1. Quá trình phát triển của vấn đề nhân quyền
Ý thức về nhân quyền và việc thực hiện nhân quyền là một quá trình lịch sử lâu dài gắn với lịch sử phát triển của loài người và giải phóng con người qua các hình thái kinh tế-xã hội và các giai đoạn đấu tranh giai cấp qua đó quyền con người trở thành giá trị chung của nhân loại.
Khái niệm nhân quyền có nguồn gốc từ thời Hy lạp cổ dưới dạng các quyền tự nhiên của con người như quyền được sống... Dưới chế độ chiếm hữu nô lệ, người nô lệ không được coi là con người, không có và không được thừa nhận các quyền con người. Chế độ phong kiến so với chế độ nô lệ đã là một bước tiến trong việc giành lại quyền tự do và giải phóng con người. Giai cấp tư sản là người đầu tiên nêu ngọn cờ nhân quyền, biết lợi dụng các tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái, công lý, vốn là yêu cầu bức thiết của nhân dân lao động, tuyệt đối hoá tự do cá nhân, nhấn mạnh yếu tố cá nhân trong khái niệm quyền con người, “quyền tư hữu thiêng liêng”. Lần đầu tiên các quyền con người được chính thức ghi trong các văn kiện quan trọng như Tuyên ngôn độc lập của Mỹ, Tuyên ngôn về quyền con người và quyền công dân của Pháp 1789, Tuyên ngôn cộng sản 1848... Tuy vậy giai cấp tư sản chỉ tập trung nhấn mạnh quyền dân sự, chính trị, coi nhẹ quyền kinh tế, văn hoá, xã hội là cơ sở và điều kiện quan trọng để người lao động thoát khỏi đói nghèo và bị bóc lột. Cách mạng tháng 10 Nga đã tạo nên một phạm trù mới về quyền con người: đó là các quyền kinh tế, văn hoá, xã hội. Từ sau chiến tranh thế giới 2, các nước XHCN đã đi đầu trong việc nêu bật các quyền dân tộc cơ bản như bộ phận thiết yếu của các quyền tập thể, đưa ra cách đề cập toàn diện và biện chứng hơn về nhân quyền. Cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội của loài người, nội dung các quyền con người tiếp tục phát triển. Theo phương pháp tiếp cận lịch sử, các quyền con người có thể được chia thành ba thế hệ, thể hiện sự phát triển của khái niệm quyền con người qua các giai đoạn lịch sử, như sau:
Thế hệ 1: Các quyền cá nhân trong lĩnh vực dân sự, chính trị, các quyền bình đẳng và tự do cá nhân.
Thế hệ 2: Các quyền cá nhân trong lĩnh vực kinh tế-xã hội-văn hoá.
Thế hệ 3: Các quyền tập thể như quyền dân tộc cơ bản, tự quyết, bình đẳng giữa các dân tộc và quốc gia; quyền phát triển, quyền thông tin, quyền được sống trong hoà bình, trong môi trường lành mạnh...
Những tiến bộ trong việc thực hiện nhân quyền là thành quả đấu tranh của các dân tộc bị áp bức chống đế quốc, thực dân và của nhân dân lao động chống sự bóc lột của phong kiến, tư bản.
2. Các văn bản pháp lý quốc tế về nhân quyền
Hiến chương LHQ đã dành nhiều đoạn, mục khẳng định mục tiêu, quy định nghĩa vụ và trách nhiệm của LHQ trong việc bảo vệ và thúc đẩy tôn trọng các quyền và quyền tự do cơ bản của con người. Hiến chương LHQ và Tuyên ngôn nhân quyền là hai văn kiện quốc tế quan trọng đầu tiên về nhân quyền. Tuyên ngôn nhân quyền (1948) được LHQ đánh giá là một trong những thành tựu lớn đạt được của LHQ và có ý nghĩa lịch sử vì đã đưa ra được những chuẩn mực chung cho tất cả các nước và dân tộc về các quyền con người. Ngày thông qua Tuyên ngôn nhân quyền (10/12/1948) được LHQ lấy làm Ngày Nhân quyền và hàng năm đều kỷ niệm. Từ đó quyền con người được pháp điển hoá trong một loạt Công ước quốc tế về nhân quyền. Bộ luật quốc tế về nhân quyền ra đời và đến nay phát triển thành 24 Công ước quốc tế về nhân quyền trong đó quan trọng nhất là 2 Công ước 1966 về các quyền dân sự, chính trị và về các quyền kinh tế, văn hoá, xã hội. Lần đầu tiên “quyền tự quyết của các dân tộc kể cả quyền của họ được tự do sử dụng của cải và nguồn tài nguyên thiên nhiên của mình” được đảm bảo trong 2 công ước nêu trên (điều này trước đây không được nêu trong Tuyên ngôn nhân quyền). Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho cuộc đấy tranh vì quyền tự quyết của các dân tộc, kể cả quyền lựa chọn con đường phát triển cho chính họ. Quá trình pháp điển hoá và xây dựng các Công ước về nhân quyền là quá trình đấu tranh gay gắt giữa các thế lực tư bản phương Tây và các lực lượng tiến bộ. Về cơ bản, phần lớn các công ước đã ghi nhận được những nội dung tích cực, tiến bộ. Cho đến nay, Việt nam đã tham gia 8 Công ước quốc tế về nhân quyền, kể cả hai Công ước cơ bản về quyền chính trị dân sự, và về quyền kinh tế văn hoá xã hội.
3. Cơ cấu và bộ máy quốc tế về nhân quyền:
3.1. Bộ máy Liên hợp quốc: bao gồm hai hệ thống các cơ quan là hệ thống các cơ quan LHQ được thành lập trên cơ sở các quy định của Hiến chương LHQ và hệ thống các cơ quan được thành lập trên cơ sở các Công ước quốc tế về nhân quyền.
a) Hệ thống được thành lập theo Hiến chương gồm có các cơ quan chính là Đại hội đồng , ECOSOC và các cơ quan trực thuộc, Ban thư ký, như sau :
Đại Hội đồng LHQ
- Uỷ ban III Đại hội đồng LHQ chuyên trách về các vấn đề nhân quyền, nhân đạo, xã hội.
- Các cơ quan khác trực thuộc : Uỷ ban đặc biệt về phi thực dân hoá; Uỷ ban đặc biệt chống Apartheid; Uỷ ban đặc biệt điều tra vi phạm nhân quyền của Israel tại các vùng chiếm đóng; Uỷ ban về thực hiện quyền của nhân dân Palestin; Cao uỷ LHQ về nhân quyền; Cao uỷ LHQ về người tị nạn.
Hội đồng kinh tế và xã hội (ECOSOC)
- ECOSOC đã lập Uỷ ban nhân quyền ; Tiểu ban thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền (gọi tắt là Tiểu ban nhân quyền); Uỷ ban tình trạng phụ nữ (CSW)...
- Uỷ ban Nhân quyền chịu trách nhiệm đưa ra các khuyến nghị và báo cáo về các vấn đề nhân quyền thông qua ECOSOC trình lên Đại hội đồng LHQ, Uỷ ban Nhân quyền gồm 53 nước thành viên, nhiệm kỳ 3 năm. Hàng năm Uỷ ban họp một lần kéo dài 6 tuần (thường vào cuối tháng 3, đầu tháng 4) tại Giơnevơ. Năm 2005, tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc, Hội đồng Nhân quyền đã được thành lập để thay thế UBNQ.
- Tiểu ban nhân quyền (gồm 26 chuyên gia) có chức năng giúp việc cho Uỷ ban nhân quyền, tư vấn khuyến nghị về các vấn đề chuyên môn, dự thảo các văn bản pháp lý trong lĩnh vực liên quan. Ngoài ra để giúp việc cho mình Uỷ ban Nhân quyền còn lập ra các nhóm làm việc, và báo cáo viên đặc biệt về các vấn đề và các nước cụ thể.
Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc
Năm 2005, Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc (LHQ) quyết định thay thể Uỷ ban Nhân quyền (thành lập năm 1946) (UBNQ) bằng Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) mới trong nỗ lực để đưa vấn đề nhân quyền trở thành một trong ba trụ cột chính của LHQ cùng với hoà bình an ninh và phát triển.
Theo nghị quyết A/60/251 được ĐHĐ thông qua ngày 16/3/2006, HĐNQ bao gồm 47 thành viên (Châu Á: 13 ghế, Châu phi 13, Đông Âu 6, Mỹ Latinh và Ca-ri-bê 8, phương Tây 7) so với 53 của UBNQ trước đây và trở thành một cơ quan trực thuộc và báo cáo trực tiếp lên ĐHĐ.
Để được bầu làm thành viên HĐNQ, phải được sự chấp thuận thông qua bỏ phiếu kín của đa số thành viên (trên 96 phiếu thuận ). Khác với UBNQ trước đây thành viên HĐNQ được giới hạn 2 nhiệm kỳ liên tiếp và có thể bị đình chỉ nếu 2/3 ĐHĐ LHQ tán thành.
HĐNQ họp ít nhất là 4 phiên và không dưới 10 tuần. HĐNQ có thể triệu tập phiên họp đặc biệt nhằm đối phó với tình hình khẩn cấp khi có được sự chấp thuận ít nhât 1/3 thành viên.
Về chức năng, cơ bản HĐNQ kế thừa các chức năng của UBNQ trước đây. Ngoài ra theo nghị quyết A/60/251, trong năm đầu tiên, HĐNQ có nhiệm vụ phải ra soát, cải tiến và hợp lý hoá các cơ chế, nhiệm vụ và chức năng của UBNQ, đồng thời xây dựng một cơ chế mới là Kiểm điểm định kỳ tình hình thực hiện nhân quyền của các nước trên thế giới (UPR).
Văn phòng Cao uỷ Liên hợp quốc về nhân quyền (trước đây là Trung tâm Nhân quyền Liên hợp quốc), đóng tại Giơnevơ, là Cơ quan trực thuộc Ban Thư ký Liên hợp quốc có trách nhiệm giúp đỡ bộ máy LHQ thúc đẩy vấn đề nhân quyền, dưới sự điều hành của Cao uỷ Nhân quyền, tương đương với chức vụ Phó Tổng thư ký LHQ (vị trí này được thành lập từ năm 1993). Cao uỷ Nhân quyền Liên hợp quốc đầu tiên được Tổng thư ký Liên hợp quốc chính thức bổ nhiệm vào tháng 3/1994 là ông Jose Ayala-Lasso, người Ecuador, với nhiệm kỳ 4 năm. Bà Marry Robinson, nguyên Tổng thống Ireland từ 1997 - 2002. Ông Sergio Vieira de Mello, người Braxin (2002 - 2003). Hiện nay là bà Lousia Arbour, thẩm phán toà án tối cao Canađa.
b) Hệ thống được thành lập trên cơ sở các công ước là các cơ quan được thành lập theo các điều khoản của các công ước quốc tế về nhân quyền nhằm giúp theo dõi việc thực hiện các công ước này và thường được gọi là các uỷ ban công ước như uỷ ban Công ước về các quyền Dân sự, Chính trị, Công ước về các quyền Kinh tế, Văn hoá và Xã hội, Công ước chống Phân biệt Chủng tộc, Công ước Chống Phân biệt đối xử với Phụ nữ, Công ước quyền Trẻ em, Công ước Chống Tra tấn... Thành viên của các cơ quan công ước là các chuyên gia độc lập do các nước thành viên công ước bầu ra, trên cơ sở các nước đề cử.
c) Hội nghị thế giới về nhân quyền
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm thông qua Tuyên ngôn nhân quyền, LHQ đã lấy 1968 là Năm Quốc tế về nhân quyền. Sự kiện lớn trong năm 1968 là việc Liên hợp quốc tổ chức Hội nghị quốc tế về nhân quyền tại Teheran trong đó thông qua một chương trình hành động. Hai mươi năm sau Hội nghị Teheran, LHQ đã tổ chức Hội nghị thế giới lần thứ hai về nhân quyền tại Vienna. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Vienna và một chương trình hành động, đánh dấu một bước tiến có ý nghĩa của Cộng đồng quốc tế trong việc thúc đẩy bảo vệ nhân quyền trên thế giới.
3.2. Hệ thống các tổ chức nhân quyền khu vực:
- Hội đồng châu Âu, Công ước nhân quyền châu Âu, Toà án châu Âu.
- Tổ chức thống nhất châu Phi (có uỷ ban chuyên trách các vấn đề nhân quyền, nhân đạo) đã có hiến chương nhân quyền khu vực châu Phi.
- Tổ chức các nước Châu Mỹ : Có Công ước nhân quyền châu Mỹ và toà án nhân quyền các nước khu vực châu Mỹ.
Riêng khu vực châu Á-Thái Bình Dương chưa có tổ chức hoặc văn kiện pháp lý nào về nhân quyền chung cho khu vực, vì quan điểm các nước còn khác nhau.
4. Các nhóm quan điểm chính hiện nay về nhân quyền
Cùng với sự quan tâm ngày càng tăng đối với nhân quyền, trên phạm vi toàn cầu, tại các diễn đàn đa phương đã diễn ra sự đấu tranh, phân hóa theo hai nhóm quan điểm trên lĩnh vực này xuất phát từ lợi ích và điều kiện kinh tế-xã hội khác nhau : quan điểm của các nước đang phát triển - KLK và quan điểm Mỹ và phương Tây. Việt nam vừa là nước đang phát triển vừa là nước XHCN có quan điểm rất gần với các nước KLK tích cực. Cuộc đấu tranh xoay quanh 3 cụm vấn đề chính :
4.1. Tính phổ biến và tính đặc thù, thẩm quyền quốc gia và thẩm quyền quốc tế :
Phương Tây tuyệt đối hoá tính toàn cầu, phổ cập của nhân quyền vượt lên trên thẩm quyền quốc gia, chủ trương can thiệp quốc tế đối với tình hình vi phạm nhân quyền ở các nước. Các nước đang phát triển thừa nhận tính chất chung của những giá trị cơ bản nhất trong khái niệm nhân quyền nhưng đồng thời cho rằng trong việc hiểu và thực hiện nhân quyền ở các nước không thể không dựa trên đặc thù lịch sử, văn hoá, kinh tế-xã hội của từng khu vực và từng nước; họ chống lại sự áp đặt mô hình và tiêu chuẩn về giá trị của bên ngoài, chống việc nhân danh bảo vệ nhân quyền để can thiệp nội bộ vi phạm chủ quyền quốc gia và quyền tự quyết dân tộc.
4.2. Mối tương quan giữa các loại quyền con người :
Phương Tây nhấn mạnh các quyền chính trị-dân sự và các quyền tự do cá nhân với dụng ý đề cao và áp đặt nền “dân chủ” và hệ thống giá trị chính trị-xã hội của phương Tây. Các nước đang phát triển đòi hỏi phải coi trọng ngang bằng cả hai loại quyền chính trị-dân sự và kinh tế-xã hội-văn hoá, không thể chỉ chú trọng một loại quyền, ưu tiên thúc đẩy các quyền tự do chính trị; đồng thời họ cho rằng các quyền tự do cá nhân không thể vượt lên trên mà phải gắn liền với quyền và lợi ích của số đông, của cộng đồng và dân tộc, quyền của thiếu số phải phục tùng quyền của đa số, quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ đối với xã hội.
4.3. Quyền phát triển và loại bỏ việc gắn điều kiện nhân quyền đối với hợp tác-viện trợ cho phát triển.
Ở những mức độ khác nhau các nước phương Tây đặc biệt là Mỹ, ngần ngại thừa nhận quyền phát triển của các dân tộc như một quyền con người cơ bản vì điều này dẫn đến trách nhiệm của họ với tư cách là những nước giàu, nước phát triển, một số đã từng bóc lột và vơ vét tài nguyên của các nước thuộc địa trước kia, phải đóng góp, hỗ trợ cho nỗ lực phát triển của các nước đang phát triển. Thậm chí một số nước phương Tây vẫn chủ trương đặt tiến bộ về nhân quyền tại một nước - theo giác độ của họ-thành điều kiện cho việc cung cấp hay duy trì viện trợ cho phát triển hoặc những điều kiện thuận lợi cho buôn bán, xuất khẩu...
Các nước đang phát triển khẳng định quyền phát triển là quyền phổ biến, một trong những quyền cơ bản của con người. Họ bác bỏ việc gắn điều kiện nhân quyền cho phát triển, đấu tranh chống lại việc phương Tây lẩn tránh trách nhiệm của họ đối với Hội nghị Nhân quyền thế giới (Viên-93) đã khằng định lại nội dung tích cực của quyền phát triển và chống việc đặt điều kiện cho viện trợ phát triển.
5. Triển vọng của vấn đề
Hiện nay nhân quyền đã trở thành một vấn đề thu hút sự chú ý rộng rãi của dự luận thế giới, một nhân tố không kém phần quan trọng trong các chương trình nghị sự và văn kiện của các Hội nghị quốc tế, các tổ chức quốc tế và khu vực cũng như các hiệp định song phương, đa phương.
Như đối với các vấn đề khác, nhân quyền trong quan hệ quốc tế thể hiện xu thế chung là vừa hợp tác, vừa đấu tranh giữa các nước, và giữa một nước với các tổ chức quốc tế hoặc nhân vật nước khác, với những tương tác thường xuyên và lợi ích đan xen giữa kinh tế-thương mại và chính trị, chính thức và không chính thức không ngừng gia tăng và mở rộng. Tại các diễn đàn đa phương, vấn đề nhân quyền tiếp tục bị lợi dụng và bị chính trị hoá mạnh. Trong khuôn khổ LHQ, các nước phương Tây tìm mọi cách tăng cường tính chất cưỡng chế và ràng buộc của các cơ chế nhân quyền, Các nước tích cực, nhất là đại đa số các nước châu Á, đi đầu trong đấu tranh chống áp đặt và can thiệp của phương Tây./.
(tháng 7/2007)