APEC đẩy mạnh hợp tác chống Covid-19, thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực
Hội nghị trực tuyến đặc biệt của các Quan chức cao cấp (SOM) Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) diễn ra ngày 27/5 dưới sự chủ trì của Malaysia, chủ nhà APEC năm 2020.
Tham dự Hội nghị có các SOM và đại diện 21 nền kinh tế thành viên APEC, đại diện Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC). Đoàn Việt Nam tham dự gồm đại diện Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao.
Hội nghị tập trung trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác APEC trong ứng phó với đại dịch Covid-19, bảo đảm giao thương hàng hóa bình thường trong khu vực, nhất là lưu chuyển thuốc, vật tư và trang thiết bị y tế, tiếp tục thúc đẩy tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư. Hội nghị cũng thảo luận kế hoạch triển khai các hoạt động APEC từ nay đến cuối năm 2020 và chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 27, trong bối cảnh châu Á-Thái Bình Dương vẫn là một trong những tâm điểm của đại dịch.
Các thành viên APEC nhấn mạnh trong giai đoạn thế giới đang phải đối phó với khủng hoảng chưa từng có trong nhiều thập kỷ qua, hơn lúc nào hết, hợp tác đa phương trên mọi cấp độ, từ toàn cầu, đến liên khu vực và khu vực có ý nghĩa hết sức quan trọng. APEC cần phát huy hơn nữa vai trò và thế mạnh của Diễn đàn nhằm đẩy mạnh phục hồi kinh tế và xu thế liên kết kinh tế, đóng góp đẩy mạnh hợp tác đa phương, nhất là các nỗ lực của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhằm sớm khôi phục tăng trưởng thương mại toàn cầu và hạn chế sự gián đoạn của chuỗi cung ứng.
Nhiều sáng kiến cụ thể, thiết thực đã được thảo luận, nổi bật là xây dựng phần mềm chia sẻ thông tin và phối hợp chính sách ứng phó Covid-19, tạo thuận lợi cho hàng hóa thiết yếu và giao dịch thương mại thông qua giảm thuế quan đối với hàng hóa y tế, lương thực và nông nghiệp, thành lập Quỹ APEC về hỗ trợ hợp tác chống Covid-19 và phục hồi kinh tế... Các thành viên nhất trí tiếp tục trao đổi về những đề xuất này để báo cáo lên Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC, dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 6/2020 theo hình thức trực tuyến.
Hội nghị khẳng định APEC cần tiếp tục đặt ưu tiên vào việc nghiên cứu và xây dựng Tầm nhìn về hợp tác APEC sau năm 2020, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang tạo ra những tác động chưa từng có tới quản trị toàn cầu, quá trình toàn cầu hóa, thương mại, kinh tế và đầu tư. Các thành viên nhất trí xây dựng Tầm nhìn chiến lược và toàn diện nhằm định hướng hợp tác APEC trong những thập kỷ tới, trong đó bảo đảm tiếp tục duy trì vai trò của APEC là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực, vai trò của châu Á-Thái Bình Dương là động lực thúc đẩy kinh tế số, tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu, bảo đảm sự thích ứng của APEC trong một thế giới đang thay đổi sâu sắc.
Về hoạt động của Diễn đàn năm 2020, các thành viên đánh giá cao nỗ lực của chủ nhà Malaysia duy trì đà hợp tác APEC, mặc dù Covid-19 đã và đang làm gián đoạn hoạt động ở nhiều nền kinh tế cũng như hợp tác tại các khuôn khổ đa phương. Các thành viên nhấn mạnh cần thúc đẩy triển khai các chương trình hợp tác đã đề ra trong năm 2020, duy trì họp ở các cấp và tiếp tục tích cực chuẩn bị cho Tuần lễ Cấp cao APEC vào tháng 11 tới dưới hình thức phù hợp. Nhiều thành viên nhấn mạnh cần đẩy mạnh triển khai các kết quả quan trọng được thông qua trong Tuyên bố của các nhà Lãnh đạo APEC tại Hội nghị Cấp cao APEC năm 2017 tại thành phố Đà Nẵng.
Đoàn ta đã có nhiều đóng góp tích cực nhằm thúc đẩy hợp tác APEC về ứng phó với Covid-19, phục hồi kinh tế và triển khai các chương trình hợp tác năm 2020. Ta đã chia sẻ kinh nghiệm và bài học thành công của Việt Nam trong kiểm soát dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế, thông tin về những nỗ lực của Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác đa phương trên cương vị cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, được các thành viên đánh giá cao. Đoàn ta cũng đưa ra nhiều đề xuất và nội hàm quan trọng đóng góp vào quá trình xây dựng Tầm nhìn APEC sau năm 2020.
Hội nghị SOM đặc biệt của APEC về Covid-19 được tổ chức theo sáng kiến của Malaysia đã đạt nhiều kết quả thiết thực, khẳng định vai trò quan trọng của APEC trong phối hợp chính sách, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư tại châu Á-Thái Bình Dương. Sự chủ động, tích cực và sáng tạo của các thành viên ASEAN, nhất là Malaysia, Campuchia và Việt Nam với các trọng trách lần lượt là chủ nhà APEC, chủ nhà Hội nghị Cấp cao Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) và Chủ tịch ASEAN 2020, trong một năm đầy biến động và diễn biến khó lường, đã tiếp tục đề cao đóng góp quan trọng của ASEAN thúc đẩy hợp tác đa phương, nâng cao vai trò và vị thế của ASEAN trong cục diện thế giới và khu vực.