Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Friday, ngày 27 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

HỢP TÁC QUỐC TẾ TRONG LĨNH VỰC BẢO ĐẢM VÀ PHÁT TRIỂN QUYỀN CON NGƯỜI


Với chủ trương "Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập, hợp tác và phát triển", Việt Nam luôn mở cửa, sẵn sàng giao lưu, mở rộng vòng tay đón bạn bè xa gần, tăng cường đối thoại và hợp tác quốc tế, kể cả trong lĩnh vực quyền con người  trên cơ sở bình đẳng, xây dựng, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau. Với tinh thần đó, Việt Nam đã chủ động tham gia vào nhiều lĩnh vực hợp tác về quyền con người trong khuôn khổ các diễn đàn đa phương cũng như trong quan hệ song phương và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tham gia vào các công ước quốc tế về quyền con người là một chủ trương thường xuyên và nhất quán của Việt Nam, thể hiện cam kết cũng như quyết tâm của Việt Nam trong việc bảo đảm và thực hiện các tiêu chuẩn pháp lý quốc tế về quyền con người. Việt Nam đã trở thành thành viên của hầu hết các công ước quốc tế quan trọng của Liên hợp quốc về quyền con người , cụ thể là 8 công ước sau: Công ước về Quyền Dân sự, Chính trị; Công ước về quyền Kinh tế, Văn hoá, Xã hội; Công ước về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; Công ước về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc; Công ước Quyền Trẻ em; và hai Nghị định thư bổ sung về trẻ em trong xung đột vũ trang và chống sử dụng trẻ em trong các hoạt động mại dâm và tranh ảnh khiêu dâm; Công ước về ngăn ngừa và trừng phạt các tội ác A-pác-thai; Công ước về không áp dụng những hạn chế luật pháp đối với tội phạm chiến tranh và tội chống nhân loại. Kể từ khi trở thành thành viên của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), Việt Nam đã gia nhập 15 công ước quốc tế về quyền lao động, trong đó có những công ước quan trọng như: Công ước số 5 về Tuổi tối thiểu của trẻ em được tham gia vào lao động công nghiệp; Công ước số 100 về Trả công bình đẳng giữa lao động nam và nữ; Công ước số 111 về Không phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp…

Việt Nam nghiêm chỉnh thực hiện các nghĩa vụ của các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Việt Nam đã trình và bảo vệ thành công tất cả các báo cáo quốc gia liên quan các công ước quốc tế về quyền con người. Cụ thể: Việt Nam đã trình và bảo vệ thành công báo cáo về việc thực hiện Công ước Chống Phân biệt Đối xử với Phụ nữ (CEDAW) vào ngày 11/7/2001, báo cáo về tình hình thực hiện công ước Xoá bỏ các hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) ngày 15/8/2001; 2 báo cáo liên quan đến Công ước về Quyền Dân sự, Chính trị (CCPR) (Báo cáo lần thứ nhất bảo vệ ngày 12/7/1990) và Báo cáo gộp lần 2,3, bảo vệ ngày 14/7/2002); 2 báo cáo về Công ước Quyền trẻ em (CRC) (Báo cáo đầu tiên được trình và bảo vệ ngày 20/1/1993 và Báo cáo lần 2 và 3, bảo vệ ngày 12/1/2003). Hiện nay, Việt Nam đã xây dựng xong Báo cáo quốc gia đối với tình hình thực hiện Công ước về Chống Phân biệt Đối xử với Phụ nữ lần thứ 4 và bảo vệ Báo cáo tại trụ sở Liên hợp quốc vào năm 2005. Việc hoàn thành một khối lượng công việc lớn để nộp hầu hết các báo cáo đúng thời hạn thể hiện sự nghiêm túc và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với việc bảo đảm tôn trọng và thực hiện các cam kết quốc tế trong lĩnh vực quyền con người . Điều này đã được Uỷ ban theo dõi thực hiện công ước cũng như cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Trong khuôn khổ đa phương, Việt Nam đã tích cực phối hợp với các nước đóng góp cho mục tiêu chung là thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế về quyền con người. Việt Nam đã tham gia tích cực vào một số cơ chế của Liên hợp quốc về quyền con người như Uỷ ban Nhân quyền nhiệm kỳ 2001-2003, Uỷ ban Phát triển Xã hội nhiệm kỳ 2001-2004, Hội đồng Kinh tế - Xã hội nhiệm kỳ 1998-2000. Tại các diễn đàn đa phương này, đặc biệt là tại Ủy ban III Đại hội đồng và Uỷ ban Nhân quyền  Liên hợp quốc, Việt Nam đã tích cực phối hợp với các nước đóng góp cho mục tiêu chung là thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế về nhân quyền.

Đặc biệt, Việt Nam đã tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh chống xu hướng chính trị hoá và thái độ “tiêu chuẩn kép” của một số nước trong vấn đề nhân quyền, chống việc sử dụng các nghị quyết về ‘tình hình nhân quyền” tại một số nước để gây sức ép và can thiệp vào công việc nội bộ, xâm phạm chủ quyền của các nước đang phát triển; đấu tranh đề cao và thúc đẩy việc thực hiện các quyền kinh tế, văn hoá, xã hội và quyền phát triển lên ngang bằng với các quyền dân sự, chính trị;  chủ động và tích cực tham gia đồng tác giả nhiều dự thảo nghị quyết đề cao và thúc đẩy việc thực hiện các quyền kinh tế, văn hoá, xã hội đặc biệt là các dự thảo nghị quyết liên quan đến quyền trẻ em, quyền phụ nữ, vấn đề giáo dục, phòng chống ma tuý, tội phạm…

Việt Nam cũng đã tham gia và đóng góp tích cực vào công việc của Nhóm các nước có cùng quan điểm về Nhân quyền, Nhóm Châu Á, góp phần vào việc khẳng định những quan điểm và lập trường tích cực về nhân quyền tại LHQ. Tại Khoá họp lần thứ 42 của Uỷ ban Phát triển Xã hội (2/2004), được sự hỗ trợ của một số nước bạn bè trong khu vực, Việt Nam đã đưa sáng kiến, kiến nghị chủ đề ưu tiên của Khoá họp tiếp theo của Uỷ ban là “Hợp tác quốc tế để ngăn chặn và giải quyết các loại bệnh dịch nghiêm trọng”.  Việt Nam cũng là một trong ba nước đang phát triển  đã đưa dự thảo điều khoản qui định về “Hợp tác quốc tế” vào thành một điều khoản chính trong nội dung dự thảo Công ước quốc tế về người tàn tật, làm cơ sở để các nước đang phát triển thảo luận và đấu tranh trong các khoá họp hiện nay của Uỷ ban đặc biệt soạn thảo Công ước nêu trên. 

Bên cạnh hoạt động tại các diễn đàn đa phương, Việt Nam chủ trương sẵn sàng đối thoại và hợp tác song phương với các quốc gia khác về những vấn đề quyền con người , xã hội cùng quan tâm. Trong những năm qua,Việt Nam đã tiến hành 10 vòng đối thoại với Hoa Kỳ (1994 – 2002), 4 vòng đối thoại với các nước Liên minh châu Âu (EU), 3 vòng đối thoại với Ô-xtrây-li-a và một số vòng đối thoại khác với Na-uy, Thuỵ Điển, Thuỵ Sỹ. Riêng năm 2004, Việt Nam đã tiến hành cuộc đối thoại với EU, Ô-xtrây-li-a và Na-uy. Mục đích của Việt Nam trong việc tăng cường đối thoại với các nước là nhằm giúp các quốc gia hiểu biết sâu sắc hơn về những điều kiện đặc thù của từng nước như hệ thống chính sách, hoàn cảnh lịch sử, bản sắc văn hoá,…với tinh thần chung là tìm kiếm điểm đồng, hạn chế bất đồng, nêu cao nguyên tắc khách quan, không thiên vị, không chính trị hoá vấn đề quyền con người .

Bên cạnh đó, Việt Nam còn chủ động mời một số báo cáo viên của Liên hợp quốc và đón nhiều đoàn nước ngoài vào tìm hiểu tình hình tại Việt Nam. Ngoài ra, xuất phát từ nhu cầu trao đổi học thuật và tìm hiểu kinh nghiệm giữa các quốc gia trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người, Việt Nam đã đăng cai tổ chức một số hội thảo, hội nghị quốc tế về lĩnh vực này, cụ thể là Hội thảo về Công ước quốc tế chống tra tấn và đối xử vô nhân đạo (tháng 12/2003); Hội thảo Việt Nam - EU về Án tử hình (tháng 11/2004), Hội thảo về quyền con người  lần thứ 6 do Trung Quốc – Na-uy – Ca-na-đa đồng bảo trợ với sự tham gia của hơn 20 nước trong khu vực (tháng 12/2004). Tại các cuộc hội thảo này, Việt Nam đã tạo cơ hội cho các đại biểu quốc tế hiểu rõ hơn chính sách của Việt Nam về quyền con người nói chung và chính sách cụ thể trên từng lĩnh vực bảo vệ quyền con người. Các cuộc hội thảo này thực sự là diễn đàn trao đổi cởi mở, thẳng thắn, công khai nhằm thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau.
 
 Bên cạnh các hoạt động trao đổi về quyền con người giữa các cơ quan chính phủ của Việt Nam với các nước, Việt Nam còn khuyến khích sự trao đổi giữa các học giả về vấn đề quyền con người. Trung tâm nghiên cứu quyền con người thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh của Việt Nam đã hợp tác với Thuỵ Điển, Thuỵ Sĩ, Ca-na-đa về đào tạo luật quốc tế về quyền con người, luật nhân đạo; với Đan Mạch xuất bản sách về vị thành niên; với Úc nâng cao trình độ cán bộ giảng dạy về luật quốc tế; với Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) về quyền trẻ em; Hội chữ thập đỏ quốc tế về luật quốc tế về nhân đạo; và trao đổi kinh nghiệm về truyền thống nhân quyền, đào tạo với Trung Quốc và Lào.

 Công tác tuyên truyền đối ngoại nói chung và đặc biệt trong lĩnh vực quyền con người ngày càng được quan tâm và đẩy mạnh. Các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài tăng cường công tác tiếp xúc tuyên truyền đối ngoại, giới thiệu về tình hình đất nước, con người Việt Nam; mỗi năm, hàng chục nghìn ấn phẩm tuyên truyền đối ngoại được gửi đi các nơi, chú trọng các nội dung đề cập đến những thành tựu về phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm và nâng cao đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của mọi người dân. Chỉ tính riêng năm 2003, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi ra nước ngoài hơn 250.000 tờ báo, tạp chí, 6.000 tờ rơi, 2.500 ảnh, 8.500 cuốn sách các loại giới thiệu về Việt Nam; ra nhiều bản tin chuyên đề về lĩnh vực quyền con người, tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam. Thông qua các hoạt động này, bạn bè ngày càng hiểu hơn về chính sách đối ngoại nói chung và các thành tựu trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người ở Việt Nam./.

(tháng 7/2007)

 

 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer