Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Tuesday, ngày 31 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Thông tin chung về di sản Việt Nam


Hiện nay, các di sản văn hóa của Việt Nam ngày càng khẳng định được vai trò và vị trí của mình trong đời sống xã hội, và ngày càng nhận được sự quan tâm của mọi tầng lớp nhân dân và đặc biệt là của Đảng và Nhà nước. Nhờ đó, cho đến nay, công tác bảo vệ di sản và phát huy các giá trị di sản đã đạt được những thành tựu đáng kể.

I.    Giới thiệu khái quát về công tác bảo vệ di sản và phát huy các giá trị văn hóa:

Đối với di sản vật thể: Trong bối cảnh các di sản văn hóa và các di sản thiên nhiên đang đứng trước nguy cơ bị phá hoại do những biến động của kinh tế xã hội, ngày 16/11/1972, Đại hội đồng tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (tổ chức UNESCO) đã thông qua Công ước về việc Bảo vệ các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (sau đây gọi tắt là Công ước 1972). Việt Nam tham gia Công ước này năm 1987.

Đối với di sản phi vật thể: Có thể nói di sản phi vật thể làm giàu thêm sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người, là sự đảm bảo cho sự phát triển bền vững, tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, các di sản văn hóa phi vật thể đang đứng trước nguy cơ bị suy thoái, biến mất và bị hủy hoại. Nhận thức được tầm quan trọng này, ngày 17/10/2003, UNESCO đã thông qua Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (sau đây gọi tắt là Công ước 2003). Việt Nam tham gia Công ước này năm 2005.

II.    Những di sản đã được UNESCO công nhận:

1.    Di sản vật thể:

A.    Di sản văn hóa:

-    Quần thể di tích Cố đô Huế: Hội nghị lần thứ 17 của Ủy ban di sản thế giới họp tại Cartagena (Colombia) ngày 11/12/1993 đã công nhận Khu di tích Cố đô Huế là di sản văn hóa thế giới với tiêu chí (Ciii): là là biểu trưng cho sự nổi bật về uy quyền của một đế chế phong kiến đã mất của Việt Nam vào thời kỳ hưng thịnh nhất của nó đầu thế kỷ 19; và tiêu chí (Civ): là một điển hình nổi bật của một kinh đô phong kiến phương Đông, gồm 16 hạng mục, trong đó đáng chú ý là hệ thống Cung điện trong tử cấm thành, Hoàng Thành, Kinh Thành, các lăng tẩm, đàn Nam Giao, Văn Miếu, Võ Miếu, Chùa Thiên Mụ, Hồ Quyền…
-    Thánh địa Mỹ Sơn: Hội nghị lần thứ 23 của Ủy ban di sản thế giới họp tại Marrakesh (Morocco) ngày 01/12/1999 đã công nhận Khu Thánh địa Mỹ Sơn là di sản văn hóa thế giới với tiêu chí (Cii): như là một ví dụ điển hình về trao đổi văn hóa; và tiêu chí (Ciii): như là bằng chứng duy nhất của một nền văn minh ở Châu Á đã biến mất.
-    Phố cổ Hội An: Hội nghị lần thứ 23 của Ủy ban di sản thế giới họp tại Marrakesh (Morocco) ngày 01/12/1999 đã công nhận Phố cổ Hội An là di sản văn hóa thế giới với tiêu chí (Cii): là minh chứng vật chất nổi bật về sự giao lưu giữa các nền văn hóa trong lịch sử; và tiêu chí (Cv): là một ví dụ ví dụ điển hình về truyền thống định cư của loài người.

B.    Di sản thiên nhiên:

-    Vịnh Hạ Long: Hội nghị lần thứ 18 của Ủy ban di sản thế giới tại Phuket (Thái Lan) ngày 17/12/1994 đã công nhận Vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên thế giới với tiêu chí (Niii): về giá trị cảnh quan. 02/12/2000, Vịnh Hạ Long tiếp tục được Ủy ban di sản thế giới công nhận lần thứ 2 tại Hội nghị lần thứ 24 của Ủy ban họp tại Queensland (Úc) với tiêu chí (Nii): về giá trị địa chất, địa chất địa mạo.
-    Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng: Hội nghị lần thứ 27 của Ủy ban di sản thế giới họp tại Paris (Pháp) ngày 03/07/2003, đã công nhận Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là di sản thiên nhiên thế giới với tiêu chí (Ni) là một minh chứng về quá trình hình thành và phát triển của vỏ trái đất (hệ núi đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng nằm trong vùng địa máng Trường Sơn tiêu biểu nhất cho hệ đá vôi Cacbon – Pecmi. Đây là một trong những vùng Karst cổ rộng lớn, bị chia cắt mạnh và phát triển liên tục, được hình thành trên 400 triệu năm).

2.    Di sản phi vật thể:

-    Nhã nhạc – Âm nhạc Cung đình Huế: Phong phú về nội dung tinh thần, Nhã nhạc – Âm nhạc cung đình Việt Nam là một loại hình âm nhạc thiêng liêng, chỉ dùng trong các đại lễ của triều đình, là một phương tiện giao tiếp và bày tỏ lòng tôn kính đến các bậc thần linh và đế vương, nó như một phương tiện để truyền đạt ý tưởng triết lý, cũng như những khía cạnh về nguồn gốc vũ trụ của con người Việt Nam. Nền âm nhạc bác học này là một trong 28 Kiệt tác đã được UNESCO công nhận là Di sản truyền khẩu và Phi vật thể của nhân loại vào ngày 07/11/2003. Tại hội nghị lần thứ 3 của Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 họp tại Istanbul tháng 11/2008, Nhã nhạc – Âm nhạc Cung đình Huế đã được UNESCO chuyển sang danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.
-    Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên: Trải rộng suốt 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên là một bằng chứng độc đáo của truyền thống văn hóa các dân tộc Tây Nguyên. Cồng chiêng là một loại hình sinh hoạt gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần và tín ngưỡng của con người. Âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên thể hiện trình độ điêu luyện của người chơi trong việc áp dụng kỹ năng đánh chiêng cũng như kỹ năng chế tác…Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên là một trong 43 Kiệt tác được UNESCO công nhận là Di sản truyền khẩu và Phi vật thể của nhân loại trong đợt công bố ngày 25/11/2005. Tại Hội nghị lần thứ 3 của Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 họp tại Istanbul tháng 11/2008, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây nguyên đã được UNESCO chuyển sang danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

III.    Những hồ sơ Việt Nam đã trình UNESCO đề nghị công nhận là di sản thế giới:

1.    Di sản vật thể:

-    Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội: Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là bộ phận quan trọng  nhất của Kinh thành Thăng Long – Kinh đô lớn của quốc gia Đại Việt từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 18. Ngày 25/09/2008, Việt Nam đã gửi bộ hồ sơ này tới UNESCO đề nghị công nhận là di sản văn hóa thế giới với 3 tiêu chí: tiêu chí (ii) thể hiện sự giao lưu quan trọng giữa các giá trị của nhân loại, trong một khoảng thời gian hoặc trong một vùng văn hóa của thế giới, về các bước phát triển trong kiến trúc hoặc công nghệ, nghệ thuật tạo hình, quy hoạch đô thị, thiết kế cảnh quan; tiêu chí (iii) là một bằng chứng độc đáo, hoặc một bằng chứng ngoại hạng về một truyền thống văn hóa hoặc một nền văn minh đang tồn tại hoặc đã mất; và tiêu chí (vi) có mối liên hệ trực tiếp với những sự kiện hay truyền thống còn hiện hữu trong cuộc sống hiện tại, với các tư tưởng hay tín ngưỡng, với các tác phẩm nghệ thuật và có giá trị nổi bật toàn cầu. Hiện nay bộ hồ sơ đang được bổ sung một số thông tin trước  ngày 01/02/2009 để UNESCO xem xét, đánh giá.
-    Vườn Quốc gia Cát Tiên: Vườn Quốc gia Cát Tiên nằm trên 3 tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước. Ngày 25/09/2008, Việt Nam đã gửi bộ hồ sơ này tới UNESCO đề nghị công nhận là di sản thiên nhiên thế giới với 3 tiêu chí: tiêu chí (vii) nơi chứa đựng những hiện tượng thiên nhiên siêu việt hay các khu vực có vẻ đẹp thiên nhiên khác thường và có tầm quan trọng về thẩm mỹ; tiêu chí (ix) nơi hội tụ những đặc trưng cho quá trình sinh thái, sinh học trong sự tiến hóa và phát triển của các hệ sinh thái trên mặt đất, trong nước ngọt và các quần thể động thực vật; và tiêu chí (x) là nơi chứa đựng các môi trường sống tự nhiên quan trọng và có ý nghĩa đối với việc bảo tồn tại chỗ đa dạng sinh học, nơi chứa đựng các loài bị đe dọa có giá trị nổi bật toàn cầu. Hiện nay bộ hồ sơ đang được UNESCO xem xét, đánh giá.

2.    Di sản phi vật thể:

-    Dân ca Quan họ Bắc Ninh: Quan họ là những làn điệu dân ca của vùng Đồng Bằng Bắc Bộ, tập trung chủ yếu ở Kinh Bắc, tức Bắc Ninh, Bắc Giang. Quan họ không chỉ là lối hát giao duyên giữa liền anh, liền chị, không chỉ là lối hát đối đáp, mà còn là hình thức giao lưu giữa các liền anh, liền chị và khán giả. Ngày 25/09/2008, Việt Nam đã gửi bộ hồ sơ “Hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh” tới UNESCO đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, và đã gửi các thông tin để bổ sung trước ngày 15/01/2009.
-    Ca trù: Ca trù hay hát ả đào là một bộ môn nghệ thuật truyền thống của miền Bắc Việt Nam kết hợp hát và một số thể loại nhạc cụ dân tộc. Ca trù thịnh hành từ thế kỷ 15, từng là một loại ca trong cung đình, được giới quý tộc và học giả yêu thích. Tuy nhiên ngày nay loại hình nghệ thuật này đang có nguy cơ bị lãng quên và biến mất. Hiện nay bộ hồ sơ “Hát Ca trù của người Việt” đang trong quá trình hoàn thiện để gửi tới UNESCO đề nghị ghi tên vào danh sách Di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Dự kiến ta sẽ gửi trước ngày 15/03/2009.

 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer