Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Ngoại giao đa phương - khẳng định thế và lực của đất nước
Ủy viên Trung ương Đảng
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
Chúng ta đang bước vào mùa Xuân mới Nhâm Thìn, với khí thế và quyết tâm mạnh mẽ triển khai thắng lợi đường lối đối ngoại mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra. Nhìn lại chặng đường đã qua, Xuân mới năm nay đánh dấu đúng 25 năm đất nước tiến hành công cuộc Đổi mới và 5 năm nước ta chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), một dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập và phát triển của đất nước nói chung và sự trưởng thành vượt bậc của ngoại giao đa phương Việt Nam nói riêng. Với nhiều dấu ấn chúng ta đã để lại trong lòng bạn bè quốc tế khắp năm châu, ngoại giao đa phương đã cùng với ngoại giao song phương và các “thế trận” của ngoại giao toàn diện góp phần quan trọng vào việc giữ vững môi trường hòa bình, tranh thủ các điều kiện quốc tế thuận lợi để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, bảo vệ vững chắc, độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, không ngừng nâng cao vị thế đất nước.
Có thể nói rằng, trong những năm qua, tình hình thế giới và khu vực có những chuyển biến hết sức nhanh chóng và sâu sắc. Cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu đã thúc đẩy nhiều đổi thay trong các mối quan hệ, hợp tác ở các khu vực và trên toàn cầu, với sự vươn lên mạnh mẽ của các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi. Bên cạnh những vấn đề an ninh truyền thống về chiến tranh và hoà bình, lãnh thổ và biên giới..., những vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, tội phạm xuyên quốc gia, dịch bệnh, thiên tai... diễn biến ngày càng phức tạp, với quy mô, mức độ ảnh hưởng sâu rộng và nằm ngoài khả năng giải quyết của bất kỳ quốc gia, khu vực đơn lẻ nào. Quá trình toàn cầu hóa cũng đang tiếp tục gia tăng sự tuỳ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia. Vì vậy, hơn bao giờ hết, ngoại giao đa phương tại các cơ chế, diễn đàn hợp tác khu vực, liên khu vực cũng như toàn cầu ngày càng được đề cao và coi trọng. Chính thông qua các cơ chế, diễn đàn đa phương này, các quốc gia, đặc biệt là các nước vừa và nhỏ, đều muốn tạo dựng một thế trận ngoại giao hữu hiệu bảo vệ lợi ích quốc gia, nâng cao hình ảnh và vai trò trên trường quốc tế trong tình hình mới, đồng thời phối hợp hành động và điều phối nguồn lực để cùng ứng phó hiệu quả với những thách thức toàn cầu hiện nay.
Nắm bắt được những xu thế trên và đặc biệt là phát huy truyền thống của nền ngoại giao Việt Nam qua các thời kỳ dựng nước, giữ nước và tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, chúng ta đã chủ động, tích cực đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao đa phương để thực sự trở thành một đòn bẩy sắc bén trong triển khai đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, phát huy sức mạnh tổng hợp của các mặt trận đối ngoại, và đã gặt hái được nhiều kết quả đáng tự hào.
Trước hết, ngoại giao đa phương đã góp phần quan trọng vào nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế, thông qua việc chúng ta đã có những đóng góp tích cực, hiệu quả và đảm nhiệm thành công nhiều vai trò chủ chốt tại các diễn đàn đa phương ở mọi cấp độ. Mặt trận ngoại giao đa phương 5 năm qua được khởi đầu với việc nước ta chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào tháng 1/2007 sau 11 năm đàm phán liên tục và bền bỉ, khẳng định vị thế của đất nước với việc tham gia đầy đủ các sân chơi đa phương lớn nhất trên toàn cầu. Với việc gia nhập WTO, chúng ta đã hoàn thành một chặng đường của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, từ song phương, khu vực đến liên khu vực và toàn cầu, đồng thời khẳng định thành công của công cuộc Đổi mới và phát triển kinh tế trong nước mà chúng ta đã nỗ lực triển khai.
Một thành tựu nổi bật đánh dấu sự trưởng thành của ngoại giao đa phương Việt Nam là, lần đầu tiên trong lịch sử đối ngoại, chúng ta đã được quốc tế tín nhiệm bầu với số phiếu cao gần như tuyệt đối và đã đảm nhiệm thành công vai trò uỷ viên không thường trực nhiệm kỳ 2008-2009 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Chúng ta đã có đóng góp, tiếng nói trong tất cả những vấn đề quan trọng của Liên hợp quốc - tổ chức đa phương toàn cầu được hình thành từ 1945 với các cơ sở pháp lý và được thừa nhận rộng rãi nhất. Việc đảm nhiệm xuất sắc vai trò ủy viên của cơ quan quan trọng nhất của Liên hợp quốc về hòa bình và an ninh quốc tế này đã thể hiện một cách toàn diện sự đúng đắn của đường lối đối ngoại Việt Nam, khẳng định sinh động vị thế quốc tế của đất nước trên phạm vi toàn cầu.
Ở khu vực, với vai trò Chủ tịch Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong năm 2010, chúng ta đã đi đầu đề xuất hợp tác ASEAN đi vào trọng tâm “Hướng tới Cộng đồng ASEAN: từ Tầm nhìn đến Hành động”, nhằm thúc đẩy hợp tác theo hướng thực chất, tạo chuyển biến trong liên kết khu vực, cùng hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Cộng đồng vào năm 2015. Bạn bè quốc tế, khu vực luôn đánh giá cao những dấu ấn hợp tác mang tên Việt Nam, đặc biệt là quyết định kết nạp Nga và Hoa Kỳ tham gia Cấp cao Đông Á (EAS), nâng cấp quan hệ ASEAN với Hàn Quốc thành đối tác chiến lược, hướng quan hệ ASEAN - Hoa Kỳ tới tầm đối tác chiến lược, cũng như việc tổ chức thành công số lượng lớn nhất các Cấp cao của ASEAN với các Đối tác. Năm 2010 còn đánh dấu việc lập thêm diễn đàn Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) với Hội nghị ADMM+ đầu tiên tại Việt Nam. Thành công của năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN đã nâng cao rõ rệt hình ảnh, uy tín của ASEAN trong bạn bè quốc tế, qua đó khẳng định tầm vóc và vị thế của nước ta ở khu vực và trên trường quốc tế.
Bên cạnh những thành tựu kể trên, chúng ta cũng đẩy mạnh và tham gia ngày càng thực chất, hiệu quả tại các tổ chức, diễn đàn hợp tác liên khu vực và khu vực như Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS), Diễn đàn Hợp tác Á – Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Diễn đàn Hợp tác Đông Á – Mỹ La tinh (FEALAC), các cơ chế hợp tác Tiểu vùng Mê Công, ACMECS, Hành lang Đông Tây..., khẳng định chỗ đứng vững chắc của đất nước tại các cơ chế hợp tác quốc tế ở mọi cấp độ.
Hai là, ngoại giao đa phương đã phát huy vai trò là đòn bẩy góp phần tranh thủ nguồn lực quốc tế, nhằm tăng cường tiềm lực đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Ngay từ những ngày đầu lập nước, ngoại giao đa phương đã được Đảng và Nhà nước coi trọng như một mũi tiến công sắc bén trên mặt trận đấu tranh vì độc lập dân tộc. Ngoại giao song phương cùng ngoại giao đa phương Việt Nam đã góp phần quan trọng gắn kết cách mạng Việt Nam với các phong trào cảnh tả, các phong trào độc lập dân tộc lúc đó đang bùng lên mạnh mẽ ở Á-Phi-Mỹ la tinh, qua đó kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại phục vụ cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước. Những thắng lợi lịch sử của mặt trận ngoại giao tại các Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 và Hội nghị Pa-ri năm 1971-1973 đã góp phần thúc đẩy và gắn kết hài hòa với những thắng lợi ròn rã trên mặt trận quân sự, để đưa đất nước tới thắng lợi cuối cùng, giành độc lập, giải phóng dân tộc.
Trong công cuộc Đổi mới hiện nay, ngoại giao đa phương tiếp tục được chúng ta vận dụng hiệu quả để tăng cường sức mạnh trong nước, nâng cao nội lực, gắn kết nội lực với ngoại lực nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp. Đây chính là sự phát huy khéo léo bài học đáng quý của nền ngoại giao Việt Nam về kết hợp sức mạnh của dân tộc và sức mạnh của thời đại.
Gia nhập WTO có thể nói là một trong những bước đi quan trọng nhất để tăng cường tiềm lực cho đất nước trong thời kỳ mới. Nền kinh tế nước ta được tiếp cận bình đẳng với thị trường rộng lớn của hơn 150 nước thành viên, xuất khẩu của ta liên tục tăng, giai đoạn 2007-2008 tăng 29,5% (62,5 tỷ USD năm 2008), 2009-2010 tăng 25,5% (71,6 tỷ USD, 2010). Cùng với xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài FDI tăng mạnh mẽ sau khi gia nhập WTO với số vốn đăng ký lần lượt đạt: 21 tỷ USD năm 2007; 64 tỷ USD năm 2008; 21,3 tỷ USD năm 2009; 18,6 tỷ USD năm 2010 và dự kiến đạt khoảng 20 tỷ USD năm 2011 (chỉ riêng giai đoạn 2007-2009, tổng vốn FDI đạt bằng 1,3 lần tổng vốn của tất cả các năm trước đó cộng lại. Số vốn thực hiện cũng đạt tỷ lệ cao, năm 2010 đạt 11 tỷ USD. Nhờ môi trường thuận lợi, cơ cấu kinh tế bắt đầu chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá với tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ ngày càng tăng và tỷ trọng nông lâm nghiệp giảm dần.
Vừa qua, các diễn đàn, hội nghị đa phương đã thực sự là cơ hội để chúng ta góp phần đưa các mối quan hệ song phương với nhiều đối tác đi vào chiều sâu, với các cuộc gặp gỡ, trao đổi thực chất của Lãnh đạo Cấp cao, ký kết các thoả thuận hợp tác, tăng cường tin cậy, hữu nghị và hợp tác với đông đảo bạn bè quốc tế. Sự hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương cũng chính là những bước triển khai hiệu quả các khuôn khổ hợp tác song phương đã được thiết lập. Chỉ riêng tại Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 8 tại Vương quốc Bỉ tháng 10/2010, chúng ta đã ký Hiệp định khung về đối tác và hợp tác toàn diện với Liên minh châu Âu (EU) và khởi động đàm phán Hiệp định mậu dịch tự do song phương, tạo ra nền tảng và định hướng lâu dài cho hợp tác toàn diện giữa nước ta với EU. Cũng trong dịp đó, chúng ta cũng đã ký kết Thỏa thuận đối tác chiến lược về ứng phó biến đổi khí hậu và quản lý nguồn nước với Hà Lan, nâng tầm quan hệ hai nước và tập trung vào hợp tác trong lĩnh vực có lợi ích thiết thân, dài hạn. Tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 19 tại Hoa Kỳ tháng 11/2011, ta và Chi-lê đã ký kết Hiệp định thương mại tự do song phương, tạo cơ sở cho hợp tác dài hạn hai nước trong lĩnh vực kinh tế, thương mại. Sự ủng hộ mạnh mẽ của chúng ta đối với bạn bè và các đối tác tại các cơ chế hợp tác đa phương từ Liên Hợp Quốc, WTO, UNESCO, đến ASEAN, EAS, APEC, ASEM... và các hợp tác tiểu vùng đã góp phần tăng cường sự tin cậy với các đối tác. Mới đây, chúng ta đã đi đầu với nhiều đề xuất ủng hộ Nga, Ốt-xtrây-li-a và Niu Di-lân trong việc gia nhập ASEM, và Nga cùng Hoa Kỳ tham gia Cấp cao Đông Á.
Ta cũng tận dụng được sự hỗ trợ, ủng hộ của các tổ chức quốc tế phục vụ các ưu tiên, quan tâm lớn của nước ta, đặc biệt là những yêu cầu mới về phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xoá đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng cường kết nối, an ninh nguồn nước... Là nước hạ lưu Mê Công, vấn đề phát triển tiểu vùng, bảo vệ nguồn nước theo hướng phát triển bền vững, vì lợi ích của các nước bên sông có ý nghĩa hết sức hệ trọng đối với đất nước. Thông qua các cơ chế khu vực và tiểu vùng, chúng ta đã có thêm điều kiện để tăng cường tiếng nói trong những vấn đề này, đẩy mạnh hợp tác phát triển tiểu vùng. Qua tất cả các hoạt động đó, các tổ chức quốc tế, khu vực và các đối tác luôn bày tỏ sự ủng hộ nhiệt thành và khẳng định hỗ trợ đối với công cuộc Đổi mới và tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Ba là, ngoại giao đa phương đã giúp chúng ta triển khai hiệu quả chủ trương đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, là thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Ngoại giao đa phương đã chứng tỏ tiềm năng đóng góp cũng như khả năng xử lý của Việt Nam trong các vấn đề phức tạp của quốc tế, đóng góp vào việc giữ gìn hòa bình, an ninh quốc tế, chia sẻ những giá trị chung của nhân loại, tham gia vào giải quyết những thách thức toàn cầu đang nổi lên ngày càng mạnh mẽ. Chúng ta đã tích cực cùng các nước bạn bè đấu tranh bảo vệ các vấn đề an ninh toàn cầu như giải trừ vũ khí huỷ diệt hàng loạt, ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế, cải tổ Liên hợp quốc, đề cao vai trò của chủ nghĩa đa phương, luật pháp quốc tế cũng như bảo vệ lợi ích và chính nghĩa của các quốc gia trong các vấn đề dân chủ, nhân quyền. Đặc biệt, khi là uỷ viên không thường trực nhiệm kỳ 2008-2009 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, chúng ta đã tham gia xử lý một lượng công việc đồ sộ một cách nhanh chóng và chính xác, đóng góp vào việc giữ gìn hòa bình, an ninh quốc tế.
Trong suốt quá trình tham gia ASEAN 15 năm qua, cũng như trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2010, Việt Nam luôn là nước tích cực cùng ASEAN xây dựng và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử ở khu vực, góp phần xây dựng lòng tin, thúc đẩy đối thoại, vì hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác vì phát triển. Ta cũng góp phần tích cực cùng các nước ASEAN thúc đẩy và phát huy tác dụng của các công cụ và cơ chế hợp tác chính trị-an ninh ở khu vực như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC)...Chúng ta cũng nỗ lực, cùng các nước ASEAN mở rộng quan hệ của ASEAN với các đối tác, trong đó giữ vững và phát huy vai trò chủ đạo của ASEAN. Với tư cách nước Điều phối quan hệ đối thoại ASEAN-Trung Quốc (2009-2012), Việt Nam đã phối hợp hiệu quả với các nước ASEAN và Trung Quốc đóng góp thiết thực vào tăng cường hơn nữa Quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc, triển khai thành công một loạt các hoạt động quan trọng kỷ niệm 20 năm quan hệ đối thoại ASEAN-Trung Quốc (1991-2011).
Chúng ta cũng đã đưa ra nhiều đề xuất, sáng kiến tăng cường hợp tác thiết thực trong APEC, ASEM, ACMECS, EAS, WEF, ...về liên kết và trong các vấn đề quốc tế, khu vựccùng quan tâm. Nổi bật là các sáng kiến của Việt Nam về ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, an ninh năng lượng, tăng trưởng xanh, lao động và việc làm, kết nối khu vực… Sự tham gia và đóng góp của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam là một thành viên chủ động, tích cực của cộng đồng quốc tế.
Bốn là, thông qua các hoạt động ngoại giao đa phương, chúng ta đã khẳng định với bạn bè khắp năm châu về hình ảnh một dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình, văn hiến, một đất nước Việt Nam đổi mới, năng động và không ngừng phát triển. Trở thành thành viên của các cơ chế hợp tác đa phương, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại như WTO, APEC, ASEAN và các Hiệp định mậu dịch tự do giữa ASEAN với các đối tác, chúng ta phải thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các cam kết, từ mở cửa thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, đến cải cách cơ cấu, tăng cường hợp tác trong các chính sách quản lý, những vấn đề an sinh xã hội, công ăn việc làm.... Việc thực hiện các cam kết này là những minh chứng rõ nét nhất về quá trình đổi mới, khả năng sẵn sàng thích ứng và sự năng động của nền kinh tế Việt Nam. Tổng Giám đốc WTO Pasca Lamy đã đánh giá “sự cải cách kinh tế và thay đổi chính sách của Việt Nam kể từ khi bắt đầu Đổi mới đã được cả cộng đồng WTO công nhận”, “Việt Nam hiện là ngôi sao đang lên trong khu vực”.
Cùng với đó, Việt Nam đã được chọn là nơi tổ chức đăng cai nhiều sự kiện đa phương quan trọng tăng cường hữu nghị và hợp tác quốc tế, phát huy thế trận ngoại giao “đa binh chủng”, trong đó có Đại hội đồng liên Nghị viện ASEAN lần thứ 31 (2010), Đại lễ Phật Đản Liên hợp quốc (2008), Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Đông Á lần thứ 19 (2010), Đại hội UNESCO thế giới lần thứ 8 (2011)…
Trong những năm gần đây, bạn bè quốc tế tiếp tục luôn bình chọn nhiều di tích lịch sử, di sản văn hóa của Việt Nam, tiêu biểu là khu Trung tâm Hoàng Thành – Thăng Long Hà Nội, Thành nhà Hồ, Vườn Quốc gia Cát Tiên,…Hội Gióng, hát xoan, hát ca trù, quan họ Bắc Ninh…, không chỉ ghi nhận những bước tiến của ngoại giao văn hóa tại các diễn đàn đa phương, mà còn thể hiện tình cảm của bạn bè quốc tế đối với một đất nước Việt Nam cởi mở, năng động, giàu lòng mến khách, đậm đà bản sắc dân tộc và có bề dày hàng ngàn năm lịch sử.
Với những kết quả đáng khích lệ về phát triển kinh tế - xã hội mà đất nước ta đã đạt được trong năm 2011, những thành tựu to lớn của công tác đối ngoại trong 5 năm qua, chúng ta đang bước vào một mùa Xuân mới với tràn đầy niềm tin và hy vọng. Với ngành ngoại giao, đây sẽ làm năm toàn ngành tiếp tục quyết tâm mạnh mẽ, cùng các cấp, các ngành, các địa phương triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XI về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện. Trong bối cảnh tình hình thế giới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới phục hồi khó khăn, để triển khai thắng lợi những chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, hơn bao giờ hết, sự tham gia, vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, với sự ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân, là nhân tố then chốt, bảo đảm thành công của thế trận đa phương, “đa binh chủng” trong giai đoạn chiến lược mới của đất nước./.
Back Top page Print Email |