Vesak-Lễ hội quan trọng nhất của Phật giáo
Đại lễ Vesak đã được tổ chức riêng lẻ tại nhiều nước Phật giáo. Ngày 15/12/1999, Đại Hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) tại phiên họp thứ 54, mục 174 của Chương trình Nghị sự, đã chính thức công nhận Đại lễ Vesak là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của LHQ. Những họat động của Đại lễ kỷ niệm Đức Phật sẽ được diễn ra hàng năm tại trụ sở và các trung tâm của LHQ trên thế giới từ năm 2000 trở đi. Đối với Việt Nam, theo truyền thống, Phật giáo vẫn gọi là Đại lễ Phật đản, bởi vậy Đại lễ Vesak LHQ 2008 ở Việt Nam gọi là Đại lễ Phật đản LHQ 2008 để tôn vinh giá trị đạo đức, văn hóa, tư tưởng hòa bình, đoàn kết hữu nghị của Đức Phật.
Từ những kỳ Vesak đầu tiên
Năm 2001, Đại lễ Phật đản được kỷ niệm lần đầu tiên tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ) với sự tham gia của đại biểu đến từ 34 nước. Kể từ đó đến nay, Đại lễ Phật đản đã được tổ chức nhiều năm liền ở ngoài trụ sở Liên hợp quốc.
Tháng 4/2005, Đại lễ Phật đản LHQ được tổ chức tại Mumbai (Ấn Độ). Tiếp theo, từ ngày 18 đến ngày 21/5/2005, Đại lễ Phật đản được tổ chức tại Trung tâm Phật giáo Quốc gia Buddhamonthon (Thái Lan) với đại biểu từ 42 quốc gia tới dự.
Đại lễ Phật đản tiếp theo được tổ chức từ ngày 1 đến ngày 10/5/2006 tại Trường Đại học MahaKhulalongkorn (Thái Lan) gắn với kỷ niệm 60 năm ngày lên ngôi của nhà vua Thái Lan. Từ ngày 26 đến ngày 29/5/2007, Đại lễ Phật đản LHQ tiếp tục được tổ chức tại Trường Đại học Mahachulalongkon (Thái Lan) với sự tham gia của 500 đoàn đại biểu từ 62 nước.
Tổ chức Đại lễ Phật đản LHQ, Phật giáo thế giới có Ủy ban Tổ chức Quốc tế (tên viết tắt tiếng Anh là IOC), thành viên Ủy ban Tổ chức Quốc tế bao gồm đại diện được bầu từ những người có tín ngưỡng Phật giáo ở một số nước có đạo Phật. Ủy ban Tổ chức Quốc tế do một Chủ tịch đứng đầu, Chủ tịch phải vừa là thành viên của Ủy ban Tổ chức Quốc tế vừa là công dân của nước đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản.
Ngày 17/5/2007, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi Công hàm tới Chính phủ Hoàng gia Thái Lan (nước đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản năm 2007) và Ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Phật đản, bày tỏ sự hưởng ứng về việc tổ chức Đại lễ Phật đản LHQ 2008 của Chính phủ Việt Nam. Ngày 23/5/2007, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã gửi điện chúc mừng Đại lễ Phật đản 2007; nêu rõ: Chính phủ Việt Nam sẵn sàng đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản LHQ 2008 tại Việt Nam, thể hiện sự ủng hộ cao đối với quyết định nói trên của Liên Hợp quốc vì hòa bình, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội. Ngày 29/5/2007, tại phiên bế mạc của Đại lễ Phật đản 2007, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, Nguyễn Duy Hưng cùng đại diện GHPGVN Hòa thượng Thích Trí Tâm, Trưởng Ban Nghi lễ Trung ương và Chủ tịch IOC người Việt Nam, giáo sư Lê Mạnh Thát đã nhận chuyển giao quyền tổ chức Đại lễ Phật đản LHQ năm 2008.
Là Ủy viên Không thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc 2007 – 2008, việc đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Việt Nam tỏ rõ thiện chí và quyết tâm ủng hộ chủ trương của Liên Hợp quốc nhằm xây dựng một thế giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Điều này phù hợp với giáo lý của Đức Phật và phù hợp với chủ trương xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Là nước có Phật giáo với truyền thống đã gần 2 nghìn năm. Phật giáo ở Việt Nam được đánh giá là tôn giáo đồng hành cùng dân tộc, bởi vậy Đại lễ Phật đản LHQ 2008 được tổ chức tỏ rõ quan điểm của Nhà nước Việt Nam là thực hiện Đại đoàn kết, hữu nghị, hòa bình vì lợi ích chung của cộng đồng xã hội
Công tác tổ chức Đại lễ Phật đản LHQ 2008 tại Việt Nam
Sau khi nhận đăng cai Đại lễ Phật đản LHQ 2008, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo về chủ trương và nguyên tắc tổ chức nhằm đảm bảo cho Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc 2008 tại Việt Nam được diễn ra tốt đẹp. Chính phủ lập Ban Điều phối Quốc gia tổ chức Đại lễ Phật đản LHQ năm 2008 do ông Nguyễn Thế Doanh, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ làm Trưởng Ban điều phối này. Ban điều phối gồm đại diện một số tổ chức, cơ quan của nhà nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và một số thành viên (IOC) người Việt Nam, đại diện lãnh đạo 4 địa phương gồm: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Ninh Bình với nhiệm vụ điều hòa và phối hợp công việc giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ủy ban Tổ chức Quốc tế (IOC) và các tổ chức, cơ quan thuộc nhà nước, các địa phương có liên quan một cách nhịp nhàng để Đại lễ Phật đản LHQ năm 2008 được thành công tốt đẹp.
Giúp việc cho Ban Điều phối Quốc gia có các Tiểu ban: Tiểu ban Lễ nghi, Văn hóa, do Hòa thượng Thích Thanh Tứ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự (HĐTS), GHPGVN, Phó Trưởng ban Ban Điều phối Quốc gia làm Trưởng Tiểu ban. Tiểu ban Nội dung, do Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế TW GHPGVN, Phó Trưởng ban Ban Điều phối Quốc gia làm Trưởng Tiểu ban; Tiểu ban Lễ tân, Giao tế, do Giáo sư Lê Mạnh Thát, Chủ tịch IOC, Tổng Thư ký Ban Điều phối Quốc gia làm Trưởng Tiểu ban; Tiểu ban Trang trí, Khánh tiết, do Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Hoằng pháp TW GHPGVN, Uỷ viên Ban Điều phối Quốc gia làm Trưởng Tiểu ban.
Đại lễ Phật đản LHQ 2008 được tổ chức tại thủ đô Hà Nội từ 14 / 17/5/2008 với nhiều hoạt động Lễ và Hội. Các địa phương có Phật giáo sẽ có những hoạt động hưởng ứng Đại lễ tại Thủ đô. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có Thông bạch để hướng dẫn các địa phương thực hiện những hoạt động thiết thực phù hợp với điều kiện kinh tế, truyền thống Phật giáo và khả năng của Phật giáo địa phương để tổ chức các hoạt động sao cho trang trọng, thiết thực, an toàn và thực hiện đúng pháp luật. Riêng Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh sẽ có nhiều hoạt động phong phú bởi tại các địa phương này có những hoạt động trực tiếp của Đại lễ hoặc có nhiều liên hệ tới Đại lễ.
Những nội dung chính của Đại lễ Vesak tại Việt Nam
Theo dự kiến, Đại lễ Phật đản LHQ 2008 có trên 80 nước và vùng lãnh thổ tham dự với số đại biểu chính thức được mời là 3.500 vị, trong đó: Quốc tế 2000 vị, bao gồm: Lãnh đạo các Giáo hội Phật giáo các nước, đại biểu Phật giáo và các học giả Phật giáo thế giới, thành viên IOC người nước ngoài, Việt kiều và thành viên tham dự khóa tu người nước ngoài. Trong nước có 1.500 vị, bao gồm: Chư tôn đức Hội đồng Chứng minh (HĐCM), Hội đồng Trị sự (HĐTS), lãnh đạo Phật giáo các địa phương, IOC người Việt Nam, Tăng Ni, Phật tử tiêu biểu các địa phương, khách của nhà nước, đại diện chính phủ và các cơ quan TW, địa phương, đại sứ quán các nước tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, phóng viên thông tấn, báo chí, phát thanh truyền hình. Ngoài đại biểu được mời, khách trong và ngoài nước tới dự Đại lễ không hạn chế, ngoài Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, khu vực xung quanh sân vận động quốc gia gồm các tuyến đường sẽ được sử dụng như là quảng trường để tổ chức hoạt động cho đông đảo Tăng Ni, tín đồ và quần chúng nhân dân không có điều kiện vào dự Đại lễ trong Trung tâm Hội nghị Quốc gia.
Theo Đại đức Thích Đức Thiện, Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự Trung ương, Phó Văn Phòng 1 Trung ương GHPGVN, Tổng thư ký Phân viện Nghiên cứu Phật học, nội dung thảo luận của Đại lễ Vesak LHQ 2008 diễn ra xung quanh chủ đề chính: Đóng góp của Phật giáo trong việc xây dựng xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Những thảo luận nhóm sẽ trao đổi cụ thể các vấn đề: Vai trò của Phật giáo trong việc giải quyết xung đột và ngăn ngừa chiến tranh; Sự đóng góp của Phật giáo về công bằng xã hội; Phật giáo nhập thế và sự phát triển; Chăm sóc môi trường: Giải pháp của Phật giáo về sự thay đổi khí hậu; Vấn nạn gia đình và giải pháp của Phật giáo; Diễn đàn: Giáo dục Phật giáo: Sự kế thừa và phát triển và Diễn đàn: Phật giáo trong thời đại kỹ thuật số.
Theo chương trình dự kiến, Đại lễ Phật Đản Liên hiệp quốc 2008 tại Hà Nội sẽ khai mạc sáng 14/5/2008 tại Hội trường chính Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình. Dự lễ sẽ có nhiều chư Tôn đức Giáo phẩm, quan khách ngoại quốc, đại sứ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Mở đầu lễ khai mạc sẽ có lễ Tam Bảo, múa lục cúng và tụng sám Phật đản. Sau phát biểu của Chủ tịch IOC và lời chào mừng của Pháp Chủ Hội đồng chứng minh và Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, lãnh đạo Đảng và Nhà nước sẽ có diễn văn khai mạc quan trọng. Ngoài ra, lễ khai mạc cũng sẽ tuyên đọc Thông điệp của Tổng thư ký LHQ, Thông điệp của Nguyên thủ quốc gia và các Đại sứ; Thông điệp của lãnh đạo các GHPG thế giới.
Cũng theo dự kiến, ngay trong ngày khai mạc sẽ diễn ra 2 phần thuyết trình với nội dung Phật giáo với vấn đề công bằng xã hội và dân chủ và Vai trò của Phật giáo trong việc giải quyết xung đột và ngăn ngừa chiến tranh. Tối cùng ngày, sẽ diễn ra buổi biểu diễn văn nghệ và múa truyền thống Việt Nam chào mừng Đại lễ./.(TTXVN)
Back Top page Print Email |