Hội nghị về Phối hợp hành động và Các Biện pháp xây dựng lòng tin
ở châu Á (CICA)
I. GIỚI THIỆU CHUNG
Ý tưởng thành lập Hội nghị về Phối hợp hành động và Các biện pháp xây dựng lòng tin ở Châu Á được Tổng thống Ca-dắc-xtan Na-da-bai-ép đề xuất ngày 5/10/1992 tại Khoá họp lần thứ 47 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (ngày này được chọn là Ngày CICA) với mục tiêu lập ra một Diễn đàn mở ở Châu Á nhằm giải quyết các vấn đề quan trọng trong khu vực và phát triển hợp tác giữa các nước thành viên. Tuy nhiên, đến năm 1999 Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao CICA lần đầu tiên mới được tổ chức và thông qua Tuyên bố về các nguyên tắc điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia thành viên CICA.
Mục tiêu hoạt động: Tăng cường hợp tác thông qua các phương thức tiếp cận đa phương nhằm thúc đẩy hoà bình, an ninh và ổn định ở Châu Á; Loại bỏ các mối đe doạ của chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức và biểu hiện; Đấu tranh chống sản xuất và buôn bán ma tuý; Tăng cường thương mại, hợp tác kinh tế vì sự thịnh vượng và ổn định ở Châu Á; Hợp tác giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường; Ngăn chặn sự phổ biến, tiến tới loại trừ vũ khí huỷ diệt hàng loạt; Phát triển các biện pháp giải quyết vấn đề nhân đạo; Đẩy mạnh sự hiểu biết, tôn trọng và khoan dung lẫn nhau giữa các nền văn minh; Tạo điều kiện áp dụng các biện pháp xây dựng lòng tin giữa các thành viên.
Các nguyên tắc cơ bản: Bình đẳng về chủ quyền và tôn trọng các quyền chủ quyền vốn có; Kiềm chế đe dọa hoặc sử dụng vũ lực; Toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia; Giải quyết hoà bình các tranh chấp; Không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia; Giải trừ và kiểm soát vũ khí; Hợp tác kinh tế, xã hội và văn hoá; Nhân quyền và các quyền tự do cơ bản.
Thành viên có 26 nước gồm Áp-ga-ni-xtan, Ai Cập, A-déc-bai-gian, Ba-ranh, Băng-la-đét, Cam-pu-chia, Trung Quốc, Ấn Độ, I-ran, I-rắc, I-xra-en, Gióc-đan-ni, Ca-dắc-xtan, Cư-rơ-gư-dơ-xtan, Mông Cổ, Pa-ki-xtan, Pa-le-xtin, Ca-ta, Hàn Quốc, Nga, Tát-gi-ki-xtan, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, U-dơ-bê-ki-xtan, Việt Nam). 8 nước quan sát viên gồm Bê-la-rút, In-đô-nê-xi-a, Nhật Bản, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Xri Lan-ca, U-crai-na, Hoa Kỳ. 4 tổ chức có quy chế quan sát viên là Liên Hợp Quốc, Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE), Liên đoàn Ả Rập, Hội đồng Nghị viện các nước nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ (TURKPA).
Các lĩnh vực hợp tác chính trong diễn đàn gồm: chính trị-an ninh, kinh tế, môi trường, những nguy cơ tiềm ẩn mới (khủng bố, rửa tiền, buôn người), hợp tác nhân đạo. Đây là diễn đàn liên chính phủ khu vực để đối thoại, tham vấn và thông qua các quyết định, biện pháp về các vấn đề an ninh ở Châu Á trên cơ sở đồng thuận.
Các nước từng giữ vai trò chủ tịch CICA: Ca-dắc-xtan (2002-2010), Thổ Nhĩ Kỳ (2010-2012; 2012-2014). Hiện Trung Quốc là nước chủ tịch CICA (2014-2016; 2016-2018).
II. CƠ CẤU TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG
1. Cơ cấu tổ chức:
- Cơ quan ra quyết định cao nhất của CICA là Hội nghị những người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ của CICA. Hội nghị Thượng đỉnh CICA họp định kỳ 4 năm/lần để tiến hành tham vấn, xem xét tiến trình phát triển và xác định các ưu tiên trong hoạt động của CICA thời gian tiếp theo.
- Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao họp 2 năm/lần. Đây là diễn đàn trung tâm nhằm tham vấn, xem xét mọi vấn đề liên quan đến hoạt động của CICA.
- Uỷ ban quan chức cao cấp (SOC) tổ chức họp ít nhất 1 lần/năm (thông thường 2 lần/năm), để tiến hành tham vấn về các vấn đề hiện tại của CICA, giám sát công việc của các nhóm làm việc đặc biệt và điều phối tổ chức các cuộc họp khác.
- Nhóm làm việc đặc biệt (SWG) nghiên cứu các vấn đề cụ thể, thực hiện các nhiệm vụ được giao và báo cáo lên Uỷ ban quan chức cao cấp.
- Ban thư ký thường trực của CICA có trụ sở tại A-xta-na, Ca-dắc-xtan. Đứng đầu Ban Thư ký là Giám đốc điều hành (do nước Chủ tịch chỉ định).
2. Cơ chế hoạt động:
- Các quyết định và khuyến nghị của CICA ở mọi cấp được thông qua dựa trên nguyên tắc đồng thuận. Nguyên tắc đồng thuận được hiểu là không có bất kỳ quốc gia thành viên nào phản đối trong quá trình thông qua quyết định và khuyến nghị với sự có mặt của ít nhất 2/3 số nước thành viên.
- Ngôn ngữ làm việc: Tiếng Anh, tiếng Nga
- Ngôn ngữ sử dụng trong các văn kiện chính thức: tiếng Anh
3. Tài chính:
Các quốc gia thành viên đóng góp trên tinh thần tự nguyện vào Quỹ hoạt động của Ban thư ký. Nguồn đóng góp chủ yếu từ các nước lớn, có vai trò trong CICA như Ca-dắc-xtan, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, I-ran, Trung Quốc, Nga....
4. Một số hoạt động chính của Diễn đàn CICA trong thời gian qua
- Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ I (tháng 9/1999): Thông qua Tuyên bố về các nguyên tắc điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia thành viên CICA.
- Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ nhất (tháng 6/2002): Thông qua Định ước An-ma A-ta, được coi là Hiến chương của CICA. Như vậy, sau 10 năm kể từ khi sáng kiến được thông qua, CICA trở thành một diễn đàn đầy đủ.
- Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ hai (tháng 10/2004)
- Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ hai (tháng 6/2006)
- Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ ba (tháng 8/2008) với các nội dung chính: (i) CICA kết nạp thêm 2 thành viên mới là Gióc-đa-ni và Các tiểu vương quốc Ả-rập, Qua-ta trở thành quan sát viên; (ii) Dự thảo Quy ước về Năng lực pháp lý của Ban thư ký CICA, nhân sự và các đặc quyền miễn trừ ngoại giao
- Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ ba (tháng 6/2010) tại Thổ Nhĩ Kỳ: (i) Kết nạp thêm 2 thành viên mới là I-rắc và Việt Nam. Băng-la-đét trở thành quan sát viên; (ii) Thông qua tuyên bố về phương thức tiếp cận hợp tác xây dựng trong phối hợp và bảo đảm an ninh tại Châu Á và Hiệp định về quyền ưu đãi, miễn trừ của Ban Thư ký, nhân viên, đại diện các nước thành viên CICA.
- Hội nghị không chính thức lần I cấp Bộ trưởng Ngoại giao CICA tổ chức bên lề ĐHĐ LHQ khóa 66 (New York, 9/2011).
- Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ tư (tháng 9/2012) tại Ca-dắc-xtan.
- Hội nghị không chính thức lần II cấp Bộ trưởng Ngoại giao CICA tổ chức bên lề ĐHĐ LHQ khóa 68 (New York, 9/2013).
- Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ tư (tháng 5/2014) tại Thượng Hải, Trung Quốc. Kết nạp thêm Ca-ta, Băng-la-đét.
- Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ năm (tháng 4/2016) tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
III. SỰ THAM GIA CỦA VIỆT NAM TẠI CICA
Việt Nam tham gia CICA nhằm tạo thêm kênh đối thoại tiếp xúc, thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại với các nước Trung Á và Trung Cận Đông. Một số hoạt động chính của Việt Nam tại CICA:
- Từ năm 1993 Việt Nam tham gia Diễn đàn này với tư cách khách mời và sau đó là quan sát viên.
- Trong chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đến Ca-dắc-xtan tháng 9/2009, Việt Nam tuyên bố xin gia nhập chính thức CICA.
- Ngày 14/10/2009, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm đã có thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao Ca-dắc-xtan (nước Chủ tịch CICA) đề nghị kết nạp Việt Nam là thành viên chính thức.
- Cuộc họp Uỷ ban quan chức cao cấp diễn ra vào tháng 1/2010 đã phê chuẩn Việt Nam chính thức gia nhập CICA tại Hội nghị Thượng đỉnh lần 3 tại Thổ Nhĩ Kỳ.
- Ngày 7-9/6/2010, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tham dự Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 3 tại Thổ Nhĩ Kỳ với chủ đề chính là "Tạo cách tiếp cận tập thể về an ninh tại Châu Á”.
- Tháng 9/2011, Phái đoàn Việt Nam tại New York đã tham dự Cuộc họp không chính thức lần I cấp Bộ trưởng Ngoại giao CICA tổ chức bên lề ĐHĐ LHQ khóa 66.
- Tháng 9/2012, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao CICA lần thứ 4 và Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập CICA tại Ca-dắc-xtan.
- Tháng 9/2013, Phái đoàn Việt Nam tại New York đã tham dự Cuộc họp không chính thức lần II cấp Bộ trưởng Ngoại giao CICA tổ chức bên lề ĐHĐ LHQ khóa 68.
- Từ 20 – 21/5/2014, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ tư tổ chức tại Thượng Hải, Trung Quốc.
- Ngày 28/4/2016, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Đình Quý dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham gia Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao CICA lần thứ 5 tại Bắc Kinh, Trung Quốc./.
|