Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thursday, ngày 26 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Đại sứ Hung-ga-ri tại Việt Nam trả lời phỏng vấn TTXVN


Hà Nội (TTXVN) - Nhân kỷ niệm lần thứ 55 ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hungary (3/2), Đại sứ nước Cộng hoà Hungary tại Việt Nam đã dành cho phóng viên TTXVN cuộc phỏng vấn. Dưới đây là toàn văn bài phỏng vấn:

Câu hỏi 1: Xin ngài Đại sứ đánh giá về quan hệ Việt Nam-Hungary trước đây cũng như hiện nay?

Trả lời: Tôi xin cảm ơn về cơ hội được bày tỏ vài suy nghĩ của mình về các mối quan hệ Hungary – Việt Nam nói chung và về việc kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước chúng ta nói riêng.

Nước Cộng hòa Nhân dân Hungary được thành lập năm 1949 – cũng như các nước xã hội chủ nghĩa khác được thành lập lúc bấy giờ – trong vài tháng sau đó đã thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – một quốc gia mà từ vài năm trước đó đã phải đương đầu với cuộc chiến tranh vì nền độc lập dân tộc của mình và với việc thiết lập quan hệ ngoại giao này, Hungary đã đặt nền móng cho các mối quan hệ nhiều mặt giữa hai nước, đồng thời tạo cơ sở cho sự hiện diện chính trị – ngoại giao của mình trong khu vực này của Châu Á.

Các mối quan hệ Hungary – Việt Nam vượt xa những chuẩn mực quốc tế thông thường giữa các quốc gia, trên cơ sở những giá trị chính trị, tư tưởng và đạo đức đã được cùng xác định trong thời kỳ đó, tình đoàn kết, sự thông cảm và hiểu biết về hoàn cảnh của nhau và trên cơ sở những lợi ích chung, đã không ngừng phát triển như một phần của các mối quan hệ quốc tế cực kỳ phức tạp, đóng góp tích cực cho lợi ích của cả hai nước, hai dân tộc Hungary và Việt Nam.

Có thể nói việc thiết lập quan hệ ngoại giao Hungary – Việt Nam cách đây 55 năm là phần không thể tách rời của những quá trình đã dẫn đến các mối quan hệ hiện nay giữa hai nước và những cơ hội mới của sự phát triển quan hệ hợp tác của chúng ta.

Nội dung của các mối quan hệ Hungary – Việt Nam trong bốn thập niên đầu được xác định bởi những quan điểm tư tưởng – chính trị, trong các mối quan hệ đó sự giúp đỡ từ một phía của Hungary là yếu tố đóng vai trò quyết định. Mức độ, các lĩnh vực chính và những hình thức của các mối quan hệ này được cùng xác định bởi những khả năng của Hungary và những nhu cầu của Việt Nam lúc đó. Việc Hungary giúp đào tạo nhiều ngàn người Việt Nam có một ý nghĩa to lớn mà tác động quan trọng của nó vẫn còn đó cho tới ngày nay. Sự giúp đỡ về quân sự và dân sự ủng hộ các cuộc đấu tranh vũ trang được Hungary đảm bảo liên tục trong suốt thời gian dài, cũng như sự giúp đỡ của chúng tôi để ổn định tình hình kinh tế và các điều kiện của cuộc sống sau khi Việt Nam thống nhất đất nước, tiếp đó là sự hợp tác nhằm phát triển kinh tế có một ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam.

Có thể nói rằng, ngay cả trong hoàn cảnh đã thay đổi hiện nay, xã hội Hungary vẫn coi sự ủng hộ của đất nước và nhân dân chúng tôi đối với các cuộc đấu tranh giành thắng lợi trong các cuộc chiến tranh và đối với sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam là những giá trị chính trị, đạo đức, đồng thời cũng không quên và biết ơn sự ủng hộ chính trị và tinh thần đã nhận được từ phía Việt Nam.

Sự tụt hậu về kinh tế và xã hội của Hungary so với trung tâm phát triển của châu Âu đã bắt đầu từ khoảng năm trăm năm về trước. Trong lịch sử của chúng tôi, hai trăm năm qua là lịch sử của những cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và lịch sử của những công cuộc đổi mới thành công lẫn bất thành để đạt được tiến bộ về kinh tế xã hội nhằm đẩy lùi sự tụt hậu này. Một nỗ lực mang tính lịch sử cuối cùng nhằm nhanh chóng đẩy lùi sự tụt hậu là xây dựng hệ thống chính trị – xã hội và kinh tế xã hội chủ nghĩa, một phần của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới. Hệ thống chính trị – xã hội và kinh tế này – tuy đã đảm bảo sự phát triển quan trọng và qua nhiều thập kỷ đã phục vụ tốt quá trình hiện đại hóa ở Hungary – về lâu dài, trong hoàn cảnh ở châu Âu và trong những điều kiện lịch sử đang thay đổi một cách nhanh chóng đã tỏ ra không có khả năng cạnh tranh. Xã hội Hungary như một kinh nghiệm lịch sử đã cảm nhận được thực tế này. Quá trình được gọi là sự thay đổi thể chế bắt đầu vào những năm 1989- 1990 tại đất nước chúng tôi là một cuộc thử nghiệm mới nhất của Hungary nhằm hội nhập thành công vào xu thế phát triển chính để hình thành những xã hội hiện đại không chỉ ở châu Âu mà còn rộng hơn nữa. Xã hội Hungary hiểu rằng việc gia nhập Liên minh châu Âu của Hungary, tự nó sẽ không thể đẩy lùi sự tụt hậu của chúng tôi. Bằng việc nâng cao hiệu quả nền kinh tế, tăng cường khả năng cạnh tranh, nâng cao uy tín đối ngoại của đất nước – với chiến lược phát triển chủ động, hoàn toàn có cơ sở tốt, chúng tôi có thể đảm bảo việc hội nhập Liên minh Châu Âu của mình.

Việc thay đổi thể chế ở Hungary là một phần của những thay đổi làm chuyển đổi thế giới giữa những năm 1989 – 2001. Trong quá trình đó, tình hình nội bộ, các điều kiện ngoại cảnh và các mối quan hệ quốc tế của tất cả các nước trên thế giới đã thay đổi một cách sâu sắc. Điều hiển nhiên là những tác động của những thay đổi này đã gây ra sự suy giảm quá độ của các mối quan hệ Hungary – Việt Nam. Tôi nghĩ rằng như kết quả của những nỗ lực chung, như sự thành công mang tính lịch sử của mình, chúng ta có thể hài lòng xác định: trong thời đại toàn cầu hóa kèm theo những thách thức mới, mặc cho những thay đổi đã diễn ra trong các điều kiện quốc tế và trong các mối quan hệ chính trị nội bộ của hai nước, các mối quan hệ Hungary – Việt Nam từng bước phát triển, đã trở thành các mối quan hệ truyền thống, đáp ứng được mọi mặt các tiêu chuẩn của thời đại, kể cả trên trường quốc tế, và đồng thời vẫn giữ được những yếu tố còn nguyên giá trị cho tới ngày nay. Tình hữu nghị bền chặt giữa nhân dân hai nước và sự phát triển quan hệ giữa hai nước chúng ta chứng minh một cách thuyết phục rằng sự khác biệt về hệ thống xã hội không phải là trở ngại của sự mở rộng liên tục các mối quan hệ do hai nước tôn trọng con đường phát triển mà mỗi bên đã lựa chọn và sẵn sàng cùng phấn đấu vì lợi ích của hòa bình và phát triển. Có thể nhắc tới những ví dụ minh chứng như: “Tuyên bố chung về việc phát triển quan hệ hợp tác giữa Cộng hòa Hungary và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và “Thỏa thuận Hợp tác Kinh tế”(cả hai văn kiện cơ bản này được ký kết trong chuyến thăm chính thức Hungary năm 2004 của Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đức Lương), cũng như việc Hungary như một nhà tài trợ chính thức đã tham gia vào chương trình hợp tác phát triển quốc tế (trong các hoạt động ODA của mình, Hungary coi Việt Nam là đối tác chiến lược). ý định kiên quyết của Cộng hòa Hungary là dựa trên những kết quả tốt đẹp đã đạt được trong quá trình phát triển các mối quan hệ song phương, tiếp tục tiến hành và tăng cường hợp tác giữa hai nước chúng ta trên tất cả các lĩnh vực trên cơ sở đôi bên cùng có lợi. Sự phát triển trên các lĩnh vực chính trị, xã hội và kinh tế giữa hai nước, cũng như hệ thống mới trong quan hệ quốc tế đang tạo ra những cơ hội mới để xây dựng một cách cân bằng, nhanh chóng và hiệu quả các mối quan hệ này.

Câu hỏi 2: Ngài có thể nói rõ hơn về những cơ hội cho sự phát triển quan hệ giữa hai nước chúng ta sau khi Hungary gia nhập Liên minh Châu Âu vào năm ngoái?

Trả lời: Việt Nam về mặt chính trị và kinh tế là quốc gia tầm trung trong khu vực, là đối tác quan trọng, ổn định và tin cậy đối với chúng tôi ở khu vực Đông Nam Á. Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực ngoại giao của Việt Nam nhằm tăng cường sự hợp tác giữa Châu Âu và Châu á. Hungary đã tham gia vào quá trình đối thoại giữa ASEAN và Liên minh Châu Âu. Đối với chúng tôi, vai trò của Việt Nam cũng được tăng cường thêm do Việt Nam ủng hộ việc xây dựng quan hệ của Hungary với khu vực Đông Nam Á.

Chính sách của Việt Nam coi Hungary là nước ổn định và phát triển nhanh ở khu vực Trung Âu. Việc gia nhập EU của Hungary trong năm 2004 đã mở ra những cơ hội hợp tác mới. Những cơ hội này không chỉ thúc đẩy sự phát triển các mối quan hệ song phương mà còn có thể tiếp tục củng cố thêm vị thế của Việt Nam ở châu Âu. Trong quan hệ giữa hai nước chúng ta có sự tin cậy chính trị lẫn nhau. Xã hội Hungary và Việt Nam đều cởi mở đối với nhau, quan hệ giữa người Hungary và Việt Nam là quan hệ mẫu mực. Với tư cách là thành viên của Liên minh châu Âu, chúng tôi đại diện cho hệ thống giá trị của Liên minh Châu Âu, đồng thời chúng tôi cũng sẵn sàng tìm hiểu sâu hơn nữa những giá trị và phương pháp tư duy của Châu á. Tôi cho rằng nhiều kinh nghiệm quý báu từ mối quan hệ 55 năm qua giữa hai nước không chỉ là tài sản chung của chúng ta, mà Hungary – cùng với những giá trị dân tộc của mình – có thể làm phong phú thêm Châu Âu với những kinh nghiệm này.

Đối với những khu vực dẫn đầu thế giới – trong đó có Liên minh Châu Âu đang mở rộng – Châu Á là đối tác chính trị, kinh tế có tầm quan trọng gia tăng. Chúng tôi tin rằng cùng với việc tăng cường hội nhập, tiếp tục mở cửa ra thế giới bên ngoài, giải quyết cơ bản các vấn đề hiện tại, Châu Á phồn vinh đang được hình thành.

Tất cả những điều nêu trên cùng với nhau là những điều kiện mới và truyền thống của sự phát triển các mối quan hệ Hungary – Việt Nam. Mặc dù Hungary mới trở thành thành viên của Liên minh Châu Âu chỉ cách đây có vài tháng, bên cạnh những mối quan hệ chính trị rất tốt đẹp của chúng ta, trong sự hợp tác giữa hai nước đã có nhiều yếu tố mới, quan trọng: mức thuế quan đối hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Hungary đã giảm 50%; trên lĩnh vực năng lượng đã có bước phát triển quan trọng trong việc chuẩn bị dự án đầu tư mới, quan trọng đầu tiên của Hungary tại Việt Nam; sự hợp tác đã mở rộng sang những lĩnh vực mới, như lĩnh vực công nghệ thông tin; những kinh nghiệm đầu tiên của sự hợp tác trong lĩnh vực ODA là rất tốt; nhịp độ tăng trưởng về việc trao đổi hàng hóa đạt mức khá, tuy nhiên vẫn có thể và cần phải nâng cao hơn nữa mức tăng trưởng này; các mối quan hệ hợp tác trên lĩnh vực giáo dục đang phát triển tốt.

Tôi nhận thấy rằng công việc chung của chúng ta là thực hiện những nhiệm vụ được đặt ra trong các mối quan hệ Hungary – Việt Nam mà hai bên cùng nhau xác định trong những dịp ở cấp cao nhất bằng sự hợp tác cụ thể, hằng ngày giữa chúng ta. Đó cũng là nhiệm vụ quan trọng nhất của Đại sứ quán nước Cộng hòa Hungary tại Hà Nội mà chúng tôi nỗ lực để thực hiện cho được.

Câu hỏi 3: Nhân dịp năm mới 2005, Ngài có thông điệp gì nhắn gửi tới nhân dân Việt Nam?

Trả lời: Trước hết, tôi vui mừng và hân hạnh chào mừng những sự kiện quan trọng, mang tính lịch sử được kỷ niệm trong năm 2005 tại Việt Nam. Nhân dịp năm mới, ở Hungary chúng tôi thường chúc nhau những điều tốt đẹp. Cho phép tôi, theo phong tục này xin được chúc nhân dân Việt Nam: sống trong hòa bình và bình yên; tiếp tục bảo vệ vững chắc lợi ích dân tộc của mình; mở cửa rộng hơn nữa, tìm và gặp được những người bạn mới, đồng thời tăng cường các mối quan hệ hợp tác truyền thống; phát triển kinh tế, và với việc này làm cho cuộc sống hạnh phúc hơn và làm giảm đi nỗi buồn của những người nghèo; và giới thiệu thành công với thế giới về những giá trị đáng trân trọng của riêng mình.

 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer