Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Áchentina ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO


Hà Nội (TTXVN) - Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Áchentina hai ngày (22 và 23/11), Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Nestor Kirchner, tập trung thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

Chủ tịch Trần Đức Lương cảm ơn Chính phủ và nhân dân Áchentina về những tình cảm đoàn kết, hữu nghị và sự ủng hộ dành cho nhân dân Việt Nam từ trước tới nay mà minh chứng là nhân dịp chuyến thăm này, Áchentina đã thúc đẩy kết thúc đàm phán song phương về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Tổng thống Nestor Kirchner cho rằng chuyến thăm chính thức Áchentina lần đầu tiên của nguyên thủ quốc gia Việt Nam có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu bước phát triển mới quan trọng trong mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, góp phần thúc đẩy mối quan hệ này phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

Tổng thống bày tỏ ngưỡng mộ lịch sử đấu tranh anh hùng vì độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam trước đây và những thành tựu to lớn mà Việt Nam đạt được trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày nay; khẳng định Áchentina coi trọng quan hệ với Việt Nam, sẽ tiếp tục làm nhiều hơn nữa để tăng cường và mở rộng hơn nữa mối quan hệ đó.

Chia sẻ đánh giá quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai nước đang gia tăng nhưng vẫn còn ở mức khiêm tốn so với tiềm năng và nhu cầu của mỗi nước, hai bên đạt được sự nhất trí về việc nỗ lực phối hợp để đưa mối quan hệ lên ngang tầm với mối quan hệ chính trị-ngoại giao truyền thống tốt đẹp, nhằm góp phần phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển của mỗi nước. Hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, thủy điện, trồng trọt và chăn nuôi, cũng như các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, du lịch cũng sẽ được chú trọng thúc đẩy.

Thảo luận về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, hai nguyên thủ khẳng định hai nước sẽ đẩy mạnh hợp tác và phối hợp hoạt động chặt chẽ tại các diễn đàn và tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc và góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai khu vực. Tổng thống Kirchner khẳng định Áchentina hoàn toàn ủng hộ Việt Nam sớm gia nhập WTO và ứng cử làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khóa 2008-2009.

Nhân dịp này, hai bên đã ra Tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh rằng việc ký kết nhiều hiệp định và thoả thuận hợp tác trong những năm gần đây, cũng như việc trao đổi thường xuyên các chuyến thăm giữa các quan chức Chính phủ, là minh chứng cho mối quan hệ song phương vững mạnh.

Thừa nhận sự mất cân bằng về chính trị và kinh tế quốc tế của tiến trình toàn cầu hoá, hai nguyên thủ nêu bật sự cần thiết phải tạo ra những điều kiện tốt nhất để hai nước hội nhập vào tiến trình này, đồng thời khẳng định lại cam kết xây dựng một trật tự thế giới công bằng và bình đẳng hơn. Hai bên nhất trí tăng cường quan hệ đối tác giữa hai nước cũng như sự hợp tác với các nước khác nhằm đối phó với những thách thức mới của toàn cầu hoá, hiểm hoạ của chủ nghĩa khủng bố quốc tế và các thách thức đối với hệ thống quốc tế.

Hai bên nhất trí cho rằng Liên Hợp Quốc cần đóng vai trò trung tâm trên trường quốc tế, khẳng định lại sự ủng hộ của Chính phủ hai nước đối với việc tăng cường và đổi mới Liên Hợp Quốc để tổ chức này có thể hoạt động hiệu quả vì hoà bình và an ninh quốc tế, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và xoá đói giảm nghèo. Hai bên cho rằng Liên Hợp Quốc cần tiếp tục thích ứng với bối cảnh quốc tế mới nhằm đối phó với những thách thức mới một cách hiệu quả. Hai bên bày tỏ mong muốn phối hợp hoạt động nhằm đạt được sự cải tổ toàn diện tổ chức này, trong khi luôn ý thức được sự cần thiết phải đảm bảo rằng kết quả của tiến trình này sẽ phản ánh và đáp ứng được các quan điểm, các mối quan tâm và các lợi ích đa dạng của tất cả các quốc gia thành viên.

Hai nguyên thủ bày tỏ tin tưởng vững chắc vào sự cần thiết phải ủng hộ một hệ thống quốc tế nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người cũng như ủng hộ những việc làm cụ thể của các cơ quan Liên Hợp Quốc trong vấn đề này. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác giữa các quốc gia tại các cơ quan thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền quốc tế.

Hai bên cho rằng chủ nghĩa khủng bố là mối đe doạ đối với hoà bình và an ninh quốc tế, nhất trí cộng đồng quốc tế cần nỗ lực hơn nữa nhằm ngăn chặn và loại bỏ hiểm hoạ này, trên cơ sở tuyệt đối tôn trọng luật pháp quốc tế, luật nhân đạo quốc tế, nhân quyền, mục đích và tôn chỉ của Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Hai nguyên thủ nhấn mạnh vai trò của Diễn đàn Hợp tác Đông Á-Mỹ Latinh (FEALAC) trong việc đưa hai khu vực xích lại gần nhau, thúc đẩy hoà bình và tăng cường hợp tác quốc tế; bày tỏ hài lòng với những tiến bộ đã đạt được kể từ khi Diễn đàn này được thành lập và khẳng định lại sự ủng hộ mạnh mẽ đối với tương lai của Diễn đàn; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của Cuộc họp lần thứ 3 Nhóm Công tác về Kinh tế-Xã hội được tổ chức tại Buênốt Airết từ 23-25/11/04 để thúc đẩy hợp tác thương mại và liên kết giữa các khu vực kinh doanh của Đông Á và Mỹ Latinh.

Hai nguyên thủ khẳng định lại mong muốn chung phát triển quan hệ giữa hai nước, đẩy mạnh hợp tác trên trường quốc tế và nhấn mạnh tầm quan trọng của Cơ chế Tham khảo Chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao được thiết lập năm 1996 nhằm trao đổi quan điểm về các vấn đề trong nước, khu vực và thế giới.

Hai nguyên thủ bày tỏ sự hài lòng về những tiến bộ đạt được trong khuôn khổ Hiệp định Hợp tác Khoa học-Công nghệ và cho rằng sự hợp tác trong lĩnh vực khoa học-công nghệ là động lực cho mối quan hệ hợp tác song phương. Hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác Nghiên cứu và Phát triển trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hoà bình và các lĩnh vực khác. Trong khuôn khổ này, hai nguyên thủ đã kiểm điểm lại sự hợp tác song phương trong lĩnh vực sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hoà bình và nhất trí cần khuyến khích hơn nữa mối quan hệ hợp tác này. Hai Nguyên thủ khẳng định lại cam kết của mỗi nước đối với việc không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân.

Hai nguyên thủ bày tỏ hài lòng về việc kết thúc đàm phán song phương trong khuôn khổ Việt
Nam gia nhập WTO. Thoả thuận này tạo điều kiện để Việt Nam tham gia vào hệ thống thương mại quốc tế đa phương, mở ra triển vọng bảo đảm sự ổn định và gia tăng trong quan hệ thương mại giữa hai nước.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Các tin liên quan:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer