3. Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh làm việc theo chế độ Giám đốc.

Giám đốc Sở chịu trách nhiệm trước Bộ Ngoại giao, Uỷ ban Nhân dân thành phố toàn bộ công tác của Sở.

Giúp giám đốc có 2 Phó Giám đốc, chịu sự phân công của Giám đốc và chịu trách nhiệm trước Giám đốc về khối công việc được phân công.

Điều 4. Cơ cấu tổ chức bộ máy của Sở Ngoại vụ gồm có các đơn vị trực thuộc sau đây:

1. Văn phòng và Tổ chức cán bộ.

2. Phòng Lễ tân.

3. Phòng Báo chí.

4. Phòng Lãnh sự

5. Nhà khách Chính phủ tại thành phố.

6. Viện trao đổi văn hoá với Pháp.

Điều 5. Biên chế lao động và quỹ tiền lương của Sở Ngoại vụ được Bộ Ngoại giao phân bổ chi tiêu hằng năm.

 

Chương III

Quan hệ công tác của Sở Ngoại vụ

Điều 6. Đối với các mặt công tác trong phạm vi thành phố, Sở Ngoại vụ chịu sự lãnh đạo và chỉ đạo trực tiếp của Uỷ ban Nhân dân thành phố, được uỷ quyền quyết định một số mặt công tác quy định trong điều 1 và điều 2 của điều lệ này.

Sở Ngoại vụ có trách nhiệm báo cáo định kỳ và đột xuất cho Uỷ ban Nhân dân thành phố, cho Bộ Ngoại giao về tình hình đối ngoại tại thành phố đề xuất và kiến nghị kịp thời với uỷ ban nhân dân Thành phố và Bộ Ngoại giao giải quyết những vấn đề quan trọng.

Điều 7. Là một cơ quan trực thuộc Bộ đặt tại thành phố, Sở Ngoại vụ chịu sự lãnh đạo và chỉ đạo của Bộ Ngoại giao về chủ trương, kế hoạch, nghiệp vụ, biên chế, đào tạo, sử dụng cán bộ v.v... và tổ chức thực hiện công tác đối ngoại.

Điều 8. Quan hệ giữa Sở Ngoại vụ với các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể có liên quan là mối quan hệ phối hợp, hợp tác chặt chẽ để giải quyết các vấn đề có yếu tố đối ngoại tại thành phố. Sự hợp tác này phải trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, hết sức giúp đỡ nhau cùng chia sẻ trách nhiệm theo chức năng của từng Sở, Ban, Ngành.

 

Chương IV

Nhiệm vụ và tổ chức bộ máy

của các đơn vị trực thuộc Sở Ngoại vụ

Điều 12. Nhiệm vụ của Phòng lãnh sự

a) Giúp lãnh đạo Sở nắm tình hình và chỉ đạo thực hiện công tác lãnh sự tại thành phố và một phần ở các tỉnh phía Nam (từ Quảng Nam - Đà Nẵng trở vào). Nghiên cứu đề xuất và thực hiện các mặt công tác lãnh sự có liên quan đến người nước ngoài đúng đường lối chính sách đối ngoại và bảo vệ chủ quyền của Nhà nước Việt Nam.

b) Quản lý lãnh sự đối với các cơ quan đại diện ngoại giao, các đại diện các Tổ chức Quốc tế và phối hợp với cơ quan hữu quan thực hiện quản lý người nước ngoài, cơ quan nước ngoài, Việt kiều có quốc tịch nước ngoài xử lý pháp lý, theo dõi việc ký kết và thực hiện Hiệp định lãnh sự đã được thoả thuận giữa ta và các nước trong phạm vi thành phố. Thực hiện các chính sách về quyền lợi, nghĩa vụ của ngoại kiều đúng với địa vị cư trú của họ ở nước ta.

c) Giúp đỡ các cơ quan hữu quan của ta trong quá trình quan hệ và hợp tác có liên quan đến công tác lãnh sự (quy chế biên giới, các sân bay, bến cảng, việc xuất, nhập tàu thuỷ máy bay trong trường hợp đặc biệt, ngoại lệ).

d) Cùng với các cơ quan chức năng giải quyết những yêu cầu của Việt Kiều về nước và gia đình họ ở trong nước hoặc ở nước ngoài nếu có liên quan đến quy chế lãnh sự.

e) Phối hợp với các đoàn nhập cư nước ngoài để tổ chức những khâu công tác liên quan đến thủ tục xuất cảnh theo nhiều chương trình khác nhau do chính phủ Việt Nam quy định, kể cả chương trình tự nguyện hồi hương đối với những người di tản.

g) Cấp hộ chiếu, thị thực xuất nhập, gia hạn thị thực... cho những người có thân phận ngoại giao, công vụ, cán bộ công nhân viên Việt Nam đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài. Quản lý về nhân sự và các hoạt động có tính cách lãnh sự các đối tượng người nước ngoài thuộc chức trách quản lý của Sở Ngoại vụ.

h) Xử lý trong phạm vi thành phố về các sự cố xảy ra giữa tàu thuỷ nước ngoài hoặc tàu ta với tàu nước ngoài ở hải phận ta, những tai nạn của người nước ngoài trên các phương tiện giao thông v.v... và giải quyết những vi phạm pháp luật Việt Nam của người nước ngoài.

i) Xử lý các vụ tranh chấp có nhân tố quốc tế (ngoại kiều, Việt kiều) về hôn nhân, về nhập hoặc bỏ quốc tịch, tài sản, thừa kế, hành nghề, đấu tố, trục xuất, trao trả v.v...

Tham gia xử lý các vụ xảy ra đối với người nước ngoài liên quan đến công pháp quốc tế và luật lệ Việt Nam.

k) Giúp Bộ thực hiện chương trình MIA (tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh) tại thành phố và một số tỉnh phía Nam.

Ngày 25/7/1994

Giám đốc

Vũ Hắc Bồng

 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer

EMC Đã kết nối EMC